Bị tay chân miệng có phải uống kháng sinh không?

Tay chân miệng là căn bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ, khi mắc bệnh thường sẽ tự khỏi mà không cần phải điều trị, tuy nhiên, trong một số trường hợp khẩn cấp, trẻ phải cần dùng đến thuốc kháng sinh.

1. Tay chân miệng là bệnh gì?

Tay chân miệng là căn bệnh truyền nhiễm do Enterovirus gây ra (Enterovirus có nhiều dạng khác nhau như Coxsackievirus, Echovirus,...). Virus Coxsackievirus A16 là nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ, đây là thể bệnh nhẹ, dễ lây lan và bệnh nhân sẽ phục hồi trong khoảng 7-10 ngày mà không cần điều trị chuyên sâu.

Bệnh tay chân miệng lây truyền từ người sang người và dễ bùng phát thành dịch do vi rút đường ruột gây ra. Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71) là hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp. Tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối là những biểu hiện chính của bệnh tay chân miệng. Bệnh nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời sẽ có nguy cơ mắc nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong. Các trường hợp biến chứng nặng thường do EV71 gây ra. Nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh là những nguồn lây chính. Bệnh thường diễn ra quanh năm và tay chân miệng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường tập trung ở trẻ dưới 3 tuổi.

2. Dấu hiệu bệnh tay chân miệng

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường có các biểu hiện sau:

  • Sốt: trẻ có thể bị sốt nhẹ hoặc sốt cao
  • Xuất hiện bóng nước, nổi hồng ban ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông
  • Trẻ bị loét miệng, loét họng
  • Trẻ ngủ hay bị giật mình, quấy khóc
  • Trẻ quấy khóc li bì, chân tay run, người lừ đừ
  • Trẻ khó thở, thở nhanh, mệt mỏi
  • Đi đứng không vững
  • Nôn ói nhiều
  • Trẻ bị co giật, hôn mê
Trẻ sốt 38 độ
Trẻ mắc tay chân miệng có thể xuất hiện sốt

Trong vài ngày đầu thường xuất hiện các triệu chứng bệnh nặng nhất nhưng thường sẽ hết hoàn toàn trong vòng một tuần. Dựa vào các triệu chứng mô tả cũng như nhìn và đánh giá tình trạng vết loét hay nốt phát ban mụn nước, bác sĩ sẽ xác định xem liệu trẻ có mắc bệnh tay chân miệng hay không. Nếu xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ có thể yêu cầu lấy mẫu dịch từ cổ họng trẻ để làm những xét nghiệm cần thiết khác.

Nếu không xử lý kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như viêm màng não, viêm phổi, viêm não.... Cha mẹ và gia đình cần theo dõi sát trẻ để phát hiện sớm các biểu hiện diễn biến xấu của bệnh nhằm đề phòng các biến chứng nguy hiểm.

Hãy đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị khi có bất cứ các triệu chứng nào ở trên. Khả năng khỏi bệnh rất cao nếu người bệnh được nhập viện sớm và điều trị kịp thời. Trong thời gian trẻ bị bệnh, cha mẹ cần lưu ý cho trẻ nghỉ học từ 1 tuần đến 10 ngày nhằm tránh lây cho những trẻ khác. Cả bệnh nhi và người chăm sóc vẫn phải cách ly trong 10 ngày sau khi đã được điều trị khỏi bệnh.

3. Bị tay chân miệng có phải uống thuốc kháng sinh?

Hiện nay, bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị hỗ trợ. Khi trẻ sốt cao từ 38 độ trở lên, cho trẻ dùng thuốc hạ sốt paracetamol với liều lượng 10 - 15mg/kg, nếu còn sốt cao, sau 4 - 6 giờ có thể dùng lại. Có thể dùng dạng viên đạn đặt hậu môn nếu trẻ không uống được hoặc khó uống thuốc.

Bên cạnh đó, cha mẹ nên cho trẻ uống dung dịch oresol hoặc hydrite... để bổ sung thêm nước và điện giải cho trẻ. Bổ sung thêm vitamin C và kẽm khi trẻ có dấu hiệu sốt và loét miệng, lau sạch miệng trước và sau ăn bằng dung dịch glycerin borat. Sát khuẩn và giảm đau bằng gel rơ miệng (kamistad, zyttee...) giúp trẻ ăn uống dễ dàng hơn.

Ngoài việc sử dụng dung dịch khử khuẩn, trước khi nấu ăn, cho trẻ ăn, sau khi tiếp xúc với trẻ và sau khi đi vệ sinh, cha mẹ và người chăm sóc cần rửa tay với xà phòng. Sử dụng dung dịch cloramin 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác để lau nhà và ngâm đồ chơi, quần áo của trẻ. Các vật dụng ăn uống hàng ngày của trẻ như bình sữa, bát, thìa...cần được tiệt trùng và luộc sôi.

Trẻ uống siro
Trẻ bị tay chân miệng có thể bổ sung dung dịch oresol theo chỉ định của bác sĩ

Chỉ cho trẻ bị tay chân miệng uống thuốc kháng sinh khi có dấu hiệu ảnh hưởng đến não. Bệnh nhi sẽ được chỉ định dùng thuốc thuốc chống co giật như phenobarbital, cho kháng sinh khi trẻ bị viêm màng não do vi khuẩn và được theo dõi chặt chẽ các triệu chứng hô hấp khi xuất hiện các triệu chứng não- màng não. Dùng thuốc chống phù não, chống co giật và kháng sinh phòng bội nhiễm, điều chỉnh rối loạn nước, điện giải, thăng bằng kiềm toan và theo dõi sát mạch, nhiệt, huyết áp, nhịp thở, kiểu thở, tri giác.... với những trẻ có biến chứng viêm não, kèm liệt, rối loạn tri giác, co giật.

4. Cách phòng tránh bệnh tay chân miệng

Hiện nay bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị bệnh, vì vậy khi trẻ mắc bệnh, cần làm những việc sau đây:

  • Nên mang khẩu trang y tế khi chăm sóc trẻ và sau khi tiếp xúc với trẻ bị bệnh cần rửa tay sạch sẽ
  • Nên tắm rửa và vệ sinh thân thể cho trẻ bằng xà phòng và nước sạch mỗi ngày
  • Áp dụng hướng dẫn 6 bước rửa tay của Bộ Y Tế, nên khuyến khích trẻ rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng
  • Sử dụng dung dịch sát khuẩn Cloramin B 2% để ngâm quần áo hoặc tã lót của trẻ hoặc luộc nước sôi trước khi giặt
  • Nên luộc sôi các vật dụng cá nhân của trẻ bị chân tay miệng như: đồ chơi, bình sữa, ly uống nước, chén ăn cơm, muỗng ăn...và sử dụng riêng biệt cho từng trẻ
  • Phòng sinh hoạt của trẻ cần thông thoáng và được lau chùi sạch sẽ thường xuyên bằng các dung dịch khử khuẩn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

79.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan