Bị móng quặp cách chữa như thế nào?

Móng quặp là tình trạng móng mọc ngược, xuất hiện phổ biến và có thể gặp ở bất cứ ai. Để tìm hiểu cách chữa móng quặp chi tiết, những thông tin dưới đây sẽ là điều mà bạn không nên bỏ lỡ.

1. Móng quặp là tình trạng gì? Dấu hiệu nhận biết

Trước khi tìm hiểu móng quặp cách chữa thế nào, chúng ta hãy cùng điểm qua những thông tin cơ bản liên quan đến tình trạng này.

Theo đó, móng quặp còn được biết đến với những tên gọi như móng mọc ngược hay móng chọc thịt. Đây là khái niệm để chỉ tình trạng thân móng không mọc thẳng như bình thường mà quặp lại như móng vuốt. Chúng thường cắm sâu vào phần thịt ở hai bên khóe ngón chân, gây đau nhức cho người bệnh. Nếu không sớm chữa trị, tình trạng này còn có thể dẫn đến nhiễm trùng xươngnhiễm trùng máu.

Móng quặp là bệnh lý khá phổ biến với tỷ lệ mắc lên đến 20%. Trong thực tế cũng cho thấy rằng, mỗi người trong chúng ta đều mắc phải tình trạng này ít nhất một lần trong đời. Tuy nhiên, thông thường tình trạng này ở mức độ nhẹ, gây khó chịu trong vài ngày và tự hết mà không cần điều trị. Tình trạng móng quặp thường xảy ra nhiều nhất ở ngón chân, đặc biệt là ở ngón chân cái, rất hiếm gặp ở ngón tay.

Bạn có thể nhận biết tình trạng móng mọc ngược qua các dấu hiệu sau:

  • Giai đoạn 1: Xuất hiện cảm giác đau nhẹ đặc biệt khi chạy hay nhón mũi chân. Khi quan sát kĩ ở vị trí đau, bạn sẽ thấy khóe móng chân viêm đỏ nhẹ.
  • Giai đoạn 2: Ngón chân tổn thương hoặc cả bàn chân đổ nhiều mồ hôi hơn, có mùi khó chịu. Phần viêm ở khóe móng thường dồn đụn lên một ụ thịt với kích thước lớn. Nằm dưới ụ thịt này chính là một phần móng kèm theo dịch tiết, máu hay mủ. Người bệnh có thể xuất hiện cảm giác sốt nhẹ.
  • Giai đoạn 3: Nếu không có giải pháp điều trị, khắc phục, móng chân mọc ngược sẽ cắm sâu vào ụ thịt dẫn đến một số vấn đề như viêm tấy đỏ và loét, chảy mủ. Do lúc này tình trạng nhiễm trùng đã trầm trọng nên khối nhiễm trùng này có thể đi sâu tận vào xương vô cùng nguy hiểm.

2. Móng quặp cách chữa như thế nào?

2.1. Chữa móng quặp mức độ nhẹ

Trong trường hợp gặp phải tình trạng móng quặp mức độ nhẹ, các bạn có thể áp dụng một số mẹo điều trị sau đây:

  • Ngâm móng trong nước ấm: Việc mọc ngược vào trong sẽ khiến cho phần mô mềm xung quanh móng bị sưng phù và gây ra cảm giác đau nhức. Khi ngâm vào nước ấm, cảm giác đau sẽ được giảm thiểu rõ rệt. Do đó, bạn có thể ngâm tay hoặc chân vào nước 3 lần/ngày và mỗi lần khoảng 20 phút.
  • Ngâm móng trong giấm táo: Đây là cách chữa móng quặp được lưu truyền trong dân gian do giấm táo có khả năng kháng khuẩn và giúp giảm viêm hiệu quả. Bạn hãy chuẩn bị 1 chậu nước ấm, pha chút giấm táo rồi ngâm trong khoảng 20 phút.
  • Nâng cao phần móng quặp: Để thực hiện, các bạn hãy dùng chỉ nha khoa hoặc mẩu bông gòn nhỏ để dưới cạnh móng. Điều này sẽ giúp nâng phần móng quặp lên, góp phần giảm đau hiệu quả. Tuy nhiên theo các chuyên gia, khi dùng bông gòn nâng móng quặp lên sẽ gây đau và có thể khiến cho vi trùng có thể xâm nhập. Vì vậy, bạn hãy chú ý ngâm bông gòn với cồn để giảm khả năng bị nhiễm khuẩn.
  • Dùng kháng sinh: Điều này giúp kháng khuẩn và ngăn ngừa nhiễm trùng cho móng quặp hiệu quả. Các loại thuốc kháng sinh được sử dụng phổ biến hiện nay thường chứa thành phần Neosporin, Polysporin hay Bactroban.
  • Hạn chế đi giày: Trong thời gian chữa móng quặp, việc đi tất hay hay giày quá chật sẽ khiến cho tình trạng móng quặp trở nên nặng hơn. Vì thế bạn nên đi dép trong lúc này, giúp chân của bạn không bị ép chặt và không gây chấn thương cho móng.
  • Uống thuốc giảm đau: Nếu bạn cảm thấy cơn đau kéo dài, không dứt gây khó khăn khi sinh hoạt hay đi lại, lúc này các bạn có thể sử dụng thêm các thuốc giảm đau.

2.2. Chữa móng quặp mức độ nặng

Khi phát hiện móng quặp ở giai đoạn sớm và triệu chứng còn nhẹ, bạn hoàn toàn có thể áp dụng các mẹo chăm sóc móng tại nhà. Tuy nhiên, các bạn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa khi xuất hiện những dấu hiệu như: Móng sưng và đau nhiều hơn, xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng, có mủ hay máu.

Sau khi tiến hành thăm khám, nếu nhận thấy móng bị nhiễm trùng hay có mủ, bác sĩ có thể sẽ đề nghị bạn tiến hành phẫu thuật.

Với phương pháp này, bác sĩ sẽ cắt bỏ phần móng chọc vào thịt và gốc móng tương ứng bằng cách đốt điện, laser hoặc dao mổ. Sau khi phẫu thuật, người bệnh hoàn toàn có thể trở lại hoạt động bình thường và khả năng tái phát ở mức khá thấp.

3. Giải pháp phòng ngừa bệnh móng quặp hiệu quả

Cùng với cách chữa móng quặp, việc tham khảo những giải pháp phòng ngừa cũng là điều vô cùng quan trọng và cần thiết. Do đó, người bệnh cần đặc biệt lưu ý đến những vấn đề sau:

  • Cắt móng chân thẳng, tuyệt đối không cắt quá ngắn hay sát rìa màu hồng của thân móng để tránh móng mọc ngược. Nếu có thể, tốt nhất bạn nên chừa lại khoảng 1mm để móng mọc theo nếp cũ.
  • Chọn mua giày vừa chân, đảm bảo không đi giày quá chật đặc biệt là khi tham gia các môn thể thao.
  • Với trẻ đang trong giai đoạn dậy thì, hãy thường xuyên thay giày mới phù hợp với sự phát triển kích thước của bàn chân.

Về cơ bản, móng quặp là tình trạng phổ biến xảy ra ở nhiều người. Các trường hợp nhẹ thường không gây nguy hiểm và chúng ta có thể áp dụng các biện pháp xử lý tại nhà. Trong trường hợp nhiễm trùng nặng, cách chữa móng quặp hiệu quả nhất chính là phẫu thuật với độ an toàn cao và ít tái phát.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan