Cách nhận biết triệu chứng suy giáp trên người trưởng thành

Bài viết được viết bởi BS. Dương Cao Cường - Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Suy giáp là căn bệnh khá nguy hiểm gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng ở cả trẻ nhỏ và người lớn. Triệu chứng của bệnh thay đổi từ nhẹ không có triệu chứng ở những bệnh nhân suy giáp nhẹ đến phù niêm rõ, tùy theo khởi phát bệnh nhanh hay chậm, thời gian mắc và độ nặng của suy giáp.

1. Suy giáp là gì?

Suy giáp là hội chứng lâm sàng do sự thiếu hormone tuyến giáp, gây giảm toàn thể quá trình chuyển hóa của cơ thể. Suy giáp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ gây ra chậm tăng trưởng, chậm phát triển trí tuệ. Bệnh xảy ra ở 1% dân số chung, khoảng 5% trên nhóm người hơn 60 tuổi. Tỉ lệ giữa nam: nữ là 1:4 đối với suy giáp nguyên phát, riêng trong suy giáp thứ phát không có sự khác biệt về giới.

2. Các nguyên nhân gây suy giáp là gì?

Các nguyên nhân gây suy giáp thường được chia thành 3 nhóm chính như sau:

2.1. Suy giáp nguyên phát

Là bệnh lý do suy tại tuyến giáp, chiếm > 90% các trường hợp suy giáp.

  • Tự miễn: viêm giáp mạn tính Hashimoto, viêm gan C mạn gia tăng nguy cơ viêm tuyến giáp tự miễna
  • Suy giáp thoáng qua do viêm giáp sau sinh và viêm giáp siêu vi bán cấp (De Quervain)
  • Do điều trị: sau điều trị kháng giáp tổng hợp/xạ trị/phẫu thuật cắt tuyến giáp.
  • Chiếu xạ từ ngoài gặp trong nhiễm phóng xạ, xạ trị khác ở vùng cổ
  • Do thuốc: amiodarone, thuốc cản quang có Iod, lithium, thionamides, interferon α/β, sulfonamides...
  • Thiếu Iod địa phương
  • Do thức ăn có chất sinh bướu ở vùng thiếu Iod
  • Bẩm sinh: bất thường men tổng hợp tại tuyến giáp, không có tuyến giáp, khiếm khuyết quá trình hữu cơ hóa Iod, đề kháng hormone giáp ở ngoại biên.
  • Bệnh hệ thống làm thâm nhiễm tuyến giáp: amyloidosis, sarcoidosis, xơ cứng bì,...
  • Bệnh tăng sinh, ung thư: lymphoma xâm lấn mô tuyến.
Bệnh nhân cần uống thuốc đều đặn
Một số loại thuốc có thể gây tình trạng suy giáp

2.2 Suy giáp thứ phát

Giảm tiết TSH do nguyên nhân tại tuyến yên.

  • Suy tuyến yên do phẫu thuật hoặc xạ trị khối u tuyến yên hoặc sau chấn thương
  • Suy tuyến yên toàn bộ trong hội chứng Sheehan (tuyến yên bị thiếu máu tại chỗ, hoại tử vô trùng), hay các bệnh hệ thống thâm nhiễm tuyến yên
  • Suy giáp đệ tam cấp

Do rối loạn chức năng vùng dưới đồi, là nguyên nhân hiếm gặp.

3. Cách nhận biết các triệu chứng suy giáp trên người trưởng thành thế nào?


Triệu chứng chính của suy giáp là những biểu hiện của tình trạng giảm chuyển hóa, thể hiện ở da niêm, cơ, tim mạch, thần kinh, nội tiết. Biểu hiện triệu chứng thay đổi từ nhẹ không có triệu chứng ở những bệnh nhân suy giáp nhẹ đến phù niêm rõ, tùy theo khởi phát bệnh nhanh hay chậm, thời gian mắc và độ nặng của suy giáp. Bướu giáp có hiện diện cùng hay không còn tùy nguyên nhân.

3.1 Triệu chứng da niêm

  • Mặt tròn múp míp, ít biểu cảm;
  • Trán nhiều nếp nhăn, trông “già trước tuổi”;
  • Mi mắt rõ ở mi dưới như mọng nước;
  • Nửa ngoài chân mày thưa hoặc rụng hết (dấu hiệu “đuôi chân mày”);
  • Gò má hơi tím, thấy rõ mao mạch li ti dưới da;
  • Môi dầy tím tái;
  • Da thường khô thô, bong vảy và vàng bủng. Da tay chân lạnh, đôi khi tím. Lòng bàn chân, bàn tay có màu vàng (xanthoderma);
  • Phù cứng da niêm;
  • Lông tóc khô, dễ rụng;
  • Móng tay, móng chân có vạch, giòn, dễ gãy;
  • Bàn tay bàn chân đầy, các ngón to và dày, khó gấp ;
  • Niêm mạc lưỡi bị thâm nhiễm làm lưỡi to ra, nói khàn. Niêm mạc vòi Eustache bị thâm nhiễm gây ù tai, nghe kém. Niêm mạc mũi phù nề gây ngủ ngáy.
Rụng tóc
Lông tóc khô, dễ rụng là một trong các triệu chứng da niêm

3.2 Triệu chứng giảm chuyển hóa

  • Tăng cân dù ăn uống ít, có tình trạng giả phì đại cơ;
  • Sợ lạnh, giảm thân nhiệt;
  • Uống ít, tiểu ít, chậm bài niệu;
  • Giảm tiết mồ hôi;
  • Giảm nhu động ruột, táo bón kéo dài;
  • Hay thấy mệt, buồn ngủ.

3.3 Triệu chứng tim mạch

  • Khó thở khi gắng sức;
  • Nhịp tim chậm < 60 /phút;
  • Thất giảm co thắt và gia tăng kháng lực ngoại biên nên giảm cung lượng tim, nhưng hiếm thấy suy tim sung huyết và phù phổi;
  • Huyết áp tâm thu thấp, có thể tăng huyết áp tâm trương;
  • Thâm nhiễm ứ dịch có thể gây tràn dịch màng tim (có thể cả màng phổi, màng bụng, khớp) nên diện đục tim to, mỏm tim đập yếu, nghe tiếng tim mờ;
  • Đau vùng trước tim hay cơn đau thắt ngực: vẫn còn tranh cãi về suy giáp gây ra bệnh mạch vành. Nhưng bệnh mạch vành rất thường gặp ở bệnh nhân suy giáp, có lẽ liên quan đến tăng cholesterol toàn phần, LDL-cholesterol và những yếu tố sinh xơ vữa khác như homocystein, lipoprotein A. Ở người có cơn đau thắt ngực, suy giáp có vẻ bảo vệ tim tránh stress thiếu máu cục bộ, và thời điểm khởi trị hormone thay thế có thể làm nặng thêm cơn đau ngực do tăng tiêu thụ oxy cơ tim.

3.4 Triệu chứng ở phổi

Thở chậm và nông. Giảm đáp ứng thông khí khi bị tăng than khí hay thiếu oxy. Người bệnh phù niêm nặng rất dễ bị suy hô hấp.

3.5 Triệu chứng ở thận

Giảm độ lọc cầu thận, giảm đào thải nước dư, nên dễ làm người bệnh bị hạ natri máu do ngộ độc nước nếu dùng quá nhiều nước tự do

3.6 Triệu chứng thần kinh-cơ

  • Co thắt cơ (vọp bẻ), đau cơ, dị cảm, hoặc đau khớp
  • Giả phì đại cơ do thâm nhiễm dạng nhày
  • Giảm phản xạ gân cơ
  • Tăng mắc hội chứng ống cổ tay/cổ chân
Đau khớp ngón tay
Người bệnh có thể gặp tình trạng đau khớp và tăng mắc hội chứng ống cổ tay

3.7 Triệu chứng tâm thần

  • Trạng thái thờ ơ, trầm cảm, vô cảm
  • Giảm hoạt động trí óc và sinh dục

3.8 Triệu chứng hệ sinh dục

Giảm chuyển tiền chất của estrogen thành estrogen, ảnh hưởng đến bài tiết FSH, LH đến chu kỳ phóng noãn và thụ thai. Biểu hiện lâm sàng thường là rong kinh, nhưng một số lại gặp hội chứng mất kinh-chảy sữa-giảm tình dục. Nam giới giảm ham muốn và rối loạn cương dương.

3.9 Thiếu máu

Có 4 nguyên nhân góp phần gây thiếu máu: giảm tổng hợp Hb do thiếu thyroxin, thiếu sắt do tăng mất bởi rong kinh, thiếu folate do ruột giảm hấp thu acid folic, thiếu máu ác tính (thiếu máu hồng cầu to do thiếu B12)b.

Để sớm phát hiện bệnh, bạn nên kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có các gói Khám sức khỏe tổng quát phù hợp với từng độ tuổi, giới tính và nhu cầu riêng của quý khách hàng với chính sách giá hợp lý, bao gồm:

Kết quả khám của người bệnh sẽ được trả về tận nhà. Sau khi nhận được kết quả khám sức khỏe tổng quát, nếu phát hiện các bệnh lý cần khám và điều trị chuyên sâu, Quý khách có thể sử dụng dịch vụ từ các chuyên khoa khác ngay tại Bệnh viện với chất lượng điều trị và dịch vụ khách hàng vượt trội.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Jameson J. Larry, Weetman Anthony P (2010). Disorders of the Thyroid Gland.

Harrison’s Endocrinology. 2nd Edit: 62-98; McGraw-Hill Companies, Inc.

  1. Asit A, A practical manual of Thyroid and Parathyroid glands,1stedit. 2010, Blackwell.
  2. Mai Thế Trạch, Nguyễn Thy Khuê–Nội Tiết học Đại Cương, lần 3, 2007, Nhà Xuất bản Y Học.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan