Mang thai và không dung nạp đường sữa

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Không dung nạp đường sữa (lactose trong sữa) là một hiện tượng gặp ở khá nhiều người. Sữa là loại thức ăn quan trọng, giúp phụ nữ mang thai bổ sung nhiều chất dinh dưỡng khác nhau, trong đó bao gồm calci. Vậy trong trường hợp không dung nạp lactose thì phụ nữ đang mang thai phải làm như thế nào?

1. Không dung nạp đường sữa (lactose) là gì?

Không dung nạp lactose (lactose intolerance) là tình trạng một người không thể tiêu hóa hoàn toàn lactose có trong sữa (đường sữa) khi ăn hoặc uống các sản phẩm có chứa lactose, dẫn tới hậu quả là đầy hơi hoặc tiêu chảy sau khi ăn uống. Tên gọi khác của tình trạng này là kém hấp thu đường từ sữa. Không dung nạp lactose thường vô hại, nhưng nó gây nhiều bất tiện, khó chịu cho người mắc.

Nguyên nhân gây không dung nạp lactose bắt nguồn từ sự thiếu hụt enzyme lactase trong tiểu tràng. Enzyme lactase giữ vai trò tiêu hóa lactose có trong đồ ăn, thức uống. Thông thường, lactase sẽ phân giải lactose thành các loại đường đơn là glucose và galactose, sau đó hai loại đường này được hấp thụ trực tiếp vào máu thông qua niêm mạc ruột. Trong trường hợp enzyme lactase bị thiếu, lactose không bị phân giải, sẽ di chuyển xuống đại tràng, tương tác với vi khuẩn tồn tại tự nhiên trong đại tràng và gây ra các dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng không dung nạp lactose. Tuy nhiên nhiều người có nồng độ lactase thấp nhưng vẫn có thể tiêu hóa các sản phẩm chứa lactose mà không có biểu hiện gì, và một thực tế là đa phần những người không dung nạp lactose có thể kiểm soát tình trạng bệnh mà không cần loại bỏ hoàn toàn các loại thực phẩm có chứa lactose (điển hình là sữa).

Sữa
Không dung nạp lactose (có trong sữa đường) ở phụ nữ mang thai

Các yếu tố khác nhau gây ra sự thiếu hụt enzyme lactase sẽ dẫn đến các dạng khác nhau của bệnh, bao gồm ba dạng không dung nạp lactose:

  • Không dung nạp lactose nguyên phát: không dung nạp lactose nguyên phát là loại không dung nạp lactose phổ biến nhất, có căn nguyên do di truyền, ảnh hưởng chủ yếu tới người trưởng thành. Những người mắc chứng không dung nạp lactose nguyên phát có đặc điểm là enzyme lactase được cơ thể sản xuất ít dần đi theo thời gian, do đó không đảm bảo đủ lượng enzyme cần thiết cho chế độ ăn của một người trưởng thành. Tỉ lệ xuất hiện không dung nạp lactose nguyên phát rất khác nhau tùy theo vị trí địa lí, xuất hiện nhiều nhất ở khu vực Tây Bắc châu Âu, giảm dần khi xuống phía Nam châu Âu và khu vực Trung Đông, và có tỉ lệ thấp ở châu Á cũng như phần lớn châu Phi (nhưng không dung nạp đường sữa (lactose) lại khá phổ biến ở cộng động người du mục ở châu Phi).
  • Không dung nạp lactose thứ phát: còn được gọi là không dung nạp lactose mắc phải, ảnh hưởng tới cả trẻ em và người trưởng thành. Không dung nạp lactose thứ phát xảy ra khi tiểu tràng giảm sản xuất lactase sau mắc bệnh, sau chấn thương hoặc sau phẫu thuật liên quan đến tiểu tràng. Các nguyên nhân gây không dung nạp lactose thứ phát là viêm dạ dày ruột, bệnh coeliac, bệnh Crohn,... Tình trạng không dung nạp lactose thứ phát có thể hồi phục, hồi phục một phần hoặc không thể hồi phục, tùy vào nguyên nhân gây ra không dung nạp lactose thứ phát.
  • Không dung nạp lactose bẩm sinh: dạng không dung nạp lactose này cực kỳ hiếm gặp, có căn nguyên di truyền, xảy ra trên những đứa trẻ không sản xuất được enzyme lactase từ khi được sinh ra. Những đứa trẻ này sẽ hoàn toàn không thể tiêu hóa được lactose, kể cả khi chúng đã lớn lên thành người trưởng thành. Và cũng vì lí do những đứa trẻ này không thể dung nạp được lactose, nên chúng hoàn toàn không thể ăn được sữa mẹ. Trước thế kỉ 20, những đứa trẻ không dung nạp lactose bẩm sinh thường không thể sống sót, nhưng tỉ lệ tử vong đã giảm dần khi y học đã sáng tỏ hơn về chứng không dung nạp đường sữa (lactose) cũng như các sản phẩm không chứa lactose đã được ra đời để thay thế cho các loại sữa truyền thống.

2. Phụ nữ mang thai không dung nạp lactose cần phải làm như thế nào?

Với nhiều phụ nữ, khả năng tiêu hóa lactose tăng lên trong khi mang thai, đặc biệt là ở giai đoạn ba tháng cuối thai kì, do đó thông thường dù có mắc chứng không dung nạp đường sữa (lactose) nhưng người phụ nữ mang thai vẫn có thể uống sữa tươi và tiêu thụ các sản phẩm sữa khác mà không gặp bất kì vấn đề nào.

Sữa là thức ăn quan trọng đối với phụ nữ mang thai, bởi nó là nguồn dinh dưỡng tốt và là nguồn cung cấp canxi dồi dào. Nhu cầu đối với canxi ở phụ nữ mang thai khá cao. Trong thời kì mang thai người phụ nữ cần 1000 mg canxi mỗi ngày, đặc biệt là trẻ vị thành niên mang thai cần tới 1300 mg canxi mỗi ngày.

Khám thai định kỳ tại Vinmec
Khám thai định kỳ để được bác sĩ tư vấn về sự bất thường không dung nạp lactose

Nếu gặp phải trường hợp không dung nạp lactose khi mang thai, hoặc đơn thuần chỉ là không thích mùi vị của sữa tươi cũng như các sản phẩm sữa khác, thai phụ có thể tham khảo những lời khuyên dưới đây:

  • Bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi vào trong chế độ ăn hàng ngày, chẳng hạn như hạt điều, bông cải xanh, đậu nành nguyên trái (edamame), đậu gà, đậu pinto, đậu phụ, rau chân vịt, và các sản phẩm thức ăn, đồ uống có bổ sung thêm canxi khác. Nếu là người thích uống sữa hạt điều, thai phụ nên chọn loại có bổ sung thêm canxi.
  • Sử dụng các loại viên bổ sung canxi.
  • Rất nhiều người không dung nạp đường sữa (lactose) thường vẫn có thể tiêu thụ một lượng nhỏ sữa tươi trong bữa ăn, chẳng hạn như một nửa cốc sữa tươi, mà không có biểu hiện dấu hiệu nào hoặc chỉ có những triệu chứng rất nhẹ.
  • Tham khảo sử dụng các sản phẩm chứa ít lactose hoặc hoàn toàn không chứa lactose, bao gồm sữa, pho mát và sữa chua.
  • Sữa chua và các sản phẩm đã qua lên men, chẳng hạn như pho mát, thường dễ dung nạp hơn so với các sản phẩm sữa tươi thông thường. Đặc biệt là trong sữa chua, lactose đã được hoạt động của vi khuẩn phân giải một phần, khiến sữa chua trở thành sản phẩm dễ dung nạp hơn.

Vitamin D là thành phần giúp cơ thể hấp thụ calci, đặc biệt là trong giai đoạn nửa sau của thai kì. Do đó các phụ nữ mang thai đừng quên bổ sung vitamin D bên cạnh việc bổ sung canxi.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec mang đến Chương trình chăm sóc thai sản trọn gói cho các sản phụ ngay từ khi bắt đầu mang thai từ những tháng đầu tiên với đầy đủ các lần khám thai, siêu âm 3D, 4D, siêu âm dị tật thai định kỳ cùng các xét nghiệm thường quy để đảm bảo người mẹ luôn khỏe mạnh và thai nhi phát triển toàn diện. Ngoài việc được thăm khám định kỳ, sản phụ cũng sẽ được tư vấn chế độ dinh dưỡng, tập luyện để mẹ có thể tăng cân hợp lý mà thai nhi vẫn hấp thu tốt các chất dinh dưỡng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: mayoclinic.org và webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan