Chẩn đoán bệnh phổi kẽ lan tỏa

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Viết Thụ - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Ths.Bs Nguyễn Viết Thụ đã có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, nguyên là Thư ký Chẩn đoán hình ảnh Hà Nội, chỉ đạo tuyến dưới về chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh.

Bệnh phổi kẽ lan toả là nhóm các rối loạn phổi làm tổn thương đến mô kẽ, đây là mô liên kết hình thành nên cấu trúc hỗ trợ cho các phế nang trong phổi. Để chẩn đoán bệnh phổi kẽ lan tỏa, người bệnh cần phải thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán khác nhau nhằm xác định nguyên nhân và giai đoạn của bệnh.

1. Bệnh phổi kẽ lan tỏa là gì?

Bệnh phổi kẽ lan toả (tên tiếng Anh là Diffuse interstitial lung disease và viết tắt là DILD) là một nhóm các rối loạn ảnh hưởng đến mô liên kết (kẽ), đây là mô liên kết hình thành nên cấu trúc hỗ trợ cho các phế nang trong phổi.

Trong phổi bình thường, phế nang chứa đầy không khí trong quá trình hít vào. Quá trình trao đổi khí diễn ra tại phế nang, là sự khuyếch tán khí oxy (O2) từ phế nang vào mao mạch phổi và carbon dioxide (CO2) theo chiều ngược lại, sau đó CO2 đi ra ngoài cơ thể khi bạn thở ra. Khi bị ảnh hưởng bởi bệnh phổi kẽ lan toả, các mô hỗ trợ phế nang bị viêm và cứng, khiến cho phế nang khó có thể mở rộng hoàn toàn. Các kẽ bất thường này tác động đến việc cung cấp oxy cho cơ thể và loại bỏ carbon dioxide khỏi cơ thể. Khi bệnh phổi kẽ tiến triển, các mô hỗ trợ hình thành sẹo và làm dày các thành phế nang, làm giảm thêm chức năng phổi. Trong một số trường hợp, tổn thương viêm có thể bị giới hạn ở một hoặc nhiều khu vực của phổi, một số trường hợp tổn thương viêm lan tỏa xảy ra ở cả hai phổi.

Bệnh phổi kẽ lan toả có thể được phân loại dựa trên nguyên nhân, liên quan đến các bệnh khác hoặc bệnh lý mắc phải. Bệnh phổi kẽ lan toả có thể liên quan đến các bệnh tự miễn hoặc viêm như:

  • Viêm khớp dạng thấp (Rheumatoid Arthritis)
  • Xơ cứng bì hệ thống (Systemic sclerosis)
  • Viêm đa cơ (Polymyositis) và viêm bì cơ (Dermatomyositis)
  • Lupus ban đỏ hệ thống (SLE)
  • Bệnh viêm ruột (bệnh Crohn, viêm loét đại tràng)

Nó cũng có thể được gây ra do tiếp xúc với thuốc, chẳng hạn như:

  • Hóa trị liệu
  • Thuốc chống loạn nhịp (dùng để điều trị nhịp tim không đều)
  • Statin (dùng để hạ cholesterol máu)
  • Kháng sinh

Bệnh phổi kẽ lan toả cũng có thể xuất phát từ việc hít phải các chất, như:

  • Amiăng
  • Silica
  • Hóa chất
  • Protein động vật
  • Khói

Bệnh phổi kẽ lan toả liên quan đến việc hít phải khói thuốc lá có thể xảy ra khi đường hô hấp bị tổn thương như bệnh phổi tiểu phế quản mô kẽ (bronchiolitis-interstitial lung disease) và viêm phổi kẽ bong vảy (Desquamative Interstitial Pneumonia – DIP).

Trong một số trường hợp, bệnh phổi kẽ lan toả có thể liên quan đến một tập hợp các tế bào viêm (u hạt), như trong bệnh sarcoidosis.

chan-doan-benh-phoi-ke-lan-toa-1
Bệnh phổi kẽ lan tỏa có thể do khói thuốc lá

Các bệnh khác liên quan đến tình trạng viêm bao gồm xơ phổi tự phát (Idiopathic pulmonary fibrosis - IPF), viêm phổi mô kẽ thông thường (Usual interstitial pneumonia - UIP), viêm phổi kẽ cấp tính (Acute Interstitial Pneumonia - AIP), viêm phổi tổ chức hóa vô căn (Cryptogenic organizing pneumonia - COP) và viêm phổi mô kẽ không đặc hiệu (Non-specific interstitial pneumonia - NSIP).

Ngoài ra, còn có nhiều nguyên nhân khác gây ra bệnh phổi kẽ lan toả. Trong một số trường hợp, nguyên nhân của bệnh lý này cũng không được tìm ra. Đôi khi, bệnh phổi kẽ lan toả có liên quan đến nguyên nhân gia đình hoặc một số bệnh lý di truyền cụ thể.

Các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh phổi kẽ lan tỏakhó thở và ho khan. Khi bệnh tiến triển, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như giảm cân, đau cơ và khớp, mệt mỏi cũng có thể xảy ra. Ở giai đoạn tiến triển nặng hơn, người bệnh có thể xuất hiện tim to, phì đại đầu ngón tay, tím tái ở môi, da xanh và móng tay giòn dễ gãy do giảm nồng độ oxy trong máu). Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể gặp các triệu chứng không ở đường hô hấp, chẳng hạn như đau cơ, đau khớp, dày da, đặc biệt là khi người bệnh có bệnh tự miễn.

2. Làm thế nào được chẩn đoán và đánh giá bệnh phổi kẽ lan tỏa?

Để xác định nguyên nhân gây ra bệnh phổi kẽ lan toả, bác sĩ có thể thực hiện khám thể chất và chỉ định thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán dưới đây, bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Những xét nghiệm này có thể giúp xác định các bệnh lý tự miễn, chẳng hạn như xơ cứng bì và viêm khớp dạng thấp, đây là những bệnh có thể liên quan đến bệnh phổi kẽ lan toả.
  • Hô hấp ký (Spirometry): Đây là một kỹ thuật kiểm tra chức năng phổi, trong đó bệnh nhân thở ra nhanh và mạnh thông qua một ống nối với máy đo lượng không khí mà phổi có thể hít vào và tốc độ không khí di chuyển vào và ra khỏi phổi. Hô hấp ký có thể giúp xác định xem có vấn đề gì khi không khí đi vào phổi (giới hạn thông khí, chẳng hạn như xơ hóa) hoặc không khí đi ra khỏi phổi (tắc nghẽn, chẳng hạn như hen suyễn).
  • Độ bão hòa oxy máu mao mạch (pulse oximetry): Xét nghiệm này sử dụng một thiết bị nhỏ đặt trên đầu ngón tay để đo độ bão hòa oxy trong máu. Thiết bị này chiếu một bước sóng cụ thể của ánh sáng vào đầu ngón tay để đo lượng oxy nhưng không gây đau đớn cho người bệnh.
  • Chụp X-quang ngực: Các hình ảnh tổn thương phổi liên quan đến các loại bệnh phổi kẽ khác nhau thường được xác định trên X-quang ngực. X-quang ngực cũng có thể được sử dụng để theo dõi sự tiến triển của bệnh phổi kẽ lan toả.
chan-doan-benh-phoi-ke-lan-toa-2
Chụp X-quang ngực chẩn đoán bệnh phổi kẽ lan tỏa
  • Chụp CT phổi: Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) được sử dụng để xem chi tiết của tổ chức kẽ có thể không nhìn thấy trên chụp X quang ngực. Trong một số trường hợp, một số bệnh lý cụ thể (như xơ phổi vô căn) có thể được xác nhận dựa trên hình ảnh chụp CT, điều này giúp cho người bệnh tránh phải thực hiện sinh thiết phổi. Chụp CT cũng thường có thể giúp xác định mức độ tổn thương của phổi, hay thực hiện hướng dẫn sinh thiết khi cần thiết và giúp xác định các phương pháp điều trị thích hợp.
  • Nội soi phế quản và sinh thiết: Trong kỹ thuật này, một mẫu mô rất nhỏ được lấy ra khỏi phổi bằng một ống nhỏ, mềm dẻo được gọi là ống soi phế quản. Thiết bị này được đưa qua miệng hoặc mũi, xuống khí quản phế quản và vào phổi.
  • Phẫu thuật sinh thiết (Surgical biopsy): Người bệnh có thể cần phẫu thuật sinh thiết để lấy mẫu mô lớn hơn so với nội soi phế quản. Trong kỹ thuật này, các dụng cụ phẫu thuật và một camera nhỏ được đưa vào cơ thể thông qua hai hoặc ba vết rạch nhỏ giữa các xương sườn, cho phép bác sĩ nhìn trực tiếp và lấy mẫu mô bệnh phẩm ra khỏi phổi.

3. Điều trị bệnh phổi kẽ lan tỏa

  • Thuốc và điều trị

Khi người bệnh đã có mô sẹo phổi thì sẽ không thể đảo ngược lại trở thành mô phổi bình thường được và không có phương pháp điều trị hiện tại nào ngăn chặn sự tiến triển bệnh của bệnh phổi kẽ lan toả. Tuy nhiên, mục tiêu của thuốc và điều trị là cải thiện tạm thời các triệu chứng và có khả năng làm chậm tiến trình hiện tại ở một mức độ nào đó trong nỗ lực cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Điều trị chính của bệnh phổi kẽ lan toả bao gồm tránh tiếp xúc với các chất gây viêm, ức chế viêm bằng cách sử dụng corticosteroid toàn thân ở những bệnh nhân có triệu chứng hoặc có bệnh đang tiến triển, điều trị các biến chứng và chăm sóc hỗ trợ. Đôi khi, corticosteroid được dùng cùng với thuốc ức chế miễn dịch (ví dụ cyclosporine) là phác đồ đầu tiên mà người bệnh sử dụng, tuy nhiên, hiệu quả lâu dài vẫn chưa được chứng minh. Liệu pháp oxy hỗ trợ cho người bệnh thở và tập thể dục, nó cũng ngăn ngừa hoặc làm giảm khả năng biến chứng thứ phát sau thiếu oxy. Ngoài ra, người bệnh cần chuẩn bị bình oxy cá nhân và luôn đặt ở nhà hoặc mang theo trong người khi ra khỏi nhà.

chan-doan-benh-phoi-ke-lan-toa-3
Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
  • Phục hồi chức năng phổi

Để cải thiện và tối đa hóa chức năng trong cuộc sống hàng ngày, phục hồi chức năng phổi tập trung vào việc cải thiện sức bền để người bệnh tập thể dục, liệu pháp tâm lý và tư vấn dinh dưỡng để đảm bảo đủ lượng calo và chất dinh dưỡng.

  • Ghép tạng

Đối với những người trẻ tuổi mắc bệnh phổi kẽ nghiêm trọng hoặc không đáp ứng với điều trị thì ghép phổi có thể là một lựa chọn cuối cùng.

  • Điều chỉnh lối sống

Người bệnh nên được tư vấn về các lựa chọn để bỏ hút thuốc, bao gồm các liệu pháp và chương trình cai thuốc lá, tránh hút thuốc thụ động. Thực hiện chế độ ăn giàu dinh dưỡng có chứa lượng calo đầy đủ là bắt buộc, vì người bệnh mắc bệnh phổi dễ bị giảm cân thứ phát do đốt cháy thêm calo dành cho việc thở. Người bệnh cũng nên tiêm phòng để bảo vệ chống nhiễm trùng đường hô hấp có khả năng làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh phổi kẽ lan toả. Do đó, người bệnh nên tiêm phòng viêm phổi và tiêm phòng cúm hàng năm. Lưu ý, tránh sử dụng ma túy bất hợp pháp có thể ngăn ngừa một số bệnh phổi do thuốc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: radiologyinfo.org, uspharmacist.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan