Những điều cần biết về chụp X-quang hệ tiết niệu

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp và Gây mê, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Chụp X-quang hệ tiết niệu nhằm xác định được các bệnh lý mà cơ thể đang gặp phải, từ đó bác sĩ và người bệnh sớm có phương hướng và phác đồ điều trị kịp thời. Đối với mỗi bộ phận chức năng của hệ tiết niệu trong cơ thể và tình trạng sức khoẻ của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định tiến hành chụp X-quang theo những phương pháp khác nhau.

1. Chụp X-quang hệ tiết niệu không có thuốc cản quang

Chụp X-quang hệ tiết niệu không có thuốc cản quang: phương pháp này thường được chỉ định rộng rãi nhất.

1.1. Chỉ định

  • Phát hiện những cản quang bất thường nghi ngờ sỏi ở đường tiết niệu (đài - bể thận, bàng quang, niệu quản, niệu đạo).
  • Xác định bóng thận.
  • Chẩn đoán phân biệt đau vùng cùng cụt, cột sống với đau do sỏi tiết niệu.

1.2. Hình ảnh đánh giá bệnh lý

  • Bóng thận to nhiều gặp trong: Ứ nước, ứ mủ thận, ung thư thận, khối máu tụ trong thận sau chấn thương.
  • Bóng thận không ở vị trí bình thường gặp trong sa thận hoặc thận lạc chỗ. Khi đó cần chụp thận có thuốc cản quang UIV để xác định.
  • Thấy hình ảnh cản quang của sỏi: To hoặc nhỏ, hình thể không cố định ở thận, bàng quang, niệu quản đó là sỏi cản quang (sỏi canxi photphat, canxi cacbonat, amoni magie photphat...), không thấy được các sỏi không cản quang (sỏi urat, xanthyl, systin...).

2. Chụp X-quang thận có cản quang tĩnh mạch

2.1. Mục đích

Kỹ thuật này dựa trên nguyên lý dùng một loại thuốc cản quang có chứa iod tan trong nước, có đặc tính chọn lọc chỉ thải qua đường tiết niệu sau khi tiêm vào mạch máu. Ngày nay kỹ thuật này dần được thay thế bởi chụp CT Scanner hệ tiết niệu có thuốc cản quang.

Mục đích:

  • Đánh giá chức năng bài tiết của thận và lưu thông trong hệ tiết niệu.
  • Đánh giá hình thái thận - hệ tiết niệu: phát hiện bệnh lý dị dạng, chấn thương, u, lao thận.
  • Phát hiện sỏi, nhất là sỏi không cản quang.

2.2. Chỉ định, chống chỉ định

Chỉ định:

  • Sỏi thận – tiết niệu, ung thư thận, lao thận, đái ra máu, đái dưỡng chấp.
  • Chẩn đoán phân biệt thận to với các khối u khác trong ổ bụng...
  • Sỏi thận - tiết niệu cản quang không rõ và sỏi không cản quang.
  • U nang thận, thận ứ nước.
  • Thiểu sản thận.
  • Tăng huyết áp nghi do hẹp động mạch thận.
  • Viêm thận - bể thận mãn.
  • Lao thận đái dưỡng chấp.

Chống chỉ định:

  • Suy thận: Khi ure huyết thanh > 8 mmol/l hoặc > 50 mg%.
  • Dị ứng với iot.
  • Đái máu đại thể đang tiếp diễn.
  • Đang có suy tim, đang có cổ trướng.
  • Phụ nữ có thai.

2.3. Hình ảnh đánh giá bệnh lý

2.3.1 Về chức năng

Không thấy thuốc cản quang ngấm qua thận do:

  • Thận mất hoàn toàn chức năng.
  • Có thể do một nguyên nhân nào đó gây phản xạ ức chế thận, thận im lặng không đáp ứng việc ngấm thuốc.
  • Không có thận ở vị trí bình thường, thận lạc chỗ.

Có ngấm thuốc cản quang nhưng chậm so với bình thường do chức năng thận bị suy giảm nhưng chưa mất hoàn toàn (nếu trên 30 phút không thấy thuốc bài tiết ở đài - bể thận thì chức năng bài tiết đã giảm). Trong trường hợp này cần chụp thêm 1 phim sau 2 giờ để đánh giá thận đã mất chức năng hoàn toàn hay chưa.

2.3.2 Về hình thể

Có thể có biến dạng về hình thể như sau:

  • Hình ảnh các đài - bể thận giãn căng thành từng chùm tròn do chít tắc ở phía dưới.
  • Hình ảnh khuyết các đài - bể thận do các khối u ác tính.
  • Hình ảnh đài - bể thận kéo dài khoảng cách giữa các đài thận rộng do các khối nang trong thận.
  • Hình ảnh đài - bể thận nham nhở, gặp trong lao thận.
  • Các hình ảnh dị tật bẩm sinh: Thận lạc chỗ, thận đơn, thận móng ngựa, chít hẹp chỗ nối niệu quản - bàng quang.
X-quang hệ tiết niệu
Chống chỉ định chụp X-quang thận có cản quang tĩnh mạch cho phụ nữ có thai

3. Chụp X-quang niệu quản bể thận ngược dòng có thuốc cản quang

3.1. Mục đích

  • Phát hiện hẹp, độ dài niệu quản hẹp hoặc tắc niệu quản do sỏi hoặc các nguyên nhân khác mà ngay CT Scanner không xác định được; nếu còn nghi ngờ sỏi cản quang niệu quản thì chụp thận ngược dòng là phương pháp chẩn đoán xác định có giá trị.
  • Nhằm phát hiện hình đài – bể thận niệu quản trong trường hợp chụp thận thuốc tĩnh mạch không ngấm.

3.2. Chỉ định, chống chỉ định

  • Chỉ định: Tất cả các trường hợp không chụp được UIV hoặc chụp UIV, CT Scanner hệ tiết niệu cho kết quả không rõ. Tìm các đường dò lưu thông từ thận sang hệ thống bạch huyết.
  • Chống chỉ định: Khi có nhiễm khuẩn đường niệu: viêm bàng quang, viêm niệu đạo vì dễ gây viêm bể thận ngược dòng.

3.3. Phương pháp tiến hành

Đưa sonde ngược dòng từ niệu đạo vào bàng quang lên niệu quản vào bể thận qua ống soi bàng quang, bơm 12 - 15 ml dung dịch thuốc cản quang qua sonde rồi chụp phim thứ nhất ngay sau khi bơm thuốc và phim thứ hai sau 5 phút.

  • Ưu điểm:

đưa thuốc trực tiếp vào bể thận, thuốc không bị pha loãng, nên đài bể thận rõ; có thể kết hợp rửa bể thận rồi đưa thuốc kháng sinh vào bể thận và lấy nước tiểu từ bể thận để xét nghiệm từng bên thận.

  • Nhược điểm:

chỉ biết được hình dáng đài - bể thận mà không biết được hình thái thận, chức năng thận, dễ gây nhiễm khuẩn từ dưới lên, nếu bơm mạnh có thể gây vỡ đài bể thận, là kỹ thuật tương đối phức tạp nên được chỉ định khi thật cần thiết.

4. Chụp X-quang bàng quang

4.1. Chỉ định

Phát hiện các bệnh lý bàng quang, phát hiện dị dạng bàng quang và thể tích bàng quang với bệnh nhân được nhận thận trước ghép.

4.2. Phương pháp tiến hành

  • Chụp bàng quang ngược dòng:

đặt một ống thông mềm vào bàng quang, bơm thuốc cản quang qua ống thông với khối lượng vừa đủ chụp một phim vùng tiểu khung.

  • Chụp bơm hơi vào bàng quang:

Đặt một ống thông mềm vào bàng quang, bơm căng hơi vào bàng quang với số lượng vừa đủ, rút ống thông chụp phim vùng tiểu khung.

X-quang hệ tiết niệu
Chụp X-quang bàng quang để phát hiện các bệnh lý bàng quang

5. Chụp X-quang thận bơm hơi sau phúc mạc

Chụp X-quang hệ tiết niệu sau khi bơm hơi vào quanh hố thận sau phúc mạc, hơi được vào tổ chức quanh thận, hơi sẽ tách thận và tổ chức nên nhìn thấy rõ thận và tuyến thượng thận.

5.1. Chỉ định

  • Phát hiện bóng thận, kích thước thận, tuyến thượng thận.
  • Phát hiện các dị dạng của thận.
  • Phát hiện các khối u sau phúc mạc, các ổ áp xe cạnh thận.

5.2. Phương pháp tiến hành

Bơm khí vào khoang phúc mạc qua kim chọc vào điểm sau trực tràng trước xương cùng cụt: bơm khí vào trong thấy nhẹ là đúng vị trí.

Sử dụng oxy hoặc khí trời. Khi bơm khí vào bên nào phải nằm nghiêng về bên đó, chụp X-quang ngay sau khi bơm khí. Bơm khí xong để bệnh nhân nằm yên 5 – 10 phút để hơi đi lên hố thận rồi mới chụp, trước chụp cần xác định lượng hơi đã lên hố thận chưa có thể gõ vùng hố thận thấy trong, hoặc chiếu X-quang kiểm tra. Sau khi chụp cho bệnh nhân nằm tư thế đầu thấp trong 24h.

5.3. Tai biến có thể xảy ra

Tai biến thường gặp là đau lưng, đau bụng, tràn khí dưới da, tràn khí trung, thất tắc mạch hơi. Đặc biệt cần đề phòng có thể có phản xạ ngừng tim đột ngột do khối khí kích thích lên cơ hoành.

Hiện nay, phương pháp này ít được dùng vì có siêu âm thận, nó chỉ được dùng trong một số trường hợp để nhận định hình thái tuyến thượng thận.

6. Chụp X-quang động mạch thận

6.1. Mục đích

  • Đánh giá tình trạng động mạch thận của người cho thận trước khi lấy thận để ghép.
  • Đánh giá phục hồi mạch máu và chức năng quả thận sau ghép.

6.2. Chỉ định, chống chỉ định

Chỉ định:

Để chẩn đoán những thay đổi ở động mạch thận: hẹp, tắc, thông, phồng động mạch thận.

  • Tăng huyết áp mức độ nặng mà điều trị thuốc hạ áp kém có tác dụng kém hoặc không có tác dụng, nhất là với người trẻ tuổi.
  • U, thận đa nang.
  • Chấn thương gây vỡ rách nhu mô thận đứt mạch máu.

Chống chỉ định: Người mắc suy thận.

6.3. Phương pháp tiến hành

Luồn ống thông catheter qua động mạch bẹn lên động mạch chủ bụng. Khi ống thông lên trên chỗ phân chia động mạch thận 1 – 2cm thì bơm thuốc cản quang bằng máy bơm cao áp với tốc độ tiêm và áp lực mạnh khoảng 10ml/giây mới có thể tạo cho thuốc cản quang choán chỗ được lòng mạch và yêu cầu phải chụp với thời gian phát tia ngắn.

6.4. Hình ảnh đánh giá bệnh lý

  • Tăng sinh mạch ở vị trí có khối u ác tính của thận.
  • Giảm sinh mạch máu ở những vùng có khối u nang.
  • Phình động mạch thận, hẹp động mạch thận ở bệnh nhân tăng huyết áp, có thể thấy nhánh phụ của động mạch thận.
X-quang hệ tiết niệu
Chống chỉ định với bệnh nhân suy thận

7. Chụp bạch mạch

7.1. Chỉ định

Chỉ định: chẩn đoán các trường hợp rò bạch mạch.

7.2. Phương pháp tiến hành

Tiến hành: Tìm bạch mạch vùng mu chân bằng cách tiêm xanh Evans dưới da sẽ ngấm chọn lọc vào bạch mạch. Để thấy rõ bạch mạch: dùng kim nhỏ luồn vào bạch mạch, bơm thuốc cản quang dầu loại lipiodol cực lỏng bằng bơm áp lực. Chụp phim thận sau bơm 30 phút đến 1 giờ.

7.3. Hình ảnh đánh giá bệnh lý

Sau khi tiêm, thuốc cản quang ngấm vào hệ thống bạch mạch quanh thận. Trường hợp bệnh lý có thể thấy giãn các đường bạch mạch, hoặc thấy ngấm thuốc vào đài bể thận là có dò dưỡng chấp vào thận.

Mỗi phương pháp hay mỗi kiểu chụp X-quang sẽ được chỉ định thực hiện khác nhau tùy theo mục đích bác sĩ hướng tới. Chính vì vậy, người bệnh nên cung cấp rõ tình trạng sức khoẻ của bản thân để bác sĩ nắm được, chỉ định đúng và tránh rủi ro sức khỏe hay tai biến về sau.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • Urised
    Tác dụng của thuốc Urised

    Thuốc Urised được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần gồm nhiều hoạt chất khác nhau. Thuốc được sử dụng trong điều trị các triệu chứng khó chịu do nhiễm trùng đường tiết niệu.

    Đọc thêm
  • Sisxacin
    Công dụng thuốc Sisxacin

    Sisxacin là thuốc kháng sinh bán tổng hợp sử dụng để điều trị các nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn răng miệng, nhiễm khuẩn sinh dục - tiết niệu,... Vậy công dùng của thuốc và cần lưu ý khi ...

    Đọc thêm
  • etamet 1g
    Công dụng thuốc Etamet

    Thuốc Etamet có thành phần chính Cefmetazol - là 1 kháng sinh Cephalosporin thế hệ 2, được dùng bằng đường tĩnh mạch để điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn do các vi khuẩn nhạy cảm gây ra.

    Đọc thêm
  • cefomaxe
    Công dụng thuốc Cefomaxe

    Cefomaxe là thuốc kê đơn, thuộc nhóm kháng sinh điều trị các bệnh lý nhiễm trùng như: Nhiễm trùng máu, nhiễm khuẩn xương khớp, nhiễm trùng ổ bụng, viêm màng tim và dự phòng nhiễm khuẩn sau cuộc phẫu thuật...Thuốc ...

    Đọc thêm
  • Bestnats
    Công dụng thuốc Bestnats

    Bestnats là thuốc kê đơn, được chỉ định sử dụng cho các trường hợp viêm phổi, viêm phế quản và nhiễm khuẩn da mô mềm... Để đảm bảo hiệu quả sử dụng Bestnats, người bệnh cũng cần tuân theo chỉ ...

    Đọc thêm