Nuôi con bằng sữa mẹ làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú

Bài viết được viết bởi Tiến sĩ Hoàng Quốc Chính - Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Nuôi con bằng sữa mẹ mang lại nhiều lợi ích cho bé yêu và mẹ. Mới đây, các nhà nghiên cứu còn chỉ ra rằng, cho con bú giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.

1. Lợi ích từ việc nuôi con bằng sữa mẹ

Nuôi con bằng sữa mẹ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho cả mẹ và con. Sữa mẹ là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng đầy đủ, toàn diện, và tốt nhất cho sự phát triển cơ thể của trẻ.

Bên cạnh việc cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ, sữa mẹ còn bổ sung các phương tiện miễn dịch giúp trẻ bảo vệ cơ thể từ các tác nhân gây bệnh.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ được nuôi bằng sữa mẹ ít bị tiêu chảy, viêm tai, và viêm đường hô hấp dưới, cũng như giảm nguy cơ mắc bệnh dị ứng, tiểu đường, béo phì, và cái chết bất thình lình ở trẻ (sudden infant death). Thêm vào đó, cho con bú cũng giúp mẹ giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, buồng trứng, nội mạc tử cung, tiểu đường tuýp 2, và cao huyết áp

Mổ u nang khi đang cho con bú có ảnh hưởng đến việc tiết sữa mẹ?
Sữa mẹ giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ sơ sinh

2. Cho con bú có giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú?

Những bằng chứng khoa học về mối liên hệ giữa ‘nuôi con bằng sữa mẹ’ với giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú ngày càng được củng cố.

Năm 2002, một báo cáo tổng hợp phân tích 47 nghiên cứu dịch tễ học bao gồm sự tham gia của 50,000 bệnh nhân ung thư vú đến từ 30 quốc gia khác nhau đã chỉ ra rằng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú của các bà mẹ cho con bú giảm 4,3% cho mỗi 12 tháng cho bú.

Một báo cáo tổng hợp khác được thực hiện năm 2013 (phân tích 32 nghiên cứu dịch tễ học) cũng chỉ ra rằng những bà mẹ cho con bú giảm 14% nguy cơ mắc bệnh ung thư vú so với các bà mẹ chưa từng cho con bú bao giờ. Nguy cơ mắc bệnh ung thư vú thậm chí còn giảm nhiều hơn (28%) khi chỉ tính những bà mẹ cho con bú liên tục ít nhất 12 tháng . Victoria và cộng sự ước tính rằng tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hiện tại đã giúp giảm 20,000 ca tử vong liên quan đến ung thư vú toàn cầu mỗi năm, và con số này sẽ tăng thêm 20,000 nữa nếu tăng thời gian cho bú lên 12 tháng ở các quốc gia có thu nhập cao, và lên 24 tháng ở các quốc gia có thu nhập thấp.

Vì những lợi ích rõ ràng đối với sức khỏe của mẹ và con, hiệp hội nhi khoa Hoa Kỳ đã khuyến cáo “Trẻ sơ sinh phải được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu tiên, và được nuôi cùng với thức ăn dặm trong thời gian liên tục ít nhất cho đến khi trẻ được một tuổi”.

Đau dai dẳng sau phẫu thuật ung thư vú
Cho con bú bằng sữa mẹ sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú ở người mẹ

3. Vì sao phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ lại giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú?

Thông thường chu kỳ kinh nguyệt xuất hiện trở lại sau khi sinh của những phụ nữ cho con bú thường chậm hơn so với những phụ nữ không cho con bú. Do đó, họ ít chịu tác động của estrogen. Ngoài ra, quá trình nuôi con bằng sữa mẹ giúp tế bào tuyến vú có khả năng chống lại những đột biến gây ung thư.

Bên cạnh đó, phụ nữ cho con bú thường không sử dụng các chất kích thích như uống rượu bia và ăn nhiều thực phẩm dinh dưỡng hơn góp phần mang lại lợi ích này. Những thói quen lành mạnh trong sinh hoạt hằng ngày khi nuôi con bằng sữa mẹ cũng giúp giảm nguy cơ bị bệnh ung thư vú ở phụ nữ.

4. Nên cho trẻ bú trong thời gian bao lâu để giảm nguy cơ bị ung thư vú?

Các nhà nghiên cứu khuyến cáo rằng bạn nên cho con bú càng nhiều càng tốt. Thậm chí nếu bạn ít sữa, phải nuôi con bằng sữa công thức thì vẫn nên cho trẻ bú sữa mẹ đan xen, việc này vừa tốt cho bé vừa giúp phụ nữ giảm nguy cơ bị ung thư vú.

Bạn nên cho bé bú ít nhất 1 năm hoặc bạn có thể duy trì việc cho con bú lâu hơn. Tuy nhiên, không phải ai cho con bú cũng không bị ung thư vú và không phải ai không nuôi con bằng sữa mẹ thì sẽ mắc bệnh ung thư vú.

Hãy nhớ rằng, cách hiệu quả nhất để giảm nguy cơ bị ung thư vú là bạn cần có một lối sống lành mạnh. Chỉ có 5 – 10% số ca bị ung thư vú là do các khuyết tật di truyền trong khi 90 – 95% số ca còn lại là do môi trường sống và thói quen sinh hoạt gây ra.

Có rất nhiều yếu tố tác động đến việc này như hút thuốc lá, ăn nhiều thức ăn chiên, xào; uống rượu bia, sử dụng các chất kích thích, lối sống ít vận động... Điều này cho thấy việc cho con bú sữa mẹ không phải là cách duy nhất để giảm nguy cơ ung thư vú. Nếu có thể, bạn nên cho con bú và nếu không thể thì cũng đừng quá lo lắng nhé.

Chế độ ăn dinh dưỡng
Để phòng tránh bệnh tật bạn nên có một chế độ ăn khoa học, dinh dưỡng

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có Gói tầm soát ung thư vú giúp đánh giá nguy cơ mắc bệnh ung thư vú di truyền, ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ ràng.

Gói tầm soát ung thư vú tại Vinmec dành cho các đối tượng:

  • Khách hàng nữ, trên 40 tuổi.
  • Khách hàng có nhu cầu có thể sàng lọc bệnh lý về ung thư vú
  • Khách hàng có nguy cơ cao mắc các bệnh về ung thư – đặc biệt là khách hàng tiền sử gia đình có bệnh lý ung thư vú.
  • Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, tiền mãn kinh và mãn kinh.
  • Phụ nữ đang có triệu chứng nghi ngờ ung thư vú như : Đau ở vú, có cục u ở vú, vv.

Mọi thông tin chi tiết Khách hàng vui lòng liên hệ đến các bệnh viện, phòng khám thuộc hệ thống y tế Vinmec trên toàn quốc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan