Cách chữa bệnh đậu mùa nhanh nhất

Bệnh đậu mùa là bệnh do virus gây ra với đặc điểm nhận dạng là các bóng nước đầy mủ. Đây là bệnh có tính lây truyền cao, gây mất thẩm mỹ và có nguy cơ đe dọa tính mạng. Bệnh đậu mùa đã bị xóa sổ vào đầu thập niên 80, nhưng không ngoài khả năng bệnh có thể quay trở lại. Vậy cách chữa bệnh đậu mùa nhanh nhất là gì?

1. Hiểu hơn về bệnh đậu mùa

Bệnh đậu mùabệnh truyền nhiễm do Variola virus gây ra trên toàn thân với đặc điểm phát ban ở da. Bệnh đậu mùa khởi phát với triệu chứng sốt cao đột ngột 40 độ C, khó chịu, đau đầu, mệt lả, đau lưng dữ dội, có lúc người bệnh còn bị đau bụng và nôn. Sau 2 - 4 ngày, nhiệt độ bắt đầu giảm và trên da người bệnh xuất hiện ban.

Ban đậu mùa phát triển qua các giai đoạn nối tiếp nhau:

  • Dát (macule);
  • Sần (papula);
  • Mụn nước (vesicule);
  • Mụn mủ (pustule)
  • Đóng vảy là giai đoạn cuối xuất hiện vào tuần thứ 3, thứ 4 kể từ khi phát ban.

Tổn thương của ban đậu mùa ăn sâu dưới tầng tế bào sinh sản của thượng bì nên khi tróc vẩy đậu mùa sẽ để lại sẹo, nhiều nhất là ở mặt gây tình trạng mặt rỗ. Ban đậu mùa xuất hiện theo thứ tự trước tiên ở mặt, sau đó đến thân và chân tay, chân tay nhiều hơn ở thân.

Đối với người đã được tiêm chủng đậu mùa trước đây khi nhiễm vi rút có thể không bị bệnh hoặc có biểu hiện toàn thân nhẹ, phát ban không điển hình và không có các giai đoạn tiến triển của ban. Bệnh đậu mùa có 2 thể dịch tễ học là bệnh đậu mùa nhẹ (alastrim) và bệnh đậu mùa nặng (smallpox).

  • Thể bệnh đậu mùa nặng: tỷ lệ chết/mắc ở người chưa chủng đậu vào khoảng 15 - 40%, do Variola major gây bệnh. Tử vong xảy ra sớm vào ngày thứ 2, thứ 3, nhưng sẽ chết nhiều trong tuần thứ 2. 3% bệnh nhân đậu mùa nặng điều trị tại bệnh viện sẽ trải qua thời kỳ tiền triệu nghiêm trọng, kiệt sức, chảy máu ở da, niêm mạc, tử cung, bộ phận sinh dục, đặc biệt nguy hiểm ở phụ nữ có thai... trường hợp chảy máu thường tử vong rất nhanh.
  • Thể đậu mùa nhẹ: tỷ lệ tử vong dưới 1%, do Variola minor gây bệnh, triệu chứng phát ban vẫn xảy ra tương tự như ở thể bệnh nặng nhưng phản ứng toàn thân của thể bệnh nhẹ xảy ra ít nghiêm trọng hơn và hiếm gây chảy máu.

Tìm hiểu bệnh đậu mùa và cách chữa trị sẽ giúp chúng ta chủ động hơn khi căn bệnh nguy hiểm này quay trở lại gây bệnh cho người.

Xem ngay: Câu chuyện về đậu mùa - Từ dịch bệnh đến vắc-xin

2. Khả năng tồn tại của vi rút đậu mùa

Vi rút đậu mùa là vi rút có sức đề kháng rất cao, ở vảy mụn khô và ở nhiệt độ phòng, vi rút sống được nhiều tháng, nhưng lại rất dễ bị bất hoạt bởi các chất diệt khuẩn, nhiệt độ trên 55 độ C và tia tử ngoại. Vi rút đậu mùa có thể tồn tại lâu dài trong điều kiện đông khô hoặc khi được bảo quản trong glycerin. Trên thực tế lâm sàng, ổ chứa vi rút đậu mùa duy nhất là ở bệnh nhân nhiễm bệnh.

Bệnh đậu mùa sẽ ủ bệnh từ 7 - 19 ngày, thường từ 10 - 14 ngày bệnh sẽ bắt đầu và từ 2 - 4 ngày sau đó sẽ phát ban. Bệnh đậu mùa lây từ lúc xuất hiện tổn thương sớm nhất đến khi tổn thương sắp khỏi, thời gian khoảng 3 tuần. Tuy nhiên khả năng lây nhiều nhất vào tuần đầu của bệnh.

Vi rút đậu mùa lây truyền qua đường hô hấp thông qua những giọt nước bọt hoặc tiêm chích trên da nhiễm Variola virus, đôi khi vi rút còn vào cơ thể gây bệnh qua kết mạc mắt hoặc rau thai.

3. Cách chữa bệnh đậu mùa nhanh nhất

Hiện nay, các chuyên gia y tế vẫn chưa tìm ra được cách chữa bệnh đậu mùa đặc hiệu. Do đó, cách chữa bệnh đậu mùa nhanh nhất là tập trung chủ yếu vào việc làm thuyên giảm các dấu hiệu của bệnh đậu mùa, đồng thời hạn chế tối đa rủi ro mất nước. Khi tình trạng nhiễm trùng đậu mùa phát triển nghiêm trọng, bệnh nhân có thể phải điều trị bằng thuốc kháng virus. Các chuyên gia vẫn đang nghiên cứu thêm các loại thuốc kháng virus đặc hiệu để chữa bệnh đậu mùa, trong đó hoạt chất Cidofovir hiện đang được đánh giá cao về triển vọng mang lại hiệu quả đối với virus gây bệnh đậu mùa.

Người bệnh khi nhiễm virus đậu mùa cần đến cơ sở y tế ngay để được các bác sĩ thăm khám để tìm ra phương pháp điều trị. Cách chữa bệnh đậu mùa là dùng thuốc sát khuẩn nhẹ ở mắt, mũi, họng cho bệnh nhân, đặc biệt chú ý trong thời kỳ khởi phát và phát ban. Có thể sử dụng kháng sinh thích hợp chống bội nhiễm và các thuốc điều trị các triệu chứng, thuốc bổ trợ cho bệnh nhân. Để đảm bảo bệnh tình được thuyên giảm tốt và an toàn trong quá trình điều trị, người bệnh cần lưu ý các vấn đề sau:

  • Bệnh nhân nên mặc quần áo rộng rãi, chất liệu vải mềm mịn và dễ thấm hút mồ hôi, tránh làm vỡ các nốt mụn nước, tránh ra gió;
  • Không gãi hay chạm vào các nốt mụn nước, tránh để dịch lây lan ra nhiều hơn.
  • Giữ gìn vệ sinh cơ thể sạch sẽ, dùng nước ấm để tắm thật nhẹ nhàng, không tắm bằng nước quá lạnh hoặc nước quá nóng;
  • Cách ly nghiêm ngặt đường hô hấp của bệnh nhân trong thời kỳ khởi phát và suốt thời kỳ phát ban, khoảng 3 tuần;
  • Khi mụn nước vỡ ra, sử dụng dung dịch xanh Methylen bôi lên, không dùng thuốc mỡ Tetaxilin, Penixilin hay thuốc đỏ, không dùng kem trị ngứa có chứa Phenol cho trẻ dưới 6 tháng tuổi và phụ nữ mang thai.
  • Người tiếp xúc với bệnh nhân phải được giám sát chặt chẽ và theo dõi nhiệt độ hàng ngày, nếu nhiệt độ tăng phải được cách ly ngay.

Ngoài ra, việc tiêm vắc xin trong vòng 3−4 ngày kể từ khi tiếp xúc với virus đậu mùa có thể ngăn chặn bệnh phát triển hoặc giúp giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan