Trẻ 20 tháng tuổi: Phát triển thể chất, vận động, nhận thức và cảm xúc

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Hải - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

20 tháng tuổi là giai đoạn phát triển với những biểu hiện hồn nhiên của trẻ sẽ khiến bạn cảm xúc dâng trào, tuy nhiên đây cũng là lúc bạn cần để mắt đến sự phát triển về tâm sinh lý, thức ăn và chế độ dinh dưỡng của trẻ.

1. Sự phát triển thể chất, vận động của trẻ 20 tháng tuổi

Trẻ 20 tháng tuổi vẫn đang trong quá trình tiếp tục hoàn thiện và phát triển không ngừng khả năng vận động. Trẻ có thể tự đi xung quanh mà không cần sự trợ giúp của bạn cũng như không cần bạn nắm tay trẻ.

Trẻ rất có hứng thú trong việc lăn trái bóng qua lại, mặc dù đôi lúc chuyền bóng còn chưa chuẩn xác hoặc trẻ giữ bóng trong thời gian dài mà không chuyền cho ai.

Ở giai đoạn này, các giác quan của trẻ đã phát triển khá tốt. Nếu bạn để ý cách trẻ thích thú với những gì nét mặt vui sướng, hai tay có thể vỗ vào nhau liên hồi, tay chân vung loạn xạ...hoặc khi trẻ buồn khuôn mặt xị ra, ít hoạt động hơn...bạn sẽ nhận ra điều này. Trẻ thích thú khi được vuốt ve đồ vật. Trẻ cũng sẽ xem xét hình ảnh của mình ở trong gương.

Điểm đáng chú ý trong độ tuổi này chính là sự thay đổi về hình dáng. Không giống như giai đoạn trước, trẻ có sự thay đổi nhất định trong vóc dáng, trông trẻ có vẻ cao hơn, bụng phẳng hơn. Trẻ vẫn rất thích khám phá xung quanh và năng động.

Trẻ tiếp tục được cải thiện nhiều khả năng nói. Lúc này, cùng một lúc trẻ có thể tập nói được 4-5 từ. Tuy nhiên, câu từ của trẻ thường khó hiểu, ngọng líu ngọng lô và rất lủng củng.

Hãy chú ý từng tiếng trẻ phát ra, và đặt trong ngữ cảnh cụ thể, bạn không nên mất bình tĩnh hoặc tỏ ra bực tức khiến trẻ sợ hãi. Điều này sẽ giúp cho trẻ và bạn có thể chia sẻ và hiểu nhau hơn.

Dạy trẻ tập nói là việc làm cần thiết
Trẻ 20 tháng tuổi vẫn đang trong quá trình tiếp tục hoàn thiện và phát triển không ngừng khả năng vận động

2. Sự phát triển nhận thức và cảm xúc của trẻ 20 tháng tuổi

Trẻ 20 tháng tuổi vẫn thường tỏ thái độ lo lắng, sợ hãi khi không có bố hay mẹ bên cạnh. Tuy trẻ còn nhỏ nhưng nên để trẻ tham gia vào các sinh hoạt trong gia đình. Tạo cảm giác yên tâm cho trẻ bằng các cử chỉ âu yếm, yêu thương khi tạm biệt trẻ đi làm hoặc thể hiện niềm vui mừng khi gặp lại trẻ sau giờ làm việc. Dựa vào những cử chỉ này, trẻ sẽ hiểu được rằng việc xa bố mẹ chỉ là khoảnh khắc tạm thời, rồi sẽ quay lại ngay thôi.

Trẻ cũng cảm thấy rất thích thú khi được trò chuyện với cha mẹ qua điện thoại. Để cân bằng cuộc sống gia đình, công việc và việc chăm sóc trẻ, cha mẹ cần nhiều thời gian, nhưng dường như trẻ lại không thích điều này.Trẻ muốn gắn bó với cha mẹ và luôn tin rằng mình là sự ưu tiên số 1 trong gia đình này.

Ở giai đoạn này, bộ não của trẻ vẫn đang liên tục phát triển, sự học hỏi những điều mới mẻ và khám phá thế giới xung quanh. Bạn có thể nhận thấy sự sợ hãi ở bé khi trí tưởng tượng của bé đang mở rộng. Trẻ chưa thể phân biệt được giữa thực tế và tưởng tượng. Để giúp trẻ hiểu được suy nghĩ và nỗi sợ của mình, trẻ thường dựa vào mẹ và người thân xung quanh.

Trẻ tập đi
Ở giai đoạn này, bộ não của trẻ vẫn đang liên tục phát triển, sự học hỏi những điều mới mẻ và khám phá thế giới xung quanh

Ngay cả khi trẻ cảm thấy rất sợ, bạn thường có thể làm trẻ mất tập trung sau khi chuyển hướng sự tập trung sang chỗ khác bởi khoảng thời gian chú ý của trẻ vẫn còn rất ngắn. Hãy tạo nhiều trò chơi liên quan đến cát, nước,...bởi trẻ ở lứa tuổi này rất thích nghịch cát, nước...Trẻ sẽ quanh quẩn với những món đồ chơi này mà không biết chán.

Trẻ thường dành thời gian tìm hiểu về cơ chế hoạt động của những món đồ chơi mà trẻ yêu thích khi chơi. Tuy chủ yếu trẻ vẫn chơi một mình nhưng trẻ bắt đầu hướng sự chú ý đến nhiều hoạt động xung quanh. Trẻ còn biết nghe, ngửi và vuốt ve đồ vật.

Ở độ tuổi này nhiều bé đã được đi nhà trẻ. Khi thấy bé chơi đùa với nhóm trẻ cùng tuổi, bạn bỗng dưng cảm thấy muốn được bảo bọc. Bé sẽ hướng theo các phản ứng của bạn để xử sự, vì vậy, hãy cố gắng tích cực và khuyến khích trẻ.

Khi cảm thấy được an toàn và yêu thường, trẻ sẽ học tốt nhất. Hãy vuốt ve, an ủi khi bé cần. Mỗi đứa trẻ sẽ có nhịp độ phát triển riêng của chúng, và trẻ có đạt được các mốc phát triển đúng thời điểm, sớm hay muộn, theo độ tuổi đi học, tất cả các trẻ đều khá giống nhau.

Có thể có những lúc bạn cảm thấy cáu giận bởi trẻ khóc, quăng mình trên sàn, la hét, cắn....Đây đều là một phần trong quá trình phát triển của trẻ. Vì vậy, hãy cố gắng kiên nhẫn với trẻ và bản thân cần giữ được bình tĩnh.

Trẻ chưa học được cách tự kiểm soát bản thân, vì vậy, bạn cần chỉ cho trẻ thấy hành vi đúng đắn. Hãy cố gắng không nhượng bộ các cuộc ăn vạ, mè nheo của trẻ nhằm khuyến khích trẻ cư xử tốt. Để trẻ có thể bình tĩnh lại, đặt bé ở một nơi nào đó thật yên tĩnh.

Sẽ có nhiều lúc bạn không thể hiểu được cơn giận dữ của trẻ xuất phát từ đâu. Đó có thể là do trẻ mệt mỏi, đói hoặc cảm thấy thích thú với quá nhiều thứ. Cứ 4 đứa trẻ ở tầm tuổi này, lại có một trẻ nhạy cảm hơn và khó điều chỉnh hơn bình thường. Những đứa trẻ này dễ tức giận hơn. Nếu cảm thấy không thể kiểm soát được trẻ, bạn cần đến sự trợ giúp từ các chuyên gia để có được các chiến lược phù hợp nhất.

Khi trẻ được 20 tháng tuổi, nhiều ông bố bà mẹ đã bắt đầu tính chuyện có thêm em bé. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý một số vấn đề, chẳng hạn như tài chính, tinh thần và cả thời gian dành cho những đứa trẻ để tránh gây khó khăn cho chính mình và bản thân của trẻ cũng sẽ không bị thiệt thòi. Chỉ có vợ chồng bạn mới thực sự hiểu rõ hoàn cảnh của chính mình, do đó hãy đưa ra quyết định phù hợp cho bạn và gia đình.

Ở độ tuổi này, trẻ đã bắt đầu chú ý nhiều đến các hoạt động xung quanh. Bé vẫn thích chơi một mình hơn mặc dù có thể bị nhóm các bé khác cuốn hút. Bé sẽ hướng sự chú ý đến âm thanh và hoạt động của những bé khác, nhưng vẫn chưa biết cách để chia sẻ và hiểu được nhu cầu của những đứa trẻ khác. Trẻ 20 tháng tuổi cũng thường khiến bố mẹ lo lắng khi các bé hay xô đẩy, cắn nhau, bố mẹ cần chú ý giữ an toàn cho trẻ.

Những cách hành xử của trẻ 20 tháng tuổi vẫn còn theo bản năng non nớt bởi não bộ chưa hoàn thiện. Để giúp bé dần hình thành những tính cách tốt đẹp, trẻ cần có thời gian và nhiều gương tích cực từ người lớn.

Làm thế nào để trẻ sơ sinh không lười bú sữa mẹ?
Trẻ 20 tháng tuổi vẫn cần được tiếp tục bú sữa mẹ ngày ít nhất 3 đến 4 lần

3. Chế độ dinh dưỡng của trẻ 20 tháng tuổi

Trẻ 20 tháng tuổi vẫn cần được tiếp tục bú sữa mẹ ngày ít nhất 3 đến 4 lần và ăn cháo 3 đến 4 bữa để phát triển tốt. Nếu trẻ đã cai sữa, cần đảm bảo cung cấp đủ 500ml sữa bột hoặc các chế phẩm từ sữa hàng ngày vì nguồn chính cung cấp canxi vẫn là sữa.

Các bữa ăn chính của trẻ cần được cung cấp đầy đủ thành phần chất dinh dưỡng cần thiết như chất đạm, vitamin, khoáng chất, chất bột. Tránh tình trạng bé phát triển không đều, các loại chất dinh dưỡng này cần phải được kết hợp cân đối, tránh dư thừa.

Bên cạnh đó, để giúp trẻ có cảm giác ăn ngon miệng hơn, cần tạo khoảng thời gian ăn cho trẻ thật vui vẻ. Đặc biệt, tuyệt đối không ép trẻ ăn khi trẻ không muốn ăn nữa vì làm như vậy sẽ khiến trẻ cảm giác sợ hãi vào các bữa ăn sau.

Bạn có thể cùng bé đi siêu thị và để bé giúp mẹ nhặt thức ăn cho vào xe. Cho trẻ ra ngoài, tiếp xúc thật nhiều với môi trường xung quanh, thiên nhiên sẽ giúp trẻ trở nên hòa đồng hơn.

Để khuyến khích sự phát triển của trẻ, bố mẹ cần:

  • Động viên trẻ nhấc chân tay, khi bạn mặc đồ cho con nhằm khuyến khích sự độc lập. Bạn cũng có thể để con có thời gian tự xoay sở để tháo giày, dép hay tất, hãy kiên nhẫn chờ đợi trẻ. Mỗi khi trẻ biết vâng lời, đừng tiếc lời khen ngợi trẻ, điều này sẽ giúp trẻ vui vẻ hơn, cảm thấy mình quan trọng trong mắt bố mẹ
  • Vào những năm đầu đời, trẻ thường có nguy cơ cao mắc những bệnh về thần kinh, co giật. Vì vậy, bố mẹ cần tìm hiểu các yếu tố di truyền trong nhà, tiền sử bệnh và lập bảng theo dõi sức khỏe của trẻ để cung cấp thông tin cho bác sĩ
  • Để phát hiện sớm một số bệnh có thể xảy ra và điều trị kịp thời, hãy đưa trẻ tới khám bệnh định kỳ
  • Tạo nhịp sống gia đình ổn định bởi trẻ ở giai đoạn này thường thích nhịp điệu và hình dáng quen thuộc. Một số trẻ sẽ trở nên rất nhạy cảm với những sự thay đổi bằng những phản ứng bất ngờ hoặc khó kiểm soát
  • Không nên thường xuyên nói “đừng hay không được” với trẻ nếu không thực sự cần thiết. Bởi nếu dùng quá nhiều, đến khi thật sự cần, trẻ sẽ không nghe theo lời bạn. Thay vào đó, hãy thường khen ngợi trẻ để khuyến khích và củng cố các hành vi tích cực của trẻ

Trẻ 20 tháng tuổi cần 5mg kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.

Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Nguồn tham khảo: vn.theasianparent.com, whattoexpect.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

41.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan