Bệnh lao màng phổi có lây không?

Lao màng phổi là một trong những bệnh lý lao ngoài phổi chiếm tỷ lệ cao. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt gặp nhiều hơn ở người trẻ tuổi. Rất nhiều người cảm thấy lo lắng về nguy cơ lây nhiễm cho người nhà khi bản thân mắc bệnh lao màng phổi. Vậy hãy cùng tìm hiểu thông tin bệnh lao màng phổi có lây không thông qua bài viết dưới đây.

1. Bệnh lao màng phổi là gì?

Ngoài phổi thì vi khuẩn lao có thể gây bệnh cho nhiều cơ quan khác nhau như hạch bạch huyết, màng phổi, tiêu hoá, sinh dục, xương khớp...đây được gọi là lao ngoài phổi. Sau khi vi khuẩn lao vào cơ thể, nó tìm nơi cư trú rồi sinh sôi và phát triển, rồi gây ra bệnh tại phổi hoặc ngoài phổi. Lao ngoài phổi thường do vi khuẩn lao theo đường máu hay bạch huyết tới và gây bệnh cho các cơ quan khác nhau trên cơ thể.

Lao màng phổi là một trong những loại lao ngoài phổi, đứng thứ 2 trong số bệnh lao ngoài phổi sau lao hạch bạch huyết. Đường lây truyền bệnh lao màng phổi có thể do vi khuẩn xâm nhập theo đường máu hoặc do lao phổi tấn công nhu mô phổi, rồi lan tràn tới màng phổi.

Bệnh lao màng phổi thường xuất hiện ở người trẻ hơn, nó là nguyên nhân chính gây ra tình trạng tràn dịch màng phổi.

2. Nguyên nhân gây bệnh lao màng phổi

Bệnh gây ra do tác nhân vi sinh, hay gặp nhất là vi khuẩn lao người, ngoài ra vi khuẩn lao bò và vi khuẩn lao không điển hình có thể gây ra bệnh nhưng ít gặp. Nó có thể lây truyền từ người sang người khi người lành tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh lao phổi.

Những yếu tố nguy cơ khiến người bệnh bị bệnh lao hơn bao gồm:

  • Những người chưa được tiêm phòng vắc-xin lao phổi từ nhỏ.
  • Những người bị lao phổi phát hiện muộn và điều trị không đúng cách.
  • Người bị chấn thương lồng ngực, dễ khiến vi khuẩn lan tràn sang màng phổi.
  • Những người bị nhiễm lạnh đột ngột, khiến cho cơ thể dễ mắc bệnh hơn.
  • Người mắc một số bệnh gây suy giảm hệ miễn dịch như HIV/AIDS hoặc người có hệ miễn dịch kém như phụ nữ mang thai, sau sinh, người già...

3. Triệu chứng của bệnh lao màng phổi

Bệnh lao màng phổi thông thường sẽ phát triển thông qua 2 giai đoạn là khởi phát và toàn phát:

3.1. Giai đoạn khởi phát

  • Thông thường hơn nửa số người mắc bệnh sẽ bị sốt cao từ 39 đến 40 độ C, kèm theo triệu chứng đau tức ngực đột ngột, đau ngực dần trở nên nặng hơn, hay cảm thấy khó thở, ho khan...
  • Một phần ít hơn người bệnh sẽ có triệu chứng như sốt nhẹ về chiều, kèm theo tình trạng đau tức ngực và khó thở tăng dần theo thời gian
  • Không chỉ vậy, có ít người bệnh còn lại sẽ không có biểu hiện rõ rệt và rất khó phát hiện. Chỉ cảm thấy đau tức ngực nhẹ, ho khan...

3.2. Giai đoạn toàn phát

Trong giai đoạn này, người bệnh sẽ có biểu hiện như mệt mỏi, người xanh xao, thiếu sức sống, giảm cân đột ngột không rõ nguyên nhân, sốt cao từ 39 đến 40 độ C, hạ huyết áp, mạch nhanh, buồn nôn và nôn. Khi thay đổi tư thế thường bị ho khan thành từng cơn, đau tức ngực nhưng không có biểu hiện rõ như giai đoạn khởi phát.

lao màng phổi
Lao màng phổi là một trong những bệnh lý lao ngoài phổi chiếm tỷ lệ cao

4. Lao màng phổi có lây không?

Đây là một vấn đề rất nhiều người quan tâm, bởi sợ nguy cơ lây nhiễm cho những người trong gia đình mình. Người mắc bệnh lao màng phổi nếu không kết hợp với lao phổi thì có thể yên tâm vì không thể lây nhiễm. Theo kết quả nghiên cứu đã khẳng định, lao màng phổi là một dạng lao ngoài phổi và nó hoàn toàn không có khả lây truyền qua đường hô hấp giống như bệnh lao phổi. Vì thế nếu người bệnh được chẩn đoán mắc lao màng phổi đơn thuần thì bạn không cần lo lắng nguy cơ lây nhiễm cho người xung quanh.

Tuy nhiên, cần lưu ý những trường hợp lao màng phổi mà kết hợp với bệnh lao phổi thì có nguy cơ lây qua đường hô hấp. Nguy cơ này do bệnh lao phổi có thể lây truyền. Ngoài ra, những người mắc bệnh phối hợp như vậy thì nguy cơ nặng tăng cao hơn nhiều, do đó cần có biện pháp điều trị và phòng lây nhiễm tốt, giảm nguy cơ những biến chứng nguy hiểm.

5. Bệnh lao màng phổi có nguy hiểm không?

Bệnh lao màng phổi nếu được phát hiện sớm thì thường có thể được điều trị hiệu quả bằng phác đồ kháng lao, bệnh diễn biến tốt và khỏi sau vài tuần. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể gây ra một số biến chứng như viêm màng phổi, tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi, dày dính màng phổi, do màng phổi thành ngực, lao đa màng và ổ cặn màng phổi nhất là với những trường hợp điều trị muộn, kết hợp những yếu tố như suy giảm sức đề kháng.

Vậy nên, nếu có các biểu hiện như ho, tức ngực, sốt về chiều... bạn cần chú ý để được thăm khám, phát hiện bệnh kịp thời và có biện pháp điều trị bệnh phù hợp sớm nhất.

6. Cách điều trị bệnh lao màng phổi

Các biện pháp điều trị lao màng phổi bao gồm:

  • Dùng thuốc theo phác đồ kháng lao: Đây là một biện quan trọng nhất, cần dùng sớm. Khi dùng thuốc phải theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và uống thuốc điều trị đến hết liệu trình.
  • Hút dịch màng phổi: Phải chọc hút dịch màng phổi ra sớm và hút triệt để hoàn toàn. Để hạn chế các tai biến khi hút dịch như sốc, tràn khí, bội nhiễm, chảy máu... cần tuân thủ theo nguyên tắc hút dẫn lưu dịch màng phổi kín, cần vô trùng và không hút quá nhiều, quá nhanh.
  • Chống dày dính màng phổi: Dùng thuốc đường toàn thân, nên dùng corticoid ngay từ đầu để chống viêm, giảm nguy cơ bị dày dính màng phổi.
  • Phẫu thuật: Khi có biến chứng như ổ cặn màng phổi, dày dính màng phổi, dò màng phổi thành ngực...thì cần điều trị kết hợp với phương pháp ngoại khoa.
  • Tập thở: Đây là biện pháp giúp phục hồi phổi và giúp hết dịch sớm hơn.
lao màng phổi
Các biện pháp điều trị lao màng phổi bao gồm dùng thuốc theo phác đồ kháng lao

7. Lao màng phổi có tái phát không?

Bệnh lao màng phổi có thể bị tái phát nếu như bạn điều trị không đúng phác đồ, không tuân thủ điều trị, ngừng điều trị khi chưa hết phác đồ điều trị. Bên cạnh đó, sau khi điều trị người bệnh vẫn có thể bị lây nhiễm lại vi khuẩn lao và gây ra lao phổi hay lao ngoài phổi như lao màng phổi.

Vì thê, để đề phòng tái phát bạn cần tuân thủ việc điều trị và có các biện pháp phòng bệnh chủ động.

8. Cách phòng bệnh lao màng phổi

Phòng bệnh là biện pháp giúp bạn hạn chế nguy cơ mắc bệnh và hạn chế tình trạng tái phát bệnh. Một số biện pháp phòng bệnh bao gồm:

  • Hạn chế tiếp xúc hoặc có biện pháp bảo hộ cơ thể khi ở tiếp xúc với các bệnh nhân bị lao phổi. Đặc biệt là những người có nguy cơ lây nhiễm là nhân viên y tế và người nhà khi chăm sóc bệnh nhân mắc lao phổi nặng.
  • Thường xuyên đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn sau khi tiếp xúc nguồn lây bệnh, trước khi ăn.
  • Một số thói quen bình thường cho tay lên ngoáy mũi đôi khi gián tiếp đưa vi khuẩn đi vào cơ thể theo đường hô hấp, nên tránh những thói quen không tốt này.
  • Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể là điều quan trọng để hỗ trợ hệ miễn dịch chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn. Nâng cao thể trạng bằng cách xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp và đầy đủ dưỡng chất, kết hợp chế độ luyện tập thân thể đều đặn sẽ giúp bạn có một cơ thể khỏe mạnh dẻo dai để chống lại các tác nhân gây bệnh. Ngoài ra, nên cân bằng giữa việc nghỉ ngơi và làm việc hợp lý tránh căng thẳng.
  • Đối với trẻ sơ sinh: Nên chủ động tiêm phòng vắc xin phòng lao sớm cho trẻ.

Như vậy, bệnh lao màng phổi đơn thuần không thể lây nhiễm cho những người tiếp xúc với bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu kết hợp với lao phổi thì cần chú ý nó có thể gây lây vi khuẩn lao qua đường hô hấp cho người lành. Khi mắc bệnh lao màng phổi hay có những dấu hiệu nghi ngờ bạn nên khám sớm, để được điều trị sớm, hạn chế biến chứng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan