Chọc hút khí màng phổi cấp cứu

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Phú - Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Chọc hút dẫn lưu khí màng phổi là 1 kỹ thuật quan trọng nhưng không phải khó thực hiện, là yêu cầu bắt buộc phải nắm rõ đối với các bác sĩ cấp cứu nhằm giải phóng khoang màng phổi của người bệnh khỏi sự đè ép của khí bằng cách chọc kim hoặc catheter qua thành ngực dẫn lưu khí ra ngoài, trả lại sự nguyên vẹn của khoang màng phổi, giúp phổi nở ra, phục hồi lại tình trạng hô hấp.

1. Chọc hút khí màng phổi cấp cứu là gì?

Về mặt giải phẫu, màng phổi được cấu tạo bởi 2 lá màng phổi: Lá thành và lá tạng. Lá tạng màng phổi bao bọc sát nhu mô phổi, lách vào các khe của thuỳ và phân thuỳ phổi. Lá thành màng phổi lót mặt trong của lồng ngực, liên tiếp với lá tạng ở rốn phổi. Khoang màng phổi là một khoang ảo nằm giữa lá thành và lá tạng màng phổi. Bình thường khoang màng phổi của bạn có áp lực âm (-4 đến -7 mmHg). Mỗi bên sẽ có 1 khoang màng phổi.

Tràn khí màng phổi là khi có 1 lượng khí bất thường trong khoang màng phổi, giữa phổi và thành ngực. Đây là một tình trạng rối loạn hô hấp khá phổ biến, có thể xảy ra trong nhiều bệnh cảnh lâm sàng khác nhau và gặp ở bất cứ lứa tuổi nào.

Kỹ thuật chọc hút, dẫn lưu khí màng phổi
Kỹ thuật chọc hút, dẫn lưu khí màng phổi là 1 kỹ thuật cấp cứu nhằm giải phóng khoang màng phổi khỏi sự đè ép của khí bằng cách chọc kim hoặc catheter qua thành ngực dẫn lưu khí ra ngoài, trả lại sự nguyên vẹn của khoang màng phổi, giúp phổi nở ra, phục hồi lại tình trạng hô hấp. Kỹ thuật này thường thực hiện ở các khoa cấp cứu.
Chọc hút dẫn lưu khí màng phổi
Chọc hút dẫn lưu khí màng phổi là 1 kỹ thuật quan trọng nhưng không phải khó thực hiện, là yêu cầu bắt buộc phải nắm rõ đối với các bác sĩ cấp cứu.

2. Thực hiện chọc hút khí màng phổi khi nào?

Tràn khí màng phổi tự phát: Tràn khí khoang màng phổi tự phát là tình trạng khí xuất hiện đột ngột trong khoang màng phổi do các tổn thương bệnh lý của phổi màng phổi gây ra

Tràn khí màng phổi áp lực: Tràn khí màng phổi áp lực là không khí hoặc từ phổi hoặc từ bên ngoài cơ thể, đi vào khoang màng phổi, thường là do rách phổi cho phép không khí thoát ra khoang màng phổi nhưng không trở về. Việc tích cực thông khí có thể sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Tăng áp lực trong khoang màng phổi đẩy trung thất về phía đối diện và cản trở máu tĩnh mạch trở về tim. Tình trạng này dẫn đến sự mất ổn định tuần hoàn và hô hấp.

3. Khi nào không được thực hiện chọc hút khí màng phổi?

Không có chống chỉ định tuyệt đối.

Bác sĩ có thể cân nhắc không tiến hành chọc hút khí khoang màng phổi cho người bệnh khi:

  • Tràn khí màng phổi tự phát thứ phát: Khi bạn có bệnh lý nền như COPD, hen phế quản, lao phổi...thường các bác sĩ sẽ tiến hành mở dẫn lưu khoang màng phổi cấp cứu.
  • - Tràn khí màng phổi do chấn thương không áp lực.
  • Chú ý khi có: Rối loạn đông máu: Nếu bạn có những bất thường đi kèm như giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu các bác sĩ sẽ điều điều chỉnh sớm các rối loạn nếu cần thiết.
  • Nhiễm trùng da tại vị trí dự định chọc hút khí.

4. Thực hiện chọc hút dẫn lưu khí như thế nào?

Tăng huyết áp vô căn
Trước khi thực hiện chọc hút dẫn lưu khí bệnh nhân cần làm một số kiểm tra như đo huyết áp,đo SpO2, nhịp thở

Bước 1: Chuẩn bị:

  • Người bệnh: Người bệnh sẽ được giải thích về chẩn đoán bệnh, tình trạng tổn thương, vì sao phải tiến hành thủ thuật, các lợi ích và nguy cơ. Người bệnh hoặc người thân sẽ phải ký vào phiếu đồng ý thủ thuật trước khi tiến hành, sẽ phải được chuẩn bị hồ sơ bệnh án và làm một số kiểm tra (đếm mạch, đo huyết áp, đo SpO2, nhịp thở) trước khi tiến hành thủ thuật.
  • Dụng cụ: Dung dịch sát trùng da (cồn, iod), thuốc tê tại chỗ (lidocain 2%, kim 25G, xilanh 5ml), găng, mũ, áo, khẩu trang vô trùng, toan vô trùng, dụng cụ theo dõi SpO2, kim chọc hút khí màng phổi (thường dùng 16-18G), dây dẫn gắn với khóa 3 chạc, bơm tiêm hút khí loại 50ml hoặc máy hút các bình dẫn lưu, bộ mở màng phổi (khi cần sẽ mở dẫn lưu màng phổi).
  • Ê kíp thực hiện thủ thuật: 01 bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu, 01 điều dưỡng phụ bác sĩ.

Bước 2: Các bước thực hiện thủ thuật

  • Bác sĩ sẽ đặt người bệnh nằm tư thế Fowler hoặc ngồi tựa vào ghế. Khám và xác định vị trí tràn khí cho bạn 1 lần nữa và đối chiếu với phim X quang.
  • Bác sĩ sẽ sát khuẩn vị trí chọc kim. Thường là khoang liên sườn 2 trên đường kẻ từ điểm giữa xương đòn xuống hoặc khoang liên sườn 4, hoặc 5 trên đường nách giữa của bạn.
  • Tiếp theo sẽ trải toan vô khuẩn, tiêm thuốc gây tê. Bác sĩ sẽ dùng kim luồn lớn hoặc catheter chọc thẳng góc qua vị trí vừa gây tê, sát theo bờ trên xương sườn dưới và duy trì hút chân không liên tục cho tới khi vào khoang màng phổi của bạn và thấy khí thoát ra dễ dàng. Nếu là kim luồn sẽ được rút kim sắt ra và nối với khoá 3 chạc. Trường hợp là catheter bác sĩ sẽ rút nòng kim loại ra để lại vỏ nhựa sau đó luồn ống thông mềm qua vỏ nhựa vào khoang màng phổi và rút vỏ nhựa ra, rút dây dẫn trong nòng ống thông ra, nối ống thông với khoá 3 chạc và cố định catheter.
  • Bác sĩ sẽ hút khí bằng bơm tiêm 50ml cho đến khi không còn khí ra và 3 chạc sẽ được khoá lại. Bác sĩ sẽ theo dõi bạn trong khoảng 6-8 giờ, sau đó chụp lại Xquang. Nếu hết khí và tình trạng lâm sàng của người bệnh ổn định sẽ được cho về theo dõi tại nhà. Nếu không hết khí bác sĩ sẽ tiến hành hút dẫn lưu khí liên tục và người bệnh phải nằm viện điều trị và theo dõi.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh lý thần kinh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan