Bệnh não xốp là bệnh gì?

Bệnh não xốp ở bò hay còn gọi là bệnh bò điên (tên tiếng anh là bovine spongiform encephalopathy, viết tắt BSE). Bệnh có nguồn gốc từ nước Anh vào những năm 1980, kéo dài sang những năm 1990 với hơn 100.000 con bị bệnh. Bệnh gây nguy hiểm cho con người, có nguy cơ tử vong cao và không thể điều trị được.

1. Khái niệm bệnh não xốp

Bệnh não xốp ở bò là một tình trạng nghiêm trọng mà não và tủy sống (hệ thống thần kinh trung ương) ở bò bị phá hủy dần dần. Làm cho chúng có những biểu hiện, hành vi bất thường, khó khăn trong di chuyển và giảm thể trọng. Bệnh não xốp hay bệnh bò điên có khả năng lan truyền sang người, gây nên rối loạn thoái hóa các tế bào thần kinh ở não dẫn đến giảm sút trí nhớ và tử vong.

2. Nguyên nhân gây bệnh não xốp

Nguyên nhân của bệnh này được cho là nhiễm một loại protein độc, được gọi là prion nên bệnh này còn có tên khác là bệnh prion. Các bệnh Prion gây ra do cấu trúc xoắn không chính xác của một protein não trên bề mặt tế bào bình thường được gọi là prion protein tế bào (PrPC). Khi vào cơ thể, các protein độc này tác động đến các protein bình thường khác, làm cho chúng trở thành các prion mới. Cứ như vậy chúng sẽ phát triển trong cơ thể ngày một nhiều hơn. Từ đó, gây biến đổi các phản ứng sinh học trong cơ thể.

bệnh não xốp
Bệnh não xốp do một loại protein độc gây ra

3. Biểu hiện của bệnh não xốp

Biểu hiện của người mắc bệnh não xốp thường điển hình, tiến triển nhanh, tinh thần sa sút và chỉ xảy ra trong vài tháng. Các dấu hiệu thường hay thấy nhất phải kể đến như:

  • Thay đổi tính cách (bệnh nhân thường hay cáu gắt, nóng giận...)
  • Lo âu
  • Hay buồn bã, chán nản
  • Trí nhớ giảm sút thậm chí là mất trí nhớ ( khả năng ghi nhớ kém, hay quên, vừa nói đã quên)
  • Tinh thần lú lẫn
  • Thị lực giảm hoặc mù
  • Rối loạn giấc ngủ (mất ngủ, ngủ hay trằn trọc)
  • Khó nói
  • Khó nuốt
  • Vận động khó khăn (dáng đi khó khăn, giật tay giật chân).

Bệnh não xốp tiến triển rất nhanh, triệu chứng ngày càng nặng, đa số người bệnh thường hôn mê. Những người mắc bệnh não xốp nặng còn dẫn đến suy tim, suy hô hấp, viêm phổi, thậm chí là nhiễm trùng sau đó tử vong. Tử vong thường được ghi nhận sau một năm kể từ khi có các biểu hiện của bệnh.

4. Bệnh não xốp lây truyền như thế nào ?

Mặc dù là một căn bệnh nguy hiểm nhưng bệnh não xốp lại rất khó lây truyền. Bệnh không lây truyền qua ho, hắt hơi, tiếp xúc trực tiếp hay quan hệ tình dục. Theo đó, bệnh não xốp lây truyền qua ba con đường sau:

4.1. Lây truyền ngẫu nhiên

Đây là dạng phổ biến nhất, phần lớn các ca mắc bệnh prion không xác định được nguồn lây nhiễm từ đâu, cách lây nhiễm như thế nào. Vì vậy, còn được gọi là bệnh prion tản phát.

4.2. Bệnh não xốp có tính chất di truyền

5- 15% trường hợp mắc bệnh là do di truyền trong gia đình. Các đột biến gen gây bệnh prion di truyền qua gen trội NST thường số 20. Nếu như có bố hoặc mẹ mắc bệnh não xốp thì khả năng cao là con sinh ra cũng sẽ mắc phải. Nên đây còn gọi là bệnh bò điên gia đình.

Bệnh di truyền
Bệnh não xốp có tính chất di truyền

4.3. Do truyền nhiễm

Đây là dạng hiếm gặp nhất và có thể lây truyền được như sau:

  • Từ người này sang người khác: do các thủ thuật y tế chưa đảm bảo trong việc cấy ghép nội tạng và mô, chẳng hạn như ghép giác mạc hoặc cấy ghép da. Do sử dụng các dụng cụ phẫu thuật bị nhiễm prion bất thường vì phương pháp khử trùng tiêu chuẩn không tiêu diệt được chúng. Hoặc hiếm gặp hơn là trong việc truyền máu.
  • Từ động vật sang người: Qua việc ăn thịt bò bị nhiễm bệnh bò điên (trong vCJD). Nhưng theo nghiên cứu, sữa và các sản phẩm từ sữa bò không có nguy cơ truyền bệnh bò điên cho con người, kể cả những con bò mắc bệnh.

5. Những người có nguy cơ cao bị mắc bệnh não xốp

Trên thế giới, người ta ước tính rằng có một người mắc bệnh bò điên mỗi năm trong một triệu người. Những đối tượng có nguy cơ cao hay gặp phải đều có liên quan tới:

  • Di truyền học: trong gia đình nếu có người thân như bố mẹ, ông bà mắc phải thì thế hệ sau cũng sẽ mắc bệnh.
  • Tiếp xúc với mô bị nhiễm độc: Những người đã nhận được hormone tăng trưởng có nguồn gốc từ tuyến yên của người hoặc những người đã được cấy ghép mô bao bọc não có nguy cơ mắc bệnh này do điều trị.
  • Yếu tố tuổi tác: bệnh hay gặp ở những người cao tuổi, thường là khoảng 60 tuổi. Đối với bệnh bò điên lây truyền từ gia đình sẽ có biểu hiện sớm hơn, hay gặp ở những người trẻ tuổi thường ở cuối độ tuổi 20.

Nguy cơ mắc bệnh não xốp rất khó xác định sau khi ăn thịt bò bị nhiễm bệnh. Các quốc gia trên toàn thế giới có biện pháp y tế trong cộng đồng được thực hiện hiệu quả thì tỉ lệ mắc bệnh gần như là không có.

Người cao tuổi
Người cao tuổi là đối tượng dễ có nguy cơ mắc bệnh não xốp

6. Các biện pháp phòng ngừa bệnh não xốp

Bệnh não xốp lây truyền có thể từ nhiều nguồn gốc khác nhau mà không thể xác định được. Vậy để phòng bệnh hiệu quả thì có thể dựa vào một số phương pháp sau:

  • Kiểm soát, quản lý gia súc mắc bệnh. Thay đổi cách chăn nuôi, tiêu hủy bò bò bị bệnh.
  • Hạn chế việc nhập khẩu gia súc từ những quốc gia, khu vực nơi mà có bệnh bò điên phổ biến.
  • Thức ăn chăn nuôi gia súc cần được quản lý nghiêm ngặt.
  • Theo dõi và giám sát sức khỏe gia súc
  • Hạn chế sử dụng các sản phẩm từ bò mắc bệnh, đặc biệt các bộ phận chứa nhiều prion như não, tủy sống, ruột bò
  • Thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện tốt
  • Giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm từ người sang người thông qua tiêm truyền, ghép tạng bằng việc kiểm tra kĩ người hiến tặng
  • Các dụng cụ phẫu thuật chỉ nên sử dụng một lần cho một người bị bệnh.

7. Các phương pháp chẩn đoán bệnh não xốp

Sinh thiết não hoặc kiểm tra mô não sau khi chết (khám nghiệm tử thi) là phương pháp duy nhất để chẩn đoán bệnh não xốp. Nhưng các bác sĩ cũng có thể chẩn đoán chính xác dựa trên tiền sử của bệnh, kiểm tra thần kinh và làm các xét nghiệm để chẩn đoán.

Ngoài ra, dựa vào các biểu hiện lâm sàng của bệnh,các bác sĩ sẽ sử dụng các phương pháp xét nghiệm sau để phát hiện bệnh bò điên:

  • Điện não đồ (EEG): đặt điện cực lên da đầu người bệnh rồi đo hoạt động điện của não. Nếu người bệnh mắc bệnh bò điên sẽ cho ra một hình ảnh sóng não bất thường và đặc trưng.
  • MRI hay chụp cộng hưởng từ là kỹ thuật chụp ảnh nhờ sử dụng từ trường và sóng radio để tạo ra hình ảnh cắt ngang của đầu và cơ thể người bệnh. Phương pháp này rất hữu ích trong chẩn đoán các rối loạn não vì hình ảnh của chất trắng và chất xám của não rất rõ ràng giúp cho các bác sĩ quan sát dễ dàng hơn;
  • Chọc chất lỏng cột sống: Trong phương pháp xét nghiệm này, bác sĩ sẽ dùng một cây kim để chọc hút một lượng nhỏ dịch tủy não và kiểm tra. Nếu như phát hiện có một loại protein đặc biệt trong dịch tủy não thì đây chính là dấu hiệu cho thấy bệnh nhân có thể đã mắc bệnh bò điên.
Chụp MRI
Chụp MRI cho phép chẩn đoán bệnh não xốp

8. Biện pháp điều trị bệnh não xốp

Hiện nay, bệnh não xốp vẫn chưa có cách điều trị. Vì thế, các bác sĩ thường sử dụng phương pháp giảm đau và làm giảm các các triệu chứng để giúp cho người bệnh bớt khó chịu và cảm thấy thoải mái hơn.

Mặc dù là một căn bệnh hiếm gặp và không phổ biến nhưng bệnh bò điên lại mang tính chất rất nghiêm trọng và không thể chữa khỏi. Những người mắc bệnh não xốp thường tiến triển nhanh và có các biểu hiện có thể giống với bệnh alzheimer. Vì thế, người bệnh thường chủ quan khiến bệnh ngày một nặng hơn và cuối cùng là dẫn tới tử vong. Bệnh bò điên rất nguy hiểm nên cần phải thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa để tránh lây truyền từ đó giảm thiểu được tỉ lệ mắc bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan