Trẻ nôn sau khi uống thuốc, phải làm gì?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hữu Nam - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Trẻ nôn sau khi uống thuốc có lẽ là điều thường gặp với các ông bố bà mẹ. Hiện tượng này xảy ra thường xuyên hơn với trẻ dưới 4 tuổi. Trẻ nôn sau khi uống thuốc có thể khiến bé phải dùng thêm một liều khác và ảnh hưởng đến kết quả điều trị.

1. Trẻ nôn sau khi uống thuốc có cần sử dụng thêm liều khác không?

Các yếu tố quyết định việc trẻ có cần uống thêm liều khác sau khi nôn bao gồm:

  • Thời gian từ khi trẻ uống thuốc đến khi nôn;
  • Loại thuốc;
  • Tình trạng của trẻ sau khi nôn;
  • Phần thuốc có thể nhìn thấy trong khi trẻ nôn.

Ngoài ra, các mẹ cần chú ý thêm các yếu tố khác như:

  • Dạng bào chế của thuốc, có thể kể đến như: Dạng siro, dạng viên nén, dạng viên nang;
  • Lượng dịch nôn;
  • Độ tuổi của bé.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể đánh giá được chính xác các yếu tố trên. Để đảm bảo cách xử trí tốt, các bậc phụ huynh cần để ý thời gian từ khi trẻ uống thuốc đến khi trẻ nôn. Sau đó đưa ra quyết định trẻ có nên uống thêm một liều khác hay không, nhưng vẫn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có thông tin chính xác.

Sau đây là nguyên tắc dựa trên thời gian trẻ uống thuốc cho đến khi nôn để bố mẹ đưa ra quyết định (cần lưu ý nguyên tắc này có thể không đúng với một số trường hợp cụ thể):

  • Trẻ nôn trong vòng 15 phút sau khi uống thuốc và có thể nhìn thấy viên thuốc (đối với thuốc dạng viên) trong dịch nôn: Bé cần uống thêm một liều thay thế.
  • Bé uống thuốc sau 1 tiếng bị nôn (15-60 phút): Bé có thể uống thêm một liều thuốc, nên cân nhắc giữa kết quả điều trị và các tác dụng phụ trong trường hợp quá liều. Ví dụ như các loại thuốc hạ sốt, giảm đau, thuốc chống đông máu, thuốc điều trị huyết áp cao, các Opioids,... không nên uống thêm liều do có thể làm tăng nguy cơ quá liều thuốc cho trẻ.
  • Trẻ uống thuốc hơn 1 tiếng sau mới nôn: Bé không cần uống lại liều thuốc.
Trẻ nôn sau khi uống thuốc
Trẻ nôn sau khi uống thuốc có thể khiến bé phải dùng thêm một liều khác

2. Các biện pháp giúp hạn chế việc trẻ nôn sau khi uống thuốc

Để hạn chế tình trạng trẻ nôn sau khi uống thuốc, bố mẹ có thể áp dụng một số phương pháp sau:

  • Ngoài các loại thuốc yêu cầu uống lúc no hoặc ngay sau khi ăn xong, mẹ cần cho bé uống thuốc cách xa bữa ăn để tránh làm cho trẻ nôn.
  • Đối với trẻ dưới 6 tuổi nên chọn những loại thuốc dễ uống. Với những loại thuốc dạng viên nén, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc có thể nghiền hoặc hòa tan để cho bé uống không. Không nên hòa thuốc với sữa hoặc thức ăn để tránh sự tương tác thuốc có thể xảy ra.
  • Nên phân chia thời gian uống thuốc hợp lý. Điều này không chỉ giúp trẻ tránh bị nôn sau khi uống thuốc mà còn giúp đảm bảo chất lượng của thuốc trong quá trình điều trị.
  • Các bậc phụ huynh nên cẩn thận khi cho bé uống các loại thuốc dạng siro để tránh trẻ bị sặc thuốc. Trường hợp trẻ bị nôn sau khi uống thuốc hạ sốt, cha mẹ có thể thay thế dạng viên đạn nhét hậu môn.
  • Đối với trẻ dưới 1 tuổi, khi bị sặc thuốc bố mẹ cần áp dụng thủ thuật vỗ lưng ấn bụng, với trẻ trên 1 tuổi áp dụng thủ thuật Heimlich. Sau đó cần đưa trẻ đến trung tâm y tế để nhận sự giúp đỡ từ các bác sĩ.

Nuôi dạy con cái luôn là điều không dễ dàng đối với các ông bố bà mẹ, nó là cả một quá trình học tập và tích lũy. Trẻ càng nhỏ càng cần sự chăm sóc kỹ càng hơn, chính vì vậy cần tìm hiểu kỹ các thông tin trước khi áp dụng với bé để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

117.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan