Trẻ mắc tay chân miệng nổi mụn nước nhiều có sao không?

Thời tiết nắng nóng là một điều kiện thời tiết thuận lợi cho dịch bệnh tay chân miệng ở trẻ em bùng phát. Trẻ mắc tay chân miệng nổi mụn nước nhiều có sao không? Đây là thắc mắc của nhiều phụ huynh khi có con trẻ mắc bệnh lý này.

1. Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng ở trẻ em

Bệnh tay chân miệng là một căn bệnh truyền nhiễm dễ gặp phải ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do virus Coxsackie A16 và Enterovirus 71. Bệnh lây truyền qua việc tiếp xúc với nước bọt, phỏng nước hoặc với phân của người bệnh.

Virus gây bệnh xâm nhập vào tế bào niêm mạc miệng hoặc ruột non, sau 24 giờ virus đi vào trong các hạch bạch huyết vùng hồi tràng, chúng sinh sôi nảy nở tại đây trong thời gian 3-7 ngày. Sau đó virus tràn vào trong máu gây nên bệnh cảnh sốt, kém ăn, khó chịu và đau họng. Các loại virus này có ái lực với da và niêm mạc, nên chúng tập trung gây tổn thương ở miệng, ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối...

Người lớn cũng có thể bị bệnh tay chân miệng, tuy nhiên, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh hơn cả. Do ở độ tuổi này, sức đề kháng của trẻ vẫn còn khá yếu, chưa thể chống chọi được trước sự tấn công của các loại virus. Bên cạnh đó, khi trẻ đi học mẫu giáo, việc sinh hoạt trong môi trường nhiều trẻ nhỏ sẽ là điều kiện thuận lợi cho bệnh tay chân miệng bùng phát và lây lan mạnh mẽ hơn.

Phần lớn trẻ bị bệnh tay chân miệng sẽ tự khỏi sau khi được điều trị và chăm sóc tốt. Tuy vậy, khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh tay chân miệng, bạn vẫn cần phải chú ý và tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ trong điều trị và chăm sóc. Bởi nếu bạn quá chủ quan, bệnh có thẻ kéo dài và dẫn tới các biến chứng vô cùng nguy hiểm.

2. Nốt tay chân miệng như thế nào?

Dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ em rất đặc trưng và dễ nhận biết. Sau khi ủ bệnh khoảng 1 - 2 ngày, bệnh thường sẽ khởi phát vào ngày thứ 3 với các triệu chứng phổ biến như:

  • Sốt: Sốt là dấu hiệu đầu tiên khi trẻ bị nhiễm bệnh, trẻ có thể bị sốt nhẹ hoặc sốt cao. Nếu như trẻ bị sốt cao không đỡ, bạn nên đưa trẻ đi khám ngay để được điều trị phù hợp. Vì tình trạng sốt cao có thể là triệu chứng của bệnh nặng, có thể gây nguy hiểm cho trẻ, dễ dẫn tới các biến chứng mà bạn không thể lường trước được.
  • Xuất hiện các tổn thương trên da: Các tổn thương này có thể là những nốt mẩn đỏ, mụn tay chân miệng xuất hiện tại các vị trí đặc trưng như là lòng bàn tay, lòng bàn chân, trong khoang miệng, lưỡi,... Các nốt tay chân miệng có thể gây ra cảm giác ngứa ngáy, đau rát khó chịu cho trẻ khi bị vỡ ra. Chính vì vậy, bạn cần tránh khống để cho trẻ gãi vào vùng da bị tổn thương, cũng như không để cho bé cầm chơi hoặc ngậm các vật dụng chưa được xử lý sạch sẽ.
  • Hình ảnh tay chân miệng ở trẻ em đặc trưng bởi các bóng nước có hình bầu dục với kích thước từ 2 – 10mm, có màu xám, và thường ấn không đau. Bóng nước trong miệng khi vỡ ra sẽ tạo thành những vết loét trong miệng làm trẻ đau và bỏ ăn. Bóng nước trên da sẽ tự xẹp đi và tự khỏi sau 5 đến 7 ngày, không để lại sẹo.
  • Trẻ có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn: Khi bị bệnh, bên cạnh các triệu chứng phổ biến trên, trẻ còn xuất hiện các biểu hiện khác như là đau miệng, chán ăn, mệt mỏi. Thậm chí là trẻ còn có thể bị tiêu chảy nặng khi bị bệnh tay chân miệng.

Ngoài ra, nếu trẻ bị bệnh nặng có xuất hiện những hiện tượng như sốt cao trên 38 độ C, sốt kéo dài trong suốt nhiều giờ không hạ. trẻ quấy khóc liên tục và giật mình thường xuyên. Đây có thể là các dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh.

Khi trẻ có các biểu hiện bị bệnh, bạn nên đưa trẻ đi khám để được các bác sĩ tư vấn cách điều trị và chăm sóc phù hợp, tránh xảy ra các biến chứng nguy hiểm cho trẻ.

3. Trẻ bị tay chân miệng nổi mụn nước nhiều có sao không?

Bọng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và trong miệng là triệu chứng đặc trưng của bệnh tay chân miệng. Trong một số trường hợp, khi virus tấn công lên não sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm là viêm não - màng não. Bên cạnh đó, bệnh cũng có thể gây ra biến chứng nguy hiểm khác như viêm cơ tim, phù phổi cấp.

Bạn cần đưa trẻ tới bệnh viện ngay nếu trẻ có các triệu chứng nguy hiểm của bệnh như:

  • Sốt cao ≥ 39 độ C, hoặc sốt trên 2 ngày.
  • Thở nhanh, khó thở.
  • Giật mình
  • Lừ đừ
  • Run chi
  • Quấy khóc nhiều
  • Trẻ bứt rứt khó ngủ
  • Nôn nhiều
  • Đi loạng choạng
  • Da nổi bông tím
  • Vã mồ hôi
  • Tay chân lạnh
  • Co giật
  • Hôn mê

Như vậy trẻ mắc tay chân miệng chỉ nổi nhiều mụn nước thì không phải là dấu hiệu nặng của bệnh, không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu điều này làm bạn lo lắng và không biết phải làm sao, bạn hãy đưa trẻ đi khám để được bác sĩ tư vấn cách điều trị phù hợp nhất.

4. Cách điều trị bệnh tay chân miệng hiệu quả

Hiện tại, chúng ta vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh tay chân miệng. Các biện pháp điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng mà trẻ gặp phải và phòng ngừa không để các biến chứng xảy ra.

  • Khi trẻ bị sốt cao, bạn có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt, cần tuân theo liều lượng thuốc mà bác sĩ chỉ định.
  • Đối với các nốt mụn nước bị vỡ có thể sử dụng thuốc giảm đau và thuốc sát khuẩn bôi vào.
  • Sử dụng nước muối sinh lý 0,9% để xử lý sạch sẽ trong miệng cho trẻ.
  • Nên để trẻ ở nhà nghỉ ngơi cho đến khi bệnh lành hẳn. Không cho trẻ tiếp xúc với người khác nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
  • Khi miệng của trẻ bị tổn thương sẽ gây đau đớn, dẫn tới trẻ chán ăn. Chính vì vậy, bạn nên cho trẻ ăn các loại thức ăn dạng lỏng, dễ nuốt và dễ tiêu hóa.
  • Khi tắm rửa cho trẻ, bạn có thể dùng các loại nước có khả năng sát khuẩn tốt như là nước lá trầu, nước lá chè,... Các loại nước này vừa có tác dụng làm mát cơ thể vừa có tác dụng kháng khuẩn rất tốt, giúp hạn chế tình trạng bị viêm nhiễm tại vùng da bị tổn thương.

5. Phòng tránh bệnh tay chân miệng ở trẻ em

Vào thời điểm này, khi dịch bệnh tay chân miệng đang bùng phát, việc phòng tránh bệnh cho trẻ là điều vô cùng quan trọng. Để bảo vệ cho trẻ tránh khỏi các dịch bệnh nói chung và bệnh tay chân miệng nói riêng, bạn cần chú ý một số vấn đề sau:

  • Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng đối với cả người lớn và trẻ em sau khi vui chơi, làm việc, trước khi nấu ăn, trước khi tiếp xúc với trẻ, cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã lót cho trẻ.
  • Vệ sinh sạch sẽ các bề mặt trẻ thường xuyên tiếp xúc trong gia đình.
  • Luôn giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm, nấu thức ăn chín cho trẻ.
  • Tuyệt đối không được mớm thức ăn cho trẻ bằng miệng.
  • Không sử dụng chung khăn mặt, khăn tắm.
  • Người lớn không hôn trẻ, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

26.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan