Tác động vật lý của lo lắng

Cảm giác lo lắng là cảm thấy không thoải mái hoặc lo lắng sợ hãi về một vấn đề. Lo lắng quá mức có thể dẫn đến căng thẳng và thậm chí là hoảng sợ. Vậy lo lắng ảnh hưởng thế nào tới cơ thể? Bài viết dưới đây sẽ cho biết tác động của lo lắng đến cơ thể.

1. Cảm giác lo lắng là gì?

Lo lắng là một phản ứng bình thường đối với căng thẳng, xuất phát từ những nhu cầu và áp lực mà chúng ta phải trải qua mỗi ngày. Tuy nhiên, lo lắng sợ hãi kéo dài cũng có thể là kết quả của các rối loạn như rối loạn lo âu, rối loạn hoảng sợ hoặc lo âu xã hội. Cảm giác lo lắng biểu hiện theo nhiều cách và không phân biệt tuổi tác, giới tính hay chủng tộc.

Những nguyên nhân gây căng thẳng như kiểm tra hoặc phỏng vấn xin việc có thể dẫn đến cảm giác lo lắng. Và đôi khi, một chút lo lắng hay băn khoăn lại có ích. Nó có thể giúp bạn sẵn sàng cho một tình huống sắp tới. Ví dụ: nếu bạn đang chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn xin việc, một chút lo lắng có thể thúc đẩy bạn cố gắng hơn. Sau đó, bạn có thể trình bày bản thân một cách chuyên nghiệp hơn trước nhà tuyển dụng. Lo lắng về một bài kiểm tra có thể giúp bạn nghiên cứu nhiều hơn và chuẩn bị tốt hơn cho ngày kiểm tra.

Nhưng những người lo lắng quá mức, phản ứng quá mạnh ngay cả khi chỉ suy nghĩ về vấn đề căng thẳng cũng có thể gây ra những lo lắng sợ hãi và lo lắng kéo dài. Lo lắng sợ hãi quá mức hoặc lo lắng liên tục sẽ có hại vì nó khiến bạn không thể tập trung vào thực tế hoặc suy nghĩ rõ ràng. Những người có rối loạn lo âu rất khó lay chuyển nỗi lo lắng. Khi điều đó xảy ra, họ có thể gặp các triệu chứng về thể chất.

XEM THÊM: Làm thế nào để vượt qua sự sợ hãi và lo lắng?

2. Lo lắng ảnh hưởng thế nào tới cơ thể?

Có hai yếu tố đối với phản ứng căng thẳng. Đầu tiên là nhận thức về thách thức. Thứ hai là một phản ứng sinh lý tự động được gọi là phản ứng "chiến đấu hoặc bỏ chạy" làm tăng adrenaline và đặt cơ thể bạn trong tình trạng báo động đỏ. Khi lo lắng trở nên quá mức, rất có thể sẽ kích hoạt phản ứng căng thẳng. Khi đó, cảm giác lo lắng có thể ảnh hưởng đến cơ thể theo nhiều cách. Lo lắng mãn tính dẫn đến mệt mỏi kéo dài hoặc những nỗi sợ hãi phi thực tế. Điều này càng làm tăng thêm nỗi lo lắng sợ hãi.

Lo lắng sợ hãi và căng thẳng mãn tính có thể gây ra một loạt các vấn đề sức khỏe như:

  • “Phản ứng chiến đấu” khiến hệ thần kinh giao cảm của cơ thể tiết ra các hormone như adrenalin và cortisol. Những hormone này có thể làm tăng lượng đường và chất béo trong máu, gây ra các phản ứng vật lý như: khó nuốt, chóng mặt, khô miệng, khó thở, tim đập nhanh, mệt mỏi, nhức đầu, cáu gắt, đau cơ, căng cơ, co giật, buồn nôn.
  • Lo lắng kéo dài và tiết ra các hormone căng thẳng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về thể chất, bao gồm: ức chế hệ thống miễn dịch, rối loạn tiêu hóa, căng cơ, mất trí nhớ ngắn hạn, bệnh động mạch vành, đau tim
  • Nếu lo lắng quá mức và không được điều trị có thể dẫn đến trầm cảm và thậm chí có ý định tự tử.
  • Lo lắng mãn tính có thể ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hàng ngày đến mức có thể cản trở sự thèm ăn, giấc ngủ, thói quen lối sống, hiệu quả làm việc và các mối quan hệ. Nhiều người lo lắng sợ hãi đến mức tìm cách giải tỏa qua các thói quen có hại như ăn quá nhiều, hút thuốc lá hoặc sử dụng rượu và ma túy.
Cảm giác lo lắng kéo dài có nguy cơ gây trầm cảm ở một số đối tượng
Cảm giác lo lắng kéo dài có nguy cơ gây trầm cảm ở một số đối tượng

Mặc dù những tác động này là phản ứng của cơ thể đối với căng thẳng, nhưng có bị bệnh hay không phụ thuộc vào cách bạn đối mặt với căng thẳng. Các phản ứng của cơ thể đối với căng thẳng liên quan đến hệ thống miễn dịch, tim, mạch máu và hormone. Những hormone này giúp điều chỉnh các chức năng khác nhau trong cơ thể bạn, chẳng hạn như chức năng não và các xung thần kinh. Tất cả những hệ thống này tương tác và bị ảnh hưởng sâu sắc bởi cách đối phó và trạng thái tâm lý của bạn.

3. Cần làm gì khi có cảm giác lo lắng

Mặc dù lo lắng sợ hãi có thể gây ra sự mất cân bằng trong cơ thể, nhưng bạn có nhiều cách để thiết lập lại sự hài hòa về tâm trí, thể chất và tinh thần.

  • Tập thể dục hàng ngày: Tập thể dục vừa có thể tăng cường chức năng của hệ thống miễn dịch và tăng cường sức mạnh vừa là một cách rất hiệu quả để rèn luyện cách đối phó với căng thẳng.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng các chất dinh dưỡng: Căng thẳng và lo lắng sợ hãi khiến một số người ăn quá ít, những có người lại ăn quá nhiều hoặc ăn những thực phẩm không lành mạnh. Hãy chú ý đến chế độ ăn uống để sức khỏe nhất là khi có cảm giác lo lắng.
  • Tránh lạm dụng chất kích thích. Ngoài những chất kích thích như rượu bia, ma túy, thuốc lá, những thức uống giàu cafein như trà, cà phê, ca cao cũng nên sử dụng một cách chừng mực. Một tách trà hoặc cà phê có thể giúp bạn tỉnh táo hơn vì caffein kích thích hệ thần kinh. Nhưng nếu sử dụng quá nhiều sẽ kích hoạt tiết adrenaline và khiến bạn có cảm giác lo lắng và bồn chồn.
  • Hãy tỉnh táo trước những lo lắng sợ hãi. Dành ra 15 phút mỗi ngày cho phép mình tập trung vào các vấn đề và nỗi sợ hãi - và sau đó bỏ qua chúng.
  • Học cách thư giãn. Các kỹ thuật thư giãn có thể kích hoạt phản ứng thư giãn - một trạng thái sinh lý được đặc trưng bởi cảm giác ấm áp và sự tỉnh táo. Thư giãn có thể giảm bớt lo lắng, làm tăng khả năng tự quản lý căng thẳng. Khi thư giãn, lưu lượng máu đến não tăng lên và sóng não chuyển từ nhịp điệu beta tỉnh táo sang nhịp alpha thư thái. Thực hành thường xuyên các kỹ thuật thư giãn có thể chống lại tác động suy nhược của căng thẳng. Các phương pháp thư giãn phổ biến bao gồm hít thở sâu bằng bụng, thiền, nghe nhạc êm dịu và các hoạt động như yoga và thái cực quyền.
  • Thiền có thể giúp bạn vượt qua những suy nghĩ tiêu cực và thoát khỏi những lo lắng, khiến cơ thể luôn ở trạng thái tỉnh táo. Với thiền định, bạn chú ý một cách có chủ đích vào những gì đang xảy ra ở thời điểm hiện tại mà không nghĩ đến quá khứ hay tương lai. Thiền làm giảm các hormone như cortisol và adrenaline được giải phóng khi có cảm giác lo lắng.
  • Giao tiếp và chia sẻ cảm xúc với người thân, bạn bè. Tham gia các hoạt động công tác xã hội không chỉ giúp quên đi những lo lắng mà đôi khi còn giúp bản thân tìm ra cách giải quyết vấn đề.
  • Tìm đến sự giúp đỡ từ bác sĩ. Đi khám sức khỏe tổng thể để đảm bảo các vấn đề sức khỏe khác không làm bạn cảm thấy lo lắng. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc như thuốc chống lo âu hoặc thuốc chống trầm cảm để giúp bạn kiểm soát lo lắng.
Nếu có cảm giác lo lắng kéo dài, bạn nên gặp bác sĩ để được tư vấn
Nếu có cảm giác lo lắng kéo dài, bạn nên gặp bác sĩ để được tư vấn

  • Trò chuyện với chuyên gia trị liệu tâm lý sẽ giúp bạn xác định nguyên nhân nào gây ra lo lắng và giúp tìm ra cách đối mặt với các vấn đề gây lo lắng sợ hãi. Can thiệp tâm lý có thể cung cấp các phương pháp đối phó, đề xuất những cách giúp bạn thay đổi.

Tóm lại, cảm giác lo lắng xuất phát từ những căng thẳng và áp lực trong cuộc sống. Cảm giác lo lắng có thể là tích cực vì thúc đẩy bạn cố gắng hoàn thiện bản thân. Cảm giác lo lắng cũng có thể tiêu cực vì gây ra hàng loạt các triệu chứng cả về thể chất lẫn tinh thần. Đối mặt với những lo lắng, học cách thư giãn, tập thể dục, ăn uống lành mạnh cũng như chia sẻ cảm xúc là những cách giúp làm giảm lo lắng. Nếu lo lắng sợ hãi quá mức, hãy tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ và các chuyên gia trị liệu tâm lý.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan