Trẻ bị ong đốt có gây ra các phản ứng dị ứng nguy hiểm không?

Khi trẻ bị ong đốt hoặc tò vò cắn, phụ huynh cần loại bỏ ngòi cho trẻ càng sớm càng tốt và thực hiện chườm đá. Mặc dù các phản ứng dị ứng nghiêm trọng hiếm khi xảy ra, nhưng bố mẹ cũng cần ý đến tình trạng trẻ bị ong đốt sưng to và các dấu hiệu bất thường khác.

1. Xử lý khi trẻ bị ong đốt

Nọc của ong và tò vò (ong bắp cày) hoạt động giống như một máy bơm tự động, nghĩa là càng ở lâu trong cơ thể, nọc độc càng tiết ra nhiều hơn. Vì vậy, bạn cần nhanh chóng xử trí khi trẻ bị ong đốt bằng cách lấy ngòi ra càng nhanh càng tốt theo các bước sau:

  • Tìm một chấm đen nhỏ ở ngay giữa vùng bị ửng đỏ và dùng móng tay hoặc thẻ ATM cứng cạo sạch. Không bóp ngòi bằng ngón tay hoặc lấy nhíp gắp ra vì có thể khiến nọc độc tiết ra nhiều hơn.
  • Sau khi đã loại bỏ ngòi, hãy rửa vùng bị đốt bằng xà phòng và nước sạch.
  • Nâng cao khu vực bị cắn, ví dụ như giơ cao cánh tay hoặc chân, để giảm sưng.
  • Chườm một túi đá lạnh trong 15 phút để giảm sưng và đau.
  • Thoa hỗn hợp bột baking soda và nước để làm dịu khu vực này và hút bớt nọc độc
  • Để giảm đau, bạn có thể cho trẻ uống acetaminophen hoặc ibuprofen.
  • Nếu con bạn thực sự khó chịu và đã trên 6 tháng tuổi, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc kháng histamine không kê đơn cho trẻ em để giúp giảm ngứa và sưng tấy.

Cơn đau thường dần biến mất sau vài giờ, nhưng vết sưng có thể sẽ tăng lên trong 1 - 2 ngày nữa. Trong thời gian này, hãy tiếp tục chườm đá nếu trẻ đồng ý.

nọc độc của ong
Cách lấy nọc độc của ong cần thực hiện theo đúng kỹ thuật

2. Khi nào cần đến bác sĩ khi trẻ bị ong đốt?

Cần đưa con đến bệnh viện kiểm tra trong các trường hợp sau:

  • Trẻ bị ong đốt nhiều lần: Nhiều vết đốt có thể nguy hiểm, ngay cả khi trẻ không có phản ứng dị ứng. Nọc độc từ nhiều vết đốt có thể gây nôn mửa, tiêu chảy, nhức đầu và sốt.
  • Vết đốt ở trong miệng của trẻ: Có thể gây sưng tấy nguy hiểm và làm tắc nghẽn đường thở. Vì vậy cần đưa bé đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
  • Khu vực trẻ bị ong đốt sưng to hơn sau 2 ngày, hoặc nếu vết sưng từ bàn tay / bàn chân lan ra cổ tay / mắt cá chân, ngay cả khi bé chỉ bị đốt một lần.
  • Khu vực con bạn bị đốt nổi những vệt đỏ, chảy dịch vàng hoặc ngày càng đỏ hơn. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh để chống nhiễm trùng.

3. Trẻ bị ong đốt có dị ứng nguy hiểm không?

Trả lời cho câu hỏi “Trẻ bị ong mật đốt có sốt không?”, các bác sĩ cho biết ong mật thường chỉ gây đau tại vết đốt, không nguy hại đến tính mạng. Trong khi đó, các loại như ong vò vẽ, ong đất, tò vò (ong bắp cày), ong bầu... thì nguy hiểm hơn, có thể gây suy đa phủ tạng sau khi bị đốt. Ở nước ta, đây đều là những loài ong thường gặp và có khả năng đốt người. Nếu xác định được chính xác loài ong đã tấn công trẻ và sơ cứu đúng cách thì nạn nhân sẽ tránh được nguy hiểm.

Trong những trường hợp hiếm hoi, một số trẻ sẽ có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với vết đốt. Đây được gọi là sốc phản vệ và có thể đe dọa tính mạng. Gọi cấp cứu ngay lập tức nếu trong vòng vài phút hoặc vài giờ sau vết đốt, bạn nhận thấy những dấu hiệu phản ứng dị ứng như sau:

  • Sưng da, môi, họng, lưỡi hoặc mặt
  • Thở khò khè hoặc các vấn đề về hô hấp nghiêm trọng
  • Mạch nhanh hoặc yếu, hoặc nhịp tim không đều
  • Nổi mề đay
  • Chóng mặt, ngất xỉu, mất ý thức
  • Buồn nôn, nôn mửa, đau quặn bụng, tiêu chảy
  • Da tái nhợt, xanh xao hoặc đổ mồ hôi
  • Lú lẫn, nói lắp.
Trẻ đau bụng
Sau khi bị ong đốt trẻ có thể xuất hiện tình trạng đau quặn bụng

4. Phòng ngừa trẻ bị ong đốt

Các loại thuốc chống côn trùng thông thường không có khả năng bảo vệ trẻ khỏi ong và tò vò (ong bắp cày). Nhưng để giảm thiểu nguy cơ trẻ bị ong đốt sưng to, bạn có thể làm một số điều sau:

  • Không sử dụng xà phòng và mỹ phẩm thơm trên người vì mùi hương sẽ thu hút ong.
  • Mặc quần áo màu nhạt, trơn (không hoa văn). Quần áo tối màu, sáng màu hoặc in hoa sẽ thu hút ong.
  • Đảm bảo trẻ có mang giày khi chơi ngoài trời để tránh dẫm phải ong và bị đốt.
  • Đặc biệt cảnh giác khi bạn ở gần những bông hoa nở rộ hoặc vườn cây ăn trái thu hút ong.
  • Dạy trẻ không bắt, trêu chọc ong và tò vò, thay vào đó là phải chạy ra xa khi thấy chúng (thường những loại này không bay nhanh lắm.)
  • Đậy kín đĩa thức ăn khi bạn ra ngoài.
  • Sửa chữa những lỗ hở, thủng trên cửa sổ và cửa ra vào tại nhà.
  • Cân nhắc sử dụng lưới xung quanh nôi hoặc giường của trẻ nếu có ong hoặc tò vò trong nhà. Bạn cũng có thể sử dụng lưới che trên ghế ngồi cho trẻ, balô hoặc xe đẩy của con khi cho bé ra ngoài trời trong mùa có nhiều côn trùng.
  • Phá hủy các tổ ong và tò vò xung quanh nhà của bạn.

Cuối cùng, người lớn phải hướng dẫn cụ thể cho trẻ biết con ong và tò vò, tổ của chúng và những nguy hiểm khi bị đốt, đặc biệt là sẽ rất đau, để trẻ chủ động có ý thức phòng tránh. Trong quá trình theo dõi trẻ bị ong đốt có dị ứng không, cần đến ngay cơ sở y tế nếu phát hiện con có dấu hiệu bất thường, bị nhiều vết đốt sưng nề và lan rộng,...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

77.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan