Stress có thể kích hoạt hội chứng ruột kích thích

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Hội chứng ruột kích thích là một rối loạn tiêu hoá, đặc trưng bởi triệu chứng đau bụng và thay đổi thói quen đi tiêu mà không tìm thấy bất kỳ tổn thương thực thể nào. Có rất nhiều giả thiết về nguyên nhân gây ra bệnh lý này, trong đó stress có thể kích hoạt hội chứng ruột kích thích ở những bệnh nhân có cơ địa tâm lý nhạy cảm.

1. Hội chứng ruột kích thích

Một trong những bệnh lý đường ruột thường gặp nhất ở nước ta cũng như trên thế giới là hội chứng ruột kích thích (Irritable bowel syndrome - IBS). Hội chứng ruột kích thích tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, bệnh kéo dài làm người bệnh luôn lo lắng căng thẳng mất ngủ, luôn luôn lo sợ bị các bệnh hiểm nghèo khác của ruột.

Có nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh IBS là rối loạn chức năng của ống tiêu hóa nhưng biểu hiện chủ yếu là các triệu chứng của đại tràng. Các rối loạn chức năng ruột này thường tái đi tái lại nhiều lần mà không tìm thấy bất cứ tổn thương nào về giải phẫu, tổ chức học, sinh hóa ở ruột.

Hiện nay, nhờ các thăm dò hiện đại về hình thái và chức năng của ruột trên thực nghiệm và lâm sàng đã dần làm sáng tỏ cơ chế điều chỉnh ống tiêu hóa chủ yếu là sự tác động qua lại giữa hệ thống thần kinh trung ương với hệ thống thần kinh ruột (trục não-ruột) - hệ thống mạng lưới thần kinh này hoạt động cùng với nhau để thực hiện nhịp nhàng chức năng bình thường của ruột.

2. Vì sao bị hội chứng ruột kích thích?

Stress có thể kích hoạt hội chứng ruột kích thích
Rối loạn chức năng của cơ trơn thành ruột hình thành hội chứng ruột kích thích

Đầu tiên là sự cảm thụ bất thường của chức năng ống tiêu hóa như: tăng tính nhạy cảm, nội tạng dễ kích thích, thay đổi tính chịu đựng của ruột, giảm khả năng chịu áp lực của khối thức ăn ở một số đoạn ruột, rối loạn vận động ruột, tăng hoặc giảm nhu động ruột.

Rối loạn chức năng của cơ trơn thành ruột: cơ trơn thành ruột co bóp nhịp nhàng sẽ tạo ra một sự chênh lệch áp lực giữa từng đoạn ruột để thúc đẩy các chất trong lòng ruột di chuyển theo chiều từ trên xuống với một tốc độ thích hợp. Vì một lý do nào đó mà chức năng cơ trơn bị rối loạn, làm tốc độ đẩy ở ruột trở nên quá nhanh hoặc quá chậm. Vận chuyển quá nhanh làm giảm sự hấp thu các chất và nước gây tiêu chảy. Vận chuyển quá chậm làm thức ăn ở lâu trong ruột, sự hấp thu nước tăng gây táo bón, lâu ngày tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển lại tiếp tục gây tiêu chảy. Đó là lý do vì sao người bị hội chứng ruột kích thích thường có những đợt tiêu chảy xen lẫn với táo bón.

Ảnh hưởng của một số hormon ở ống tiêu hóa: hormon cholecystokinin được cho là nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích vì nó làm co cơ trơn dẫn tới tăng nhu động và tăng đau bụng. Chất này được niêm mạc ruột non giải phóng nhiều khi ăn các chất béo hoặc uống magne sulfat. Vì vậy, những người bị hội chứng ruột kích thích được khuyên không nên ăn thức ăn chứa nhiều mỡ, đồ rán, xào...

Sự rối loạn thần kinh ruột: sự rối loạn trong việc giải phóng các chất kích thích và các chất ức chế dẫn truyền thần kinh ở ruột tạo ra dẫn đến rối loạn sự co bóp nhịp nhàng của ruột non và đại tràng mà dẫn đến các triệu chứng tiêu chảy và táo bón.

3. Stress có thể kích hoạt hội chứng ruột kích thích

Stress có thể kích hoạt hội chứng ruột kích thích
Căng thẳng tâm lý nào trong cuộc sống như khi gặp khó khăn, căng thẳng, giận dữ, buồn bực, mệt mỏi, quá tải trong công việc...

Giống như tim và phổi, ruột được điều khiển bởi hệ thần kinh tự động nên chức năng của ruột liên hệ rất mật thiết với hệ thần kinh trung ương. Bất cứ căng thẳng tâm lý nào trong cuộc sống như khi gặp khó khăn, căng thẳng, giận dữ, buồn bực, mệt mỏi, quá tải trong công việc... đều gây ra tình trạng co thắt quá mức ruột già và dẫn đến triệu chứng của hội chứng ruột kích thích. Tuy không phải tất cả mọi người đều gặp phải song hội chứng ruột kích thích thường có khuynh hướng xảy ra ở những người có cơ địa tâm lý nhạy cảm. Ngay cả những người chỉ bị stress nhẹ cũng có thể ảnh hưởng.

Biện pháp giảm stress bao gồm các điều chỉnh tâm lý như: sắp xếp công việc hợp lý, đặt mục tiêu thời gian cho từng việc, giảm áp lực quá tải trong công việc hay học tập, tập ngồi thiền, tâm sự với người thân, tư vấn tâm lý, tập thể dục thường xuyên, tập yoga, ngủ đủ giấc...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan