Dấu hiệu sắp hết kinh nguyệt

Dấu hiệu sắp hết kinh nguyệt xảy ra khi phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh. Một số dấu hiệu nhận biết sắp hết kinh nguyệt thường gặp gồm kinh nguyệt không đều, bốc hỏa, đổ mồ hôi, giảm ham muốn tình dục.

1. Dấu hiệu sắp hết kinh nguyệt

Dấu hiệu sắp hết kinh nguyệt thường bắt đầu xảy ra ở tuổi 51 theo chu trình tự nhiên, nhưng nó cũng có thể xảy ra trước tuổi 40 gọi là mãn kinh sớm. Điều này phụ thuộc vào yếu tố gen di truyền.

Dấu hiệu sắp hết kinh đầu tiên là kinh nguyệt không đều. Thường kinh nguyệt sẽ dừng lại hoàn toàn trong vòng 4 năm kể từ khi phát hiện kinh nguyệt không đều. Ngoài ra, một số các triệu chứng khác cũng có thể xảy ra cảnh báo thời kỳ mãn kinh đang đến gồm:

Một số triệu chứng có thể kéo dài trong nhiều năm và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của nhiều phụ nữ.

2. Dấu hiệu sắp hết kinh trải qua những giai đoạn nào?

Quá trình kết thúc kinh nguyệt diễn ra chậm rãi qua ba giai đoạn:

  • Tiền mãn kinh: Tiền mãn kinh bắt đầu bằng kinh nguyệt không đều, giãn cách giữa các chu kỳ. Hầu hết phụ nữ bước vào giai đoạn này ở tuổi 47. Mặc dù có các triệu chứng như bốc hỏa, vã mồ hôi nhưng bạn vẫn có thể mang thai.
  • Thời kỳ mãn kinh: Mãn kinh biểu hiện bằng việc kinh nguyệt dừng lại hoàn toàn trong một năm. Ở giai đoạn này, cơ thể người phụ nữ thường xuất hiện các triệu chứng nóng bừng, khô âm đạo, khó ngủ.
  • Thời kỳ hậu mãn kinh: Một khi dừng kinh nguyệt hơn 1 năm thì bạn bước vào thời kỳ hậu mãn kinh. Kinh nguyệt của bạn sẽ dừng hoàn toàn trong suốt phần đời còn lại. Bạn cần lưu ý sau hơn 1 năm không có kinh nguyệt do mãn kinh, nếu có chảy máu âm đạo hoặc có bất kỳ triệu chứng nào khác, hãy đi khám ngay.
Dấu hiệu sắp hết kinh nguyệt cần trải qua một số giai đoạn
Dấu hiệu sắp hết kinh nguyệt cần trải qua một số giai đoạn

3. Xét nghiệm để chẩn đoán sắp hết kinh nguyệt

Cách để nhận biết dấu hiệu sắp hết kinh nguyệt là theo dõi chu kỳ kinh nguyệt liên tục trong 12 tháng. Nếu chu kỳ kinh nguyệt không đều, bạn đang ở giai đoạn tiền mãn kinh.Tình trạng mãn kinh sẽ đến khi bạn ngừng kinh nguyệt liên tục được 1 năm.

Xét nghiệm máu đo nồng độ hormone FSH (hormone kích thích nang trứng) cũng có thể được thực hiện để đo lường mức độ hoạt động của buồng trứng. Khi nồng độ estrogen giảm xuống, bạn có thể sẽ cảm nhận thấy các triệu chứng bốc hỏa, khô âm đạo, đau khi quan hệ tình dục.

Người sắp hết kinh nguyệt có mô ở trong và xung quanh âm đạo mỏng dần do lượng estrogen giảm xuống. Để kiểm tra độ dày của âm đạo, cách duy nhất có thể thực hiện là phết tế bào cổ tử cung, nhưng rất hiếm khi được thực hiện.

Khi các mô âm đạo mỏng đi, bạn có thể bị són tiểu, đau rát khi quan hệ tình dục, giảm ham muốn tình dục và ngứa âm đạo.

4. Giảm các triệu chứng thời kỳ sắp hết kinh nguyệt bằng cách nào?

Có nhiều cách để giảm các triệu chứng của tiền mãn kinh và mãn kinh. Trong đó có một số biện pháp dưới đây, các bạn có thể sử dụng tham khảo gồm:

  • Thay đổi lối sống: Chế độ ăn uống lành mạnh và chương trình tập thể dục thường xuyên sẽ giúp kiểm soát các biểu hiện của sắp hết kinh nguyệt. Đây là thời điểm tuyệt vời để loại bỏ mọi thói quen không lành mạnh như hút thuốc hoặc uống quá nhiều rượu. Để giúp giảm cơn bốc hỏa, bạn nên ăn mặc nhẹ nhàng và nhiều lớp. Tránh các chất kích thích như caffeine và thức ăn cay. Thêm vào đó, hoạt động tình dục trong giai đoạn này có thể giúp bảo vệ niêm mạc âm đạo.
  • Sử dụng thuốc để giảm các cơn bốc hỏa: Liệu pháp hormone kết hợp (HT) hoặc liệu pháp thay thế hormone (HRT) bằng estrogen và progesterone có thể được sử dụng để giảm các cơn bốc hỏa, đổ mồ hôi vào ban đêm và ngăn ngừa loãng xương. Đối với người đã cắt tử cung, bạn chỉ có thể điều trị bằng estrogen. Tuy nhiên, liệu pháp hormone chỉ được sử dụng trong giới hạn đối tượng nhất định. Người mắc các bệnh ung thư vú, ung thư cổ tử cung, cục máu đông, bệnh gan, đột quỵ, phụ nữ mang thai, chảy máu âm đạo chưa rõ nguyên nhân không được sử dụng liệu pháp hormone. Các loại thuốc khác như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống co giật, thuốc huyết áp cũng có tác dụng giảm cơn bốc hỏa và thay đổi tâm trạng.
  • Sử dụng thuốc để giảm chứng khô âm đạo và khó ngủ: Các đơn thuốc có chứa estrogen, chất bôi trơn không chứa estrogen tại chỗ để điều trị khô và đau rát âm đạo khi quan hệ tình dục. Đối với chứng khó ngủ, bạn có thể sử dụng các loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ không kê đơn hoặc theo đơn của bác sĩ.

Châm cứu, thiền và thư giãn là những biện pháp tốt khác để giảm bớt căng thẳng trong thời kỳ mãn kinh. Nhiều phụ nữ cũng thử các biện pháp tự nhiên và thảo dược. Bạn nên nói chuyện với bác sĩ trước khi thực hiện các biện pháp này.

Cải thiện các dấu hiệu sắp hết kinh với một số loại thuốc
Cải thiện các dấu hiệu sắp hết kinh với một số loại thuốc

5. Các nguyên nhân khác gây kinh nguyệt không đều?

Chu kỳ kinh nguyệt không đều ngoài do sắp hết kinh nguyệt khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, còn có thể do nhiều nguyên nhân khác, bao gồm:

  • Mang thai hoặc cho con bú: Chậm kinh có thể là một dấu hiệu sớm của việc mang thai, còn việc cho con bú thường sẽ làm chậm kinh nguyệt trở lại sau khi mang thai.
  • Rối loạn ăn uống, giảm cân quá mức hoặc tập thể dục quá mức: Đây là những thói quen không tốt, có thể làm gián đoạn kinh nguyệt.
  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): Người mắc PCOS có thể có kinh nguyệt không đều cũng như buồng trứng to ra có chứa các chất lỏng nhỏ, được gọi là nang, có thể nhìn thấy qua siêu âm.
  • Suy buồng trứng sớm: Suy buồng trứng sớm là tình trạng mất chức năng buồng trứng bình thường trước tuổi 40. Những phụ nữ bị suy buồng trứng sớm, còn được gọi là suy buồng trứng nguyên phát, có thể có kinh nguyệt không đều trong nhiều năm.
  • Bệnh viêm vùng chậu (PID): Việc xảy ra nhiễm trùng các cơ quan sinh sản có thể gây chảy máu kinh nguyệt không đều.
  • U xơ tử cung: U xơ tử cung là một khối u nhưng không phải ung thư phát triển trong lòng tử cung. Nó có thể khiến kinh nguyệt ra nhiều và kéo dài.

Dấu hiệu sắp hết kinh nguyệt là những dấu hiệu bạn đã bắt đầu bước vào giai đoạn mãn kinh. Tùy từng giai đoạn mà có những dấu hiệu khác nhau. Vì thế khi có những dấu hiệu bất thường trong giai đoạn này, bạn nên đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com, healthline.com, mayoclinic.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

53.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan