Trầm cảm khi mang thai và lưu ý khi điều trị

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Hiên - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Có thể bạn đã được nghe rất nhiều về trầm cảm sau sinh. Nhưng trên thực tế, rất nhiều chị em cũng đang phải trải qua trầm cảm khi mang thai. Nghiên cứu cho thấy khoảng 7% phụ nữ bị trầm cảm khi mang thai. Tỷ lệ này có thể cao hơn ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

1. Tại sao trầm cảm khi mang thai thường không được công nhận?

Trầm cảm là một rối loạn tâm trạng gây ra cảm giác buồn bã và mất hứng thú kéo dài. Tình trạng này xảy ra thường xuyên gấp đôi ở phụ nữ so với nam giới và khởi phát đỉnh điểm trầm cảm trong những năm sinh sản của phụ nữ.

Một số triệu chứng trầm cảm, chẳng hạn như thay đổi giấc ngủ, chán nản, mệt mỏi, thèm ăn và ham muốn, tương tự như các triệu chứng của thai kỳ. Do đó, chúng ta thường nhầm lẫn các triệu chứng này của bệnh trầm cảm với các biểu hiện trong thai kỳ. Mọi người sẽ cho rằng đây là biểu hiện khi bạn có thai, thay vì cho rằng nó là triệu chứng của bệnh trầm cảm. Vì vậy, trầm cảm khi mang thai thường không được công nhận.

Các mẹ bầu nên nói chuyện với các chuyên gia y tế về tình trạng của mình nếu tâm trạng khi mang thi thay đổi.

2. Các yếu tố nguy cơ gây trầm cảm khi mang thai

Một số yếu tố nguy cơ gây trầm cảm khi mang thai bao gồm:

  • Sự lo lắng
  • Cuộc sống căng thẳng, áp lực
  • Đã từng có tiền sử trầm cảm
  • Không có sự chia sẻ từ người thân, gia đình
  • Mang thai ngoài ý muốn
  • Bạo lực gia đình.
Bà bầu
Mang thai ngoài ý muốn có thể là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm ở bà bầu

3. Dấu hiệu trầm cảm khi mang thai

Những dấu hiệu trầm cảm khi mang thai cũng như dấu hiệu trầm cảm ở những người bình thường mắc bệnh. Tuy nhiên, một số dấu hiệu đặc trưng của những phụ nữ mang thai bị trầm cảm bao gồm:

  • Lo lắng quá mức về thai nhi
  • Hay tự ti về bản thân, chẳng hạn như cảm thấy bản thân chưa xứng đáng để trở thành cha mẹ
  • Không tìm thấy được niềm vui từ các hoạt động thú vị
  • Dễ mất tinh thần
  • Không tự chăm sóc bản thân một cách kỹ càng trước khi sinh
  • Hút thuốc, uống rượu hoặc sử dụng ma túy bất hợp pháp
  • Tăng cân kém do chế độ ăn không đầy đủ hoặc kén ăn
  • Thường có suy nghĩ tiêu cực và tìm đến cái chết

Trầm cảm thường xảy ra trong tam cá nguyệt thứ nhất và tam cá nguyệt thứ ba đối với phụ nữ mang thai.

4. Điều trị trầm cảm khi mang thai

Nếu bạn bị trầm cảm không được điều trị, bạn sẽ không được chăm sóc trước khi sinh một cách tối ưu hoặc ăn các thực phẩm mà bạn và em bé cần. Trải qua trầm cảm khi mang thai có thể khiến tăng nguy cơ sinh non, nhẹ cân, giảm sự phát triển của thai nhi hoặc các vấn đề khác cho em bé. Trầm cảm khi mang thai cũng làm tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh, người mẹ không có đủ sữa cho con bú và khó có sự liên kết với em bé.

Tùy theo mức độ trầm cảm, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị có thể bao gồm liệu pháp tâm lý hoặc thuốc chống trầm cảm.

5. Thuốc chống trầm cảm có phải là một sự lựa chọn khi mang thai?

Thuốc
Quyết định sử dụng thuốc chống trầm cảm khi mang thai dựa trên sự cân bằng giữa rủi ro và lợi ích

Quyết định sử dụng thuốc chống trầm cảm khi mang thai dựa trên sự cân bằng giữa rủi ro và lợi ích. Nhìn chung, nguy cơ dị tật bẩm sinh và các vấn đề khác đối với em bé của các bà mẹ dùng thuốc chống trầm cảm khi mang thai là rất thấp. Một số loại thuốc đã được chứng minh là an toàn trong thai kỳ và một số loại thuốc chống trầm cảm có liên quan đến nguy cơ biến chứng cao hơn đối với em bé.

Nếu bạn sử dụng thuốc chống trầm cảm khi mang thai, bác sĩ sẽ cố gắng giảm thiểu tiếp xúc với thuốc của bé. Điều này có thể được thực hiện bằng cách kê đơn một loại thuốc (đơn trị liệu) ở liều hiệu quả thấp nhất, đặc biệt là trong ba tháng đầu.

Một số loại thuốc chống trầm cảm được lựa chọn để sử dụng trong thời kỳ mang thai như:

  • Một số chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs): SSRI thường được coi là một lựa chọn trong thai kỳ, bao gồm citalopram (Celexa), fluoxetine (Prozac) và sertraline (Zoloft). Các biến chứng tiềm ẩn bao gồm tăng nguy cơ chảy máu nặng sau khi sinh (xuất huyết sau sinh), sinh non và nhẹ cân. Hầu hết các nghiên cứu cho thấy SSRI không liên quan đến dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên, paroxetine (Paxil) dường như có liên quan đến việc tăng nguy cơ dị tật tim thai.
  • Các chất ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRI): SNRI cũng được coi là một lựa chọn trong thai kỳ, bao gồm duloxetine (Cymbalta) và venlafaxine (Effexor XR). Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy dùng SNRI vào cuối thai kỳ có liên quan đến xuất huyết sau sinh.
  • Bupropion (Wellbutrin): Thuốc này được sử dụng cho cả trầm cảm và cai thuốc lá. Mặc dù bupropion thường không được coi là phương pháp điều trị đầu tiên cho chứng trầm cảm khi mang thai, nhưng nó có thể là một lựa chọn cho những phụ nữ không đáp ứng với các loại thuốc khác. Nghiên cứu cho thấy dùng bupropion khi mang thai có thể liên quan đến dị tật tim.
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng: Nhóm thuốc này bao gồm nortriptyline (Pam Bachelor). Mặc dù thuốc chống trầm cảm ba vòng thường không được coi là phương pháp điều trị đầu tiên hoặc hàng thứ hai, chúng có thể là một lựa chọn cho những phụ nữ không đáp ứng với các loại thuốc khác. Clomipramine chống trầm cảm ba vòng có thể liên quan đến dị tật bẩm sinh của thai nhi, bao gồm cả khuyết tật tim. Sử dụng các loại thuốc này trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba cũng có nguy cơ xuất huyết sau sinh.

Một số loại thuốc chống trầm cảm nên tránh trong thai kỳ:

  • Paroxetine SSRI (Paxil) thường không được khuyến khích trong thai kỳ. Một số nghiên cứu cho thấy paroxetine có thể liên quan đến sự gia tăng nhỏ các khuyết tật tim thai.
  • Ngoài ra, các chất ức chế monoamin oxydase (MAOIs) - bao gồm phenelzine (Nardil) và tranylcypromine (Parnate) - thường không được khuyến khích trong thai kỳ. MAOIs có thể hạn chế sự phát triển của thai nhi.

Nếu bạn dùng thuốc chống trầm cảm trong ba tháng cuối của thai kỳ, em bé của bạn có thể gặp các triệu chứng ngừng thuốc tạm thời - chẳng hạn như bồn chồn, khó chịu, ăn kém và suy hô hấp cho đến một tháng sau khi sinh. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy việc ngừng hoặc giảm liều gần cuối thai kỳ sẽ làm giảm nguy cơ mắc các triệu chứng này đối với trẻ sơ sinh. Ngoài ra, nó có thể làm bạn tăng nguy cơ tái phát trầm cảm sau sinh.

Mối liên hệ giữa việc sử dụng thuốc chống trầm cảm khi mang thai và nguy cơ mắc bệnh tự kỷ ở trẻ em vẫn chưa có kết luận, nhưng hầu hết các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nguy cơ này rất nhỏ và các nghiên cứu khác cho thấy không có rủi ro nào cả.

Quyết định tiếp tục hoặc thay đổi thuốc chống trầm cảm của bạn sẽ dựa trên sự ổn định của tâm trạng của bạn. Mối quan tâm về các rủi ro tiềm ẩn phải được cân nhắc với khả năng thay thế thuốc bởi nó có thể gây thất bại và gây ra trầm cảm tái phát.

Nếu bạn ngừng dùng thuốc chống trầm cảm khi mang thai, bạn có nguy cơ tái phát trầm cảm với các biến chứng trở nên nghiêm trọng hơn, không có khả năng tự chăm sóc bản thân hoặc mang thai, và tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh hoặc rối loạn tâm thần sau sinh.

Nếu bạn bị trầm cảm và đang mang thai hoặc nghĩ về việc mang thai, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ. Quyết định cách điều trị trầm cảm khi mang thai là không dễ dàng. Những rủi ro và lợi ích của việc dùng thuốc trong khi mang thai phải được cân nhắc cẩn thận. Tham khảo ý kiến của bác sĩ để đưa ra lựa chọn sáng suốt mang lại cho bạn và em bé của bạn có cơ hội tốt nhất để có được sức khỏe lâu dài.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Mayoclinc.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan