Bệnh cầu thận nguyên phát: Chẩn đoán và cách điều trị

Bài viết được viết bởi ThS.BS Nguyễn Quốc Tuấn - Trưởng Đơn nguyên Nội Thận - Lọc Máu, Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Thông thường mỗi người có 2 quả thận (một số trường hợp đặc biệt chỉ có một quả hoặc lại có nhiều hơn 2 quả) hình hạt đậu nằm ở hai hố thắt lưng dọc 2 bên cột sống từ đốt sống ngực XII đến đốt thắt lưng I – II. Mỗi quả thận được cấu tạo từ khoảng 1 triệu Nephron.

1. Cầu thận và hoạt động chức năng của thận

Nephron là đơn vị cấu trúc và chức năng của Thận.

Nephron gồm 2 phần: Cầu thận và ống thận. Cầu thận bao gồm một túi bọc bên ngoài và một cuộn mạch ở bên trong. Ống thận là một cái ống có nhiều khúc lượn, một đầu liên tiếp với cầu thận và đầu kia đổ vào ống góp.

Một trong những chức năng chính của thận là tạo nước tiểu để đào thải nước và các sản phẩm cặn bã của các quá trình chuyển hóa trong cơ thể.

Máu được đưa vào trong thận với lưu lượng rất lớn (1200ml/phút) rồi đến cuộn mạch trong cầu thận, tại đây một lượng huyết tương lớn (khoảng 120ml/phút) từ máu qua màng lọc cầu thận đi vào trong khoang nước tiểu của cầu thận tạo nên nước tiểu đầu tiên.

Do cấu trúc màng lọc cầu thận mà protein (albumin) và các tế bào máu được giữ lại trong máu. Nước tiểu đầu tiên từ cầu thận đi qua ống thận, tại ống thận nước tiểu đầu tiên được tái hấp thu nước, trao đổi ion rồi đi qua ống góp tạo thành nước tiểu cuối và đổ vào bể thận rồi theo niệu quản xuống bàng quang trước khi thải ra ngoài cơ thể.

Cầu thận
Hình ảnh của cầu thận

2. Bệnh lý cầu thận

2.1 Định nghĩa

Các quá trình gây tổn thương đến cấu trúc làm thay đổi hoạt động chức năng của cầu thận gọi là bệnh cầu thận. Nếu bệnh chỉ gây tổn thương giới hạn ở cầu thận được gọi là bệnh cầu thận nguyên phát ( primary glomerulopathy).

Các bệnh lý toàn thân gây tổn thương ở nhiều cơ quan trong đó có thận thì lúc đó bệnh lý ở cầu thận được gọi là bệnh cầu thận thứ phát ( secondary glomerulopathy).

2.2 Biểu hiện và phân loại

Bệnh cầu thận thể hiện rất đa dạng tuỳ vào căn nguyên gây nên tổn thương cầu thận. Nhiều trường hợp bệnh không có triệu chứng lâm sàng mà được phát hiện thông qua phân tích nước tiểu khi thăm khám sức khỏe tổng quát hoặc tìm nguyên nhân một bệnh khác.

Bên cạnh những trường hợp không triệu chứng thì bệnh cầu thận còn được phát hiện khi có những biểu hiện lâm sàng như tăng huyết áp, phù, mệt mỏi (do suy thận, thiếu máu ).... Đôi khi bệnh nhân được phát hiện tổn thương cầu thận khi có các biểu hiện của bệnh hệ thống như gầy sút, mệt mỏi, sốt dai dẳng, đau khớp, phát ban...

Triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm của bệnh cầu thận được phân ra làm hai loại chính là hội chứng viêm cầu thận ( glomerulonephritis syndrome) và hội chứng thận hư ( nephrotic syndrome), tuy nhiên một số bệnh có sự đan xen cả hai hội chứng

Điều trị tăng huyết áp
Bệnh nhân cầu thận xuất hiện tình trạng tăng huyết áp

2.2.1 Hội chứng viêm cầu thận

Các bệnh nhân có hội chứng viêm cầu thận thường thể hiện:

    • Thử nước tiểu bằng que thử dương tính với hồng cầu, soi cặn nước tiểu thấy hồng cầu biến dạng không đều, có thể kèm theo trụ hồng cầu
    • Có protein (albumin) trong nước tiểu với các mức độ khác nhau
    • Phù, đặc biệt hay gặp phù trước xương chày
    • Tăng huyết áp ( Huyết áp > 130/80 mmHg)
    • Giảm khả năng lọc chất độc của thận dẫn đến tăng urecreatinin trong máu, các trường hợp nặng có thể thiểu niệu (đái ít) hoặc vô niệu ( không có nước tiểu )

Hội chứng viêm cầu thận thường xuất hiện thứ phát sau phản ứng viêm do rối loạn miễn dịch, nhiễm trùng, viêm mạch ..... Một số bệnh thận có kèm hội chứng viêm cầu thận là:

  • Bệnh thận IgA
  • Bệnh thận do Lupus
  • Bệnh thận sau nhiễm khuẩn ( đặc biệt là nhiễm liên cầu beta tan huyết nhóm A)
  • Bệnh thận do viêm mạch ( viêm các mạch nhỏ của nhiều cơ quan trong đó có vi mạch cầu thận )
  • Bệnh thận do cryoglobin trong máu ( có sự kết tủa các protein trong máu )
  • Viêm cầu thận màng tăng sinh
  • Bệnh thận IgA kết hợp với viêm mạch ( Henoch – Schonlein pupura)

2.2.2 Hội chứng thận hư

Hội chứng thận hư là do màng lọc cầu thận bị tổn thương không ngăn được protein thoát từ huyết tương vào trong nước tiểu làm mất một số lượng lớn protein ( trên 3.5 g/24h) qua nước tiểu. Hội chứng thận hư thể hiện:

      • Protein niệu rất nhiều ( trên 3.5 g/24h).
      • Giảm protein ( đặc biệt albumin) trong máu, tăng lipid máu.
      • Tăng đông máu (do mất các chất chống đông tự nhiên qua nước tiểu).
      • Phù (do giảm áp lực keo vì mất albumin trong máu).
      • Một số trường hợp có thể có kèm suy thận ( tăng ure, creatin máu ).
      • Không có hoặc rất ít hồng cầu , trụ hồng cầu trong nước tiểu.
Phù mạch bạch huyết
Bệnh nhân hội chứng thận hư có thể bị phù

Hội chứng thận hư có thể là nguyên phát hay thứ phát sau các bệnh toàn thân. Một số bệnh thận kèm với hội chứng thận hư là:

    • Tổn thương cầu thận tối thiểu (minimal change disease)
    • Xơ hóa cầu thận khư trú từng ổ ( focal segmental glomerulosclerosis )
    • Bệnh cầu thận màng ( membranous nephropathy)
    • Bệnh thận do tiểu đường
    • Bệnh thận do lắng đọng amyloid ( trước đây gọi là bệnh bột thận )

3. Chẩn đoán bệnh cầu thận

Các bệnh cầu thận được chẩn đoán dựa trên các xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh hệ tiết niệu. Tuy nhiên nhiều trường hợp chẩn đoán xác định bệnh cầu thận phải dựa vào sinh thiết thận làm xét nghiệm mô bệnh học.

  • Xét nghiệm nước tiểu

Dùng que thử phát hiện protein và hồng cầu trong nước tiểu, định lượng protein để biết được mức độ nhiều ít, soi cặn để thấy hình thái hồng cầu niệu không đều và hình ảnh trụ hồng cầu.

  • Xét nghiệm máu

Định lượng ure và creatinin để biết chức năng thận ( nồng độ các chất này tăng khi có suy thận).

  • Xét nghiệm các yếu tố miễn dịch

(Kháng thể kháng nhân, bổ thể, kháng thể kháng màng đáy cầu thận, ANCA ....), xét nghiệm đường huyết, ASLO, điện di protein trong huyết thanh cũng như trong nước tiểu .... giúp ích nhiều trong việc xác định các bệnh lý toàn thể gây tổn thương cầu thận thứ phát.

  • Siêu âm thận

Siêu âm thận có thể giúp chẩn đoán phân biệt các trường hợp có hồng cầu trong nước tiểu không phải do nguyên nhân cầu thận hay phân biệt các nguyên nhân gây suy thận do tắc nghẽn đường dẫn niệu với suy thận do bệnh lý cầu thận.

Ngoài ra khi xem xét hình thái và kích thước thận còn giúp xác định tiến triển của bệnh là cấp tính hay mạn tính.

siêu âm thận
Siêu âm thận là một phương pháp chẩn đoán bệnh cầu thận

  • Sinh thiết thận làm xét nghiệm mô bệnh học

Có giá trị chẩn đoán xác định căn nguyên, thể loại cũng như giai đoạn tiến triển của bệnh. Bên cạnh giá trị chẩn đoán xét nghiệm mô bệnh học còn định hướng điều trị.

4. Diễn biến của bệnh cầu thận

Bệnh lý cầu thận có thể diễn biến theo một trong những cách sau:

  • Bệnh thoái triển hoàn toàn hoặc tồn tại rất ít protein / hồng cầu trong nước tiểu: Phần lớn các trường hợp viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu ( đặc biệt là trẻ em ) và khoảng 1/3 các trường hợp bệnh thận IgA.
  • Bệnh tiến triển mạn tính gây tổn thương xơ hóa làm mất dần các nephron tạo nên bệnh thận mạn với kết cục cuối cùng là suy thận mạn giai đoạn cuối phải điều trị thay thế thận. Tốc độ tiến triển phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, quá trình điều trị bệnh. Nhiều trường hợp bệnh tiến triển chậm khoảng 20-25 năm trước khi đến suy thận giai đoạn cuối.
  • Bệnh tiến triển nhanh: Bệnh có đặc điểm suy thận rất nhanh, thận có thể bị phá hủy hoàn toàn trong vòng vài tuần đến vài tháng nếu không có can thiệp điều trị. Hình ảnh mô bệnh học với đặc trưng lan tỏa tổn thương hình liềm (do tăng sinh tế bào và thâm nhiễm tế bào viêm) dẫn đến hoại tử và phá hủy cầu thận. Vì vậy vai trò của sinh thiết thận làm chẩn đoán mô bệnh học là hết sức quan trọng.
Cần thận trọng khi dùng thuốc đối quang đối với bệnh nhân mắc suy thận nặng
Bệnh cầu thận có thể tiến triển thành suy thận

5. Điều trị bệnh cầu thận

Phác đồ điều trị phụ thuộc vào căn nguyên gây bệnh lý cầu thận

  • Điều trị đặc hiệu: Với các bệnh lý cầu thận mà cơ chế gây bệnh là cơ chế miễn dịch sẽ sử dụng các thuốc corticoid hoặc thuốc ức chế miễn dịch. Các trường hợp viêm cầu thận tiến triển nhanh đôi khi cần phải lọc huyết tương để loại bỏ các yếu tố miễn dịch.
  • Điều trị bệnh nền: Kiểm soát đường huyết với bệnh cầu thận do tiểu đường. Điều trị kháng sinh với những trường hợp viêm cầu thận sau nhiễm khuẩn. Điều trị thuốc chống ung thư hoặc ghép tủy với bệnh đa u tủy xương hoặc amyloid nguyên phát.
  • Điều trị tăng huyết áp: Kiểm soát huyết áp ( < 130/80 mmHg) bằng các thuốc hạ huyết áp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với tất cả các loại bệnh cầu thận. Kiểm soát tốt huyết áp sẽ làm giảm tổn thương cho cầu thận cũng như làm chậm tiến triển của bệnh thận mạn.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.

Nếu nhận thấy các vấn đề bất thường về sức khỏe bạn nên thăm khám và tư vấn với các bác sĩ chuyên khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan