Mệt mỏi vì công việc: 9 cách để phục hồi

Suy kiệt sức khỏe vì làm việc là tình trạng xảy ra khá phổ biến, ngay cả với những công việc không đòi hỏi sức lao động. Những cách sau đây sẽ giúp bạn phục hồi trở lại khi bị kiệt sức nghề nghiệp.

1. Tự thay đổi bản thân

Nếu công việc khiến bạn cảm thấy suy kiệt sức khỏe, trước tiên bạn nên xem xét liệu có phải do thói quen nào đó là nguyên nhân gây ra sự mệt mỏi.

Bạn thường xuyên thức khuya để có thêm thời gian thư giãn cho bản thân, tuy nhiên sau đó lại cảm thấy khó đi vào giấc ngủ.

Những giấc ngủ ngon, bữa ăn bổ dưỡng và hoạt động thể chất tuy không thể làm cho căng thẳng biến mất ngay lập tức nhưng những thay đổi nhỏ này vẫn có thể là chìa khóa làm giảm mệt mỏi và ngăn ngừa tình trạng suy kiệt sức khỏe.

Cải thiện giấc ngủ và ngủ đủ giấc chắc chắn sẽ giúp bạn cảm thấy bớt mệt mỏi hơn. Mặt khác, tập thể dục thường xuyên cũng có thể tạo ra sự khác biệt. Đôi khi chỉ cần đi bộ nhanh quanh nhà cũng giúp hồi phục mức năng lượng và cải thiện tâm trạng của bạn.

2. Tránh mang việc về nhà

Làm việc vào buổi tối, cuối tuần hoặc sau khi hết giờ làm việc có thể khiến bạn mau chóng kiệt sức nghề nghiệp.

Đôi khi khối lượng công việc nặng nề khiến bạn phải về muộn và phải làm thêm ngoài giờ. Nếu bạn phải giải quyết công việc ngoài giờ, hãy trao đổi với cấp trên về việc quy định ra những khoảng thời gian bạn không có mặt. Nếu cảm thấy mệt mỏi vì công việc, bạn nên dành nhiều thời gian hơn cho việc nghỉ ngơi, thay vì tiếp tục với công việc làm thêm.

Mặt khác, khi bạn nghỉ ngơi và phục hồi năng lượng, năng suất và hiệu quả làm việc sẽ tăng lên đáng kể.

3. Yêu cầu được hỗ trợ

Khi bạn có quá nhiều nhiệm vụ phải hoàn thành hoặc bản chất công việc cần có sự góp sức của nhiều người, hãy chủ động yêu cầu sự hỗ trợ.

Đừng nghĩ rằng việc yêu cầu hỗ trợ sẽ thể hiện sự yếu kém trong công việc. Người sử dụng lao động luôn mong muốn nhân viên hoàn thành công việc tốt nhất có thể. Tuy nhiên, họ sẽ không thể hỗ trợ bạn đạt được mục tiêu đó trừ khi họ biết và thấu hiểu những khó khăn của bạn.

Không nên nhận những trách nhiệm mà bạn không có khả năng đảm đương được. Những công việc ngoài khả năng sẽ không mang lại lợi ích gì cho bạn nếu nó khiến bạn suy kiệt sức khỏe và trí tuệ.

Ngoài ra, chấp nhận việc bản thân đã cố gắng hết sức sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái và có thêm động lực để tiếp tục.

Kiệt sức vì làm việc
Nếu bạn cảm thấy kiệt sức vì công việc, hãy yêu cầu sự hỗ trợ

4. Dành thời gian rảnh rỗi cho những sở thích bổ ích

Sau một ngày dài làm việc, bạn nên dành thời gian rảnh còn lại cho những sở thích cá nhân, đặc biệt khi bạn cảm thấy kiệt sức nhất.

Xem phim, xem TV hoặc chơi trò chơi điện tử một cách điều độ có thể giúp bạn cảm thấy thư giãn những khi kiệt sức vì làm việc. Tuy nhiên, ưu tiên những sở thích bổ ích sẽ mang lại cho bạn cảm giác hài lòng sâu sắc hơn.

Hãy xem xét việc bắt đầu làm vườn, thu gọn góc làm việc hoặc thực hiện điều gì đó để cải thiện khu vực sống của bạn mỗi ngày.

Các sở thích khác có thể bao gồm:

  • Tìm hiểu về nghệ thuật, chẳng hạn như vẽ tranh, nghe nhạc, viết lách hoặc làm đồ thủ công;
  • Thực hiện các hoạt động ở ngoài trời;
  • Học tập, nghiên cứu, chẳng hạn như học một ngôn ngữ mới hoặc tham gia một lớp học kỹ năng.

5. Lập kế hoạch tự chăm sóc bản thân

Đáp ứng nhu cầu về thể chất và tinh thần là một phần quan trọng trong việc tạo ra sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân của bạn.

Chăm sóc bản thân tốt giúp bạn dễ dàng kiểm soát các thách thức trong công việc khi chúng xuất hiện, tránh bị kiệt sức vì làm việc.

Khi bạn cảm thấy khỏe mạnh về thể chất và cảm xúc, bạn sẽ duy trì một cái nhìn tích cực về mọi thứ, tránh xa cảm giác cáu kỉnh, vô vọng và bi quan. Những cảm xúc tiêu cực thường kéo theo tình trạng suy kiệt sức khỏe và căng thẳng dai dẳng.

Đảm bảo ngủ đủ giấc và ăn uống đầy đủ là những nhu cầu cơ bản của việc chăm sóc bản thân, ngoài ra còn bao gồm:

  • Tắm nước nóng cùng với nhạc thư giãn;
  • Dành một đêm yên tĩnh ở nhà thay vì một bữa tiệc lớn với bạn bè;
  • Tập yoga, thiền hoặc các bài tập chánh niệm khác;
  • Giữ liên lạc thường xuyên với những người bạn thân nhất của bạn.

6. Nói chuyện với những người thân yêu

Stress và suy kiệt sức khỏe vì công việc có thể khiến bản thân bị cô lập và mang đến những xúc cảm tiêu cực.

Bạn bè và gia đình tuy không thể trực tiếp giải tỏa sự mệt mỏi của bạn, nhưng họ có thể hỗ trợ bằng cách lắng nghe và giúp đỡ bạn trong khả năng của họ, dù là theo những cách nhỏ nhất.

Sự hỗ trợ từ người thân yêu có thể làm tăng cảm giác thân thuộc và kết nối, giúp bạn mau chóng hồi phục khi bị suy kiệt sức khỏe. Cảm thấy ít bị ràng buộc bởi công việc sẽ giúp bạn thư giãn và nạp lại năng lượng.

7. Phá vỡ sự đơn điệu

Những công việc lặp đi lặp lại thường khiến bạn cảm thấy ngao ngán. Một ngày trôi qua với toàn những công việc đơn điệu có thể khiến bạn cảm thấy kiệt sức nghề nghiệp và tê liệt về tinh thần. Trong trường hợp này, thay đổi thói quen thông thường của bạn có thể tạo ra sự khác biệt lớn.

Hãy thử làm những điều sau đây:

  • Chuyển đổi thứ tự các công việc hàng ngày của bạn: Ưu tiên xử lý những công việc ít thử thách hơn vào buổi sáng, khi bạn cảm thấy thoải mái và ít bị bó buộc nhất.
  • Tận dụng thời gian giải lao: Hãy dành một vài phút trong giờ nghỉ giải lao để thực hiện các bài tập thiền, đi bộ hoặc hít thở nhanh. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy sảng khoái hơn so với việc lên mạng theo dõi truyền thông xã hội hoặc xem tin tức mới nhất.
  • Thay đổi ở góc làm việc: Bạn có thể thử sử dụng loại bàn đứng hoặc thay thế ghế bằng quả bóng chuyên dụng. Nếu có thể, hãy thay đổi chỗ ngồi, thử làm việc bên ngoài hoặc gần cửa sổ.
  • Trao đổi với cấp trên về việc thay đổi lịch làm việc: Một số người nhận thấy họ làm việc tốt hơn vào những thời điểm nhất định trong ngày, đôi khi họ thích bắt đầu làm sớm hơn hoặc muộn hơn.
Kiệt sức vì làm việc
Bạn sẽ cảm thấy kiệt sức vì làm việc nếu cứ lặp đi lặp lại công việc một cách nhàm chán

8. Cân nhắc những lựa chọn mới

Trường hợp bạn đã thử mọi cách có thể để giải quyết tình trạng suy kiệt sức khỏe, nhưng môi trường làm việc vẫn khiến bạn kiệt sức và mọi người không thể làm gì hơn để hỗ trợ bạn, thì có thể đã đến lúc bạn nên cân nhắc một công việc hoặc nghề nghiệp khác.

Lựa chọn một công việc phù hợp cho phép bạn duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Nếu không thể thiết lập được điều này, tình trạng của bạn sẽ ngày càng tồi tệ hơn.

9. Nhận trợ giúp y tế

Đôi khi, suy kiệt sức khỏe kéo dài chỉ là hậu quả của làm việc quá sức, nhưng tình trạng này cũng có thể do những nguyên nhân khác.

Nếu bạn nhận thấy các triệu chứng khác không rõ nguyên nhân, chẳng hạn như cơn đau xuất hiện bất chợt, thay đổi cảm giác thèm ăn hoặc khó chịu dạ dày, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán chính xác. Bác sĩ sẽ giúp bạn tìm ra căn nguyên chính xác đằng sau biểu hiện mệt mỏi kèm theo các vấn đề sức khỏe khác.

Dành thời gian để hồi phục năng lượng và thiết lập một ranh giới rõ ràng giữa công việc và cuộc sống gia đình sẽ giúp bạn kiểm soát căng thẳng và đẩy lùi tình trạng suy kiệt sức khỏe. Nếu các vấn đề về thể lực và tinh thần bắt đầu ảnh hưởng đến các mối quan hệ hoặc chất lượng cuộc sống của bạn, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Ngoài việc duy trì những cách trên, để đảm bảo sức khỏe bản thân và tránh bị suy kiệt vì công việc, bạn cũng cần thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ đều đặn. Việc khám sức khỏe tổng quát sẽ giúp bác sĩ phát hiện ra những dấu hiệu bất thường để từ đó có những điều chỉnh sao cho phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

23.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan