Các vấn đề có thể gặp sau khi dùng thuốc tránh thai

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Tuyết Mai - Bác sĩ Sản Phụ Khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Thuốc tránh thai là một trong những phương pháp tránh thai được áp dụng phổ biến hiện nay. Đây là một phương pháp cho hiệu quả tránh thai cao nhưng cũng có thể gây ra các tác dụng phụ cho cơ thể khi sử dụng như mất kinh, rối loạn kinh nguyệt, ra máu bất thường ở âm đạo, buồn nôn, đau đầu chóng mặt...

1. Các tác dụng phụ liên quan đến chức năng sinh dục

  • Rối loạn kinh nguyệt hoặc mất kinh: sau khi uống thuốc tránh thai, nội tiết trong cơ thể sẽ mất cân bằng, một số loại thuốc sau khi sử dụng sẽ tạo ra một chu kỳ kinh giả, cũng có hiện tượng bong niêm mạc tử cung gây chảy máu như kinh nguyệt bình thường nhưng không có rụng trứng. Sự thay đổi nội tiết trong cơ thể là một trong những nguyên nhân thường gặp gây nên sự rối loạn kinh nguyệt.
  • Có hiện tượng kích ứng âm đạo: kích ứng âm đạo xảy ra do tác dụng phụ của thuốc tránh thai gây giảm tiết dịch âm đạo. Âm đạo luôn cần có một độ ẩm nhất định, khi bị thay đổi về độ ẩm sẽ gây kích ứng, khô, ngứa và có thể dễ bị viêm nhiễm nhất là do nấm.
  • Hình thành cục máu đông trong tử cung, âm đạo, ra máu bất thường kèm theo tăng tiết dịch bất thường ở âm đạo: sự thay đổi đột ngột về nồng độ hormone estrogen và progesterone có thể dẫn tới việc giảm tiết dịch bôi trơn âm đạo mà gây tình trạng khô, ngứa âm đạo.
  • Giảm ham muốn tình dục: đây là một trong những tác dụng phụ thường gặp khi uống thuốc tránh thai do thuốc làm thay đổi rất nhiều yếu tố trên cơ thể bao gồm cả các vấn đề về sinh dục và ngoài sinh dục. Những thay đổi này khiến cơ thể mệt mỏi trong thời gian ngắn, kết hợp với sự khô hạn cũng sẽ gây nên tâm lý giảm ham muốn.
  • Đau ngực: có thể xảy ra, căng tức, khó chịu.
Tác dụng phụ của thuốc tránh thai ảnh hưởng đến chức năng sinh dục
Tác dụng phụ của thuốc tránh thai ảnh hưởng đến chức năng sinh dục

2. Các vấn đề ngoài sinh dục

  • Đau bụng: sự thay đổi nội tiết do các thuốc tránh thai gây ra có thể tác động lên tử cung gây thay đổi sự co bóp của tử cung, thậm chí có thể gây bong niêm mạc tử cung như một chu kỳ kinh bình thường. Do đó, sau dùng những ngày đầu thường có biểu hiện đau bụng. Mức độ đau nặng hay nhẹ tùy thuộc vào từng người và liều sử dụng.
  • Buồn nôn: đây là một trong những triệu chứng phổ biến nhất sau khi sử dụng thuốc tránh thai. Nhiều trường hợp, hiện tượng này có thể kéo dài tới 3 tháng kể từ thời điểm sử dụng thuốc tránh thai và chúng sẽ nặng hơn nếu như bạn uống thuốc tránh thai lúc đói. Các biểu hiện này có thể tự mất đi sau 3 tháng.
  • Nhức đầu, chóng mặt, một số trường hợp bị đau nửa đầu. Các biểu hiện này xảy ra do sự sự mất cân bằng về hormone trong cơ thể nhằm thích nghi, đáp ứng với thuốc. Khi cơ thể đã quen với thuốc được đưa vào, cơ thể sẽ trở lại bình thường.
  • Thay đổi tâm lý: điều này xảy ra cũng do sự mất cân bằng về nội tiết.
  • Thay đổi trên da: có thể bị sạm hơn, bị mụn hoặc giảm mụn tùy theo cơ thể mỗi người, hay bị kích ứng, đỏ da.

Ngoài ra còn có thể gặp tác dụng phụ khác gây tăng cân, cơ thể tăng giữ nước, thay đổi về thị lực. Nếu dùng thuốc lâu dài có thể gây ảnh hưởng đến tim mạch và gặp nguy cơ các bệnh lý u về nội tiết.

Thuốc tránh thai có thể khiến cơ thể tăng cân tích nước
Thuốc tránh thai có thể khiến cơ thể tăng cân tích nước

3. Chỉ định và chống chỉ định của việc sử dụng thuốc tránh thai

Chỉ định: Thuốc tránh thai được áp dụng cho tất cả các trường hợp muốn sử dụng phương pháp tránh thai tạm thời có hiệu quả mà chưa sử dụng các biện pháp tránh thai khác.

Chống chỉ định của thuốc tránh thai:

  • Những người đang có thai hoặc nghi ngờ có thai do việc sử dụng thuốc tránh thai lúc này có thể gây sảy thai.
  • Những phụ nữ đang cho con bú trong vòng 6 tuần sau sinh.
  • Phụ nữ trên 35 tuổi và có thói quen hút thuốc lá thường xuyên trên 15 điếu/ngày.
  • Những phụ nữ có nguy cơ bị bệnh mạch vành đặc biệt ở những người lớn tuổi, hút thuốc lá thường xuyên, bị đái tháo đường hay tăng huyết áp....
  • Bệnh nhân tăng huyết áp (huyết áp tâm thu trên 160mmHg, huyết áp tâm trương trên 100mmHg).
  • Bệnh nhân bị các bệnh lý khác về tim mạch hay rối loạn đông máu.
  • Các bệnh nhân bị ung thư hay các khối u khác ở vùng bộ phận sinh dục như u nang buồng trứng, ung thư cổ tử cung, ung thư vú...
  • Người đang mắc các bệnh lý như lupus ban đỏ hệ thống, có kháng thể kháng phospholipid...

Uống thuốc tránh thai là một trong các phương pháp tránh thai được sử dụng phổ biến rộng rãi, vừa an toàn mà lại cho hiệu quả tránh thai cao. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng thuốc, không đúng liều lượng sẽ gây nên các tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe. Do vậy, để hạn chế những tác dụng phụ sau khi dùng thuốc, hãy nghe tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cụ thể hơn về vấn đề sử dụng thuốc tránh thai.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

72.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan