Các loại miễn dịch trong cơ thể con người

Hệ miễn dịch khỏe mạnh là một điều cần thiết đối với sức khỏe của mỗi người. Nó bảo vệ cho cơ thể chúng ta không bị tấn công bởi các mầm bệnh từ môi trường bên ngoài, chẳng hạn như: Vi rút, nấm, vi khuẩn và ký sinh trùng.

1. Miễn dịch là gì?

Miễn dịch là khả năng đề kháng của cơ thể trước sự tấn công của các loại bệnh, vi rút, nấm mốc, vi khuẩn, ký sinh trùng, các chất gây dị ứng và những tế bào gây ung thư.

Miễn dịch được coi là một hàng rào vững chắc giúp bảo vệ cơ thể bạn trước những tác nhân gây bệnh. Các cơ quan miễn dịch sẽ được phân bố rộng khắp cơ thể cùng với tim, dây thần kinh, xương, hệ thống cơ bắp và đường tiêu hoá. Chúng giúp cơ thể bạn hoạt động thành một khối thống nhất với nhau.

Khả năng miễn dịch của cơ thể bạn đối với một căn bệnh được thông qua sự hiện diện của các kháng thể dành cho căn bệnh đó. Kháng thể là các protein được cơ thể sản xuất ra để trung hòa hoặc tiêu diệt các chất độc cũng như những sinh vật mang bệnh. Các kháng thể sẽ đặc hiệu đối với từng loại bệnh; chẳng hạn như kháng thể sởi sẽ bảo vệ bạn khi tiếp xúc với bệnh sởi, nhưng nó sẽ không có tác dụng nếu bạn tiếp xúc với bệnh quai bị.

Một khi hệ miễn dịch bị suy yếu hoặc bị lỗi, cơ thể bạn sẽ trở nên nhạy cảm hơn với nhiều loại bệnh khác nhau; chẳng hạn như thường xuyên bị cảm lạnh, cúm, nhiễm trùng nhiều lần, viêm khớp, dị ứng hoặc ung thư.

2. Có những loại miễn dịch nào?

Hệ miễn dịch của cơ thể thường bao gồm hai loại chính: Miễn dịch chủ động và miễn dịch thụ động.

  • Miễn dịch chủ động: Đây là kết quả khi cơ thể bạn tiếp xúc với sinh vật gây bệnh sẽ làm kích hoạt hệ thống miễn dịch sản xuất ra kháng thể để chống lại căn bệnh đó. Tiếp xúc với sinh vật gây bệnh có thể xảy ra thông qua việc nhiễm bệnh thực tế, dẫn đến miễn dịch tự nhiên hoặc đưa vào cơ thể một dạng sinh vật gây bệnh đã chết hoặc bị làm cho suy yếu thông qua tiêm chủng (miễn dịch do vắc-xin). Dù miễn dịch bằng cách nào, nếu một người miễn dịch tiếp xúc với căn bệnh đó trong tương lai, hệ thống miễn dịch sẽ nhận ra nó và ngay lập tức sản xuất ra các kháng thể cần thiết để chống lại nó. Miễn dịch chủ động là lâu dài và đôi khi kéo dài suốt cuộc đời của bạn.
  • Miễn dịch thụ động: Loại miễn dịch này sẽ hoạt động khi một người được cung cấp các kháng thể chống lại bệnh thay vì sản xuất chúng thông qua hệ thống miễn dịch của mình. Trẻ sơ sinh có được khả năng miễn dịch thụ động từ mẹ qua nhau thai. Ngoài ra, bạn cũng có thể nhận được miễn dịch thụ động thông qua các sản phẩm máu có chứa kháng thể như globulin miễn dịch, được cung cấp khi cơ thể cần bảo vệ ngay lập tức khỏi một căn bệnh cụ thể. Đây là ưu điểm lớn nhất của hệ miễn dịch thụ động. Nó có khả năng bảo vệ ngay lập tức, trong khi đó miễn dịch chủ động phải mất một thời gian nhất định (thường là vài tuần) để phát triển. Tuy nhiên, miễn dịch thụ động chỉ có tác dụng kéo dài trong vài tuần hoặc vài tháng, chỉ có miễn dịch chủ động mới tồn tại lâu dài.
Miễn dịch chủ động
Cơ thể gồm 2 loại miễn dịch chính là miễn dịch chủ động và miễn dịch thụ động.

3. Bạn nên làm gì để giúp cải thiện hệ thống miễn dịch?

Để bảo vệ và tăng cường sức khoẻ của hệ thống miễn dịch, bạn nên áp dụng theo một số phương pháp sau đây:

  • Tập thể dục thường xuyên: Việc ít vận động thể chất không chỉ khiến cho cơ thể bạn cảm thấy mệt mỏi, uể oải mà nó còn làm cho hệ miễn dịch hoạt động kém hiệu quả. Do đó, để tăng cường khả năng miễn dịch, bạn nên cố gắng thường xuyên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày.
  • Áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh: Một chế độ dinh dưỡng cân bằng và hợp lý chính là chìa khóa quan trọng giúp hệ thống miễn dịch của bạn hoạt động hiệu quả hơn. Bạn nên ăn nhiều rau xanh, trái cây và bổ sung thêm vitamin vào chế độ ăn uống hàng ngày của mình. Các loại thực phẩm giúp tăng cường hệ thống miễn dịch; bao gồm tỏi tươi và súp gà, có đặc tính kháng sinh và kháng vi rút. Để làm tăng việc sản xuất ra các chất giúp cơ thể chống lại sự nhiễm trùng, bạn có thể lựa chọn bổ sung thêm nấm hương và nấm linh chi. Thêm vào đó, bạn cũng nên cắt giảm các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo và các đồ ăn được chế biến sẵn.
  • Ngủ đủ giấc: Tình trạng mất ngủ thường xuyên không những khiến cơ thể bạn trở nên mệt mỏi vào ban ngày mà còn tăng khả năng nhiễm bệnh nhiều hơn; chẳng hạn như cúm, cảm lạnh và một số tình trạng nhiễm trùng khác. Về lâu dài, chất lượng giấc ngủ kém còn kéo theo nhiều nguy cơ mắc các vấn đề sức khoẻ khác; bao gồm bệnh tiểu đường và thừa cân, béo phì. Một giấc ngủ ngon được ví như chất chống oxy hoá, có thể giúp làm giảm sự căng thẳng và ngăn chặn những tế bào của cơ thể khỏi những tác nhân gây suy yếu. Tốt nhất, bạn nên ngủ ít nhất 7 giờ vào mỗi đêm để tăng sức đề kháng của cơ thể trước những căn bệnh truyền nhiễm.
Miễn dịch chủ động
Ngủ đủ giấc sẽ giúp bạn cải thiện hệ thống miễn dịch của cơ thể.
  • Kiểm soát sự căng thẳng: Cơ thể ở trong trạng thái căng thẳng liên tục sẽ trở nên nhạy cảm hơn với các căn bệnh, từ cảm lạnh thông thường cho đến các tình trạng mãn tính khác. Sự căng thẳng quá mức khiến cơ thể tiết ra các hormone tiêu cực như adrenaline và cortisol, khiến hệ miễn dịch bị suy yếu. Ngoài ra, căng thẳng cũng khiến bạn dễ mắc phải các bệnh như tăng huyết áp và tim mạch.
  • Hạn chế lạm dụng bia rượu: Uống rượu ở một mức vừa phải có thể đem đến một số lợi ích sức khỏe cho bạn, ví dụ như làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Đàn ông chỉ nên uống từ 1 – 2 ly rượu vào mỗi ngày còn phụ nữ thì nên uống 1 ly mỗi ngày. Ngược lại, uống quá nhiều rượu có thể làm ức chế các chức năng của tế bào bạch cầu và gây suy yếu hệ miễn dịch. Ngoài ra, việc sử dụng các chất kích thích như cần sa cũng gây ra những tác hại tương tự cho hệ miễn dịch và các tế bào bạch cầu

Tóm lại, hệ miễn dịch đóng vai trò thực hiện các phản ứng nhanh và chuyên biệt nhằm bảo vệ cơ thể chống lại những mầm bệnh ngoại lai. Sức đề kháng của cơ thể đối với những đợt cảm cúm thông thường cho đến một số bệnh lý nguy hiểm cho thấy tầm quan trọng của hệ miễn dịch. Mặc dù các rối loạn liên quan đến hệ miễn dịch và sức đề kháng thường rất khó ngăn chặn, con người vẫn có thể xây dựng hệ miễn dịch của cơ thể mạnh mẽ hơn nhờ vào lối sống khoa học và sự phối hợp chặt chẽ với bác sĩ nếu mắc bệnh.

Hãy theo dõi trang web: Vinmec.com thường xuyên để cập nhật nhiều thông tin hữu ích khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo: cdc.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

30.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan