Áp xe thành sau họng: Dấu hiệu, triệu chứng và cách điều trị

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Văn Quảng - Bác sĩ Tai Mũi Họng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. BSCKI. Lê Văn Quảng là chuyên gia về lĩnh vực Tai Mũi Họng với 15 năm kinh nghiệm.

Áp xe thành sau họng là tình trạng viêm nhiễm, hóa mủ ở vùng sau họng. Bệnh thể diễn tiến nghiêm trọng, đe dọa tính mạng người bệnh với tỷ lệ tử vong cao. Nếu xử trí đúng, bệnh sẽ lành dần, không gây biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân.

1. Áp xe thành sau họng là gì?

Áp xe thành sau họng là hiện tượng vùng khoảng trống giữa thành sau họng miệng với cân trước sống bị viêm nhiễm. Bệnh được xếp vào nhóm bệnh nhiễm khuẩn vùng cổ sâu, là một bệnh nặng, không có khả năng tự khỏi, có thể đe dọa tới tính mạng bệnh nhân. Tuy là cấp cứu ít gặp trong chuyên khoa tai - mũi - họng nhưng tỷ lệ tử vong của bệnh lại khá cao, chiếm khoảng 15% các nguyên nhân gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi trong bệnh lý cấp cứu tai - mũi - họng.

Về cơ chế gây tử vong, nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân áp xe thành sau họng sẽ tử vong do nhiễm khuẩn nhiễm độc nặng, áp xe lan theo khoang sau tạng vào trung thất hoặc vỡ mủ vào trung thất, chèn ép đường thở. Tuy nhiên, nếu xử lý đúng, bệnh sẽ diễn tiến tốt sau khi chích rạch ổ áp xe từ 7 - 10 ngày.

Áp xe thành sau họng
Áp xe thành sau họng sẽ gây tử vong nếu nhiễm khuẩn nhiễm độc nặng

2. Nguyên nhân gây áp xe thành sau họng

  • Áp xe thành sau họng ở trẻ em: Khối áp xe khu trú tại hạch Gillette (có ở trẻ em dưới 2 tuổi, sau đó hạch thoái triển dần). Nguyên nhân gây bệnh do biến chứng từ các nhiễm khuẩn vùng tai - mũi - họng như viêm mũi xoang, viêm V.A, viêm amidan,... không được điều trị hoặc do độc tính của vi khuẩn quá cao. Từ các ổ nhiễm khuẩn, quá trình viêm xâm nhập vào các hạch bạch huyết ở khoang sau họng, gây áp xe thành sau họng;
  • Áp xe thành sau họng ở người lớn: Nguyên nhân xuất phát từ các chấn thương vùng họng, do dị vật ăn sâu vào thành sau họng hoặc do vi khuẩn đặc hiệu như lao.
viêm amidan
Viêm amidan có thể là nguyên nhân gây áp xe thành sau họng

3. Triệu chứng bệnh áp xe thành sau họng

Triệu chứng điển hình ở trẻ dưới 2 tuổi bị bệnh áp xe thành sau họng:

  • Triệu chứng ban đầu: Ngạt mũi, chảy nước mũi vàng xanh, đau họng, cổ, nuốt khó, ho có đờm;
  • Triệu chứng sau: Sốt rất cao, khoảng 39-40oC kèm theo rét run, môi khô, lưỡi bẩn, mạch nhanh nhỏ, da xanh tái. Trẻ có biểu hiện không bú được, bỏ bú, quấy khóc nhiều, quay cổ khó khăn;
  • Triệu chứng khi khối áp xe quá lớn, lan sâu xuống hạ họng - thanh quản: Khó thở, thở rít, miệng tiết nhiều nước dãi, hơi thở có mùi hôi nặng.

Người lớn có các biểu hiện tương tự: Ngạt mũi, chảy nước mũi vàng xanh, đau họng và đau cổ, nuốt khó, ho có đờm, sốt cao, môi khô, quay cổ khó, giọng nói thay đổi như ngậm hạt thị, khó thở, thở rít, miệng tiết nhiều nước bọt, hơi thở hôi,...

Bé sốt cao
Trẻ có thể sốt cao khi bị áp xe thành sau họng

4. Chẩn đoán áp xe thành sau họng

  • Dựa trên các triệu chứng lâm sàng;
  • Khám họng: Niêm mạc họng, mũi đỏ rực, có nhiều dịch tiết vàng xanh, có khối phồng ở thành sau họng (to hoặc nhỏ tùy giai đoạn bệnh);
  • Xét nghiệm máu: Bao gồm tổng phân tích tế bào máu, tốc độ máu lắngsinh hoá máu, cho kết quả bạch cầu đa nhân trong máu tăng cao;
  • Chụp X-quang cổ nghiêng: Quan sát được khối phồng ở họng miệng, lan xuống hạ họng;
  • Chụp cắt lớp vi tính có thuốc cản quang và chụp cộng hưởng từ: Giúp đánh giá chính xác vị trí, kích thước và mức độ nặng của khối áp xe;
  • Chọc hút khối phồng: Lấy mủ từ khối phồng để nuôi cấy, làm kháng sinh đồ phục vụ cho quá trình điều trị bệnh. Vi khuẩn được phát hiện chủ yếu là phế cầu khuẩn, liên cầu, tụ cầu, Hemophilus influenzae và vi khuẩn yếm khí.
  • Ở trẻ em, siêu âm được ưu tiên hơn vì nó không liên quan đến bức xạ và có thể thực hiện thuận tiện. Trong những bàn tay bác sĩ có kinh nghiệm, siêu âm có thể giúp xác định kích thước và vị trí của áp xe.

Lưu ý: Cần chẩn đoán phân biệt bệnh với các tình trạng phù mạch, ăn hoặc uống phải thực phẩm có chất ăn mòn, áp xe dưới màng cứng vùng cổ, viêm thực quản, viêm sụn nắp thanh quản, áp xe ngoài màng cứng vùng cổ, viêm trung thất, viêm màng não, nhiễm trùng răng miệng, viêm xoang, viêm họng, áp xe quanh amidan, sốt ở trẻ em, có dị vật trong thực quản, hầu họng hoặc khí quản,...

Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu
Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán áp xe thành sau họng

5. Điều trị áp xe thành sau họng

  • Tất cả các bệnh nhân có chẩn đoán xác định nhiễm trùng sau họng đều phải nhập viện, kháng sinh đường tĩnh mạch và hội chẩn chuyên khoa tai mũi họng. Liệu pháp kháng sinh nên phổ rộng các chủng vi sinh hô hấp trên, bao gồm cả kỵ khí. Bệnh nhân có chèn ép đường thở nên được phẫu thuật và dẫn lưu ngay lập tức.
  • Ở những bệnh nhân không có biểu hiện suy hô hấp nặng hoặc tổn thương đường thở, việc xử trí thường bắt đầu bằng thử nghiệm điều trị kháng sinh đường tĩnh mạch từ 24 đến 48 giờ.
  • Sau 24 đến 48 giờ điều trị bằng kháng sinh, Rạch dẫn lưu hay không cần được đánh giá lại bởi một bác sĩ tai mũi họng.
  • Không có bằng chứng cho thấy những bệnh nhân có ổ áp xe lớn hơn 3 cm2 có lợi từ can thiệp phẫu thuật trước 24 đến 48 giờ điều trị kháng sinh.
  • Tất cả bệnh nhân phải được theo dõi đường thở cẩn thận khi điều trị áp xe hầu họng, đặc biệt là trong 24 đến 48 giờ đầu.
Thuốc
Thuốc kháng sinh liều cao được sử dụng trong điều trị

6. Biện pháp phòng bệnh áp xe thành sau họng

  • Chăm sóc vệ họng miệng tốt.
  • Chăm sóc kiểm tra răng thường quy.

Áp xe thành sau họng là tình trạng nguy hiểm, có thể đe dọa tới tính mạng nên cần cân nhắc chẩn đoán bệnh cho tất cả các trường hợp bệnh nhân có biểu hiện đau họng, sốt, đau cổ, khó nuốt, sưng vùng thành sau họng,... cho tới khi xác định chính xác bệnh lý mà bệnh nhân đang gặp phải để có phương án điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

34.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan