Bị khàn tiếng nhưng không đau họng, có đáng lo?

Khàn tiếng là một tình trạng phổ biến ở cả người lớn và trẻ em. Nhiều bệnh nhân bị khàn tiếng kèm đau họng, một số khác lại không có dấu hiệu đau hay ngứa rát cổ họng. Vậy bị khàn tiếng nhưng không đau họng có nguy hiểm không?

1. Khàn tiếng là gì?

Khàn tiếng là tình trạng thay đổi giọng nói, giọng trở nên khàn, thô ráp, thều thào và âm thanh phát ra không được mượt mà, trong trẻo. Khàn tiếng là một tình trạng rất phổ biến, ước tính khoảng 1/3 dân số thế giới bị khàn tiếng ít nhất một lần trong đời. Khàn tiếng có thể xảy ra ở cả người lớn lẫn trẻ em. Tuy nhiên, những người phải sử dụng giọng nói với tần suất liên tục hoặc âm lượng lớn như giáo viên, ca sĩ, huấn luyện viên... thì nguy cơ bị khàn tiếng sẽ cao hơn. Tình trạng này có thể tự hết trong vòng vài ngày, nhưng nếu khàn tiếng kéo dài trên hai tuần không rõ nguyên nhân thì bệnh nhân nên đến bệnh viện thăm khám để phòng ngừa các nguy cơ tổn thương dây thanh hoặc ung thư thanh quản.

2. Nguyên nhân gây khàn tiếng

Khàn tiếng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

  • Tuổi tác: Khi về già, dây thanh quản thoái hoá và giảm đàn hồi, giảm rung động khiến giọng nói của bệnh nhân trở nên khàn hơn.
  • Cảm lạnh hay nhiễm các bệnh lý khác ở đường hô hấp như viêm thanh quản, viêm họng, viêm amidan là những nguyên nhân gây khàn tiếng phổ biến nhất.
  • Lạm dụng giọng nói: Bệnh nhân có thể khàn tiếng do sử dụng giọng nói quá nhiều, quá to hoặc không đúng cách trong một thời gian dài.
  • Uống nhiều thức uống có cồn
  • Ho quá nhiều
  • Trào ngược dạ dày thực quản: Khi axit trong dạ dày đi lên cổ họng nhiều quá mức sẽ gây tổn thương vùng thanh quản và khiến giọng nói bị khàn.
  • Các u nang và polyp trên các dây thanh quản cũng sẽ làm giọng của bệnh nhân trở nên khàn hơn.
  • Liệt dây thanh cũng là một nguyên nhân dẫn đến khàn giọng. Nguyên nhân của liệt dây thanh có thể là chấn thương, ung thư tuyến giáp và vùng trung thất, nhiễm trùng, đột quỵ, đa xơ cứng và bệnh Parkinson.
  • Ung thư thanh quản
  • Bệnh lý tuyến giáp
  • Chấn thương họng thanh quản.
  • Phình động mạch chủ ngực: Là tình trạng một phần của động mạch chủ (mạch máu lớn nhất ra khỏi tim) bị phình to.
  • Suy yếu thần kinh hoặc cơ làm suy yếu chức năng của thanh quản.
  • Bệnh u nhú đường hô hấp tái phát: Căn bệnh này gây ra các khối u không phải ung thư trên đường dẫn khí và dẫn tới tình trạng khàn tiếng
  • Chứng khó thở hoặc rối loạn giọng do căng cơ: Căng cơ quá mức trong và xung quanh thanh quản sẽ cản trở dây thanh hoạt động khép mở hiệu quả và dẫn tới triệu chứng khàn tiếng.

3. Bị khàn tiếng nhưng không đau họng có đáng lo không?

Nhiều bệnh nhân bị khàn tiếng kèm theo đau họng, nhưng một số khác lại không có triệu chứng đau họng. Vậy khàn tiếng nhưng không đau họng có nguy hiểm không? Thực tế, khàn tiếng thường xảy ra do các nguyên nhân phổ biến như viêm thanh quản, viêm họng, viêm amidan,...Khi mắc các bệnh lý này bệnh nhân cũng thường có triệu chứng đau họng. Thông thường, khàn tiếng sẽ chỉ xuất hiện trong một khoảng thời gian ngắn. Nhưng khàn tiếng kéo dài (đặc biệt là trên 2-3 tuần) có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm như ung thư thanh quản. Một số bệnh nhân khàn tiếng do ung thư thanh quản có thể không bị đau họng trong thời gian đầu. Nhưng theo thời gian, mức độ khàn ngày càng nghiêm trọng, kéo theo các dấu hiệu như khó nuốt, khó thở, đau họng, ho ra máu, thậm chí là mất tiếng hoàn toàn. Chỉ sau một thời gian ngắn bệnh sẽ tiến triển và di căn tới các cơ quan khác như phổi. Nếu như không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời, bệnh sẽ gây nguy hiểm tới tính mạng. Tỷ lệ sống sau 5 năm của người được điều trị sớm lên tới 70%. Tuy nhiên khi bệnh đã ở giai đoạn di căn, tỷ lệ này chỉ còn dưới 10%. Không chỉ có ung thư thanh quản, các bệnh lý như u vòm họng, u tuyến giáp,... cũng có chung biểu hiện khàn giọng, mệt mỏi, ho,... Các dấu hiệu này khá mờ nhạt và khó phát hiện, khiến người bệnh chủ quan. Khi bệnh đã tiến triển tới giai đoạn nặng thì việc chữa trị đã khó khăn hơn rất nhiều. Do vậy, dù có triệu chứng đau họng hay không, bệnh nhân nên tới các cơ sở y tế thăm khám nếu khàn giọng dai dẳng không dứt.

4. Cách chữa khàn tiếng mất giọng

Phương pháp điều trị khàn tiếng sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Sau đây là một số cách điều trị khàn tiếng thường được áp dụng:

  • Để giọng nói được “nghỉ ngơi” vài ngày, tránh nói to, nói quá nhiều.
  • Uống nhiều nước, đặc biệt là nước ấm. Nước có thể làm giảm triệu chứng và làm ẩm cổ họng.
  • Tránh thức uống chứa caffeine và rượu, bia. Những thức uống này có thể làm cổ họng khô và làm khàn tiếng trở nên nặng hơn.
  • Ngừng hút thuốc lá, vì khói thuốc cũng làm khô và kích thích cổ họng.
  • Bệnh nhân cũng nên tắm nước ấm vì hơi nước ấm sẽ giúp đường thở thông thoáng, mở rộng hơn và cung cấp độ ẩm cho cổ họng.
  • Làm ẩm cổ họng bằng cách ngậm các viên kẹo giúp thanh cổ họng hoặc nhai kẹo cao su. Điều này sẽ giúp kích thích tiết nước bọt và giúp làm dịu cổ họng.
  • Loại bỏ các tác nhân gây dị ứng khỏi môi trường sống
  • Làm ẩm không khí trong nhà bằng máy tạo độ ẩm cũng có thể giúp bệnh nhân dễ chịu hơn
  • Nên uống các đồ ấm như trà gừng ấm, trà mật ong hoa cúc, chanh đào mật ong... để làm dịu cổ họng và giảm triệu chứng khàn tiếng.
  • Bệnh nhân không nên sử dụng các thuốc làm thông mũi, vì những thuốc này có thể kích thích và làm khô cổ họng.
  • Bệnh nhân khàn tiếng do ung thư sẽ được chỉ định các phương pháp điều trị ung thư như xạ trị, hóa trị, phẫu thuật hoặc các phương pháp nhắm đích... tùy thuộc vào giai đoạn ung thư.
  • Một số bệnh nhân có thể cần phẫu thuật để lấy lại giọng nói trong trẻo ban đầu. Phẫu thuật sẽ được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng ở bệnh viện.

5. Bị khàn tiếng uống thuốc gì?

Nếu bệnh nhân bị khàn giọng do cúm, ho, sốt, trào ngược dạ dày, dị ứng..., bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc chuyên điều trị cảm cúm, điều trị ho, thuốc chống trào ngược dạ dày, thuốc dị ứng....Đối với khàn tiếng do nhiễm khuẩn, bệnh nhân sẽ được sử kê một số loại kháng sinh phụ thuộc vào bệnh lý nhiễm khuẩn. Bệnh nhân lưu ý phải dùng kháng sinh theo đúng chỉ định và liều lượng để phòng ngừa tình trạng đề kháng kháng sinh. Sau khi nguyên nhân được khắc phục, tình trạng khàn tiếng của bệnh nhân cũng sẽ hết.

Tóm lại, khàn tiếng là mội tình trạng phổ biến và thường tự khỏi trong vòng vài ngày. Tuy nhiên, nếu khàn tiếng kéo dài trên 2 tuần bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

46.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan