Trẻ em nhiễm HIV sống được bao lâu nếu không được điều trị?

HIV là căn bệnh nguy hiểm nhưng có thể được kiểm soát tốt nếu phát hiện và điều trị sớm, tích cực. Vậy với đối tượng nhỏ tuổi, có sức đề kháng yếu thì trẻ em nhiễm HIV sống được bao lâu?

1. HIV có chữa được không?

HIV là virus gây hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. Hiện nay, bệnh vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng ngừa. Hiện chỉ có thuốc kháng virus (ARV) được sử dụng để làm chậm sự nhân lên của virus HIV trong cơ thể, bảo vệ hệ thống miễn dịch và giúp làm giảm khả năng mắc các nhiễm trùng cơ hội, cải thiện cuộc sống và tuổi thọ của bệnh nhân. Theo đó, nhiều bệnh nhân có thể sống thêm tới 50 năm nếu uống thuốc đều đặn và đủ liều.

2. Trẻ em nhiễm HIV sống được bao lâu?

Trẻ em được xác định là người có độ tuổi dưới 18 tuổi, quy định ở nước ta là dưới 16 tuổi. Xét trên bệnh HIV, có thể chia trẻ nhiễm HIV thành 2 nhóm: Nhóm lây từ khi vừa ra đời (lây truyền từ mẹ sang con) và nhóm lây nhiễm do có hành vi nguy cơ (quan hệ tình dục, tiêm chích ma túy,...).

Với nhóm trẻ em nhiễm HIV từ lúc mới sinh thì nguy cơ nhiễm khuẩn cao hơn nhiều. Ở giai đoạn đầu đời, khi hệ miễn dịch chưa được hoàn thiện thì trẻ nhiễm HIV có nguy cơ bị bệnh và tử vong cao hơn so với trẻ khỏe mạnh.

trẻ em nhiễm hiv sống được bao lâu
Giải đáp trẻ em nhiễm HIV sống được bao lâu?

2.1 Ở nhóm trẻ nhiễm HIV từ khi vừa ra đời

Trẻ em nhiễm HIV sống được bao lâu? Theo 1 nghiên cứu ở khu vực châu Phi, nếu trẻ không điều trị kháng virus HIV thì sau 1 năm đầu đời, tỷ lệ tử vong trên trẻ có HIV là khoảng 35,2% (trong khi tỷ lệ tử vong ở trẻ khỏe mạnh chỉ 4,9%). Tính đến thời điểm được 2 tuổi, tỷ lệ tử vong ở trẻ bị nhiễm HIV là 52,5% (trẻ không mắc HIV chỉ 7,5%).

Theo một số chuyên gia HIV, nếu trẻ nhiễm bệnh mà không được điều trị ARV sớm thì nhiều khả năng sẽ không sống được đến khi được 1 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, với cách can thiệp sớm trên trẻ như chẩn đoán sớm (nhờ xét nghiệm PCR), điều trị ARV sớm cho trẻ dưới 2 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh và tử vong đã giảm thiểu rõ rệt. Có nhiều trẻ nhiễm HIV từ mẹ đã sống tới tuổi trưởng thành.

Đồng thời, với các can thiệp khác như tầm soát HIV ở phụ nữ mang thai, điều trị dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con, ngành y tế nước ta kỳ vọng sẽ tiến tới mục tiêu khống chế được đường lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Xem ngay: Chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm HIV

2.2 Ở nhóm trẻ HIV do hành vi nguy cơ

Trẻ nhiễm HIV sống được bao lâu đối với nhóm trẻ có hành vi nguy cơ đang là câu hỏi gây nhức nhối cho toàn xã hội. Theo ghi nhận của WHO, khuynh hướng gia tăng lây nhiễm HIV trong nhóm tuổi này chủ yếu đến từ các nguyên nhân như chiến tranh, đói nghèo,... khiến trẻ dễ sa ngã. Bên cạnh đó là vấn đề sử dụng ma túy và kiến thức tình dục an toàn của nhóm thanh thiếu niên chưa đầy đủ.

Ở nhóm trẻ này, tỷ lệ tử vong không có sự khác biệt so với dân số nói chung. Thậm chí, trẻ có tỷ lệ tử vong cao hơn so với người trưởng thành (do ảnh hưởng bởi lối sống, hoàn cảnh kinh tế, chậm tiếp cận với chẩn đoán, chăm sóc sức khỏe và điều trị HIV).

trẻ em nhiễm hiv sống được bao lâu
Không cho trẻ bú mẹ mà dùng sữa thay thế hoàn toàn để giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con

3. Cách chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV

Ở mẹ nhiễm HIV, do virus HIV có thể truyền qua sữa mẹ sang con nên việc lựa chọn cách nuôi dưỡng trẻ cần phải chú ý:

  • Không cho trẻ bú mẹ mà dùng sữa thay thế hoàn toàn để giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con, đảm bảo sự phát triển của trẻ. Chú ý sử dụng nguồn nước sạch và dụng cụ pha sữa được tiệt trùng hoàn toàn, giữ vệ sinh tuyệt đối;
  • Khi không có đủ điều kiện nuôi con bằng sữa thay thế thì người mẹ có thể cho trẻ bú mẹ hoàn toàn tới khi được 6 tháng tuổi và cai sữa càng sớm càng tốt (tốt nhất sau khi trẻ được 3 tháng tuổi). Tuyệt đối không cho trẻ vừa bú mẹ vừa ăn sữa thay thế vì việc ăn hỗn hợp 2 loại sữa có thể làm rối loạn hệ thống tiêu hóa và miễn dịch của trẻ, tăng nguy cơ lây HIV từ người mẹ sang con.

Chú ý khi cho trẻ bú mẹ:

  • Vệ sinh thật sạch đầu vú trước khi cho trẻ bú;
  • Cho trẻ bú đúng cách, tránh làm nứt hoặc viêm đầu vú mẹ;
  • Nếu trẻ bị viêm nhiễm khoang miệng hoặc mẹ bị viêm da thì cần phải điều trị khỏi hoàn toàn các tình trạng trên rồi mới cho trẻ bú trực tiếp;
  • Khi trẻ ngừng bú mẹ thì cần cho bé ăn các loại thức ăn thay thế như sữa bột, cháo, bột,... để cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho bé;
  • Người mẹ phải điều trị ARV và tuân thủ tốt để đảm bảo tải lượng virus HIV ở mức độ an toàn.

Lưu ý khi chăm sóc cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV:

  • Cho trẻ uống ARV trong vòng 24 giờ sau khi sinh theo chỉ định của bác sĩ để giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con;
  • Hướng dẫn mẹ cho trẻ đi xét nghiệm khẳng định tình trạng nhiễm HIV;
  • Đưa trẻ tới các cơ sở nhi khoa để được tư vấn về việc nuôi dưỡng và chăm sóc bé, kê đơn và cấp thuốc Cotrimoxazol phòng ngừa nguy cơ viêm phổi khi trẻ được 4 - 6 tuần tuổi, theo dõi và điều trị các nhiễm trùng cơ hội, đánh giá sự phát triển của trẻ;
  • Tư vấn về lịch tiêm chủng phù hợp cho trẻ.

Trẻ em nhiễm HIV sống được bao lâu tùy thuộc vào độ tuổi và quá trình chăm sóc, điều trị bệnh. Tốt nhất bệnh nhân HIV nên phối hợp với bác sĩ trong suốt quá trình điều trị để nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

45.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan