Các việc cần làm khi gặp chấn thương

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Mai Anh Kha - Bác sĩ ngoại Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Khi gặp chấn thương, việc cần làm đầu tiên đó là sơ cấp cứu ban đầu, nhằm ngăn ngừa biến chứng và tổn thương nặng thêm. Trong một số trường hợp có thể giúp bệnh nhân giảm được nguy cơ tử vong, kịp thời gian đưa đến bệnh viện.

1. Chấn thương là gì?

Chấn thương là một cấp cứu nội ngoại khoa. Nguyên nhân gây ra chấn thương chủ yếu là do tai nạn giao thông. Những trường hợp chấn thương nếu không được sơ cấp cứu kịp thời có thể dẫn tới tổn thương nặng thêm hay biến chứng, thậm chí là tử vong.

Vì vậy những trường hợp chấn thương cần nhanh chóng gọi cấp cứu, sau đó xác định các dấu hiệu nguy kịch, thăm khám toàn diện. Sơ cấp cứu ban đầu chính là thời gian vàng để bệnh nhân có khả năng phẫu thuật được cứu sống.

Gọi xe cấp cứu
Gọi ngay xe cấp cứu khi gặp chấn thương

2. Các việc cần làm khi gặp chấn thương

2.1 Xử trí tình huống nguy kịch

Bước đầu tiên trong xử trí chấn thương đó chính là phát hiện và xử lý những tình huống nguy hiểm đến tính mạng người bệnh như tắc nghẽn đường thở, suy hô hấp,chảy máu, sốc và hôn mê.

Đường thở và chấn thương cột sống cổ:

Khi thấy bệnh nhân khó thở, tím tái cần phát hiện và loại bỏ dị vật ra khỏi đường thở.

Nếu bệnh nhân hôn mê thì rất có thể đó là chấn thương cột sống cổ. Cần ngửa đầu và nâng cằm người bệnh bằng cách kéo hàm.

Tình trạng suy hô hấp:

Những nguyên nhân dẫn tới suy hô hấp thường do tổn thương lồng ngực hoặc tổn thương thần kinh. Cần lưu thông đường thở cho người bệnh, đếm nhịp thở và quan sát kiểu thở.

Tuần hoàn:

Trong trường hợp bệnh nhân ngừng tuần hoàn, lập tức ép tim ngoài lồng ngực.

Cầm máu nếu có vết thương chảy máu ồ ạt, dùng các ngón tay ấn mạnh vào chỗ vết thương đang chảy máu. Sau khi vết thương ngừng chảy máu thì sử dụng băng cuốn băng ép trực tiếp.

Sốc chấn thương thường xảy ra sau mất máu. Dấu hiệu của sốc bao gồm: xanh tái, vật vã, lạnh chân tay và mạch nhanh. Dấu hiệu muộn là tụt huyết áp.

Tiến hành ép tim
Tiến hành ép tim khi bệnh nhân ngừng tuần hoàn

2.2 Phát hiện tổn thương

Bệnh nhân cần được thăm khám toàn diện để phát hiện những tổn thương bao gồm:

  • Đầu mặt: sờ xương vùng đầu để xác định biến dạng, chảy máu hoặc chảy dịch não tủy từ tai, mũi hoặc miệng.
  • Mắt: kiểm tra phản xạ đồng tử và soi đáy mắt.
  • Cổ và lưng: kiểm tra dấu hiệu gãy xương, nhưng cần tránh gấp, xoay cổ nếu không loại trừ được chấn thương cột sống cổ.
  • Ngực: quan sát vùng da tìm vết bầm và chảy máu. Đánh giá kiểu thở, di động lồng ngực và dấu hiệu khó thở.
  • Bụng: kiểm tra vết bầm và rách trên da vùng bụng. Quan sát sự di động thành bụng theo nhịp thở, tìm dấu đề kháng hoặc khối u và khối tụ máu.
  • Các chi: quan sát vết trầy xước, bầm máu, rách da và gãy xương.

Nếu có chảy máu cần cầm máu kịp thời bằng khăn hay quần áo. Đối với những trường hợp gãy xương, cần cố định vị trí gãy xương lại, nhằm tránh di động tổn thương thêm, tăng khả năng phẫu thuật cho bệnh nhân. Sau đó đưa người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất.

Sơ cứu vết thương chảy máu nặng
Nếu người bệnh bị chảy máu thì cần cầm máu ngay lập tức

2.3 Phân độ chấn thương

Thang điểm chấn thương tối đa là 12 điểm. Thang điểm giúp phân độ và đánh giá tiên lượng người bệnh.

Chấn thương nhẹ trên 8 tuổi, nặng từ 6-8 điểm và chấn thương rất nặng nhỏ hơn hoặc bằng 5 điểm. Thang điểm chấn thương trẻ em được tính như sau:

Thang điểm chấn thương trẻ em
Thang điểm chấn thương trẻ em

Đối với những trường hợp chấn thương từ hai bộ phận trở lên được gọi là đa chấn thương. Những trường hợp chấn thương có vỡ tạng như vỡ gan, vỡ lách... cần tuyệt đối hạn chế vận động, để tránh tổn thương này càng nghiêm trọng. Và phải được phẫu thuật càng sớm càng tốt.

Tóm lại, chấn thương là một cấp cứu nội ngoại khoa. Khi gặp người bị chấn thương trước tiên phải đảm bảo và xử trí những dấu hiệu sinh tồn bao gồm: đường thở, tuần hoàn và chấn thương cột sống cổ, lồng ngực. Sau đó đánh giá toàn trạng người bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời. Đối với trường hợp nặng, cần gọi ngay xe cứu thương để bệnh nhân được đưa đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

Với hơn 22 năm tuổi nghề, Bác sĩ Mai Anh Kha từng đảm nhiệm vị trí Trưởng khoa và Phó khoa Ngoại - Bỏng tạo hình bệnh viện Trung ương Huế và công tác tại các đơn vị y tế lớn khác như Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Giao thông 5. Hiện tại, đang Bác sĩ Ngoại chấn Thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Để thăm khám và điều trị tại Vinmec, quý khách vui lòng đến trực tiếp hệ thống y tế Vinmec hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan