Trẻ tăng trưởng chậm: Nguyên nhân, triệu chứng và chẩn đoán

Trẻ tăng trưởng chậm hiện đang là một vấn đề mà nhiều bậc cha mẹ quan tâm do tỷ lệ trẻ mắc phải tình trạng này đang ngày một gia tăng. Tuy nhiên, khi biết được nguyên nhân và triệu chứng cụ thể của chậm tăng trưởng ở trẻ sẽ giúp bạn xác định được phương pháp điều trị hiệu quả dành cho trẻ.

1. Tăng trưởng chậm ở trẻ là tình trạng gì?

Tăng trưởng chậm là một tình trạng xảy ra khi tốc độ phát triển của trẻ không đạt được các mốc về cân nặng và chiều cao bình thường đối với từng độ tuổi của chúng. Vấn đề này có thể bắt nguồn từ một số tình trạng sức khoẻ nhất định ở trẻ, chẳng hạn như suy giáp hoặc bị thiếu hụt hormone tăng trưởng trong cơ thể.

Để giúp trẻ có thể tăng trưởng chiều cao một cách bình thường và khoẻ mạnh, bố mẹ nên đưa trẻ đến khám bác sĩ nhi khoa định kỳ nếu con có các biểu hiện phát triển bất thường. Tình trạng chậm phát triển có thể liên quan đến những vấn đề sức khỏe đáng lo ngại khác, do đó việc trao đổi với bác sĩ sớm sẽ giúp bạn và trẻ khắc phục được mối quan tâm này.

2. Các triệu chứng thường gặp của tình trạng tăng trưởng chậm ở trẻ

Nếu một đứa trẻ trông thấp bé hơn so với những đứa trẻ khác đồng trang lứa thì khả năng cao chúng đang gặp phải một vấn đề về tăng trưởng. Mặt khác, tình trạng này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu trẻ trông thấp bé hơn 95% so với những đứa trẻ khác có cùng độ tuổi và dường như tốc độ phát triển của trẻ cũng rất chậm.

Chiều cao trẻ em
Tăng trưởng chậm ở trẻ thường biểu hiện ở chiều cao của đứa bé so với bạn bè đồng trang lứa

Thực tế, ngay cả những trẻ có chiều cao ở mức bình thường cũng có thể được chẩn đoán là chậm tăng trưởng nếu tốc độ phát triển của chúng có dấu hiệu chậm lại rõ rệt. Nhìn chung, ở mỗi nhóm nguyên nhân gây ra tình trạng chậm tăng trưởng ở trẻ sẽ có các triệu chứng khác nhau. Cụ thể là:

  • Trẻ mắc phải một dạng nhất định của chứng lùn: Thường có các triệu chứng như kích thước của chân tay không cân đối hoặc tương xứng với thân hình.
  • Trẻ có nồng độ hormone thyroxine thấp trong cơ thể: Thường gây ra những triệu chứng như táo bón, mất năng lượng, khó giữ ấm cơ thể, khô tóc hoặc khô da.
  • Trẻ có nồng độ hormone tăng trưởng (GH) thấp trong cơ thể: Có thể khiến mặt trẻ trông non nớt hơn so với độ tuổi của chúng do sự phát triển của khuôn mặt bị ảnh hưởng đáng kể bởi việc thiếu hormone GH.
  • Trẻ bị chậm tăng trưởng do có vấn đề về ruột hoặc dạ dày: thường gây ra các triệu chứng như tiêu chảy, máu lẫn trong phân, táo bón, buồn nôn hoặc nôn mửa.

3. Nguyên nhân nào dẫn đến tăng trưởng chậm ở trẻ?

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tình trạng tăng trưởng chậm ở trẻ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp nhất của sự tăng trưởng chậm ở trẻ, bao gồm:

*Tiền sử gia đình: Một đứa trẻ có thể bị phát triển chậm hơn so với những trẻ khác cùng độ tuổi nếu trong gia đình chúng có bố mẹ hoặc người thân có vóc dáng thấp bé. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân tăng trưởng chậm ở trẻ bắt nguồn từ tiền sử gia đình thì đây không phải là một dấu hiệu đáng lo ngại về sức khoẻ. Sở dĩ, việc trẻ bị thấp bé hơn so với tốc độ phát triển trung bình chỉ đơn giản là do yếu tố di truyền.

*Sự trì hoãn tăng trưởng thể chất: Những đứa trẻ mắc phải tình trạng này thường vẫn phát triển với tốc độ bình thường, tuy nhiên chiều cao của chúng lại thấp hơn so với mức trung bình. Sự trì hoãn tăng trưởng thể chất có thể khiến cho tốc độ trưởng thành của xương, hay còn gọi là tuổi xương, chậm hơn so với độ tuổi của trẻ. Điều này cũng khiến cho trẻ có khả năng cao trải qua giai đoạn dậy thì muộn hơn so với những đứa trẻ cùng tuổi khác. Do đó, trong những năm đầu của tuổi niên thiếu, chiều cao của trẻ dường như thấp dưới mức trung bình, tuy nhiên chúng vẫn có thể bắt kịp tốc độ phát triển chiều cao với các trẻ khác khi trưởng thành.

tăng chiều cao thanh thiếu niên
Trẻ bị trì hoãn tăng trưởng thể chất vẫn có thể bắt kịp tốc độ phát triển chiều cao khi trưởng thành

*Cơ thể trẻ bị thiếu hụt hormone tăng trưởng (GH): Ở thể chất bình thường, hormone GH giữ vai trò trọng yếu trong việc kích thích và thúc đẩy sự phát triển của các mô trong cơ thể. Tuy nhiên, khi trẻ bị thiếu hụt một phần hoặc toàn bộ loại hormone này có thể khiến cho tốc độ phát triển của trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

*Tình trạng suy giáp: Đây là một vấn đề sức khoẻ ở trẻ có liên quan đến sự hoạt động kém hiệu quả của tuyến giáp. Thông thường, tuyến giáp là cơ quan chịu trách nhiệm trong việc giải phóng ra các hormone giúp thúc đẩy và duy trì tốc độ phát triển bình thường của trẻ. Do đó, sự tăng trưởng chậm có thể là một dấu hiệu cho thấy các chức năng tuyến giáp của trẻ đang hoạt động kém.

*Trẻ bị chậm tăng trưởng do hội chứng Turner (TS): Đây là một tình trạng di truyền, thường xảy ra chủ yếu ở những phụ nữ có nhiễm sắc thể X bị mất đi một phần hoặc toàn bộ. Đối với trẻ em mắc hội chứng TS vẫn có thể sản xuất ra hormone tăng trưởng như bình thường, tuy nhiên cơ thể trẻ lại không thể sử dụng chúng một cách hiệu quả.

*Một số nguyên nhân khác gây tăng trưởng chậm ở trẻ: Đây là những nguyên nhân ít được đề cập đến hơn, bao gồm:

  • Tình trạng thiếu máu ở trẻ, đặc biệt là thiếu máu hồng cầu hình liềm
  • Trẻ mắc hội chứng Down: Đây là một tình trạng di truyền, cơ thể trẻ thường có tới 47 NST thay vì 46 như những người bình thường.
  • Các vấn đề về tiêu hoá, tim hoặc phổi
  • Tình trạng loạn sản xương, thường ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển xương
  • Dinh dưỡng kém
  • Phụ nữ khi mang thai sử dụng một số loại thuốc
  • Sự căng thẳng quá mức

4. Chẩn đoán tình trạng chậm tăng trưởng ở trẻ

Để chẩn đoán được tình trạng chậm tăng trưởng ở trẻ, trước hết bác sĩ nhi khoa sẽ thu thập một số thông tin chi tiết về bệnh sử của trẻ cũng như gia đình của bệnh nhân, bao gồm:

  • Tiền sử sinh con của người mẹ
  • Trẻ khi sinh ra có cân nặng và chiều cao bao nhiêu?
  • Số đo chiều cao của những thành viên khác trong gia đình
  • Có thành viên nào trong gia đình bị chậm phát triển không?
Phụ nữ rối loạn tâm trạng sau sinh cần được thăm khám với bác sĩ chuyên khoa
Bác sĩ nhi khoa sẽ thu thập thông tin để chẩn đoán tình trạng chậm tăng trưởng ở trẻ

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể lập biểu đồ tăng trưởng của trẻ trong vòng 6 tháng hoặc lâu hơn để theo dõi tốc độ phát triển của chúng. Bên cạnh đó, việc chẩn đoán cũng có thể được thực hiện thông qua các nghiên cứu hình ảnh và một số xét nghiệm cụ thể. Chẳng hạn như xét nghiệm máu giúp phát hiện ra các vấn đề về ruột, dạ dày, xương, thận hoặc sự mất cân bằng hormone trong cơ thể trẻ. Trong khi đó, bác sĩ cũng có thể biết được tốc độ phát triển xương liên quan đến tuổi của trẻ thông qua chụp X-quang bàn tay và cổ tay trẻ.

Đôi khi, sự tăng trưởng chậm và vóc dáng nhỏ của trẻ có thể là dấu hiệu của các hội chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như hội chứng Turner hoặc Down.

5. Các phương pháp điều trị cho tình trạng chậm tăng trưởng ở trẻ

Việc lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp cho trẻ sẽ phụ thuộc nhiều vào nguyên nhân cơ bản khiến cho trẻ bị chậm tăng trưởng.

Nếu nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm tăng trưởng ở trẻ có liên quan đến các vấn đề về di truyền hoặc do sự trì hoãn tăng trưởng thể chất thì bác sĩ sẽ không khuyến nghị cho bệnh nhân sử dụng hoặc can thiệp bất kỳ phương pháp điều trị nào. Mặt khác, nếu chậm tăng trưởng là do những nguyên nhân cơ bản khác thì trẻ có thể được khuyến nghị sử dụng một số biện pháp điều trị sau đây:

*Tiêm hormone tăng trưởng (GH): Phương pháp này thường được áp dụng cho các trường hợp trẻ bị chậm phát triển do thiếu hụt hormone tăng trưởng (GH) trong cơ thể. Trẻ có thể được tiêm GH ngay tại nhà và thường tiêm 1 lần/ngày. Nhìn chung, phương pháp điều trị này có thể được thực hiện liên tục trong vài năm khi trẻ đang trên đà phát triển. Trong quá trình điều trị, trẻ sẽ được theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa để đánh giá mức độ hiệu quả của việc tiêm GH và có thể điều chỉnh liều lượng khi cần thiết.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu tiêm GH đối với những trẻ bị chậm tăng trưởng do hội chứng Turner (TS) gây ra. Mặc dù cơ thể của trẻ bị hội chứng TS vẫn có khả năng sản xuất ra hormone tăng trưởng một cách tự nhiên, tuy nhiên chúng lại không được sử dụng hiệu quả. Chính vì vậy, bác sĩ thường khuyến nghị phụ huynh nên cho trẻ từ 4 – 6 tuổi tiêm GH mỗi ngày để làm tăng khả năng phát triển chiều cao bình thường cho trẻ khi trưởng thành.

*Sử dụng thuốc thay thế hormone tuyến giáp: Nếu tình trạng tăng trưởng chậm ở trẻ là do suy giáp gây ra thì bác sĩ có thể kê đơn thuốc thay thế hormone tuyến giáp cho trẻ. Trong thời gian sử dụng thuốc, bác sĩ sẽ thường xuyên theo dõi nồng độ hormone tuyến giáp của trẻ để đánh giá mức độ hiệu quả điều trị. Một số trẻ khi sử dụng thuốc trong vài năm có thể sẽ điều chỉnh được tình trạng rối loạn hormone tuyến giáp, tuy nhiên một số trẻ khác có thể phải tiếp tục việc điều trị cho đến cuối đời.

Bác sĩ tâm lý
Tùy thuộc vào nguyên nhân khiến trẻ chậm tăng trưởng để có phương án điều trị phù hợp

6. Có triển vọng nào dành cho trẻ chậm tăng trưởng không?

Triển vọng điều trị dành cho trẻ bị chậm tăng trưởng sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản của nó, cũng như thời điểm bắt đầu điều trị cho trẻ. Nếu tình trạng tăng trưởng chậm ở trẻ được chẩn đoán và điều trị sớm thì trẻ hoàn toàn có thể đạt được chiều cao gần với mức bình thường hoặc thậm chí phát triển bình thường như những đứa trẻ cùng tuổi khác.

Việc chẩn đoán và điều trị muộn có thể làm tăng nguy cơ chậm phát triển thể chất và kèm theo một số biến chứng nguy hiểm khác đối với sức khỏe của trẻ. Bởi lẽ, khi đến độ tuổi trưởng thành sẽ khiến cho các sụn tăng trưởng xương của trẻ đóng lại và khả năng phát triển thêm chiều cao dường như là một điều không thể.

Để phòng chống và cải thiện tình trạng tăng trưởng chậm ở trẻ, cha mẹ nên bổ sung các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất cho con. Đồng thời, các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể cũng có thể áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt. Vì vậy, cha mẹ phải thực sự kiên trì đồng hành cùng con và thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan