Cách chữa nổi mề đay hiệu quả

Nổi mề đay là những mảng đỏ hoặc đốm nổi gồ trên da. Chúng là một dạng sưng tấy trên bề mặt da và xảy ra khi cơ thể bạn có phản ứng với chất gây dị ứng là những protein vô hại đối với nhiều người nhưng lại gây ra phản ứng dị ứng ở những cơ địa nhạy cảm. Các phản ứng dị ứng này thường lành tính dạng mề đay hoặc có thể dẫn nguy hiểm tính mạng như sốc phản vệ. Cùng tìm hiểu cách chữa nổi mề đay trong bài viết dưới đây.

1. Mề đay là gì?

Mề đay là một dạng phát ban có dạng những mảng đỏ hoặc đốm nổi gồ lên trên da, kích thước từ vài mi-li-mét (mm) đến cỡ bàn tay, có thể kèm ngứa. Nó có thể xuất hiện trên một phần trên cơ thể hoặc lan rộng.

Mề đay thường lắng xuống trong vòng vài ngày.

Các loại mề đay:

  • Mề đay cấp tính: Thường khỏi hẳn hoàn toàn trong vòng 6 tuần.
  • Mề đay mạn tính: Trong một số trường hợp hiếm hơn, mề đay vẫn tồn tại hoặc biến mất sau hơn 6 tuần.
  • Mề đay dạng viêm mạch: một loại mề đay hiếm gặp hơn, có thể khiến các mạch máu bên trong da bị viêm. Trong những trường hợp này, tổn thương thường kéo dài hơn 24 giờ, đau hơn và có thể để lại vết bầm.

2. Nguyên nhân gây mề đay

Bất kỳ ai cũng có thể bị nổi mề đay. Nếu có tiền sử dị ứng với nhiều loại chất gây dị ứng, bạn có thể bị nổi mề đay thường xuyên hơn.

Nhiều nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ giữa nổi mề đay cấp tính với các tình trạng như hen suyễn, viêm mũi dị ứngviêm da dị ứng, đặc biệt là ở trẻ em. Vì vậy, khi có tiền căn các bệnh kể trên, bạn có khả năng dễ bị nổi mề đay hơn.

Mề đay xảy ra khi có một tác nhân bên ngoài cơ thể kích hoạt hệ thống miễn dịch giải phóng lượng lớn histamine và các chất dẫn truyền hóa học khác trên da. Những chất này làm cho các mạch máu ở vùng da bị ảnh hưởng giãn ra (thường dẫn đến đỏ hoặc hồng) và bị rò rỉ, khiến các chất dẫn truyền hóa học giải phóng vào trong các mô gây ra sưng tấy và ngứa ngáy.

Histamine được giải phóng vì nhiều lý do, bao gồm:

  • Phản ứng dị ứng như dị ứng thực phẩm hoặc phản ứng với vết cắn hoặc vết đốt của côn trùng.
  • Tiếp xúc với nhiệt hoặc lạnh.
  • Nhiễm trùng, chẳng hạn như cảm lạnh.
  • Một số loại thuốc như thuốc chống viêm không steroid (NSAID) hoặc thuốc kháng sinh.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp nổi mề đay mà không tìm được nguyên nhân rõ ràng. Một số trường hợp nổi mề đay lâu ngày có thể do hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các mô lành gây giải phóng histamin và các chất hóa học. Các trường hợp này thường khó chẩn đoán nhưng các lựa chọn điều trị đều giống nhau.

Một số tác nhân nhất định cũng có thể làm cho các triệu chứng nặng nề hơn và bạn cần tránh nếu bị mề đay bao gồm: Uống rượu, uống caffein, căng thẳng cảm xúc, nhiệt độ ấm.

3. Biến chứng mề đay

Khoảng 1/4 số người bị mày đay cấp tính và một nửa số người bị mày đay mạn tính có thể phát triển thành phù mạch, đây là tình trạng sưng sâu hơn của các mô.

Nếu một người đang nổi mề đay, họ cần phải lưu ý về bất kỳ triệu chứng nào khác nghi ngờ phản ứng phản vệ nặng. Bởi vì bất kì ai bị phản ứng dị ứng cấp tính nghiêm trọng đều có thể biểu hiện bằng mề đay và đi kèm với các tổn thương cơ quan khác như phù nề đường hô hấp gây tắc đường thở, hoặc trụy tim mạch được gọi là sốc phản vệ. Các phản ứng phản vệ nặng có thể diễn tiến nhanh trong vài phút dẫn đến tử vong. Vì vậy, bạn cần đến khám tại các cơ sở y tế ngay khi nổi mề đay và đi kèm với những triệu chứng dưới đây như:

  • Buồn nôn và ói mửa.
  • Tiêu lỏng.
  • Sưng niêm mạc trong miệng, lưỡi, môi và cổ họng gây khó thở, tím tái.
  • Lạnh, da nổi bông.
  • Nhịp tim nhanh.
  • Ngất xỉu hoặc choáng váng.
  • Một cảm giác lo lắng dữ dội đột ngột bất ngờ.

4. Nổi mề đay chữa thế nào?

Hầu hết các trường hợp, không cần điều trị mề đay, vì sang thương da thường thuyên giảm trong vài ngày. Tuy nhiên, nếu mề đay ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của bạn thì có thể tham khảo cách chữa nổi mề đay dưới đây:

  • Thuốc kháng histamine: Nếu tình trạng ngứa ngáy khiến bạn khó chịu, hãy tư vấn ý kiến bác sĩ, dược sĩ để sử dụng thuốc kháng histamine.
  • Steroid uống: Đôi khi có thể cần một đợt ngắn thuốc viên steroid (corticosteroid uống) đối với những trường hợp mày đay nặng và kéo dài.

Mề đay mạn tính cũng có thể gây khó chịu và tác động tiêu cực đến tâm trạng, chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì vậy, nếu bị nổi mề đay dai dẳng, bạn hãy thăm khám bác sĩ da liễu. Điều trị thường bao gồm thuốc để làm giảm các triệu chứng, đồng thời xét nghiệm dị ứng để xác định và tránh các tác nhân tiềm ẩn.

Phù mạch là tình trạng sưng tấy ở các lớp sâu hơn trên da, một biến chứng của mề đay nếu không được điều trị đúng cách. Nó thường nghiêm trọng và gây ra bởi sự tích tụ của chất lỏng. Các triệu chứng của phù mạch có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, nhưng thường ảnh hưởng đến da bộ phận sinh dục, da vùng tay chân. Có thể dùng thuốc kháng histamine và các đợt uống corticosteroid ngắn ngày (viên nén) để giảm sưng.

Các mẹo để giảm các triệu chứng, cách chữa nổi mề đay tại nhà bao gồm:

  • Sử dụng kem dưỡng da làm dịu hoặc chườm mát để giảm ngứa.
  • Mặc quần áo loại cotton rộng rãi, thoáng mát.
  • Tránh gãi gây trầy xước.
  • Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
  • Ngưng tiếp xúc với các yếu tố kích hoạt dị ứng đã biết.
  • Chọn xà phòng, kem dưỡng ẩm và mỹ phẩm sử dụng cho da nhạy cảm.

5. Khi nào nên gặp bác sĩ?

Nổi mề đay có thể thuyên giảm mà không cần điều trị. Bạn cần gặp nhân viên y tế để chữa nổi mề đay khi:

  • Các dấu hiệu của sốc phản vệ, bao gồm thở khò khè, khó thở hoặc nôn mửa khi đang nổi mề đay.
  • Sưng môi hoặc mặt.
  • Ngứa dữ dội, có thể khiến bạn không ngủ được.
  • Các vết sưng có biểu hiện nhiễm trùng như đỏ, sưng tấy hoặc có mủ.
  • Nổi mề đay hoặc sưng tấy kéo dài hơn một tuần.
  • Tổn thương tái phát (tái phát liên tục vài tháng một lần).

Nổi mề đay là một tổn thương trên da có dạng các mảng da ngứa, nổi gồ lên và đổi màu. Tình trạng này có thể do nguyên nhân dị ứng hoặc không dị ứng. Những người gặp phải tình trạng nổi mề đay có thể làm giảm các triệu chứng hoặc chữa nổi mề đay khỏi hoàn toàn bằng các biện pháp và thuốc tại nhà. Tình trạng này có thể dẫn đến các biến chứng sức khỏe khác nên người bệnh cần tìm kiếm sự trợ giúp y tế nếu bị nổi mề đay nghiêm trọng hoặc kéo dài.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan