Những điều cần chú ý khi phục hồi chức năng sau gãy cổ xương đùi

Gãy cổ xương đùi là chấn thương thường gặp nhất ở người già, dẫn tới nguy cơ tàn tật cao, hiện nay có nhiều phương pháp điều trị mang lại hiệu quả. Tuy nhiên việc phục hồi chức năng sau chấn thương gãy cổ xương đùi như thế nào để đem lại hiệu quả cao là rất quan trọng.

1. Phục hồi chức năng chi người gãy cổ xương đùi như thế nào?

1.1 Nguyên tắc phục hồi chức năng sau gãy cổ xương đùi

  • Phục hồi lại tầm vận động của khớp háng
  • Gia tăng sức mạnh của các nhóm cơ khớp háng, khung chậu, cơ mông
  • Khôi phục lại dáng đi bình thường cho người bệnh
  • Lấy lại các hoạt động, sinh hoạt bình thường cho người bệnh.
  • Hạn chế những tai biến do bất động lâu ngày
phuc-hoi-chuc-nang-1
Khi liền xương vững tập các động tác như đứng lên, ngồi xuống, tăng leo cầu thang

1.2 Những biện pháp phục hồi chức năng

Sau phẫu thuật kết hợp xương

  • Mục đích: Phòng ngừa biến chứng do nằm lâu như viêm phổi, loét do tỳ đè, huyết khối, đau. Duy trì tầm vận động của các khớp, tránh teo cơ, cứng khớp do bất động kéo dài. Tăng sức cơ, phục hồi khả năng di chuyển.

Các phương pháp phục hồi chức năng bao gồm:

  • Nhiệt trị liệu: Nhiệt nóng trị liệu vùng cơ vùng đùi, khớp háng, có thể dùng chườm ấm bằng túi chườm.
  • Vỗ rung giúp long đờm, hạn chế nguy cơ viêm phổi
  • Thay đổi tư thế nằm thường xuyên tránh nguy cơ loét do tỳ đè.
  • Vận động khớp: Có thể thực hiện sớm sau mổ khoảng 3 ngày, vận động chủ động hay thụ động nhờ sự giúp đỡ của nhân viên y tế hay người nhà. Tập co duỗi khớp háng, khớp gối mỗi lần co duỗi khoảng 45 giây, mỗi lần tập khoảng 10 đến 15 phút, ngày 4-6 lần. Ngoài ra tập vận động khớp cổ chân, nhất là động tác gập mu chân.
  • Tăng sức cơ: Bằng cách tập co duỗi khớp gối hay tập co cơ tĩnh ( có sự co cơ nhưng không phát sinh vận động) người bệnh nằm ngửa gồng cơ khoảng 5 đến 10 giây, thực hiện khoảng 10 đến 15 lần. Tập sớm tránh hiện tượng teo cơ.
  • Tập đi nạng trong vòng 6 tháng đầu người bệnh dùng nạng gỗ tập đi thanh ngang đầu trên của nạng để tựa bên lồng ngực, dáng đi thẳng, mắt nhìn thẳng phía trước, không cúi nhìn xuống chân, hai vai ngang bằng.
  • Sau 6 tháng có thể tập đi chịu sức nặng cơ thể một phần, chỉ dùng nạng để hỗ trợ. Sau đó tăng dần sức nặng cơ thể lên khớp háng có thể không dụng nạng.
  • Khi liền xương vững tập các động tác như đứng lên, ngồi xuống, tăng leo cầu thang. Chú ý tình trạng sức khỏe để có thời gian tập hợp lý.
  • Khi vết mổ lành không bầm tím, có thể xoa bóp nhẹ nhàng, không dùng các loại dầu cao hay cồn xoa bóp.

Sau bó bột

  • Người bệnh có thể tập đi lại sau khi bó bột 24 đến 48 giờ. Tập đi bằng nạng, làm tăng sức cơ vùng khớp háng và đùi. Tập đi nạng tương tự như với trường hợp sau phẫu thuật kết hợp xương.
  • Sau khi tháo bột gia tăng tập vận động khớp gối, khớp háng,tập tăng sức mạnh của cơ, chườm ấm, xoa bóp nhẹ nhàng giúp tăng lưu thông máu

Sau phẫu thuật thay khớp háng

  • Tập phục hồi chức năng tương tự như sau phẫu thuật kết hợp xương tuy nhiên thời gian tập đi lại sớm hơn, phục hồi nhanh hơn
  • Sau 3 ngày phẫu thuật người bệnh tập đi lại bằng nạng hay khung tập đi.
  • Tập các động tác tăng vận động khớp như co duỗi tăng dần tầm vận động để đạt tầm vận động như bình thường
  • Từ tuần thứ 4 người bệnh có thể đi lại bình thường, tập tăng cường sức cơ như đạp xe tại chỗ, tăng dần theo sức chịu đựng.

2. Những chú ý khi phục hồi chức năng sau gãy cổ xương đùi

Tập phục hồi chức năng sau gãy cổ xương đùi rất quan trọng giúp tăng tuần hoàn máu, giãn cơ, giảm đau, đề phòng nguy cơ do nằm lâu, teo cơ cứng khớp.

  • Nên tập sớm nhất có thể, vì để càng lâu thì khả năng teo cơ cứng khớp cao hạn chế khả năng phục hồi như bình thường.
  • Tập đều đặn tăng dần theo sức chịu đựng và bài tập phù hợp với giai đoạn của bệnh. Tập đúng theo hướng dẫn, đề phòng tai biến khi tập không đúng cách
  • Tập chung vào tập vận động tăng cường sức cơ và tăng tầm vận động của khớp.
  • Không nên đắp hay bôi các loại cao lá không rõ nguồn gốc.
  • Không bắt chéo chân phẫu thuật sang bên chân lành.
phuc-hoi-chuc-nang-2
Không bắt chéo chân phẫu thuật sang bên chân lành
  • Không ngồi thấp, háng gấp quá 90 độ.
  • Không xoay chân phẫu thuật vào trong.
  • Không gập đùi vào bụng hoặc gập lưng xuống quá nhiều làm cho góc đùi và thân người nhỏ hơn 90 độ.
  • Không ngồi trên những chiếc ghế không có tay vịn, vì như thế người bệnh rất khó khăn khi đứng dậy.
  • Khi đi vệ sinh: không nên ngồi trên bồn cầu thấp mà phải ngồi trên bồn cầu cao để đùi không gấp quá 90 độ.
  • Không nên cúi người quá thấp để nhặt vật dụng sinh hoạt hay để đi tất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan