Chụp cắt lớp vi tính tính điểm vôi hóa động mạch vành tim

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lâm Thị Kim Chi - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Vôi hóa động mạch vành là một bệnh lý tim mạch gây ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống con người. Vì thế, phương pháp chụp cắt lớp vi tính điểm vôi hóa động mạch vành ra đời giúp các bác sĩ có thể chẩn đoán và đưa ra phương thức điều trị cho người bệnh.

1. Hiện tượng vôi hóa mạch vành tim là gì?

Vôi hóa động mạch vành tim là hiện tượng lắng đọng canxi mạch vành. Đây là một phần trong quá trình phát triển sang thương xơ vữa động mạch. Hiện tượng này chỉ xảy ra tại các động mạch bị xơ vữa và không xuất hiện trong thành động mạch bình thường.

Canxi xuất hiện với một lượng nhỏ ở trong các tổn thương xơ vữa động mạch sớm (hình thành trong những năm đầu 20-30 tuổi) và được tìm thấy nhiều hơn và thường xuyên hơn khi tuổi lớn dần. Tần suất mắc bệnh tăng cao từ sau 50 tuổi ở nam và 60 tuổi ở nữ.

Ngoài ra, tình trạng mạch vành bị vôi hóa còn có thể hiểu là sự xơ vữa hoặc xơ cứng của thành động mạch. Nguyên nhân chủ yếu gây ra do sự lắng đọng của cholesterol và quá trình lão hóa. Xơ vữa động mạch làm giảm tính đàn hồi của mạch máu theo thời gian và tuổi tác.

Xơ vữa động mạch vành
Tình trạng xơ vữa động mạch vành

2. Các yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch vành

Các yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch vành có thể thay đổi được hoặc không thể thay đổi được.

Các yếu tố không thể thay đổi được như tuổi tác hay giới tính,...

  • Khi tuổi bạn càng cao thì nguy cơ mắc động mạch vành càng tăng
  • Sau khi mãn kinh nữ giới có nguy cơ mắc bệnh động mạch vành cao hơn rất nhiều.
  • Tiền sử trong gia đình những người cần huyết với bạn bị các tai biến tim mạch khi với độ tuổi ở nam < 55 tuổi và ở nữ < 65 tuổi. Thì bạn có nguy cơ bị bệnh động mạch vành cao hơn.

Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được như chế độ ăn uống hay chế độ sinh hoạt.

Hút thuốc lá
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch

3. Phương pháp chụp cắt lớp vi tính điểm vôi hóa động mạch vành tim

3.1. Chụp CLVT điểm vôi hóa động mạch vành tim là gì?

Từ lâu, X quang ngực có thể thấy vôi hóa động mạch vành. Tuy nhiên phương pháp này không thể định lượng được mức độ vôi hóa. Ngày nay với sự phát triển vượt bậc của chụp cắt lớp vi tính, giúp con người có thể định lượng vôi hóa mạch vành với thời gian quét tương đối ngắn, giảm thiểu sự chiếu xạ đối với bệnh nhân.

Chụp cắt lớp vi tính điểm vôi hóa động mạch vành là phương pháp chẩn đoán hình ảnh sử dụng máy chụp cắt lớp vi tính và không sử dụng thuốc đối quang iod như phương pháp chụp X quang.

Phương pháp này xác định được mức độ vôi hóa của động mạch vành nhưng không đánh giá được mức độ hẹp và bản chất của mảng xơ vữa động mạch.

Cùng với các yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch vành như đã liệt kê ở mục trên thì việc sàng lọc đánh giá điểm vôi hóa động mạch vành giúp xác định yếu tố nguy cơ người bệnh gặp biến cố tim mạch trong tương lai. Mức độ đánh giá nguy cơ mắc bệnh cao hay thấp thường dựa vào hai thuật toán là Framingham và PROCAM.

3.2. Chỉ định và chống chỉ định với phương pháp

Chỉ định

Được sử dụng để sàng lọc đánh giá yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành trong tương lai khi bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch.

Chống chỉ định

Đối với phương pháp này không có chống chỉ định tuyệt đối, chỉ có chống chỉ định tương đối khi phụ nữ có thai.

3.3.Người bệnh cần chuẩn bị gì trước khi chụp CLVT

Người bệnh cần chú ý nghe giải thích về thủ thuật để phối hợp với bác sĩ thực hiện chụp cắt lớp.

  • Bác sĩ có thể yêu cầu bạn tránh uống cà phê và hút thuốc lá trong vòng 4 giờ trước khi chụp.
  • Trước khi chụp yêu cầu bệnh nhân tháo bỏ khuyên tai, vòng cổ, cặp tóc hoặc các dụng cụ kim loại trên người nếu có.
  • Trong trường hợp bệnh nhân quá kích thích thì nên sử dụng liều an thần nhẹ để quá trình chụp diễn ra thuận lợi hơn.
Điểm vôi hóa động mạch vành tim
Kết quả chụp điểm vôi hóa động mạch vành tim

3.4. Các bước tiến hành chụp cắt lớp vi tính điểm vôi hóa động mạch vành tim

  • Đặt người bệnh lên bàn chụp với tư thế nằm ngửa.
  • Tiếp đó lắp cổng điện tâm đồ (ECG).
  • Kiểm tra nhịp tim của bệnh nhân trên màn hình tại máy chụp.
  • Chụp định vị động mạch vành đánh giá điểm vôi hóa: trường chụp từ chạc ba khí phế quản tới hết mỏm tim. Độ dày lớp cắt 3mm, mức tái tạo hình ảnh mỏng hơn với lớp cắt chồng để đánh giá tốt hơn mức độ vôi hóa.
  • Xử lý đánh giá điểm vôi hóa tại khu vực làm việc hoặc máy chụp. Tùy thuộc từng loại máy khi chụp mà cách tính điểm vôi hóa sẽ dựa trên các thuật toán tính khác nhau. Nhưng nhìn chung có ba loại thang điểm tính vôi hóa hay được sử dụng là thang điểm Agatston.
  • Thang điểm Agatston được dựa trên lượng calci được tìm thấy trong động mạch vành của bệnh nhân, bao gồm điểm cho mỗi động mạch lớn và tổng số điểm.
  • Kết quả âm tính nếu không thấy vôi hóa động mạch vành: nguy cơ đau tim trong vòng 2-5 năm tới là thấp
  • Kết quả dương tính: tìm thấy vôi hóa động mạch vành. Đây là dấu hiệu của xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành. Thang điểm Agatston càng cao, xơ vữa động mạch càng nặng.

3.5. Nguy cơ khi chụp cắt lớp vi tính tính điểm vôi hóa động mạch vành tim

Đây là kỹ thuật không xâm lấn, không sử dụng thuốc cản quang tĩnh mạch nên ít có nguy cơ gây hại cho bệnh nhân. Liều tia sử dụng trong quá trình chụp thường không lớn. Tổng liều bức xạ bệnh nhân nhận được khoảng bằng với liều bức xạ do tiếp xúc với tự nhiên trong vòng 1 năm.

3.6. Lưu ý

Phương pháp chụp cắt lớp vi tính điểm động mạch vành tim không gây tai biến. Chỉ có những sai sót trong quá trình thực hiện kỹ thuật.

  • Trong quá trình chụp chiếu người bệnh không nằm im bất động gây ảnh hưởng đến kết quả chụp
  • Kết quả chụp không bộc lộ rõ nét hình ảnh khi đó cần phải thực hiện lại.
Khám sàng lọc tim mạch, khám bệnh
Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm bệnh lý
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

994 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan