Các triệu chứng của giai đoạn suy thận mạn tính

Bài viết được viết bởi ThS.BS Vũ Tấn Phúc - Bác sĩ Nội tiêu hóa, Khoa Khám bệnh & nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Suy thận mạn tính là căn bệnh diễn biến âm thầm, khi các triệu chứng của suy thận mạn tính biểu hiện ra ngoài thì cũng là lúc suy thận mạn đã đến giai đoạn cuối, tốc độ lọc cầu thận chỉ còn khoảng 10-15%. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị tử vong bởi các biến chứng của suy thận mạn.

1. Suy thận mạn tính là gì?

Suy thận mạn tính hay còn gọi là bệnh thận mạn, là quá trình suy giảm chức năng thận dưới mức bình thường. Khi mắc bệnh suy thận mạn, thận không thể loại bỏ các chất thải cũng như mất chức năng kiểm soát lượng nước của cơ thể, lượng muối trong máu và canxi. Các chất thải sẽ tồn đọng trong cơ thể và gây hại cho người bệnh.

Bệnh suy thận mạn thường xảy ra đột ngột và phát triển từ từ. Bệnh tiến triển chậm và thường không xuất hiện triệu chứng cho tới khi đã ở tình trạng nguy hiểm gây hại cho người bệnh.

Nguyên nhân suy thận mạn tính chủ yếu là:

  • Người bệnh bị bệnh đái tháo đường (tăng nồng độ đường trong máu), quá trình này sẽ làm tổn thương các mạch máu nhỏ có chức năng dẫn các chất độc và dịch dư thừa tới thận.
Hình ảnh phù phổi
Phù phổi là biến chứng nguy hiểm của bệnh thận mạn gây nên

  • Người bệnh bị tăng huyết áp gây tổn thương những mạch máu nhỏ dẫn tới suy thận.
  • Tắc mạch động mạch thận.
  • Bệnh thận do nguyên nhân di truyền.
  • Bệnh tự miễn như: lupus, xơ cứng bì...
  • Nhiễm độc trong thời gian kéo dài.

Khi thận mất chức năng lọc, các chất độc và dịch sẽ tích lũy trong cơ thể và gây nên các vấn đề toàn thân. Các biến chứng nguy hiểm của bệnh thận mạn gây nên gồm:

2. Các triệu chứng suy thận mạn tính

Quá trình lọc ở cầu thận
Thận hư tổn nặng mức lọc cầu thận sẽ giảm xuống dưới 15 ml/phút

Triệu chứng suy thận mạn tính diễn tiến qua 5 giai đoạn như sau:

  • Suy thận mạn giai đoạn 1 và 2: Bệnh chỉ biểu hiện nhẹ, các triệu chứng lâm sàng không rõ ràng như tiểu đêm nhiều lần, chán ăn, thiếu máu nhẹ, mệt mỏi, tức hai bên thắt lưng. Ở giai đoạn suy thận mạn giai đoạn 1 và 2 bệnh rất khó phát hiện nên người bệnh thường không biết mình đã bị suy thận. Tuy nhiên, nếu bệnh được phát hiện và có phương án điều trị đúng đắn cùng với chế độ dinh dưỡng hợp lý thì việc sống chung với bệnh cũng như trị dứt điểm các triệu chứng khó chịu của bệnh là hoàn toàn có thể.
  • Suy thận mạn giai đoạn 3: Suy thận độ 3 khiến thận không còn hoạt động tốt như bình thường. Thận bị mất chức năng từ nhẹ đến trung bình, tốc độ lọc cầu thận nằm trong mức từ 30 – 59 mL/phút/1,73m2. Nhiều người mắc bệnh suy thận độ 3 mà không có bất kỳ dấu hiệu nào. Những người khác biểu hiện triệu chứng như sưng ở tay và chân, đau lung, đi tiểu nhiều hoặc ít hơn bình thường.
  • Suy thận mạn giai đoạn 4: Tiến triển bệnh đã nặng, mức lọc cầu thận giảm xuống dưới 20 ml/phút, creatinin máu tăng trên 300 μmol/l . Các biểu hiện lâm sàng bắt đầu xuất hiện rõ ràng bao gồm: tiểu đêm nhiều, buồn nôn, chán ăn, xuất huyết đường tiêu hóa, gò gò xanh xao, tăng huyết áp, đau đầu, phù nề tay chân, ngứa toàn thân. Nặng hơn có thể gây khó thở, co giật, hôn mê. Giai đoạn này người bệnh cần phải sử dụng phương pháp chạy thận để giúp thận loại bỏ các chất độc trong máu.
  • Suy thận mạn giai đoạn 5: Lúc này thận bị hư tổn rất nặng, mức lọc cầu thận giảm xuống dưới 15 ml/phút. Các biểu hiện lâm sàng của thận về tiêu hóa, tim mạch, thần kinh, da và máu xuất hiện nhiều. Khi xuất hiện các triệu chứng suy thận mạn tính ở giai đoạn cuối này, bắt buộc người bệnh phải chạy thận nhân tạo và ghép thận để kéo dài sự sống.

3. Phòng ngừa suy thận mạn tính

Viêm cầu thận
Viêm cầu thận là một trong các yếu tố dẫn đến suy thận

Hiện nay không có phương pháp nào chữa khỏi hoàn toàn suy thận mạn tính bởi các tổn thương của thận là không thể hồi phục. Do đó việc phòng ngừa suy thận mạn là cực kỳ quan trọng. Một số phương pháp phòng ngừa suy thận mạn gồm:

3.1 Kiểm soát yếu tố nguy cơ dẫn đến suy thận

  • Các yếu tố nguy cơ dẫn đến suy thận như viêm cầu thận, viêm bể thận, sỏi thận... nếu không được điều trị kịp thời và dứt điểm thì sẽ dẫn đến suy giảm chức năng thận và dần dần dẫn đến suy thận mạn tính. Do vậy, những người mắc các bệnh liên quan đến thận thì phải điều trị dứt điểm để tránh dẫn tới suy thận mạn.
  • Suy thận có thể là biến chứng của các bệnh lý như đái tháo đường, tăng huyết áp. Do đó với những bệnh nhân mắc các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp thì việc kiểm soát huyết áp và nồng độ đường huyết ở mức bình thường rất quan trọng, giúp phòng ngừa nguy cơ dẫn đến suy thận mạn.

3.2 Chế độ dinh dưỡng

  • Để phòng ngừa suy thận, việc hạn chế đạm trong khẩu phần ăn hằng ngày là cần thiết. Giảm chất đạm giúp giảm tải gánh nặng cho thận, bởi các chất đạm sau khi được chuyển hóa tạo ra rất nhiều chất độc hại với thận khi chúng được đào thải qua đường tiểu.
  • Sự góp mặt của muối giúp bạn cảm thấy ngon miệng khi ăn. Tuy nhiên, hấp thụ quá nhiều muối có nguy cơ khiến nước bị tích tụ trong cơ thể, từ đó gây tăng huyết áp và tăng nguy cơ phát sinh những vấn đề liên quan đến tim mạch cũng như thận. Do vậy, chỉ nên dùng 5-6gr muối mỗi ngày.
Bổ sung đủ nước cho cơ thể
Bổ sung đủ nước giúp thực hiện tốt chức năng lọc của thận

Bổ sung đủ nước

  • Nước giúp thận thực hiện tốt các chức năng lọc, điều hòa lượng nước trong cơ thể. Uống nước giúp thận bài tiết các chất thải, độc hại dư thừa ra khỏi cơ thể dễ dàng.

Hoạt động vừa phải

  • Tập thể dục thường xuyên hơn nhưng tránh các hoạt động mạnh.
  • Ghi lại cân nặng hằng ngày và lượng chất lỏng bạn uống và lượng nước tiểu thoát ra nếu bác sĩ yêu cầu.

Bỏ thuốc lá, hạn chế nước có cồn

  • Các nghiên cứu cho thấy những người hút thuốc lá có khả năng suy giảm chức năng thận và nguy cơ đau tim, đột quỵ tăng lên 4 - 5 lần. Do đó, nếu bạn có thói quen xấu này, hãy nhờ bác sĩ tư vấn cách bỏ thuốc lá hiệu quả nhằm bảo vệ sức khỏe toàn diện nói chung cũng như phòng ngừa suy thận nói riêng.
  • Tương tự thuốc lá, bên cạnh gan và tim, thức uống chứa cồn (bia, rượu...) cũng có nguy cơ gây tổn hại cho thận. Liên tục uống nhiều bia rượu trong thời gian ngắn rất dễ gây nên các bệnh tim mạch, yếu tố nguy cơ kéo theo tình trạng chức năng thận suy giảm.

Là bệnh tiến triển âm thầm, ít có triệu chứng rầm rộ, thường khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn nặng. Vì vậy, để phòng ngừa suy thận mạn và các biến chứng của suy thận mạn, bẹn cần đi kiểm tra định kỳ 6 tháng một lần để tầm soát bệnh này, phát hiện sớm sẽ giúp cho có biện pháp dự phòng và điều trị để làm chậm tiến triển của bệnh thận mạn tính.

Suy thận mạn đòi hỏi phương pháp điều trị hợp lý và sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ. Việc điều trị suy thận như thế nào phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều cần phải nhập viện. Bác sĩ có thể cho bạn sử dụng các loại thuốc giúp tăng lượng nước tiểu, tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà áp dụng các phương pháp điều trị suy thận như: Thận nhân tạo, lọc màng bụng và ghép thận.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

240 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan