Trường hợp nào, khi nào nên cắt bao quy đầu?

Bài viết được tư vấn chuyên môn cùng ThS.BS Võ Thiện Ngôn - Bác sĩ Ngoại tiết niệu, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Theo thống kê chỉ có khoảng 1% nam giới trên 17 tuổi thực sự có tình trạng hẹp bao quy đầu. Mặc dù tỷ lệ khá thấp số người bị thực sự, nhưng lại có rất nhiều người nhầm lẫn và ngộ nhận đang bị hẹp bao quy đầu và cần cắt bao quy đầu. Như vậy, để tránh tình trạng điều trị sai và không cần thiết chúng ta cần biết khi nào cần cắt bao quy đầu.

1. Tác dụng của bao quy đầu

Trên dương vật có phần đầu được gọi là quy đầu, phần da bao bọc và che chở cho phần quy đầu thì được gọi là bao quy đầu.

Bao quy đầu có một số chức năng quan trọng như: Giúp che chở, bảo vệ cho quy đầu của dương vật tránh khỏi những va chạm, tổn thương trong lúc sinh hoạt thường ngày, tránh cho nam giới có cảm giác khó chịu.

Ngoài ra, bao quy đầu còn là vật liệu tự thân cần thiết trong trường hợp nam giới cần ghép da , hoặc tạo hình niệu đạo...

Vì vậy, da quy đầu cũng có nhiều chức năng quan trọng chứ không thừa thãi như một số người nghĩ. Nên việc cắt bao quy đầu chỉ thực hiện khi có bệnh lý ảnh hưởng tới sinh hoạt của nam giới.

2. Khi nào thì cắt bao quy đầu?

Cắt bao quy đầu ở trẻ
Việc cắt bao quy đầu cần có chỉ định rõ ràng, không phải ai cũng cần cắt bao quy đầu

Đa số trẻ sơ sinh có tình trạng dính da quy đầu sinh lý, do đó lúc này chưa thể tuột được bao quy đầu cho trẻ. Khi trẻ dần lớn lên thì phần da quy đầu này sẽ tự nhiên tách khỏi quy đầu. Những triệu chứng của hẹp và dài bao quy đầu sẽ có xu hướng mất dần.

Một thống kê cho thấy có khoảng 90% trẻ nam tuột được da quy đầu lúc 3 tuổi, có đến 99% nam giới trên 17 tuổi không hẹp bao quy đầu. Vậy chỉ còn khoảng 1% số trẻ nam có nguy cơ mắc bệnh lý. Khi mắc bệnh lý thực sự cần có chỉ định cắt bao quy đầu.

Bởi vì một số người hiểu sai về việc không cắt bao quy đầu như nếu không cắt bao quy đầu sẽ gây vô sinh, ảnh hưởng tới việc quan hệ vợ chồng...nên đặt ra câu hỏi có cần thiết phải cắt bao quy đầu không? Việc cắt bao quy đầu cần có chỉ định rõ ràng, không phải ai cũng cần cắt bao quy đầu. Chỉ chỉ định cắt bao quy đầu khi nam giới gặp phải tình trạng sau:

  • Dài bao quy đầu gây không thể tuột bao quy đầu ra hoặc tắc nghẽn bao quy đầu.
  • Hẹp bao quy đầu, gây ra viêm nhiễm tái phát.

Khi nam giới bị mắc chứng dài hoặc hẹp bao quy đầu sẽ khó vệ sinh dương vật, tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển tích tụ gây ra viêm bao quy đầu, viêm dương vật từ đó làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu và ung thư dương vật.

3. Một số lưu ý khi cắt bao quy đầu

Nếu nam giới bị mắc cách bệnh dại hay hẹp bao quy đầu cần thực hiện phẫu thuật cắt bao quy đầu để hạn chế nguy cơ viêm nhiễm.

Cắt bao quy đầu là một thủ thuật đơn giản, tuy nhiên để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn cần đảm bảo các điều kiện như phòng mổ sạch sẽ, vô trùng.

Sau khi cắt bao quy đầu thì vết thương là một vị trí thuận lợi để các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể gây bệnh, nên các tác nhân lây nhiễm có thể xảy ra trong thời gian này. Để tránh lây nhiễm thì sau phẫu thuật cần chú ý một số điều sau:

  • Bệnh nhân sau cắt bao quy đầu thì phần đầu dương vật có thể có cảm giác khó chịu hoặc sưng tấy, nên người bệnh cần dùng thuốc giảm đau.
  • Cần chăm sóc tốt phần vết thương như thay băng, sát khuẩn tại vị trí vết thương, giữ khô vết thương, nếu băng bị dính nước tiểu hoặc dịch tiết cần được thay lại.
  • Cần băng cố định dương vật lên bụng để tránh nguy cơ phù nề. Khi vết thương đã liền, có thể tắm rửa, tiếp xúc với nước.
  • Nên mặc quần mỏng và rộng trong khoảng 2 - 3 ngày đầu sau phẫu thuật.
  • Thông thường, sau cắt da quy đầu từ 2-3 tuần thì mọi sinh hoạt có thể trở về bình thường. Nhưng nên tránh không quan hệ tình dục ít nhất 4 tuần sau khi cắt bao quy đầu bởi vì vùng này khá nhạy cảm, tổ chức dưới da lỏng lẻo nên nếu chăm sóc không tốt dễ gây viêm nhiễm, vết thương chậm lành.

Nếu sau cắt bao quy đầu thấy có hiện tượng sốt, tấy đỏ hay mưng mủ hoặc chảy máu, đau kéo dài nên tới cơ sở y tế để tái khám.

4. Cách giữ vệ sinh nếu không cắt bao quy đầu

4 phương pháp xử trí hẹp bao quy đầu ở trẻ
Với trường hợp trẻ còn nhỏ, bố mẹ có thể giúp trẻ vệ sinh vùng quy đầu, khi tắm cần kéo và rửa nhẹ nhàng

Việc vệ sinh thường xuyên giúp tránh nguy cơ viêm nhiễm bao quy đầu và viêm dương vật.

  • Với trường hợp trẻ còn nhỏ, bố mẹ có thể giúp trẻ vệ sinh vùng quy đầu, khi tắm cần kéo và rửa nhẹ nhàng vùng da nhạy cảm này. Chú ý không nên cố kéo mạnh vì có thể làm tổn thương vùng này của trẻ.
  • Khi trẻ lớn hơn có thể tự chăm sóc, người lớn hướng dẫn cho trẻ rửa bằng nước sạch sau khi đi tiểu, khi tắm cần kéo da quy đầu để rửa với nước sạch và lau khô, sau đó nhẹ nhàng kéo da quy đầu trở lại che chở cho phần quy đầu.
  • Đến khi có hoạt động sinh dục thì các tuyến mồ hôi, tuyến bã sẽ tăng tiết vì vậy cần rửa thường xuyên hơn để tránh ứ đọng nước tiểu và các chất tiết.

Trường hợp khi da quy đầu hẹp xuất hiện các dấu hiệu rõ hoặc viêm nhiễm tái phát nhiều lần, bố mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế có uy tín để được tư vấn và thực hiện thủ thuật nếu cần thiết.

Như vậy, rất hiếm trường hợp nam giới thực sự cần cắt da quy đầu do hẹp hoặc dài da quy đầu. Khi trẻ còn nhỏ bố mẹ nên kiên nhẫn chăm sóc cho trẻ và hướng dẫn cho trẻ tự chăm sóc. Bởi vì nhìn có vẻ thừa thãi nhưng bao quy đầu có rất nhiều lợi ích, chỉ cần chăm sóc và vệ sinh sạch sẽ để tránh nguy cơ mắc bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

46.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan