Bệnh phù gai thị giác: Chẩn đoán và điều trị

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Thanh Nga - Bác sĩ Mắt - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Phù gai thị là một dấu hiệu do nhiều nguyên nhân bệnh gây ra, từ dấu hiệu này có thể phát hiện được các khối u não không gây biểu hiện rõ ràng. Ngoài việc điều trị bệnh phù gai thị tại chỗ, cần xác định được nguyên nhân gây bệnh phù gai thị giác từ đó có phương pháp điều trị phù hợp.

1. Phù gai thị là gì?

Gai thị hay đĩa thị là nơi mà thần kinh thị giác đi vào nhãn cầu. Khi soi đáy mắt thấy gai thị bình thường có hình tròn hoặc hình oval đứng, đường kính dọc trung bình khoảng 1,85-1,95mm, đường kính ngang trung bình 1,7-1,8 mm. Ở trung tâm phía sau võng mạc, cách gai thị về phía thái dương có một lỗ nhỏ tập trung nhiều tế bào chóp cỡ nhỏ là vùng cho thị lực tốt nhất gọi là hoàng điểm (điểm vàng).

Phù gai thị là tình trạng phần rìa của đĩa thị giác bị sưng phù và mờ. Hiện tượng phù nề đĩa thị là kết quả của sự tắc nghẽn dòng chảy ở sợi trục của các neuron thần kinh thị, dẫn đến phù sợi trục của đĩa thị.

Các nguyên nhân gây phù gai thị có thể từ nhãn cầu, nội sọ, từ hốc mắt và nguyên nhân toàn thân như:

● Nguyên nhân từ nhãn cầu: Hạ nhãn áp nhiều đột ngột do chấn thương xuyên thủng nhãn cầu; tăng nhãn áp trong bệnh glaucoma (không chính xác),...

● Nguyên nhân hốc mắt: Những nguyên nhân gây đè ép nhiều lên dây thần kinh thị trong đoạn hốc mắt có thể dẫn đến ứ phù gai thị như khối u hốc mắt: u sarcoma,...; áp xe hốc mắt; lồi mắt trong bệnh basedow...

● Nguyên nhân nội sọ: do u nội sọ nguyên phát và di căn; hẹp cống sylvius; tụ máu dưới màng cứng và ngoài màng cứng; xuất huyết màng dưới nhện; dị dạng động – tĩnh mạch não; apxe não; viêm não,...

● Nguyên nhân toàn thân như bệnh tăng huyết áp, bệnh bạch cầu, nhiễm độc thai nghén,...

Điều trị tăng huyết áp
Người mắc bệnh lý tăng huyết áp có thể là nguyên nhân gây phù gai thị

Phù gai thị nếu không điều trị sẽ chuyển sang tình trạng mạn tính và gây teo gai thị, ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị lực, thậm chí mù lòa.

2. Chẩn đoán bệnh phù gai thị

Để chẩn đoán bệnh phù gai thị cần phải dựa vào triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng. Các triệu chứng lâm sàng giúp định hướng chẩn đoán và các biện pháp cận lâm sàng giúp đưa ra chẩn đoán chính xác, giúp xác định nguyên nhân gây bệnh.

Các triệu chứng bệnh phù gai thị:

● Có tiền sử phù gai thị thoáng qua với các biểu hiện như: Mất thị lực cả 2 mắt tạm thời trong vài giây, nhức đầu, nhìn đôi, buồn nôn, nôn, ít khi gây giảm thị lực.

● Nếu phù gai thị mạn tính thì có dấu hiệu giảm thị trường và thị lực ở trung tâm nghiêm trọng.

● Khám mắt thấy:

Sưng phù và xung huyết gai thị, bờ gai thị mờ và che lấp các mạch máu.

Dấu hiệu khác: Xuất huyết võng mạc, tĩnh mạch giãn ngoằn ngoèo, chấm trắng bông, điểm mù sinh lý rộng ra.

Nếu phù gai thị mạn tính sẽ thấy teo gai thị, xuất huyết và chấm trắng bông mất đi.

  • Ngoài ra có một số triệu chứng khác tùy theo nguyên nhân gây bệnh.

Các dấu hiệu cận lâm sàng: Chủ yếu giúp xác định nguyên nhân gây phù gai thị.

Chụp CT hay chụp MRI não: Được chỉ định trong các trường hợp nghi ngờ có khối u sọ não hay khối u ở hốc mắt, tụ máu ở não, các dị dạng động tĩnh mạch não...

● Nếu không do các nguyên nhân từ sọ não cần làm các xét nghiệm tìm các nguyên nhân khác như chọc dịch não tủy để phát hiện nhiễm khuẩn.

● Chẩn đoán do nguyên nhân các bệnh toàn thân: Công thức máu, sinh hóa máu,...

Lấy máu xét nghiệm
Xét nghiệm máu giúp bác sĩ xác định nguyên nhân gây phù gai thị

3. Phương pháp điều trị phù gai thị

Nguyên tắc điều trị phù gai thị: Giải quyết rối loạn tuần hoàn, dinh dưỡng tại dây thần kinh thị giác, chống viêm và kháng sinh nếu có nhiễm khuẩn. Ngoài ra để điều trị triệt để cần chẩn đoán được nguyên nhân gây phù gai thị từ đó tùy thuộc vào từng trường hợp mà có biện pháp điều trị phù hợp.

● Dinh dưỡng cho dây thần kinh: bổ sung các loại vitamin nhóm B như vitamin B1, B6, B12.

● Các loại thuốc giãn mạch, tăng cường tuần hoàn.

● Chống viêm: dùng thuốc chống viêm steroid. Corticoid được chỉ định trong trường hợp này vời liều cao đường uống hoặc tiêm. Thường kết hợp cả 2 đường uống và đường tiêm.

Điều trị nguyên nhân gây phù gai thị

  • Kiểm soát huyết áp nếu nguyên nhân gây bệnh do tăng huyết áp.
  • Do khối u chèn ép: Phẫu thuật nếu được, kết hợp hóa trị, xạ trị. Những bệnh nhân có tiền sử bệnh bạch cầu cần được xạ trị ngay để bảo vệ thị lực.
  • Kháng sinh: Khi nguyên nhân gây bệnh do nhiễm khuẩn, cần chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh để chống nhiễm khuẩn. Tùy vào tác nhân gây nhiễm khuẩn mà sử dụng loại kháng sinh phù hợp, thường sử dụng kháng theo kết quả kháng sinh đồ.

Việc điều trị phù gai thị khá phức tạp bởi khi tìm hiểu chính xác được nguyên nhân gây bệnh thì kết quả chữa trị mới ổn định. Vì thế, khi có những triệu chứng nghi ngờ bị phù gai thị cần đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị tránh ảnh hưởng tới thị lực và nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng do nguyên nhân gây phù gai thị gây ra.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan