Biến chứng thần kinh, hô hấp, tuần hoàn do tay chân miệng gây ra

Bệnh tay chân miệng ở trẻ em là bệnh truyền nhiễm do siêu vi trùng đường ruột enterovirus gồm: coxsackieviruses và enterovirus 71 gây ra. Bệnh lây theo đường tiêu hóa, tuy nhiên siêu vi trùng có trong các chất tiết từ đường hô hấp có thể lây trực tiếp qua các dịch này.

1. Biểu hiện của bệnh chân tay miệng ở trẻ

Biểu hiện chính của bệnh chân tay miệng ở trẻ là sang thương da dưới dạng bóng nước, tồn tại ở các vị trí đặc biệt như miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh chân tay miệng ở trẻ có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời...

Bệnh lây truyền qua đường phân - miệng và tiếp xúc trực tiếp, nhưng chủ yếu lây qua tiếp xúc trực tiếp dịch tiết và các chất bài tiết của bệnh nhân dính trên dụng cụ sinh hoạt, đồ chơi, bàn ghế, sàn nhà...

tay chân miệng ở trẻ em
Bệnh chân tay miệng ở trẻ có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm

2. Tác nhân gây bệnh bệnh tay chân miệng ở trẻ em

Hai nhóm tác nhân gây bệnh chính thường gặp là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Bệnh do chủng EV71 thường gây các biến chứng thần kinh ở bệnh tay chân miệng khá nặng nề và có thể dẫn đến tử vong. Các trường hợp xảy ra biến chứng nặng thường do chủng EV71 gây ra.

Bệnh tay chân miệng gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương, tại phía Nam thường tăng cao từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt nhóm tuổi dưới 3 tuổi.

3. Biến chứng có thể gặp khi bé bị chân tay miệng

Mặc dù bệnh tay chân miệng ở trẻ em có thể tự khỏi mà không cần can thiệp điều trị. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp bệnh tiến triển nặng và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, cần chủ động theo dõi những biểu hiện bất thường ở trẻ, vì biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ 2 đến 5 ngày của bệnh. Khi đó, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

3.1. Biến chứng thần kinh và biểu hiện nhận biết

  • Tổn thương viêm màng não với các dấu hiệu chứng tỏ virus đã xâm nhập bao gồm: trẻ sốt cao li bì hoặc vật vã kích thích, mê sảng, đau đầu, cứng gáy, thóp phồng, sợ ánh sáng, yếu liệt vận động tay chân hoặc có thể hôn mê
  • Tổn thương viêm tại nhu mô não, thân não... với các dấu hiệu chứng tỏ virus đã xâm nhập bao gồm: rung giật cơ từng cơn ngắn 1- 2 giây (chủ yếu rung ở tay và chân, xuất hiện khi trẻ bắt đầu giấc ngủ hay khi nằm ngửa), trẻ ngủ gà, bứt rứt, chới với, đi loạng choạng, run chi, mắt nhìn ngược, rung giật nhãn cầu, yếu, liệt chi, liệt dây thần kinh sọ não, co giật, tăng trương lực cơ. Cuối cùng, trẻ có thể hôn mê, đây là dấu hiệu nặng, thường đi kèm với suy hô hấp, tuần hoàn,

Biến chứng thần kinh ở bệnh tay chân miệng là biến chứng nặng nề nhất, gây đe dọa tính mạng của bệnh nhân hoặc gây tổn thương não không hồi phục.

3.2. Biến chứng hô hấp

  • Khó thở: bé bị chân tay miệng có biểu hiện thở nhanh, rút lõm lồng ngực, khò khè, thở rít thanh quản, thở không đều, thở nông, thở bụng.
  • Phù phổi cấp: biểu hiện là trẻ sùi bọt hồng, khó thở, tím tái, phổi nghe thấy nhiều ran ẩm, khi đặt nội khí quản quan sát thấy có máu hay bọt hồng.
Viêm phổi ở trẻ sơ sinh với triệu chứng ban đầu là bú kém, sốt và thở nhanh
Trẻ bị chân tay miệng có biểu hiện thở nhanh, rút lõm lồng ngực

3.3. Biến chứng tuần hoàn: Viêm cơ tim, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch

Trường hợp nặng, trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng khò khè, khó thở, rút lõm lồng ngực, tím tái, mạch nhanh... không cấp cứu kịp có thể dẫn tới phù phổi cấp, suy tim, viêm cơ tim... nguy hiểm đến tính mạng. Biểu hiện của trẻ xuất hiện biến chứng tuần hoàn gồm có:

  • Mạch của trẻ nhanh: >150 lần/phút
  • Thời gian đổ đầy mao mạch >2 giây
  • Da nổi vân tím, vã mồ hôi, chi lạnh, rối loạn vận mạch (có thể khu trú ở một Huyết áp tăng ở giai đoạn đầu (huyết áp tâm thu của trẻ dưới 1 tuổi >110mmHg, trẻ từ 1- 2 tuổi >115mmHg và trẻ trên 2 tuổi >120mmHg). Giai đoạn sau của bệnh: mạch và huyết áp không đo được.

Các biến chứng tuần hoàn này thường xuất hiện sớm trong vòng 2-5 ngày mắc bệnh và cần được điều trị tích cực tại chuyên khoa hồi sức cấp cứu.

3.4. Các biến chứng khác của bệnh tay chân miệng ở trẻ em

Biến chứng bội nhiễm

Bội nhiễm xảy ra khi vi khuẩn tấn công vào các phỏng nước bị vỡ. Biểu hiện là vùng da bội nhiễm sưng nóng đỏ đau kèm tiết dịch vàng hoặc dịch mủ. Biến chứng này tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại làm trẻ khó chịu, quấy khóc do sốt và đau nhiều. Điều trị biến chứng bội nhiễm bằng cách sử dụng kháng sinh và theo dõi chặt chẽ bởi các bác sĩ chuyên khoa.

Biến chứng mất nước

Các vết loét miệng khiến trẻ đau và ảnh hưởng đến việc ăn uống như trẻ khó nuốt, bỏ ăn, bỏ bú và hậu quả là dẫn đến tình trạng mất nước. Để dự phòng biến chứng này, cha mẹ nên cho trẻ uống nước đầy đủ và tùy theo mức độ mà trẻ có thể được theo dõi bổ sung nước tại nhà hoặc cơ sở y tế. Ngoài ra, cha mẹ nên khuyến khích trẻ uống từng ít một và uống nhiều lần trong ngày.

Khi có các dấu hiệu mất nước nặng dưới đây thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay:

  • Trẻ quấy khóc, mệt mỏi, lừ đừ.
  • Da khô, nhăn nheo, nếp véo da mất chậm.
  • Mắt trũng.
  • Tiểu ít hoặc không có nước tiểu.
Viêm cơ tim
Trẻ có thể bị biến chứng viêm cơ tim khi bị chân tay miệng

4. Điều trị cho bé bị chân tay miệng

Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ em. Do đó, điều trị cho trẻ chủ yếu là điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm đau, hỗ trợ nâng thể trạng và theo dõi, phát hiện sớm các biến chứng để điều trị kịp thời, đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ.

Đa số các trường hợp mắc bé bị tay chân miệng sẽ điều trị ngoại trú tại nhà, cha mẹ là người theo dõi trực tiếp và đưa trẻ khám lại ngay khi có dấu hiệu nặng như: Sốt cao ≥ 39oC, khó thở hoặc thở yếu, giật mình, chới với, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, yếu liệt các tay chân, co giật hoặc hôn mê.

Việc sử dụng Immunoglobulin là không thường quy, cần có chỉ định của bác sĩ trong một số trường hợp nhất định. Bên cạnh đó, tay chân miệng là bệnh do virus gây ra nên không cần sử dụng kháng sinh trừ các trường hợp như chưa loại trừ nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não mủ hoặc khi có bội nhiễm các vi khuẩn.

Virus gây bệnh tay chân miệng ở trẻ em hiện nay vẫn chưa được dự phòng bằng vắc xin đặc hiệu. Do đó, việc phòng bệnh chủ yếu là hạn chế tiếp xúc với trẻ mắc bệnh, vệ sinh thân thể sạch sẽ và nâng cao thể trạng, sức đề kháng cho trẻ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan