Trẻ 18 tháng tuổi: Chế độ dinh dưỡng và chăm sóc răng miệng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Hải - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Khi trẻ được 18 tháng tuổi, ngoài sữa và các loại súp, cháo thì trẻ đã bắt đầu có thể tham gia từng bước vào bữa ăn gia đình. Tuy nhiên, lựa chọn thực phẩm nào là thích hợp, an toàn và giàu dưỡng chất cho trẻ cũng như cách chăm sóc răng miệng cho bé 18 tháng tuổi như thế nào thì không phải cha mẹ nào cũng biết.

1. Yêu cầu về chế độ dinh dưỡng cần thiết của trẻ 18 tháng tuổi

Các chất dinh dưỡng mà trẻ 18 tháng tuổi cần thiết ở độ tuổi này là đa dạng và cân đối; trong đó, cần chú trọng những nhóm thực phẩm sau đây:

  • Sắt: Tiêu thụ các loại thực phẩm giàu chất sắt trong chế độ ăn uống để đảm bảo hệ thống miễn dịch của bé hoạt động bình thường. Đây bao gồm các loại rau như bông cải xanh, rau bina và cải xoăn thường xuyên trong các bữa ăn của trẻ.
  • Chất béo: Dù nhu cầu chất béo không còn cao như trước đây, trẻ vẫn cần được cung cấp đủ lượng chất béo phù hợp hàng ngày. Một phần bơ, một nửa thìa dầu ăn hay cốc sữa tươi nguyên kem là cách tốt để thực hiện điều này.
  • Protein: Protein là một chất dinh dưỡng thiết yếu cho sự tăng trưởng toàn thể trong năm phát triển thể chất thứ hai của trẻ, không chỉ của cơ bắp mà còn quan trọng đối với sức khỏe của làn da, tóc, móng và xương khớp. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng trẻ luôn được ăn các loại thực phẩm giàu protein trong các bữa ăn chính và phụ. Một số thực phẩm giàu protein mà cha mẹ có thể cung cấp cho trẻ mới biết đi là sữa, các sản phẩm sữa, trứng, thịt, các loại hạt, đậu,...
  • Canxi: Canxi rất quan trọng cho sự phát triển của răng và xương. Một số nguồn canxi tốt bao gồm các sản phẩm từ sữa, bông cải xanh, cải xoăn,... Tại bất cứ giai đoạn phát triển nào, sữa cũng rất quan trọng đối với một đứa trẻ đang lớn. Vì vậy, dù trẻ đã biết cách ăn đầy đủ thì vẫn nên bổ sung một cốc sữa nguyên kem hằng ngày cho trẻ.
Ăn dặm
Các chất dinh dưỡng mà trẻ 18 tháng tuổi cần thiết ở độ tuổi này là đa dạng và cân đối

2. Các loại thực phẩm lựa chọn cho trẻ 18 tháng tuổi

Thực phẩm dành cho trẻ 18 tháng đã không còn quá chuyên biệt mà có thể đến từ bữa ăn hằng ngày như các thành viên khác trong gia đình. Tuy nhiên, số lượng bữa ăn cần thiết cho trẻ là 3 cữ chính và 2 cữ phụ, cách chế biến, gia vị cần điều chỉnh phù hợp với hệ tiêu hóa của trẻ.

Sau đây là các loại thực phẩm tốt nhất tham khảo lựa chọn cho bé 18 tháng tuổi:

  • Sữa

Nếu trẻ vẫn còn được bú sữa mẹ, đây mà một điều quá tốt vì mọi đứa trẻ đều được khuyến khích bú sữa mẹ cho đến 2 tuổi. Ngược lại, khi trẻ đã cai sữa mẹ, trẻ vẫn cần được thay thế bằng cách uống sữa bò.

Vì sữa rất cần thiết cho sự phát triển lành mạnh của răng và xương, cần chắc chắn rằng trẻ luôn được uống ít nhất một cốc sữa hàng ngày. Hơn nữa, trẻ cũng cần học cách uống sữa cốc, chai thay vì bình sữa để giảm nguy cơ sâu răng.

  • Trái cây

Một lượng nhỏ trái cây tươi trong bữa sáng của trẻ là một cách tuyệt vời để đảm bảo cơ thể bé có được các chất dinh dưỡng thiết yếu. Cách chế biến trái cây tươi cho trẻ ban đầu có thể là xay nhuyễn hoặc nước ép trái cây nhưng chúng không được khuyến khích vì không có nhiều chất xơ; tốt hơn hết vẫn là nên chọn loại trái chín mềm và cắt nhỏ thành miếng vừa ăn cho trẻ.

  • Rau

Rất nhiều đứa trẻ không thích ăn rau. Do đó, cha mẹ cần biết cách chế biến thành các dạng hấp dẫn như làm que cà rốt nướng hoặc khoai tây nghiền.

Chế độ ăn cho mẹ khi đang cho con bú
Mọi đứa trẻ đều được khuyến khích bú sữa mẹ cho đến 2 tuổi

  • Thịt và các loại hạt

Mặc dù sự kết hợp này có vẻ không phổ biến nhưng việc ghép cả hai loại thực phẩm này lại với nhau có thể đáp ứng nhu cầu protein của trẻ 18 tháng tuổi. Mẹ có thể cho gà hoặc cá với những miếng đậu nành với các cách chế biến hấp dẫn, không gây ngán cho trẻ. Tuy nhiên, các nguồn đạm mới lạ có thể gây dị ứng cho trẻ nên cha mẹ cần chú ý trước khi kết hợp cùng nhau khi mà chưa chắc chắn.

  • Bánh mì

Tránh cho trẻ ăn bánh mì trắng quá nhiều. Thay vào đó, bánh mì nguyên chất nên là lựa chọn thay thế, vừa cung cấp các nhóm ngũ cốc và vitamin thiết yếu cho trẻ.

  • Nước

Dù nước không phải là thực phẩm, đây cũng có vai trò rất quan trọng đối với trẻ. Thông thường trẻ rất lơ là việc uống đủ nước, nhất là khi chơi đùa. Do đó, cha mẹ cần chú ý cho con uống nước khi trẻ hoạt động thể chất liên tục hay thời tiết nắng nóng, mất nhiều mồ hôi.

  • Phô mai

Cùng với sữa, phô mai hay các loại chế phẩm từ sữa khác cũng rất cần thiết với chế độ ăn hằng ngày của trẻ. Các loại phô mai khác nhau cùng với sữa chua cung cấp men vi sinh và các chất dinh dưỡng khác mà sữa nguyên chất đơn giản có thể không phải lúc nào cũng làm được. May mắn là hầu hết các trẻ đều yêu thích những sản phẩm này.

3. Cách chăm sóc răng miệng cho bé 18 tháng tuổi

Trẻ mọc răng sữa vào những thời điểm khác nhau nhưng những chiếc răng đầu tiên thường xuất hiện trong khoảng từ 6 đến 10 tháng. Đến khi trẻ được 18 tháng tuổi, hàm răng của trẻ đã mọc ít nhất mười răng sữa, bao gồm 4 răng cửa giữa dưới và trên, 4 răng cửa bên dưới và trên và 2 răng hàm dưới đầu tiên. Một số bé thậm chí đã có thể có thêm răng hàm trên khi đạt 18 tháng nên tổng số răng sẽ là 12.

Chính vì thế, bên cạnh một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, việc chăm sóc răng miệng cho bé mọc răng cũng không kém phần quan trọng. Chỉ khi có một hàm răng sữa khỏe mạnh, trẻ mới có thể ăn uống đủ chất và ngược lại, việc cung cấp đủ nhóm thức ăn sẽ giúp trẻ có hàm răng chắc khỏe cùng với sự chăm sóc tốt để phòng tránh sâu răng sữa. Theo đó, cách chăm sóc răng miệng cho bé 18 tháng tuổi bao gồm cách điều sau đây:

  • Thường xuyên làm sạch răng và nướu

Răng trẻ cần làm sạch ít hai lần một ngày, vào buổi sáng thức dậy và trước khi đi ngủ. Tuy nhiên, điều tốt vẫn là trẻ được chải răng sau mỗi bữa ăn. Bàn chải đánh răng cho trẻ cần có kích thước nhỏ, lông mềm và được thiết kế phù hợp cho trẻ em dưới hai tuổi. Ban đầu, cha mẹ chỉ cần chải răng với nước cho đến khi trẻ 18 tháng tuổi, trừ khi có yêu cầu đặc biệt từ nha sĩ. Đến sau 18 tháng, trẻ có thể bắt đầu sử dụng một lượng ít kem đánh răng có hàm lượng fluoride nhỏ bằng hạt đậu trong mỗi lần đánh răng.

Lưu ý vệ sinh răng cho trẻ ăn dặm
Răng trẻ cần làm sạch ít hai lần một ngày, vào buổi sáng thức dậy và trước khi đi ngủ

  • Đánh răng đúng cách

Khi được 18 tháng tuổi, trẻ đã có thể bắt đầu tự làm sạch răng cho chính mình. Tuy nhiên, ban đầu, cha mẹ cần cầm tay trẻ nắm bàn chải đánh răng để giúp bé có sự cảm nhận hành động tốt hơn với các bước sau đây:

  • Đứng hoặc ngồi phía sau trẻ để trẻ cảm thấy an toàn. Nên đánh răng trước gương vì nó sẽ cho phép trẻ nhìn thấy miệng của mình.
  • Một tay cầm tay trẻ có cầm bàn chải. Tay còn lại nâng cầm của trẻ với đầu trẻ tựa vào cơ thể mình.
  • Hướng lông bàn chải về phía nướu. Di chuyển bàn chải theo vòng tròn nhẹ nhàng để làm sạch mặt ngoài và mặt trong của răng và nướu.
  • Chải qua lại trên bề mặt nhai của răng.
  • Nhẹ nhàng chải lưỡi cho trẻ.
  • Yêu cầu trẻ nhổ ra sau khi đánh răng. Khi trẻ biết hợp tác điều này thì mới có thể bắt đầu sử dụng kem đánh răng.

Giữ bàn chải đánh răng sạch sẽ bằng cách rửa sạch bàn chải bằng nước máy sau khi vệ sinh răng và nướu. Bảo quản bàn chải đánh răng đúng cách, giữ bàn chải đánh răng thẳng đứng trong một hộp chứa mở để cho khô tự nhiên. Nên thay bàn chải đánh răng cho trẻ sau mỗi 3-4 tháng hoặc khi lông bàn chải bị mòn hoặc sờn.

  • Khám răng định kỳ

Một trong những điều quan trọng của chăm sóc răng miệng cho trẻ là phải tích cực cho trẻ đi khám răng sáu tháng một lần. Để tránh cho trẻ sợ hãi, lo lắng, cần tạo tâm lý tin tưởng cho trẻ là công việc của nha sĩ là đếm răng và làm con có một nụ cười tươi sáng. Về lâu dài, trẻ không chỉ có một hàm răng khỏe đẹp mà còn sẽ được phát hiện sớm các dấu hiệu sâu răng, lệch hàm để kịp thời chỉnh sửa.

Tóm lại, khi trẻ được 18 tháng tuổi, tức 1 tuổi rưỡi, trẻ đã có những phát triển tương đối hoàn thiện về mặt thể chất, bao gồm cả bộ răng sữa về cơ bản. Theo đó, với những yêu cầu về loại thực phẩm cần cung cấp cho trẻ trên đây cùng với cách thức chăm sóc răng miệng cho trẻ, cha mẹ cũng sẽ có những hiểu biết cần thiết để nuôi dạy trẻ phát triển toàn diện.

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên áp dụng một số phương pháp thay đổi thói quen lẫn cải thiện dinh dưỡng để hỗ trợ hệ răng của con phát triển tốt hơn.

Bên cạnh đó, cha mẹ còn cần bổ sung cho con các vi khoáng chất thiết yếu như kẽm, Lysine, crom, selen, vitamin B1, ... để đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Việc bổ sung các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể đồng thời áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé thường phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt. Vì vậy cha mẹ phải thực sự kiên trì đồng hành cùng con và thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

25.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan