Bạn có mắc chứng rối loạn giấc ngủ dữ dội không?

Hội chứng rối loạn giấc ngủ REM (RBD- REM Sleep Behavior Disoder) là chứng bệnh thường gặp do nhiều nguyên nhân khác nhau và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn và người xung quanh.

1. Rối loạn giấc ngủ REM là gì?

Một giấc ngủ bình thường sẽ có 2 chu kỳ NREM (Non Rapid Eye Movement) là giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh và REM (Rapid Eye Movement) là giấc ngủ có chuyển động mắt nhanh. Chu kỳ REM được đan xen giữa các giai đoạn của NREM.

Vào giai đoạn REM, cơ thể của bạn sẽ ở trong trạng thái liệt cơ tạm thời nên bạn thường không di chuyển trong giấc ngủ REM. Đây là một giai đoạn bình thường của giấc ngủ xảy ra nhiều lần trong đêm. Khoảng 20% giấc ngủ của bạn được dành cho giấc ngủ REM để có những giấc mơ và chủ yếu xảy ra vào nửa sau của đêm. Khi tình trạng liệt cơ này không xảy ra hoàn toàn, bạn có thể thực hiện những chuyển động tay chân đột ngột, hoặc tự động phát ra những âm thanh một cách vô thức. Sự khởi phát của hội chứng này thường từ từ và nó có thể dẫn đến chứng rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng theo thời gian.

2. Nguyên nhân rối loạn giấc ngủ

Nguyên nhân của chứng RBD là do các đường dẫn truyền thần kinh trong não ngăn cản các cơ vận động trong giai đoạn REM bình thường hoặc khi ngủ mơ, dẫn đến cơ thể bạn bị tê liệt tạm thời. Trong rối loạn hành vi giấc ngủ REM, những con đường này bị gián đoạn và bạn có thể thực hiện những giấc mơ của mình bằng những hành động tay chân hoặc tạo ra tiếng ồn.

Ngoài ra, rối loạn giấc ngủ có thể do phản ứng bất lợi của cơ thể với một số loại thuốc hoặc trong quá trình cai nghiện. Những người đang cai nghiện rượu thường mắc phải hội chứng này.

Đường dẫn truyền thần kinh ngăn cản các cơ vận động gây ra rối loạn giấc ngủ nặng
Đường dẫn truyền thần kinh ngăn cản các cơ vận động gây ra rối loạn giấc ngủ nặng

3. Các yếu tố nguy cơ gây rối loạn giấc ngủ REM

Các yếu tố nguy cơ có ảnh hưởng đến sự phát triển của rối loạn hành vi giấc ngủ REM bao gồm:

  • Nam giới và trên 50 tuổi: Đây là đối tượng thường gặp phải chứng rối loạn này. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều phụ nữ được chẩn đoán mắc phải, đặc biệt là dưới 50 tuổi. Người lớn và trẻ em có thể phát triển chứng rối loạn này, thường là liên quan đến chứng ngủ rũ, sử dụng thuốc chống trầm cảm hoặc có khối u não.
  • Mắc một loại rối loạn thoái hóa thần kinh: chẳng hạn như bệnh Parkinson, teo nhiều hệ thống, đột quỵ hoặc sa sút trí tuệ với thể Lewy.
  • Mắc chứng ngủ rũ: Người rối loạn giấc ngủ mãn tính có đặc điểm là buồn ngủ ban ngày.
  • Sử dụng một số loại thuốc, đặc biệt thuốc chống trầm cảm mới hơn, hoặc việc sử dụng hoặc cai nghiện ma túy hoặc rượu.
  • Những người hút thuốc và nghiện rượu nặng hoặc có những vấn đề về sức khỏe tâm thần cũng có khả năng tự làm tổn thương mình trong giấc ngủ của họ.
  • Các bằng chứng gần đây cho thấy rằng cũng có thể có một số yếu tố nguy cơ cá nhân hoặc môi trường cụ thể đối với rối loạn hành vi giấc ngủ REM như những người tiếp xúc với các hóa chất nông nghiệp, thuốc trừ sâu hoặc người có tiền sử chấn thương vùng đầu.

4. Triệu chứng rối loạn giấc ngủ nặng

Với rối loạn hành vi giấc ngủ REM, thay vì trải qua tình trạng tê liệt tạm thời bình thường của tay và chân (atonia) trong thời gian giấc ngủ REM, bạn sẽ có xu hướng thực hiện những giấc mơ của mình bằng các hoạt động thể chất. Khởi phát hội chứng có thể từ từ hoặc đột ngột, và các cơn có thể xảy ra thỉnh thoảng hoặc vài lần trong đêm. Các rối loạn này thường trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian.

Một số biểu hiện của hội chứng RBD bao gồm:

  • Có các hành vi liên quan đến thể chất như đá, đấm, khua tay chân hoặc nhảy khỏi giường, để theo đuổi những giấc mơ mang tính hành động hoặc bạo lực, chẳng hạn như bị đuổi hoặc tự vệ khỏi một cuộc tấn công. Trong một số trường hợp, họ có thể tự làm tổn thương bản thân mình hoặc người cùng giường.
  • Tự phát ra những tiếng ồn, chẳng hạn như nói chuyện, cười, la hét, xúc động mạnh hoặc thậm chí chửi bới
  • Sau khi thức giấc, bạn sẽ nhớ lại được những gì mình đã thấy trong giấc mơ.

Rối loạn giấc ngủ REM có khả năng là dấu hiệu gợi ý của các bệnh thoái hóa thần kinh như Parkinson, teo hệ thống hoặc mất trí nhớ.

rối loạn giấc ngủ nặng
Những hành vi liên quan đến thể chất khi ngủ gặp trong rối loạn giấc ngủ nặng

5. Điều trị rối loạn giấc ngủ REM

Thay đổi môi trường giấc ngủ giúp bạn và người ngủ chung được an toàn hơn:

  • Không nằm giường quá cao
  • Di chuyển các vật có thể gây nguy hiểm đến tính mạng như những vật sắc nhọn ra khỏi phòng ngủ.
  • Làm thanh chặn xung quanh giường
  • Không nên thiết kế phòng ngủ với quá nhiều đồ nội thất
  • Cửa sổ phòng ngủ nên làm hệ thống khung bảo vệ
  • Khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng thì nên ngủ một mình để bảo vệ bạn cùng giường.

Có thể sử dụng thêm một số các liệu pháp tâm lý như thư giãn, nghỉ ngơi, học tập và việc hợp lý, tránh quá sức, tập thiền mỗi ngày.

Ngoài ra, khi đến thăm khám bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn cho bạn sử dụng một số thuốc an thần để điều chỉnh hành vi giấc ngủ. Khi sử dụng cần tuyệt đối tuân thủ theo sự chỉ định của thầy thuốc, không được tự ý sử dụng hoặc ngưng thuốc đột ngột vì có thể tạo ra những tác dụng phụ đối với bản thân.

Hội chứng rối loạn giấc ngủ REM có thể là tình huống gợi ý cho một căn bệnh nghiêm trọng về thần kinh, do đó khi có biểu hiện nghi ngờ thì bạn nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để thăm khám và có hướng điều trị hợp lý.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com, everydayhealth.com, mayoclinic.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan