Trẻ dễ bị nhiễm khuẩn do hệ miễn dịch yếu

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Bùi Thị Hà - Bác sĩ Nhi - Sơ Sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Hệ miễn dịch rất quan trọng và cần thiết cho sự sống, nếu không có hệ miễn dịch cơ thể sẽ dễ dàng bị tấn công bởi vi khuẩn, virus, ký sinh trùng. Hệ miễn dịch sẽ giúp cho trẻ có thể tự bảo vệ, chống lại các bệnh nhiễm trùng cũng như một số dịch bệnh khác. Do vậy, khi hệ miễn dịch bị suy yếu trẻ dễ bị nhiễm khuẩn, thời gian mắc bệnh lâu hơn và khó chữa hơn.

1. Vai trò của hệ miễn dịch

Miễn dịch đóng vai trò rất quan trọng đối với con người, nhất là ở trẻ em. Nếu cơ thể trẻ có hệ miễn dịch tốt sẽ giúp trẻ vượt qua những bệnh tật tấn công, giúp cơ thể trẻ phát triển hoàn thiện. Miễn dịch ở trẻ nhỏ có được từ hai nguồn chính đó là trẻ thụ hưởng miễn dịch từ khi còn ở trong bụng mẹ, trong giai đoạn bú mẹ một số kháng thể của người mẹ có được sẽ truyền sang cho con và nguồn miễn dịch thứ hai là chính cơ thể em bé tự tạo ra thông qua các chất dinh dưỡng mà bé tiếp nhận được. Từ tháng thứ 6 trở đi nguồn dự trữ kháng thể của mẹ thường sẽ giảm dần sau khi sinh, lúc này cơ thể trẻ phải tự tạo ra kháng thể, do đó dinh dưỡng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong lúc này.

Hệ thống miễn dịch có chức năng tìm và tấn công các sinh vật lây nhiễm bao gồm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng và nấm. Hệ thống miễn dịch được tạo thành từ một số loại bạch cầu khác nhau. Mỗi loại bạch cầu có các chức năng chuyên biệt. Ví dụ bạch cầu trung tính rất quan trọng để chống lại vi khuẩn và nấm, trong khi tế bào bạch huyết nói chung chống lại virus. Một số tế bào lympho T có thể tiêu diệt các tế bào khác bị nhiễm virus, và tế bào lympho B tạo ra kháng thể, là các protein chống lại sự nhiễm trùng. Thông thường, nhiều loại bạch cầu khác nhau làm việc cùng nhau để chống lại tất cả các loại nhiễm trùng. Vì vậy, hệ thống miễn dịch thực sự là một hệ thống rất quan trọng, và chỉ một vấn đề trong bất kỳ bộ phận nào của hệ thống đều có thể khiến các bệnh nhiễm trùng nhỏ trở thành nghiêm trọng.

Do vậy, hệ miễn dịch có vai trò vô cùng quan trọng đối với trẻ em, đặc biệt là trong giai đoạn những năm đầu đời. Chính hệ miễn dịch sẽ giúp trẻ có thể tự bảo vệ, chống lại các bệnh nhiễm trùng cũng như một số dịch bệnh khác. Hệ miễn dịch sẽ ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập, tiêu diệt chúng khi vào cơ thể, đồng thời nhận diện và ghi nhớ để có phản ứng hiệu quả hơn trong những lần xâm nhập sau này.

trẻ bị nhiễm khuẩn
Trẻ bị nhiễm khuẩn do hệ miễn dịch yếu

2. Trẻ dễ bị nhiễm khuẩn do hệ miễn dịch yếu

Hệ miễn dịch suy yếu ở trẻ có nhiều nguyên nhân. Một số trẻ có thể gặp phải suy giảm miễn dịch tiên phát, đây là một bệnh di truyền của hệ miễn dịch cơ thể do đột biến gen. Suy giảm miễn dịch tiên phát ở trẻ tuy hiếm gặp nhưng để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời. Ngay từ khi mới sinh, hệ thống miễn dịch của trẻ không hoạt động bình thường và không thể chống lại nhiễm trùng do các tế bào bạch cầu như tế bào lympho T hoặc tế bào lympho B có vấn đề. Hệ thống miễn dịch khiếm khuyết có thể khiến cho trẻ bị nhiễm khuẩn, ốm nhanh hơn và trong thời gian dài hơn do các bệnh nhiễm trùng thông thường ở thời thơ ấu. Những đứa trẻ này cũng dễ bị lây nhiễm từ các sinh vật thông thường vô hại.

Bên cạnh đó, trẻ có hệ miễn dịch yếu do yếu tố môi trường như chế độ dinh dưỡng kém, thiếu nguồn sữa mẹ, thuốc men, một số phương pháp điều trị y tế, chấn thương, mắc một số bệnh như ung thư, viêm gan siêu vi B hoặc các sự kiện xảy ra trong thời kỳ mang thai,... Theo một khảo sát cho thấy có 10 loại bệnh thường gặp ở trẻ em, trong đó trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm khuẩn đường ruột, nhiễm siêu vi là những bệnh thường gặp nhất và cũng chính là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ nhỏ. Trẻ có hệ miễn dịch yếu sẽ có khả năng bị mắc bệnh, trẻ bị nhiễm khuẩn thường xuyên hơn những đứa trẻ khác và những bệnh này sẽ nặng hơn hoặc khó điều trị hơn như viêm phổi, viêm màng não, viêm phế quản, các bệnh nhiễm trùng da, chậm phát triển ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ,... Những bệnh này tái phát với tần suất cao.

trẻ bị nhiễm khuẩn
Trẻ có hệ miễn dịch yếu do yếu tố môi trường như chế độ dinh dưỡng kém

3. Tăng cường miễn dịch để phòng ngừa bệnh tật

Tăng cường miễn dịch chính là biện pháp hữu hiệu phòng ngừa trẻ bị nhiễm khuẩn. Các chuyên gia khuyến cáo nên cho trẻ bú mẹ càng sớm càng tốt và thời gian bú mẹ lâu nhất có thể (nếu có điều kiện). Tuy nhiên, trong thực tế không phải bà mẹ nào cũng có điều kiện cho con bú mẹ hoàn toàn như mong muốn như những trường hợp mẹ bị thiếu sữa, mẹ mắc một số bệnh hoặc do công việc bận rộn,... thì cần phải lựa chọn các loại sữa công thức cho trẻ để đảm bảo dinh dưỡng và tăng cường miễn dịch.

Đối với những trẻ đã thôi bú mẹ, cha mẹ cũng nên chủ động tăng cường miễn dịch thông qua nguồn dinh dưỡng bằng cách ăn uống đa dạng. Ngoài việc cung cấp đầy đủ 4 nhóm chất bao gồm đạm, chất béo, bột đường, vitamin và khoáng chất thì cần duy trì cho trẻ uống sữa. Bởi vì sữa chính là nguồn thực phẩm lý tưởng chức nhiều dưỡng chất cần thiết cho hệ miễn dịch như DHA, ARA, vitamin, các chất chống oxy hóa và prebiotic với một hàm lượng cân đối.

Với những trẻ có hệ miễn dịch yếu cần cải thiện hệ miễn dịch nhằm để phòng ngừa trẻ bị nhiễm khuẩn, tối ưu cuộc sống khỏe mạnh và tránh mắc bệnh, nhiễm trùng bằng cách thực hiện những biện pháp sau như:

  • Vệ sinh tốt: thường xuyên rửa tay ở các thời điểm như trước, trong và sau khi chuẩn bị bữa ăn, trước khi ăn, sau khi ho hoặc hắt hơi, sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi điều trị vết cắt hoặc vết thương hở da khác, sau khi thay tã cho trẻ,... Rửa tay đúng cách sẽ làm giảm đáng kể bệnh tật và các nhiễm trùng, bảo vệ trẻ em và giảm thiểu số ca tử vong do bệnh tiêu chảy, viêm phổi và ở những trường hợp trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp,...
  • Tránh tiếp xúc với người bị bệnh: những trẻ có hệ miễn dịch yếu nên tránh tiếp xúc gần với bất kỳ ai bị cảm lạnh hoặc đang mắc bệnh nhiễm trùng. Virus và các bệnh truyền nhiễm khác có thể lây từ người bệnh sang trẻ thông qua tiếp xúc ở khoảng cách gần. Không ôm, hôn trẻ là cách để bảo vệ trẻ tránh khỏi mầm bệnh lây sang trẻ.
  • Khử trùng đồ gia dụng, đồ chơi cho trẻ: tác nhân gây bệnh có thể sống trên bề mặt một số vật dụng trong nhà như điều khiển, đồ chơi, tay nắm cửa,... Khử trùng thường xuyên sẽ giảm số lượng vi trùng trên bề mặt.
  • Tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ về vaccine: hầu hết mọi người sẽ được tiêm chủng định kỳ, tuy nhiên những trẻ bị suy yếu miễn dịch hoặc có tổn thương hệ miễn dịch sẽ phải trì hoãn hoặc không được tiêm. Một số loại vắc-xin có thể phải trì hoãn như vắc-xin sởi - quai bị - rubella, cúm sống,... Vì vậy, những trẻ có hệ miễn dịch yếu cần phải tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ trước khi tiêm vaccine.
  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý: dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng cường miễn dịch. Những trẻ có hệ miễn dịch yếu cần một chế độ ăn uống nhiều rau xanh và trái cây để cung cấp nhiều chất dinh dưỡng. Không để trẻ ăn sống, thức ăn chưa chín, lựa chọn loại sữa và nước trái cây tiệt trùng. Bên cạnh đó, cân nhắc sử dụng thực phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất theo tư vấn của bác sĩ.

Tóm lại, hệ miễn dịch có vai trò vô cùng quan trọng đối với trẻ em, đặc biệt là trong giai đoạn những năm đầu đời. Chính hệ miễn dịch sẽ giúp trẻ có thể tự bảo vệ, chống lại các bệnh nhiễm trùng cũng như một số dịch bệnh khác. Hệ miễn dịch sẽ ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập, tiêu diệt chúng khi vào cơ thể, đồng thời nhận diện và ghi nhớ để có phản ứng hiệu quả hơn trong những lần xâm nhập sau này. Do vậy, hãy tăng cường miễn dịch cho trẻ bằng cách xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, vệ sinh sạch sẽ,... sẽ giúp cho trẻ tránh khỏi bệnh tật.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần chú ý bổ sung các vi chất cần thiết: Selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... Đặc biệt là loại kẽm sinh học để cải thiện vị giác, giúp trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

989 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan