Mất ngủ ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới

Bất kỳ ai đều có nguy cơ gặp phải chứng mất ngủ, nhưng phụ nữ thường gặp phải tình trạng mất ngủ hơn so với nam giới. Một giấc ngủ không đảm bảo sẽ khiến cho bạn thấy mệt mỏi, buồn ngủ vào ban ngày và cũng có thể dẫn tới một loạt tình trảnh ảnh hưởng tới sức khoẻ.

1. Mất ngủ có phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới không?

Tỷ lệ mất ngủ cao hơn ở phụ nữ đã được tìm thấy trong nhiều nghiên cứu và một số ước tính cho thấy nguy cơ mất ngủ suốt đời cao hơn 40% ở phụ nữ.

Trong một nghiên cứu khác người ta nhận thấy có tới 67% phụ nữ gặp phải những vấn đề liên quan tới giác ngủ ít nhất một vài đêm trong tháng qua và 46% gặp vấn đề hầu như mỗi đêm.

Như vậy phụ nữ mất ngủ phổ biến hơn so với nam giới, tình trạng mất ngủ đặc biệt ảnh hưởng tới những phụ nữ ở độ tuổi trung niên. Từ đó gây ảnh hưởng đến sức khỏe, cũng như yếu tố tâm lý của phụ nữ độ tuổi này.

2. Tại sao mất ngủ lại phổ biến hơn ở phụ nữ?

Không có yếu tố nào giải thích sự chênh lệch về chứng mất ngủ giữa nam và nữ hay tại sao phụ nữ lại mất ngủ nhiều hơn so với nam giới. Nhưng người ta nhận ra có nhiều yếu tố khác nhau kết hợp để tạo ra những ảnh hưởng về giấc ngủ cho phụ nữ cao hơn.

Một số lý giải nguyên nhân việc phụ nữ mất ngủ nhiều hơn nam giới có thể liên quan tới sự khác biệt về giới tính và một số yếu tố khác liên quan tới sức khỏe tâm thần cũng những thay đổi trong suốt quá trình phát triển của phụ nữ.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ ảnh hưởng tới giấc ngủ của phụ nữ bao gồm:

  • Nội tiết tố: Hormone tham gia vào quá trình điều hòa cơ thể và đóng một vai trò không thể thiếu trong hoạt động của hầu hết mọi hệ thống của cơ thể. Nội tiết tố có thể ảnh hưởng trực tiếp đến giấc ngủ hoặc ảnh hưởng gián tiếp. Chính sự khác biệt về nội tiết tố có thể là nguyên nhân cơ bản dẫn đến các vấn đề khác biệt ở phụ nữ, cũng bao gồm cả tỷ lệ mất ngủ cao hơn.
  • Bắt đầu kinh nguyệt: Nghiên cứu chỉ ra rằng nguy cơ mất ngủ tăng cao bắt đầu khi bắt đầu hành kinh. Lời giải thích chính xác cho điều này vẫn chưa được biết, nhưng nó có thể liên quan đến cách các hormone giới tính ảnh hưởng đến chu kỳ ngủ và thức. Ngoài ra, bằng chứng cho thấy các bé gái trong độ tuổi dậy thì có nguy cơ cao bị trầm cảm, một tình trạng sức khỏe tâm thần thường gắn liền với các vấn đề về giấc ngủ.
  • Trong chu kỳ kinh nguyệt: Các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng được thúc đẩy bởi sự thay đổi trong sản xuất hormone. Mức độ tăng và giảm của estrogen và progesterone có thể tạo ra những thay đổi về thể chất và cảm xúc trong suốt mỗi tháng, mặc dù những thay đổi này có thể ảnh hưởng đến mỗi phụ nữ khác nhau. Nồng độ của các hormone này giảm đáng kể trong những ngày trước mỗi kỳ kinh, khiến khoảng 90% phụ nữ trải qua những thay đổi về thể chất hoặc tâm trạng, bao gồm cả việc gián đoạn giấc ngủ.
Trong chu kỳ kinh nguyệt có thể khiến phụ nữ mất ngủ và khó ngủ hơn
Trong chu kỳ kinh nguyệt có thể khiến phụ nữ mất ngủ và khó ngủ hơn

  • Trong khi mang thai: Những thay đổi nội tiết tố đáng kể xảy ra trong và sau khi mang thai có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Khi mang thai, người phụ nữ không còn trải qua những biến động hàng tháng liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt nữa, mà là những thay đổi nội tiết tố chính bắt đầu trong ba tháng đầu có thể gây ra mệt mỏi, ốm nghén, tăng cân và một loạt các thay đổi về thể chất và cảm xúc khác. Sự dao động nội tiết tố liên tục trong thời kỳ mang thai có thể làm gián đoạn chu kỳ ngủ thức và nhiều phụ nữ nhận thấy vấn đề về giấc ngủ. Đặc biệt trong 3 tháng cuối thai kỳ.
  • Tiền mãn kinh và mãn kinh: Mãn kinh là khi người phụ nữ ngừng có kinh nguyệt vĩnh viễn và trước đó là giai đoạn chuyển tiếp, được gọi là tiền mãn kinh, liên quan đến sự thay đổi trong sản xuất hormone. Trung bình, tiền mãn kinh bắt đầu từ giữa đến cuối tuổi 40 của phụ nữ và kéo dài khoảng 4 năm trước khi phụ nữ có kinh cuối cùng. Chứng mất ngủ ở phụ nữ tuổi trung niên được coi là một triệu chứng cốt lõi của tiền mãn kinh và mãn kinh. Ước tính có khoảng 38-60% phụ nữ trong thời gian này báo cáo các triệu chứng phù hợp với chứng mất ngủ.

Ngoài những yếu tố trên liên quan tới giới tính mà tỷ lệ mắc bệnh mất ngủ ở phụ nữ cao hơn nam giới. Thì những nguyên nhân khác cũng có thể dẫn tới mất ngủ ở phụ nữ tương tự như nam giới bao gồm:

  • Trầm cảm, lo âu và căng thẳng: Giấc ngủ thường gắn liền với sức khỏe tâm thần và phụ nữ có nhiều khả năng mắc các chứng khó ngủ hơn nam giới liên quan đến các tình trạng như trầm cảm, lo lắng và căng thẳng. Phụ nữ được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm với tỷ lệ cao hơn nam giới và ngủ quá nhiều hoặc quá ít là một triệu chứng thường xuyên của chứng rối loạn đó.
  • Các vấn đề về hệ tiết niệu: Các vấn đề về thận, bàng quang có thể góp phần gây ra tình trạng đi tiểu nhiều lần vào ban đêm, còn được gọi là chứng tiểu đêm, có thể là rào cản khiến giấc ngủ không bị gián đoạn. Phụ nữ có nguy cơ mắc chứng són tiểu cao gấp đôi nam giới và các triệu chứng khác của bàng quang hoạt động quá mức. Các nghiên cứu ước tính rằng 76% phụ nữ trên 40 tuổi trải qua đi tiểu đêm nhiều lần.
  • Khó thở khi ngủ: Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) là một chứng rối loạn hô hấp liên quan đến việc giảm hoặc ngừng hoàn toàn luồng không khí do giảm hoặc tạm dừng hoàn toàn nhịp thở trong khi ngủ. Điều này dẫn đến giảm nồng độ oxy, giấc ngủ bị gián đoạn do thức giấc nhiều lần và các hậu quả sức khỏe tiềm ẩn nghiêm trọng khác. Nguyên nhân này hay gây ra nam giới mất ngủ hơn so với nữ giới.
  • Hội chứng chân không yên: Là tình trạng một người có nhu cầu cử động chân tay, đặc biệt là chân khi nằm xuống và thường liên quan đến khó ngủ.
  • Nợ ngủ và chứng mất ngủ: Không phải tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng giống nhau khi thiếu ngủ. Các nghiên cứu về chu kỳ giấc ngủ đã phát hiện ra rằng nam giới và phụ nữ có thể phản ứng khác nhau với tình trạng thiếu ngủ và phụ nữ nhanh chóng hình thành “nợ ngủ” và chịu hậu quả của việc ngủ không đủ giấc. Đồng thời, những trách nhiệm chăm sóc gia đình và công việc không đồng đều mà phụ nữ thường phải trải qua trong gia đình có thể khiến khả năng hồi phục sau tình trạng thiếu ngủ trở nên kém linh hoạt hơn. Trong một nghiên cứu, 80% phụ nữ cho biết khi họ cảm thấy buồn ngủ trong ngày, họ thường chấp nhận và tiếp tục. Như vậy, tình trạng mất ngủ có thể trở nên phức tạp theo thời gian.

3. Các dấu hiệu của tình trạng mất ngủ

Các dấu hiệu phổ biến cho thấy bạn ngủ không đủ giấc bao gồm:

  • Cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày, đặc biệt là trong các hoạt động yên tĩnh như ngồi trong rạp chiếu phim hoặc lái xe
  • Đi vào giấc ngủ trong vòng 5 phút sau khi nằm xuống
  • Thời gian ngủ ngắn trong giờ thức dậy (ngủ nhỏ)
  • Cần đồng hồ báo thức để thức dậy đúng giờ mỗi ngày và gặp khó khăn khi ra khỏi giường mỗi ngày
  • Cảm thấy chệnh choạng khi thức dậy vào buổi sáng hoặc suốt cả ngày.
  • Thay đổi tâm trạng, hay quên
  • Khó tập trung vào một nhiệm vụ nào đó.
  • Ngủ nhiều hơn vào những ngày bạn không phải thức dậy vào một giờ nhất định
Trong chu kỳ kinh nguyệt có thể khiến phụ nữ mất ngủ và khó ngủ hơn
Khó tập trung có thể khiến phụ nữ mất ngủ nhiều hơn

4. Những ảnh hưởng của việc mất ngủ

Ngủ quá ít có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe như:

  • Các vấn đề về bộ nhớ, hay quên, giảm trí nhớ.
  • Cảm giác chán nản, thiếu động lực làm việc, hay cáu gắt.
  • Thời gian phản ứng chậm hơn.
  • Hệ thống miễn dịch suy yếu, làm tăng khả năng mắc bệnh lý nhiễm khuẩn.
  • Giảm khả năng chịu đựng, thường bị ảnh hưởng bởi cảm giác đau nhiều hơn.
  • Nguy cơ cao mắc các bệnh như huyết áp cao, tiểu đường, bệnh tim mạch hoặc thừa cân, béo phì.
  • Ham muốn tình dục thấp hơn
  • Da nhăn và quầng thâm dưới mắt của bạn
  • Khó giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định
  • Xuất hiện ảo giác.
  • Ngoài ra, theo nghiên cứu nhận thấy rằng sự mệt mỏi của người lái xe đã gây ra khoảng 83.000 vụ tai nạn ô tô từ năm 2005 đến 2009 và 803 người chết trong năm 2016, theo Cục An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia.

5. Làm thế nào để phụ nữ có thể có giấc ngủ ngon hơn?

Giấc ngủ là điều cần thiết đối với sức khỏe của phụ nữ, và mặc dù có vô số thách thức để có một giấc ngủ ngon, nhưng có những bước mà phụ nữ có thể thực hiện để cải thiện thời gian nghỉ ngơi. Vấn đề bao gồm việc cải thiện môi trường và thói quen ngủ của một người bao gồm:

  • Duy trì một lịch trình ngủ không thay đổi với cùng một giờ đi ngủ kể cả vào cuối tuần hoặc ngày lễ.
  • Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn và cafein trước khi đi ngủ.
  • Tránh việc sử dụng điện thoại di động, máy tính bảng hoặc các thiết bị khác trong một giờ hoặc hơn trước khi đi ngủ.
  • Thư giãn trước khi đi ngủ.
  • Tạo một phòng ngủ ấm cúng với đệm nâng đỡ, bộ đồ giường chất lượng, nhiệt độ thoải mái, hạn chế ánh sáng tối đa và tiếng ồn.
  • Nên tập thể dục mỗi ngày khoảng 30 phút trước ít nhất 5 tiếng trước khi đi ngủ.
  • Nếu bạn thấy mình đang khó ngủ, hãy đứng dậy và làm điều gì đó yên tĩnh, chẳng hạn như đọc sách, cho đến khi bạn cảm thấy buồn ngủ. Viết nhật ký cũng có thể giúp bạn đi ngủ chứ không nên ép buộc bản thân ngủ.
  • Đặt mục tiêu không ngủ trưa quá 30 phút để bạn không thức dậy loạng choạng hoặc làm lộn xộn lịch trình giấc ngủ đêm của mình.
  • Nói chuyện với bác sĩ của bạn về chuyện mất ngủ: Bởi một tình trạng sức khỏe nào đó cũng có thể gây ra các vấn đề về giấc ngủ.

Mất ngủ có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của bạn, đặc biệt là ở phụ nữ. Những biện pháp "vệ sinh" giấc ngủ như thay đổi thói quen sinh hoạt hay thói quen ngủ có thể giúp phụ nữ có giấc ngủ tốt hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com, sleepfoundation.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan