Áp xe cơ do nhiễm khuẩn: Chớ coi thường

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Dương Tiến - Bác sĩ Nội tổng hợp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ Tiến có nhiều năm kinh nghiệm về nội cơ xương khớp.

Áp xe cơ do nhiễm khuẩn là một trong những bệnh lý nhiễm trùng nội khoa phổ biến hiện nay, do tình trạng viêm nhiễm cơ vân dưới sự xâm nhập của một số loại vi khuẩn nhất định. Mặc dù không gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người bệnh nhưng áp xe cơ nhiễm trùng cần được chẩn đoán và điều trị trong thời gian nhanh nhất có thể, tránh để lại những biến chứng không mong muốn.

1. Áp xe cơ do nhiễm khuẩn

Áp xe cơ là tình trạng tổ chức cơ vân bị tổn thương, hình thành những bọc mủ tại đây gây nên một số triệu chứng của viêm nhiễm trên lâm sàng và thường xảy ra sau khi bệnh nhân có một bệnh lý nhiễm trùng ở da hay có một vết thương trên cơ thể. Áp xe cơ do nhiễm khuẩn do nhiều loại vi khuẩn gây nên, trong đó phổ biến nhất là vi khuẩn tụ cầu vàng, ngoài ra còn có thể là một số tác nhân vi khuẩn khác như liên cầu, phế cầu, não mô cầu, lậu cầu... Áp xe cơ nhiễm trùng có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào trong cơ thể, và thường thì chỉ xuất hiện ở 1 cơ duy nhất, có khả năng xảy ra nhiều hơn với những bệnh nhân mắc phải bệnh lý nhiễm khuẩn huyết. Đặc biệt, với những bệnh nhân gặp phải một số tình trạng bệnh lý liên quan đến suy giảm hệ thống miễn dịch trong cơ thể thì tình trạng áp xe cơ do nhiễm khuẩn có thể xảy ra đối với nhiều cơ.

Điển hình nhất là tình trạng áp xe cơ thắt lưng – chậu thường diễn ra trên những bệnh nhân có tiền sử mắc phải những bệnh lý nhiễm trùng hệ niệu – sinh dục trước đó, hoặc trên những bệnh nhân đã từng thực hiện phẫu thuật bụng, với nguyên nhân đến từ vi khuẩn lao hoặc những loại vi khuẩn sinh mủ khác. Một số triệu chứng lâm sàng của áp xe cơ thắt lưng – chậu thường xuất hiện trên bệnh nhân đó là đau hạ sườn, không thể duỗi phần chân bên phía có cơ thắt lưng – chậu bị viêm và khi thực hiện thăm khám khớp háng thì không phát hiện ra bất thường nào ở khớp háng.

Phế cầu khuẩn
Hình ảnh phế cầu khuẩn

Một số biểu hiện điển hình nhất trên những loại áp xe cơ thường gặp trên người bệnh đó là:

  • Giai đoạn 1 – 2 tuần đầu tiên: Cơ bị sưng lên, khi ấn thì thấy mật độ cơ chắc, có hoặc không có tình trạng đỏ, bệnh nhân có thể có cảm giác đau nhẹ.
  • Giai đoạn 2 – 4 tuần sau đó: Các cơ bắt đầu sưng tấy rõ ràng, bệnh nhân có cảm giác rất đau, khi ấn vào cơ thì có cảm giác bùng nhùng, thực hiện thủ thuật chọc hút thì có mủ xuất hiện.
  • Giai đoạn cuối: Lúc này những biến chứng của áp xe cơ như áp xe da hoặc sốc do nhiễm khuẩn có thể xảy ra trên bệnh nhân.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể xuất hiện những triệu chứng của hội chứng nhiễm khuẩn như sau:

  • Sốt cao từ 39°C đến 40°C, tính chất của sốt thường là liên tục và dao động.
  • Bệnh nhân có những biểu hiện của gầy sút, mệt mỏi.
  • Bệnh nhân có triệu chứng môi khô, lưỡi bẩn, những dấu hiệu khác của vẻ mặt nhiễm trùng.
Môi khô thường là dấu hiệu của sự thiếu nước
Bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng môi khô,lưới bẩn có thể là dấu hiệu của hội chứng nhiễm khuẩn

Bên cạnh những dấu hiệu lâm sàng thì bệnh nhân còn được thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng giúp hỗ trợ chẩn đoán bao gồm:

  • Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi: số lượng bạch cầu có thể tăng, trong đó chiếm đa số là bạch cầu đa nhân trung tính, tốc độ máu lắng tăng, chỉ số CRP tăng, Fibrinogen tăng, Globulin và Procalcitonin tăng. Một số trường hợp khi nuôi cấy máu sẽ cho kết quả dương tính. Bệnh nhân được chỉ định chọc hút dịch từ ổ áp xe cơ để tiến hành làm xét nghiệm, có thể có sự hiện diện của bạch cầu đa nhân trung tính thoái hóa rất nhiều, hoặc cũng có thể được lấy dịch này đem nuôi cấy, soi tươi hoặc làm xét nghiệm PCR lao để chẩn đoán phân biệt.
  • Siêu âm cơ được thực hiện để khảo sát những vấn đề như thể tích của cơ có tăng lên do nhiễm trùng hay không, cấu trúc cơ có bị biến đổi không...
  • X – quang: đánh giá trình trạng viêm xương, viêm màng xương kèm theo, hoặc hình ảnh bóng cơ thắt lưng chậu và bóng khí đối với những bệnh nhân áp xe cơ thắt lưng – chậu. Nếu áp xe cơ nhiễm trùng do vi khuẩn lao gây ra thì có thể cho hình ảnh X – quang bị calci hóa tại ổ áp xe.
  • Chụp cắt lớp vi tính: Giúp phát hiện áp xe cơ sớm vì cho phép khảo sát những vị trí mà các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác không thể xuyên vào.
  • Chụp cộng hưởng từ: Thường được chỉ định trong những bệnh lý áp xe cơ thắt lưng chậu.

2. Phác đồ điều trị áp xe cơ

Nguyên tắc chính khi điều trị bệnh lý áp xe cơ do nhiễm khuẩn đó là:

Sử dụng thuốc như các loại kháng sinh, NSAID...cũng có thể gây tăng bạch cầu ái toan tại đường tiêu hoá
Điều trị áp xe cơ bằng kháng sinh cần phải được áp dụng sớm, liều cao
  • Kháng sinh điều trị áp xe cơ phải được áp dụng sớm, liều cao, dùng theo đường tĩnh mạch và phải dùng đủ thời gian từ 4 đến 6 tuần.
  • Việc lựa chọn kháng sinh tốt nhất là dựa vào kết quả nuôi cấy dịch làm kháng sinh đồ, nếu trong thời gian chưa nhận được kết quả xét nghiệm thì cần dùng kháng sinh theo kinh nghiệm.

Một số cách dùng kháng sinh trong phác đồ điều trị áp xe cơ như sau:

  • Kháng sinh đầu tiên khi điều trị áp xe cơ cần nghĩ về hướng kháng sinh chống tụ cầu vàng là Methicillin, nếu trên lâm sàng có những dấu hiệu kháng thuốc thì có thể đổi sang sử dụng kháng sinh Vancomycin.
  • Với những bệnh nhân mắc phải bệnh suy giảm miễn dịch thì cần dùng kháng sinh phổ rộng, tiêu diệt được trực khuẩn Gram âm cũng như vi khuẩn yếm khí, điển hình là việc kết hợp Vancomycin cùng với một thuốc kháng sinh nhóm Carbapenem hay Piperacillin. Trong trường hợp xác định nguyên nhân gây ra áp xe cơ nhiễm trùng là vi khuẩn yếm khí thì kháng sinh được lựa chọn trong điều trị có thể là Clindamycin.

Ngoài việc điều trị nội khoa bằng thuốc kháng sinh, có thể áp dụng kèm theo kỹ thuật chọc hút dẫn lưu mủ từ ổ áp xe cơ. Có thể dùng kim hoặc phẫu thuật để dẫn lưu ổ áp xe. Bên cạnh việc điều trị giảm nhẹ triệu chứng, cần có một chế độ chăm sóc giúp nâng cao tổng trạng của bệnh nhân và phòng chống tình trạng sốc do nhiễm khuẩn có thể xảy ra.

Áp xe cơ do nhiễm khuẩn là bệnh lý nhiễm trùng tại cơ, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn và có thể là tử vong trong một số trường hợp bệnh tiến triển quá nặng. Bệnh có những yếu tố nguy cơ cần phòng tránh để giảm khả năng mắc bệnh, đồng thời khi có những triệu chứng nghi ngờ bệnh thì cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị trong thời gian sớm nhất có thể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan