Thả 1 năm chưa có thai, có phải vô sinh?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến - Bác sĩ chuyên khoa Sản - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Thực hiện thiên chức làm mẹ là niềm vui, niềm tự hào của phụ nữ. Bởi vậy, nhiều trường hợp người phụ nữ sốt ruột, thả 1 năm chưa có thai và lo lắng đây có phải là dấu hiệu cảnh báo vô sinh, hiếm muộn?

1. Thả 1 năm chưa có thai có phải hiếm muộn, vô sinh?

Nhiều cặp vợ chồng thả 8 tháng vẫn chưa có thai, thả bầu 1 năm chưa có thai hoặc thậm chí thả hơn 1 năm chưa có thai. Câu hỏi đặt ra là những trường hợp này có phải vô sinh, hiếm muộn hay không?

Hiếm muộn được định nghĩa như sau:

  • Phụ nữ dưới 35 tuổi, đã lập gia đình, thường xuyên quan hệ với tần suất 2 - 3 lần/tuần trong vòng 6 tháng mà vẫn chưa có thai thì nên đi khám hiếm muộn;
  • Phụ nữ từ 35 tuổi trở lên, đã lập gia đình, thường xuyên quan hệ với tần suất 2 - 3 lần/tuần trong vòng 1 năm mà vẫn chưa có thai thì nên đi khám hiếm muộn.

Như vậy, trường hợp thả 1 năm chưa có thai là dấu hiệu cho thấy cặp đôi có dấu hiệu hiếm muộn (có thể do vợ, chồng hoặc cả 2 vợ chồng). Nói chung, có khoảng 30% nguyên nhân hoàn toàn do chồng, 30% nguyên nhân do vợ và 40% còn lại do nguyên nhân từ cả 2 vợ chồng. Lúc này, 2 vợ chồng nên đi khám sức khỏe sinh sản để tìm nguyên nhân của tình trạng khó có con.

2. Dấu hiệu vô sinh ở nam giới và phụ nữ

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng vô sinh ở phụ nữ và nam giới, khiến các cặp đôi thả 1 năm chưa có thai. Các biểu hiện phổ biến của vô sinh ở 2 giới bao gồm:

2.1 Dấu hiệu vô sinh thường gặp ở phụ nữ

Một số dấu hiệu cảnh báo nguy cơ hiếm muộn, vô sinh ở phụ nữ:

  • Chu kỳ kinh nguyệt không đều: Chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ trung bình dài khoảng 28 ngày. Nếu chênh lệch vài ngày cũng được coi là bình thường nếu các chu kỳ vẫn nhất quán. Ví dụ có người chu kỳ 31 ngày, người chu kỳ 35 ngày nhưng đều đặn. Tuy nhiên, nếu phụ nữ có chu kỳ thay đổi liên tục, không thể ước tính thời điểm kinh nguyệt thì có thể liên quan tới vấn đề hormone hoặc hội chứng buồng trứng đa nang - những nguyên nhân thường góp phần gây vô sinh;
  • Đau bụng kinh hoặc kinh nguyệt ra nhiều: Nếu trong kỳ kinh nguyệt phụ nữ bị đau nhiều, gây ảnh hưởng tới cuộc sống hằng ngày thì đây có thể là triệu chứng của bệnh lạc nội mạc tử cung - một trong những yếu tố nguy cơ vô sinh;
  • Không có kinh: Nếu bạn không có kinh nguyệt trong nhiều tháng thì bạn nên đi kiểm tra khả năng sinh sản;
  • Triệu chứng biến động hormone: Các dấu hiệu về sự dao động hormone ở phụ nữ có thể cho thấy những nguy cơ về khả năng sinh sản. Phụ nữ nên đi gặp bác sĩ nếu gặp vấn đề về da, suy giảm ham muốn tình dục, mọc lông ở vùng mặt, rụng tóc, tăng cân,...;
  • Đau khi quan hệ tình dục: Một số phụ nữ thường xuyên bị đau khi quan hệ tình dục (có thể do vấn đề về hormone, lạc nội mạc tử cung hoặc những tình trạng tiềm ẩn khác) cũng góp phần gây vô sinh.

2.2 Dấu hiệu vô sinh thường gặp ở nam giới

Nếu thả 1 năm chưa có thai thì nguyên nhân vô sinh, hiếm muộn có thể xuất phát từ người chồng. Những dấu hiệu cảnh báo gồm:

  • Thay đổi ham muốn tình dục: Khả năng sinh sản của nam giới liên quan tới sức khỏe hormone. Nếu thay đổi về khả năng sinh dục thì có thể là do vấn đề về hormone và gây ảnh hưởng tới khả năng sinh sản;
  • Đau hoặc sưng tinh hoàn: Có một số tình trạng có thể gây đau hoặc sưng tinh hoàn. Những tình trạng đó cũng góp phần gây vô sinh;
  • Rối loạn cương dương: Khả năng duy trì sự cương cứng của nam giới thường liên quan tới nồng độ hormone. Khi thiếu hormone, nam giới thường bị rối loạn cương dương và giảm khả năng thụ thai;
  • Vấn đề về xuất tinh: Không thể xuất tinh là dấu hiệu cho thấy đã đến lúc nam giới cần phải đi khám sức khỏe sinh sản;
  • Tinh hoàn nhỏ, săn chắc: Tinh hoàn là nơi chứa tinh trùng của nam giới nên sức khỏe của tinh hoàn cũng ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của đàn ông. Tinh hoàn nhỏ hoặc chắc có thể cảnh báo các vấn đề tiềm ẩn, cần sớm tìm ra nguyên nhân.

3. Các biện pháp làm tăng khả năng thụ thai

Nếu đã thả 1 năm chưa có thai, cặp vợ chồng nên đi khám sơ bộ về phụ khoa ở người vợ và làm tinh dịch đồ của người chồng. Trong thời gian chờ đợi thụ thai tự nhiên, có thể tăng khả năng có thai bằng cách:

  • Thời gian giao hợp: Nên đo nhiệt độ thân thể đều đặn. Người phụ nữ có thể xác định được thời điểm phóng noãn và nên giao hợp vào 1 - 2 ngày trước đó vì tinh trùng có thể sống tới 72 giờ sau khi được xuất tinh vào âm đạo. Ngoài ra, định lượng hormone LH tăng lên cũng là dấu hiệu sắp phóng noãn để cặp vợ chồng chọn thời gian quan hệ phù hợp;
  • Tần suất giao hợp: Nên thay đổi tần suất giao hợp để tăng khả năng có thai. Ví dụ trước đây cặp vợ chồng giao hợp thưa thớt, chỉ 1 - 2 lần/tháng thì nên tăng cường về tần suất. Ngược lại, nếu cặp vợ chồng giao hợp quá đều đặn, 1 lần/ngày thì nên giảm tần suất. Việc duy trì tần suất giao hợp phù hợp giúp cải thiện số lượng tinh trùng trong mỗi lần xuất tinh, nâng cao khả năng thụ thai. Vì cần ít nhất là 24 giờ để lượng tinh trùng phục hồi được từ 300 triệu trở lên nên nếu ngày giao hợp trùng với ngày phóng noãn thì người chồng cần tránh xuất tinh từ 2 ngày trước đó;
  • Tư thế giao hợp: Tư thế người nam nằm trên và mặt đối mặt với nhau sẽ tạo sự thuận lợi cho việc thụ thai nhất. Trước khi xuất tinh, người vợ nên co gối lên phía trước ngực, giữ ở tư thế này khoảng 20 phút sau khi người nam xuất tinh hoặc kê một chiếc gối dưới mông để tinh dịch không chảy ra. Người nam nên xuất tinh sâu và giữ nguyên dương vật trong âm đạo trong vài phút.

Nếu đã có dấu hiệu vô sinh và cố gắng thụ thai bằng cách thả 1 năm chưa có thai thì các cặp đôi nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và can thiệp điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

18.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan