2 nguồn tác nhân gây nhiễm khuẩn vết mổ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Lê Thanh Tuấn - Bác sĩ Ngoại tiêu hóa - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Vết mổ bị nhiễm khuẩn là vấn đề hàng đầu được quan tâm đối với bệnh nhân vừa trải qua phẫu thuật. Chúng gây ra nhiều ảnh hưởng đối với người bệnh trên cả phương diện sức khỏe cũng như tài chính, đặc biệt nhiễm khuẩn vết mổ nặng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong đối với người bệnh.

1. Vết mổ bị nhiễm khuẩn là gì?

Nhiễm khuẩn vết mổ là vấn đề thường gặp nhất sau khi phẫu thuật diễn ra, đây là hậu quả không mong muốn thường gặp nhất và là nguyên nhân quan trọng gây ra tử vong ở người bệnh sau khi phẫu thuật. Tùy theo từng loại phẫu thuật, tỷ lệ nhiễm khuẩn dao động từ 2%-15% và gặp ở 24% người bệnh sau phẫu thuật, trong đó có đến 90% vết mổ bị nhiễm khuẩn nông và sâu. Tỷ lệ vết mổ bị nhiễm khuẩn có sự khác nhau giữa các quốc gia, ở các nước tiên tiến con số chỉ từ 5 -7% trong khi ở các nước đang phát triển là 15-25%

Vết mổ bị nhiễm khuẩn được hiểu là những nhiễm khuẩn tại vị trí mổ trong vòng 30 ngày sau khi thực hiện đối với những phẫu thuật không cấy ghép và trong vòng 1 năm đối với loại phẫu thuật có cấy ghép bộ phận giả.

Nhiễm khuẩn vết mổ được chia thành ba loại là nhiễm khuẩn nông xảy ra ở dưới biểu bì da hoặc các tổ chức da, nhiễm khuẩn sâu xảy ra ở cơ và các tổ chức liên kết, nhiễm khuẩn cơ quan và các khoang liên kết.

2. Hậu quả của vết mổ bị nhiễm khuẩn

Vết mổ bị nhiễm khuẩn gây ra nhiều hậu quả cho người bệnh bao gồm:

  • Thời gian nằm viện kéo dài hơn đồng nghĩa với chi phí tăng cao. Theo các nghiên cứu chỉ ra, ở Việt Nam bệnh nhân nhiễm khuẩn vết mổ có thể mất gấp đôi thời gian nằm viện cũng như chi phí điều trị trực tiếp so với bệnh nhân không bị nhiễm.
  • Tỷ lệ tử vong tăng cao hơn, 89% người bệnh tử vong do nhiễm khuẩn vết mổ nặng.
  • Nếu nhiễm khuẩn vết mổ đối với trường hợp có cấy ghép thì điều trị nhiễm khuẩn vết mổ có chi phí cao nhất so với các trường hợp điều trị biến chứng ngoại khoa nguy hiểm và thời gian bệnh nhân nằm viện có thể đến 30 ngày.
  • Nhiễm khuẩn vết mổ sẽ tăng lạm dụng kháng sinh để điều trị dẫn đến tăng tỷ lệ đề kháng kháng sinh, đây là vấn đề lớn được y tế trên toàn thế giới quan tâm.
Nhiễm khuẩn vết mổ nông
Hình ảnh vết mổ bị nhiễm khuẩn

3. Nguyên nhân nhiễm khuẩn vết mổ là gì?

3.1 Các tác nhân dẫn đến vết mổ bị nhiễm khuẩn

Hai tác nhân chính dẫn đến nhiễm khuẩn vết mổ là vi khuẩn và nấm, trong đó vi khuẩn đóng vai trò chủ yếu. Hiện nay vẫn chưa có các nghiên cứu chính xác chỉ ra virus và ký sinh trùng là nguyên nhân khiến vết mổ bị nhiễm trùng.

Có nhiều loại vi khuẩn gây ra nhiễm trùng vết mổ và thay đổi tùy thuộc vào địa điểm khám chữa bệnh và vị trí phẫu thuật:

  • Ghép bộ phận giả, phẫu thuật tim, thần kinh, phẫu thuật chỉnh hình: S. aureus, S. epidermidis
  • Phẫu thuật mắt: S. aureus, S. epidermidis, Streptococcus, Bacillus
  • Phẫu thuật phổi, mạch máu, ruột thừa, đường mật, đại trực tràng, dạ dày tá tràng: Bacillus anaerobes, Bacillus, B. enterococci
  • Phẫu thuật đầu mặt cổ: S. aureus, Streptococcus, Anaerobes, E. coli, Enterococci
  • Phẫu thuật sản phụ khoa: Streptococci, Anaerobes
  • Phẫu thuật tiết niệu, mở bụng, vết thương thấu bụng: E. coli, Klebsiella sp, Pseudomonas spp,
  • B. fragilis và các vi khuẩn kỵ khí khác.

Hiện nay các vi khuẩn khiến vết mổ bị nhiễm khuẩn ngày càng gia tăng, đặc biệt là nhóm vi khuẩn đa kháng thuốc, gây khó khăn cho quá trình điều trị và phục hồi của bệnh nhân. Do điều trị nhiễm trùng vết mổ chủ yếu sử dụng kháng sinh dẫn đến việc lạm dụng kháng sinh sẽ tạo điều kiện cho nhiều chủng nấm gây nhiễm khuẩn vết mổ ra đời.

3.2 Hai nguyên nhân nhiễm khuẩn vết mổ

Hai nguồn tác nhân chính khiến vết mổ bị nhiễm khuẩn bao gồm:

  • Nguyên nhân nội sinh: Các vi khuẩn có sẵn trên người bệnh, đây là nguồn tác nhân chính gây ra nhiễm khuẩn vết mổ, chúng thường có sẵn ở bệnh viện và có tính kháng thuốc khá cao. Các vi khuẩn này đã cư trú sẵn trên cơ thể người bệnh, chúng có ở tế bào da, niêm mạc, khoang tạng rỗng như khoang miệng, đường tiêu hóa, sinh dục, đường tiết niệu... Ngoài ra những vi khuẩn ở những vị trí nhiễm khuẩn khác xa vết mổ nhưng theo đường máu hoặc bạch mạch để xâm nhập vào gây nhiễm khuẩn vết mổ.
  • Nguyên nhân ngoại sinh: Do các vi khuẩn xâm nhập vào vết mổ trong quá trình mổ bằng cơ chế xâm nhập trực tiếp và sau quá trình phẫu thuật diễn ra trong lúc chăm sóc vết mổ. Chúng có thể bắt nguồn từ môi trường nơi diễn ra phẫu thuật như không khí trong phòng phẫu thuật, các dụng cụ phục vụ cho quá trình phẫu thuật như thiết bị máy móc, vật liệu cầm máu, vải chuẩn bị cho phẫu thuật, phương tiện vệ sinh tay ngoại khoa... hay từ chính nhân viên, bác sĩ trong ekip phẫu thuật như từ bàn tay, da hay đường hô hấp.
Điều trị ung thư phúc mạc chủ yếu là hóa trị, phẫu thuật, điều trị toàn thân
Dụng cụ phục vụ cho quá trình phẫu thuật có thể là nguyên nhân ngoại sinh gây nhiễm khuẩn vết mổ

Đối với trường hợp chăm sóc vết thương nếu không tuân thủ theo đúng nguyên tắc vô khuẩn thì rất có thể sẽ khiến vết thương bị nhiễm khuẩn mặc dù các nhiễm khuẩn này thường nông và ít khi gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Nhiễm khuẩn vết mổ là một tình trạng nguy hiểm, vì thế người bệnh không thể tự điều trị tại nhà mà cần đến các cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra và có hướng can thiệp kịp thời. Đặc biệt, cần thiết khám ngay nếu vết thương lớn, sâu hoặc không cầm máu hoặc có dấu hiệu nhiếm trùng.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện là trung tâm chăm sóc sức khỏe, chất lượng cao khi hội tụ đội ngũ nhân viên, kỹ thuật viên, bác sĩ giỏi chuyên môn và có trình độ cao ở tất cả các chuyên khoa. Nhằm phục vụ tốt nhất cho quá trình chẩn đoán và điều trị, bệnh viện cũng có trang thiết bị máy móc hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế góp phần vào việc chữa trị trở nên hiệu quả hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan