Cách chữa bệnh suy giáp

Bệnh suy giáp là một căn bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm đang ngày càng trở nên phổ biến. Tuy không thể điều trị được khỏi hoàn toàn nhưng vẫn có rất nhiều cách chữa bệnh suy giáp hiệu quả và hạn chế tối đa được biến chứng của bệnh. Người bệnh cần phải lạc quan và kiên trì trong quá trình điều trị

1. Suy giáp là bệnh gì?

Suy giáp hay còn gọi là nhược giáp - là tình trạng tuyến giáp không sản sinh ra đủ hormon giáp cho cơ thể. Sau một khoảng thời gian, nếu suy giáp không được điều trị thì sẽ gây ra một số vấn đề về sức khỏe như đau nhức xương khớp, béo phì, vô sinh và có thể mắc các bệnh liên quan đến tim mạch.

Vì tuyến giáp có trách nhiệm cung cấp năng lượng gần như cho tất cả mọi cơ quan trong cơ thể. Nó có chức năng kiểm soát hệ tim mạch và hệ tiêu hóa. Thế nên khi không được cung cấp đủ lượng hormone tuyến giáp thì các chức năng trong cơ thể sẽ bắt đầu hoạt động chậm lại.

Bệnh suy giáp thường sẽ ảnh hưởng đến nữ giới nhiều hơn nam giới. Những người mắc bệnh thường là những người trên 60 tuổi, tuy nhiên hiện nay thì có thể bắt gặp tình trạng bệnh ở bất kỳ lứa tuổi nào.

2. Các triệu chứng của bệnh suy giáp

Mỗi người khác nhau sẽ có những dấu hiệu và triệu chứng mắc bệnh khác nhau. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh thì thời gian triệu chứng xuất hiện và xuất hiện như thế nào cũng rất khó xác định được. Dưới đây là một số triệu chứng mà được báo cáo là thường gặp nhất:

  • Dấu hiệu chung: cơ thể mệt mỏi, uể oải, tăng cân nhẹ, mất tập trung, hay quên, chậm chạp, trầm cảm và có cảm giác sợ lạnh.
  • Da: giảm khả năng tiết mồ hôi, da trở nên khô và dày hơn. Đồng thời, tóc bị rụng, trở nên khô xơ, lông mày cũng có thể bị biến mất và móng tay bị giòn hơn.
  • Mắt: Bệnh suy giáp có thể khiến cho mắt bị sưng nhẹ vùng xung quanh. Hầu như mọi người bị suy giáp sau khi điều trị cường giáp đều còn lại một số triệu chứng như chuyển động mắt kém, lồi mắt.
  • Tim mạch: nhịp tim bị chậm và bị giảm đi khả năng co bóp của tim. Triệu chứng này sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn với những người đã có sẵn bệnh lý về tim mạch. Ngoài ra, người bệnh còn có thể bị tăng huyết áp và tăng nồng độ cholesterol trong máu.
  • Hệ hô hấp: làm suy yếu cơ hô hấp, suy giảm chức năng của phổi. Các triệu chứng bao gồm mệt mỏi, khó thở khi vận động mạnh hoặc khi tập thể dục. Ngoài ra, người bệnh còn có thể xảy ra hiện tượng lưỡi to, giọng khàn và ngưng thở khi ngủ - đây là tình trạng tắc nghẽn đường thở trong lúc ngủ, làm chất lượng giấc ngủ bị suy giảm khiến buồn ngủ vào ban ngày.
  • Hệ tiêu hóa: làm chậm các hoạt động của đường tiêu hóa, khiến bị táo bón
  • Hệ thống sinh sản: khiến cho kinh nguyệt không đều, gây khó khăn khi mang thai và thường bị sảy thai trong những tháng đầu tiên của thai kỳ.
  • Hôn mê: nếu bị suy giáp nặng có thể khiến cho cơ thể bị mất ý thức, hạ thân nhiệt.

3. Cách chữa bệnh suy giáp hiệu quả

Bệnh suy giáp gây ra nhiều triệu chứng nguy hiểm và hầu như khó có khả năng hồi phục như: lồi mắt, suy tim, nhồi máu cơ tim, vô sinh, ... . Tuy nhiên với sự phát triển của y học hiện đại ngày nay thì có rất nhiều cách chữa suy giáp hiệu quả và làm giảm đi các biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Vì suy giáp là tình trạng thiếu hụt lượng hormon giáp nên sử dụng hormon thay thế là biện pháp chính trong cách chữa bệnh suy giáp:

  • Hormon thay thế là loại thuốc có tính chất tương đồng với lượng hormon mà chính tuyến giáp gây ra. Thuốc này sẽ giúp bù đắp lại lượng hormon mà bị thiếu, giúp cân bằng lại cơ thể và làm giảm đi các triệu chứng của căn bệnh này.
  • Các thuốc thay thế hormon thông thường sẽ được uống vào lúc sáng, trước bữa ăn. Ngoài ra có một số loại thuốc được sử dụng theo dạng tiêm, phụ thuộc vào sự chỉ định của bác sĩ.
  • Ở giai đoạn đầu điều trị, người bệnh sẽ được tái khám sau khoảng 6-8 tuần và thực hiện các xét nghiệm máu để xem xét được các hiệu quả ban đầu để điều chỉnh lượng thuốc nếu cần thiết. Khi có được liều lượng điều trị phù hợp thì bác sĩ có thể giảm tần suất tái khám của người bệnh xuống còn khoảng 6 tháng/lần hoặc một năm/lần.
  • Người bệnh cần phải tuân thủ đúng việc sử dụng thuốc điều trị suy giáp để có thể kiểm soát tối ưu bệnh.
  • Một số loại thuốc thay thế hormon được sử dụng phổ biến cho người trưởng thành bao gồm: Liothyronine, Levothyroxine, Liotrix, ... . Số lần sử dụng thuốc sẽ phụ thuộc vào thời gian có tác dụng của thuốc. Ví dụ, thuốc Levothyroxin có thời gian hiệu quả dài nên chỉ cần sử dụng 1 lần/ngày, với các thuốc có tác dụng ngắn hơn thì số lần sử dụng trong ngày cũng sẽ nhiều hơn. Ngoài ra, thuốc Liothyronin (L-T3) vì có tác dụng nhanh nên thường được dùng khi những người suy giáp rơi vào trạng thái hôn mê.
  • Với trường hợp trẻ bị suy giáp bẩm sinh thì bệnh sẽ có biểu hiện ngay từ khi còn đang bú mẹ hoặc ở độ tuổi thanh thiếu niên. Với trường hợp này thì thuốc Thyroxin là nhóm thuốc được áp dụng chủ yếu. Vì là trẻ nhỏ nên việc điều trị thường khó khăn hơn người lớn và cần phải có được sự phối hợp giữa bố mẹ và các bác sĩ. Phụ huynh cần phải thông báo ngay cho bác sĩ khi thấy trẻ có các biểu hiện sau: đổ nhiều mồ hôi, khó ngủ, kích động, tiêu chảy, nôn, tim đập nhanh. Đồng thời, trẻ em luôn phải được theo dõi thường xuyên, nhất là trong giai đoạn 1 năm đầu điều trị và cần phải tái khám lại sau 3 tháng.

Ngoài ra, chỉ một số ít trường hợp sử dụng các loại thuốc kháng giáp tổng hợp bị tai biến hoặc suy giáp thoáng qua, tình trạng viêm giáp sẽ có khả năng tự phục hồi cao và hầu như không cần phải điều trị.

4. Một số lưu ý trong quá trình điều trị bệnh suy giáp

Trong khi sử dụng các thuốc hormon thay thế, người bệnh sẽ có thể bị xuất hiện một số tác dụng phụ không mong muốn do thuốc. Vì thế, để có thể đạt được kết quả điều trị tốt nhất thì người bệnh cần phải tuân thủ đúng chế độ dùng thuốc của bác sĩ điều trị và cần phải lưu ý những điều sau:

  • Tuyệt đối không được tự ý sử dụng quá liều đã kê, vì nếu sử dụng quá liều thì sẽ có các tác dụng phụ như căng thẳng, run chân tay, rối loạn thần kinh, loãng xương, ...
  • Thực hiện lối sống lành mạnh, cân bằng các chất dinh dưỡng từ chế độ ăn: chất béo, tinh bột, khoáng chất, vitamin. Người bệnh nên ăn các loại ngũ cốc như: sắn, cơm, ngô, khoai, đậu (trừ đậu nành). Đồng thời tránh sử dụng các loại thực phẩm như: đường kính, đường nhân tạo, bánh kẹo ngọt, đồ ăn nhiều dầu mỡ.
  • Thực hiện chế độ sinh hoạt lành mạnh, thường xuyên tập thể dục thể thao, ngủ đủ giấc và hạn chế thức khuya.

5. Các cách phòng chống bệnh suy giáp đơn giản và hiệu quả

Vì nguyên nhân dẫn đến mắc bệnh suy tuyến giáp rất đa dạng nên sẽ cần phải chú ý đến những cách phòng tránh bệnh. Dưới đây là một số biện pháp ngăn ngừa bệnh suy giáp cho những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh:

  • Người chưa xuất hiện các triệu chứng của bệnh suy giáp nhưng trong kết quả xét nghiệm có anti - TPO trong máu tăng thì cần phải được theo dõi chặt chẽ và thường xuyên thực hiện các xét nghiệm mỗi năm để giảm đi nguy cơ mắc bệnh suy giáp.
  • Suy giáp trong khi mang thai sẽ rất nguy hiểm và gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của cả mẹ và bé. Vì vậy, với những người phụ nữ đang trong độ tuổi sinh nở mà có ý định mang thai thì cần phải thực hiện các xét nghiệm để có thể chẩn đoán và phát hiện ra bệnh kịp thời.
  • Với những người có tiền sử bị mất máu quá nhiều khi sinh thì cần phải thăm khám thường xuyên để phát hiện ra được hội chứng Sheehan.
  • Nếu người mẹ bị suy giáp khi sinh con thì trẻ sơ sinh cần phải được làm xét nghiệm máu từ ngay những ngày đầu mới ra đời để có thể sớm phát hiện được bệnh suy giáp nếu mắc từ người mẹ.
  • Những cặp vợ chồng vô sinh cũng nên làm xét nghiệm hormon tuyến giáp.
  • Thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học là một cách phòng ngừa hữu ích nhất, giúp cải thiện tình trạng sức khỏe chung và làm giảm đi nguy cơ bị suy giáp.

Suy giáp là một căn bệnh cần phải điều trị kéo dài và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Hy vọng với những thông tin chia sẻ trên sẽ giúp cho bạn trang bị thêm cho mình kiến thức về các cách chữa bệnh suy giáp và điều chỉnh lối sống của mình trở nên lành mạnh để đẩy lùi căn bệnh suy giáp. Chúc cho sức khỏe của bạn luôn tốt!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan