Ảnh hưởng của bí tiểu trong thời kỳ mang thai và cách xử trí

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Lê Thu Hương - Bác sĩ nội trú- Phục hồi chức năng, Trung tâm Y học tái tạo- Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City

Bí tiểu trong thời kỳ mang thai là tình trạng hiếm gặp. Tuy nhiên tình trạng này nếu không được kiểm soát sớm và đúng cách có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến cả thai phụ và em bé.

1. Ảnh hưởng của bí tiểu trong thời kỳ mang thai

  • Nhiễm khuẩn tiết niệu: do nước tiểu tồn tại lâu trong bàng quang hoặc không được tống xuất hết sẽ là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển, dẫn đến viêm bàng quang, hoặc viêm thận, bể thận, ứ mủ bể thận, thậm chí gây nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn từ đường tiết niệu vào máu
  • Suy thận: Thận là cơ quan sản xuất nước tiểu và lọc các sản phẩm không tốt, gây độc với cơ thể ra ngoài qua nước tiểu. Khi bí tiểu, các sản phẩm độc hại này không bài xuất được sẽ gây suy thận, và gây độc cho cơ thể
  • Vỡ bàng quang: do tình trạng bí tiểu không được xử lý, hoặc xử lý sai như dùng các biện pháp ấn bàng quang để đi tiểu làm bàng quang đang căng tiểu bị thủng, vỡ. Tình trạng này hiếm xảy ra vì càng ngày hệ thống y tế và nhận thức của cộng đồng ngày càng tốt hơn, nhưng nếu tình trạng này xảy ra sẽ dẫn đến các vấn đề y tế rất phức tạp, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và bé
Suy thận
Bí tiểu trong thời kỳ mang thai có thể dẫn tới suy thận

Các vấn đề khác về hệ tiết niệu: sỏi tiết niệu như sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang có thể gặp, đái máu, vỡ bàng quang.

  • Sảy thai, đẻ non: bí tiểu có thể gây sảy thai, đẻ non do hậu quả của bí tiểu như nhiễm khuẩn tiết niệu, suy thận, vỡ bàng quang hoặc do nguyên nhân của nó như sa tử cung. Trên thế giới ghi nhận, tỷ lệ bí tiểu ở nhóm sảy thai, đẻ non cao hơn các nhóm khác và tình trạng sảy thai, đẻ non cũng cao hơn ở nhóm có bí tiểu so với nhóm không có bí tiểu.

2. Kiểm soát bí tiểu trong thời kỳ mang thai

2.1. Đặt thông tiểu

Trong hầu hết các trường hợp, do bí tiểu trong thời kỳ mang thai sẽ diễn ra trong thời gian ngắn, đặc biệt trong tuần thứ 9-16 của thai kỳ, vì vậy, thông tiểu lưu là loại thông tiểu được ưu tiên lựa chọn.

Tuy nhiên, một số bệnh nhân, đặc biệt các trường hợp bí tiểu mạn tính, hoặc do các nguyên nhân chưa xử lý được trong thai kỳ, đặt thông tiểu có thể diễn ra trong thời gian lâu hơn, và thông tiểu ngắt quãng sạch là lựa chọn tối ưu nhất.

Lưu ý: Trong giai đoạn này, người bệnh cần uống nhiều nước, và duy trì chế độ ăn, uống giàu vitamin C để đề phòng nhiễm khuẩn tiết niệu.

Mẹ nên uống nhiều nước để tăng tiết sữa
Thai phụ nên bổ sung nhiều nước và vitamin C để phòng nhiễm khuẩn tiết niệu

2.2. Các bài tập kiểm soát bàng quang và khung chậu

Các bài tập kiểm soát bàng quang và tập cơ sàn chậu có tác dụng làm cải thiện hoạt động của hệ thống thần kinh, làm mạnh cơ, phối hợp hoạt động giữa các nhóm cơ và hệ thống thần kinh, thư giãn cơ tốt hơn, từ đó có thể giúp kiểm soát bí tiểu tốt hơn. Đặc biệt trong các trường hợp có sa sinh dục mức độ nhẹ, các bài tập mạnh cơ sàn chậu rất có ý nghĩa để giảm mức độ sa sinh dục và có tác dụng tốt để điều trị bí tiểu.

2.3. Thuốc

Có một số loại thuốc có thể hỗ trợ trong các trường hợp bí tiểu.

Mặt khác, một số loại thuốc như thuốc kháng cholinergic (như thuốc chống loạn thần, chống trầm cảm, một số thuốc điều trị bệnh hô hấp), các loại opioid, thuốc mê, thuốc chủ vận alpha – adenoceptor, NSAIDs, benzodiazepin, thuốc giãn cơ và thuốc đối kháng kênh calci... khi sử dụng có thể gây bí tiểu và có thể phải ngừng thuốc hoặc đổi thuốc.

Thuốc kháng tiết axit dạ dày được sử dụng phổ biến
Có thể sử dụng một số thuốc hỗ trợ trong các trường hợp bí tiểu

2.4. Can thiệp ngoại khoa

Trong các trường hợp sa sinh dục, nếu các biện pháp nội khoa, tập luyện không kiểm soát được tình trạng này, bệnh nhân có thể cần phải can thiệp ngoại khoa để điều trị nguyên nhân gây bí tiểu và tránh các biến chứng của sa sinh dục như sảy thai, đẻ non, trẻ thấp cân... như đặt vòng nâng cổ tử cung hoặc các biện pháp khác.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec mang đến Chương trình chăm sóc thai sản trọn gói cho các sản phụ ngay từ khi bắt đầu mang thai từ những tháng đầu tiên với đầy đủ các lần khám thai, siêu âm 3D, 4D định kỳ cùng các xét nghiệm thường quy để đảm bảo người mẹ luôn khỏe mạnh và thai nhi phát triển toàn diện.

Sản phụ sẽ được tư vấn và kiểm tra sức khỏe dưới sự theo dõi sát sao của các Bác sĩ Sản khoa giàu kinh nghiệm, chuyên môn, giúp các bà mẹ có thêm kiến thức để bảo vệ sức khỏe trong thai kỳ cũng như giảm thiểu những biến chứng ảnh hưởng tới mẹ và con.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan