Phác đồ điều trị đái tháo đường thai kỳ?

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thị Duyên - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Bệnh đái tháo đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường và xảy ra trong quá trình mang thai từ tuần thai 24 – 28. Đái tháo đường thai khi nếu không được phát hiện sớm sẽ ảnh hưởng đến cả mẹ và con.

1. Thế nào là đái tháo đường thai kỳ?

Theo định nghĩa của Liên hiệp đái tháo đường quốc tế (IDF), Hiệp Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) và Hiệp hội Nghiên cứu Đái tháo đường châu Âu: “Đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào và/hoặc tăng đường huyết khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai”.

Định nghĩa này không loại trừ trường hợp bệnh nhân đã có tình trạng rối loạn dung nạp glucose từ trước nhưng chưa được phát hiện. Định nghĩa này cũng không phân biệt sau khi sinh bệnh nhân còn tăng glucose máu hay không.

Tiểu đường
Bệnh tiểu đường ở phụ nữ mang thai

2. Tại sao phụ nữ khi mang thai lại hay mắc đái tháo đường thai kỳ?

Nhiều nghiên cứu cho thấy ở bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ khi làm nghiệm pháp dung nạp glucose, đỉnh sớm của tiết insulin và đáp ứng tiết insulin đối với kích thích tăng đường huyết đều giảm so với phụ nữ không bị đái tháo đường thai kỳ. Ngoài ra nồng độ proinsulin cũng cao hơn, chứng tỏ bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ có sự giảm tiết insulin ngoài các bất thường do thai nghén gây ra.

Khi có thai có thể ảnh hưởng đến diễn biến của bệnh đái tháo đường:

  • Quý 1: Có tình trạng tăng đồng hóa và tăng insulin máu, tăng nhạy cảm với insulin ở thai phụ. Nếu bệnh nhân nôn mửa nhiều dễ bị hạ đường huyết và nhiễm toan ceton.
  • Quý 2: Thai phụ có hiện tượng dị hóa, đề kháng insulin, tăng nhu cầu về insulin. Đường huyết có xu hướng tăng cao.
  • Quý 3: Tình trạng đề kháng insulin càng tăng. đường huyết có nguy cơ tăng cao và tăng nguy cơ bị nhiễm toan ceton.
Ốm nghén là gì
Khi có thai có thể ảnh hưởng đến diễn biến của bệnh đái tháo đường

3. Làm thế nào nhận biết được triệu chứng của bệnh đái tháo đường thai kỳ?

Bệnh đái tháo đường thai kỳ thường không có biểu hiện rõ ràng, nhưng mẹ bầu sẽ gặp một số biểu hiện giống những người mắc bệnh đái tháo đường:

  • Luôn cảm thấy khát nước và đi tiểu nhiều
  • Vùng kín bị nấm men, ngứa ngáy, khó chịu...
  • Khó lành các vết trầy xước, vết thương
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân.
  • Cơ thể cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng và kiệt sức
  • Nước tiểu có nhiều kiến bâu ...

4. Đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng thế nào đối với thai nhi?

Bệnh đái tháo đường thai kỳ nếu không được phát hiện và kiểm soát tốt có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe mẹ bầu và thai nhi:

  • Hội chứng hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh: Sau sinh, tuyến tụy của bé vẫn tiếp tục sản xuất tiếp insulin để đáp ứng lượng đường dư thừa trước đây. Do đó, lượng đường trong máu của bé sẽ xuống thấp gây nên tình trạng hạ đường huyết. Một số trường hợp gây ra tình trạng co giật dẫn đến hôn mê và tổn thương não nếu bé không được kiểm tra và phát hiện kịp thời.
  • Thai nhi có nguy cơ dị tật hoặc tử vong, chậm phát triển, thai to, giảm sự trưởng thành của phổi
  • Béo phì: Nếu mẹ bị thừa cân và đái tháo đường trước khi mang thai, em bé sinh ra có nguy cơ thừa cân gấp 3,5 lần so với những bé khác.
  • Hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh: Hội chứng suy hô hấp xảy ra vì em bé có thể bị sinh non khi phổi chưa phát triển đầy đủ.
  • Thai nhi có nguy cơ bị các dị tật bẩm sinh ở hệ tiết niệu, hệ thần kinh, tim mạch...
  • Bé cũng dễ bị vàng da trong 28 ngày đầu sau sinh.
vàng da sơ sinh
Trẻ sơ sinh bị vàng da sau sinh

5. Phác đồ điều trị đái tháo đường thai kỳ

Phác đồ điều trị đái tháo đường thai kỳ nhằm đạt được mục tiêu:

  • Glucose máu đói, đường máu trước ăn, đường máu trước ngủ 3,9 - 5,5 mmol/l.
  • Glucose máu sau ăn 1h và 2h từ 5,4 - 7,1 mmol/l.
  • HbA1C < 6%.

Ngoài ra, khi phát hiện đái tháo đường thai kỳ hướng dẫn người bệnh điều chỉnh glucose máu bằng chế độ ăn (giảm chất ngọt, giảm glucid) và theo dõi đường máu liên tục 6 lần/ngày. Sau 2 tuần không đạt kết quả chuyển sang kiểm soát glucose máu bằng tiêm thuốc insulin.

Trong phác đồ điều trị đái tháo đường thai kỳ, thai phụ cần phải điều trị bằng insulin:

  • Insulin là thuốc điều trị chủ chốt trong thai kỳ
  • Insulin dùng trước các bữa ăn và insulin nền vào buổi tối là tối ưu nhất
  • Tính liều khởi đầu theo cân nặng: 0,4 đến 0,5 đơn vị/ kg/ 24h
  • Tổng liều insulin cần chia ra 40 đến 50% insulin nền và 50-60% insulin trước các bữa ăn.
  • Chỉnh liều dần đến đường máu đạt mục tiêu

Ngoài việc áp dụng phác đồ điều trị đái tháo đường thai kỳ thì thai phụ cần:

  • Hạn chế ăn chất bột: 35-45% tổng số năng lượng. Chọn loại có chỉ số tăng đường máu thấp.
  • Chia bữa ăn thành 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ. Kalo: 30% cho bữa sáng, 30% cho bữa trưa, 20 % bữa tối và 20% các bữa phụ.
  • Chọn thức ăn nhiều chất xơ, rau tươi, ít chất béo bão hòa. Tránh ăn thức ăn nhiều đường (bánh kẹo, nước ngọt, trái cây nhiều đường). Dinh dưỡng đủ 5 nhóm: rau củ, ngũ cốc, đạm, sản phẩm sữa và hoa quả. Bổ xung multivitamin với sắt, acid folic, calcium.
Khám thai định kỳ tại Vinmec
Khám thai định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ

Sau thai kỳ, những phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ cần phải tập luyện thể dục và cần có một chế độ ăn uống lành mạnh để ngăn ngừa và trì hoãn sự phát tác thành tiểu đường loại 2. Thai phụ cần xét nghiệm bệnh tiểu đường sau 6-12 tuần sinh em bé, và sau đó định kỳ 1-3 năm. Đối với hầu hết phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ, bệnh tiểu đường hết ngay sau khi sinh con. Nếu bệnh tiểu đường của vẫn chưa khỏi, bệnh tiểu đường này gọi là tiểu đường type 2.

Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có dịch vụ thai sản trọn gói như một giải pháp giúp mẹ bầu an tâm vì đã có sự đồng hành của đội ngũ y bác sĩ trong suốt thai kỳ. Khi lựa chọn Thai sản trọn gói, thai phụ được:

  • Quá trình mang thai được theo dõi bởi đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn
  • Thăm khám đều đặn, phát hiện sớm các vấn đề bất thường
  • Thai sản trọn gói giúp thuận tiện cho quá trình sinh đẻ
  • Trẻ sơ sinh được chăm sóc toàn diện

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY

XEM THÊM

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

41.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan