Chửa trứng thoái triển là gì?

Mang thai là quá trình tinh trùng gặp trứng, thụ tinh và làm tổ ở tử cung. Khi rau thai phát triển bất thường làm bánh rau bị thoái hóa, biến thành những túi chứa dịch, lớn dần sẽ chiếm toàn bộ diện tích tử cung chèn lên bào thai làm lấn át sự phát triển của thai nhi, đây gọi là chửa trứng. Vậy chửa trứng thoái triển là gì?

1. Chửa trứng thoái triển là gì? Nguyên nhân gây ra chửa trứng thoái triển

Chửa trứng là tình trạng rau thai phát triển không bình thường. Nguyên bào nuôi rau thai phát triển quá nhanh so với bình thường khiến các tổ chức liên kết và mạch máu ở trong rau thai không kịp phát triển theo khiến rau thai bị thoái hóa, trở thành những túi chứa nước. Các túi này dính thành từng chùm, phát triển to dần, nếu để lâu sẽ chiếm toàn bộ diện tích của tử cung, ảnh hưởng sự phát triển bào thai.

Tỷ lệ mắc chửa trứng rất thấp, chỉ khoảng 0,1%. Bất kỳ phụ nữ ở độ tuổi nào trong thời kỳ mang thai đều có thể mắc. Hầu hết thai phụ đều có thể điều trị và tỷ lệ sống sót lên tới 90%.

Đến nay vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây ra hiện tượng này. Tuy nhiên có 1 số nguyên nhân có thể làm tăng nguy cơ bị chửa trứng thoái triển như:

  • Độ tuổi sinh sản: Thai phụ lớn tuổi, phụ nữ trên 35 tuổi dễ có nguy cơ thụ thai bất thường hoặc ở những phụ nữ dưới 20 tuổi chưa phát triển toàn diện về thể chất.
  • Do phân tử mang di truyền DNA trong quá trình thụ tinh: Trong buồng trứng có những trứng không phát triển hoàn thiện, cơ thể thai phụ lại không loại bỏ như bình thường mà lại thụ tinh với tinh trùng hoặc 1 tinh trùng nam giới không hoàn thiện hoặc nhiều hơn thụ tinh với trứng gây ra chửa trứng thoái triển.
  • Nguyên nhân khác: Thai phụ bị suy dinh dưỡng (chủ yếu là thiếu đạm, thiếu vitamin A), có vấn đề miễn dịch của cơ thể.

Tiền sử mang thai từng bị chửa trứng cũng có nguy cơ cao mắc chửa trứng ở những lần mang thai sau.

2. Phân loại chửa trứng thoái triển

Thực tế chửa trứng thoái triển có các dạng khác nhau, tùy vào từng trạng bệnh mà bác sĩ sẽ phân loại để có hướng điều trị phù hợp.

2.1 Có mấy loại chửa trứng?

Để có thể phân loại chửa trứng thoái triển cần phải dựa theo tính chất. Hiện có 2 loại chửa trứng gồm:

  • Chửa trứng hoàn toàn: Loại này xảy ra khi chỉ có nhau thai phát triển trong bụng, không có thai nhi
  • Chửa trứng một phần: Có nhau thai và hình thành thai nhi nhưng không đầy đủ và không thể phát triển thành 1 thai nhi hoàn thiện.

Cả hai loại này thường là lành tính và không gây ung thư cho thai phụ.

chửa trứng
Hình ảnh chửa trứng hoàn toàn và chửa trứng một phần

2.2 Biểu hiện của chửa trứng thoái triển

Dấu hiệu chửa trứng ban đầu giống với triệu chứng của mang thai thời kỳ đầu như buồn nôn, nôn, tuy nhiên có những dấu hiệu bất thường:

  • Chảy máu bất thường: Máu có màu đỏ tươi hoặc màu nâu sẫm trong vòng 3 tháng đầu
  • Nồng độ hCG cao
  • Bị đau, chèn ép vùng chậu do nguyên bào nuôi rau thai phát triển quá nhanh so với bình thường khiến bụng lớn nhanh, đặc biệt là trong thời kỳ từ tuần 13 (tam cá nguyệt thứ 2) của thai kỳ.

Đồng thời khi đi khám thấy: không có tim thai, u nang buồng trứng, huyết áp cao, thiếu máu, thiếu sắt, cường giáp

3. Chửa trứng thoái triển có nguy hiểm không?

Chửa trứng là bệnh lý lành tính nhưng nếu không xử lý sớm, các túi dịch phát triển to có thể gây ra biến chứng như mất máu, suy dinh dưỡng, băng huyết cho thai phụ. Bệnh có thể biến chứng trở thành ung thư do thai trứng xâm lấn vào tế bào nuôi, nguy cơ gây tử vong thai phụ rất cao.

Có thể bị chửa trứng thoái triển dù trước đó mang thai bình thường và bệnh không ảnh hưởng gì tới lần mang thai tiếp theo.

4. Làm thế nào để điều trị chửa trứng thoái triển?

Khi chẩn đoán chửa trứng, bác sĩ sẽ tiến hành lấy khối trứng ra ngoài tử cung theo kỹ thuật hút nạo bằng cách:

  • Hút nạo thai trứng hoặc nong cổ tử cung

Bác sĩ sẽ làm giãn cổ tử cung và nạo hút thai trứng. Trong quá trình hút nạo sử dụng dung dịch mặn hoặc ngọt đẳng trương pha oxytocin để cầm máu, co hồi tử cung nhanh, đồng thời cho dùng kháng sinh để tránh nhiễm trùng. Khi thực hiện nạo hút sẽ gây tê hoặc gây mê cho bệnh nhân.

Nạo hút thai trứng lần 2 sẽ tiến hành sau lần 1 từ 2 tới 3 ngày. Sau đó gửi mô đã nạo để làm giải phẫu

  • Hóa trị bằng thuốc

Nếu thai phụ có nguy cơ bị ung thư, hoặc nồng độ hCG vẫn cao, có thể cần dùng thuốc hóa trị sau khi đã hút nạo.

  • Phẫu thuật cắt tử cung

Phẫu thuật cắt tử cung toàn phần hoặc cắt bỏ tử cung toàn phần cả khối sau khi nạo hút trứng được thực hiện trong trường hợp thai phụ không muốn có con hoặc với trường hợp chửa trứng để lâu, xâm lấn quá lớn làm thủng tử cung bắt buộc phải cắt.

Chửa trứng không được để lâu vì nhau thai này không thể nuôi dưỡng được thai nhi. Để đảm bảo an toàn cho thai phụ, bác sĩ sẽ nạo hút thai trứng. Theo thống kê trên 80% trường hợp chửa trứng sau khi nạo hút tiến triển tốt, 20% còn lại nguyên bào nuôi tiếp tục phát triển tiếp, tiết ra hCG dẫn đến các biến chứng.

Hóa trị
Hóa trị bằng thuốc là một phương pháp được dùng trong điều trị chửa trứng thoái triển

5. Lưu ý sau khi thực hiện thủ thuật nạo hút chửa trứng

Sau khi loại bỏ chửa trứng 2 tuần, bệnh nhân cần xét nghiệm lại máu – định lượng beta hCG, thực hiện 2 tuần 1 lần trong vòng 3 tháng đầu và sau 6 tháng kiểm tra lần nữa. Theo dõi thường xuyên để phát hiện kịp thời nếu còn sót lại các túi chứa dịch trong tử cung.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan