Chụp cộng hưởng từ có hại cơ thể không?

Chụp cộng hưởng từ là phương pháp tiên tiến với kết quả chẩn đoán chính xác cao nên đã và đang được ứng dụng tại nhiều bệnh viện lớn hiện nay. Kỹ thuật sử dụng sóng từ trường và sóng radio, vậy thực chất chụp cộng hưởng từ có hại không?

1. Chụp cộng hưởng từ là gì?

Chụp cộng hưởng từ (chụp MRI) là kỹ thuật sử dụng máy cộng hưởng từ để tạo ra hình ảnh lát cắt của các bộ phận trên cơ thể, giúp bác sĩ kiểm tra, đánh giá bệnh lý mà không cần can thiệp xâm lấn. Phương pháp này được sử dụng để theo dõi mức độ đáp ứng với việc điều trị và hỗ trợ chẩn đoán một số bệnh lý gồm:

  • Bệnh lý về tim, gan, thận,...;
  • Bệnh ở não và tủy sống;
  • Dị dạng trên cơ thể;
  • Kiểm tra các khối u, nang bất thường trên các cơ quan khác nhau của cơ thể;
  • Chẩn đoán các chấn thương;
  • Đánh giá các cơn đau vùng chậu ở phụ nữ;
  • Các bệnh lý liên quan tới xương khớp như đứt dây chằng, thoát vị đĩa đệm,...

Ưu điểm của kỹ thuật chụp cộng hưởng từ:

  • Là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, an toàn, không độc hại và không gây ảnh hưởng bởi tia xạ;
  • Có nhiều ứng dụng trong việc chẩn đoán, hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý khác nhau;
  • Có độ phân giải mô mềm cao;
  • Có thể chụp được mạch máu não kể cả khi không sử dụng thuốc đối quang từ;
  • Hiển thị hình ảnh tốt hơn chụp X-quang và chụp cắt lớp vi tính;
  • Đánh giá chính xác tình trạng tưới máu não và các chấn thương do thể thao.
chụp cộng hưởng từ 1.5 Tesla
Chụp cộng hưởng từ (chụp MRI) là kỹ thuật sử dụng máy cộng hưởng từ để tạo ra hình ảnh lát cắt của các bộ phận trên cơ thể

2. Chụp cộng hưởng từ có hại không?

Chụp cộng hưởng từ là phương pháp tương đối an toàn, chính xác và không xâm lấn. Thực tế cho thấy kỹ thuật này đã và đang dần thay thế cho nhiều phương pháp sử dụng thiết bị xâm nhập cơ thể (gây đau đớn, nguy hại cho người bệnh).

Thông thường, chụp MRI có thể phát hiện được những bất thường ẩn sau lớp xương mà không cần sử dụng tia X (như chụp X-quang hay CT scan) nên không cần lo lắng về các tác dụng phụ.

Chụp cộng hưởng từ cũng được chứng minh là vô hại với thai nhi. Tuy vậy, phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu (giai đoạn hình thành các cơ quan của thai nhi) vẫn nên thận trọng, chỉ chụp cộng hưởng từ khi thực sự cần thiết, có sự chỉ định của bác sĩ.

Tuy không gây hại cho cơ thể nhưng từ trường cao của máy chụp cộng hưởng từ có thể gây hại cho các thiết bị cấy ghép bằng kim loại trong cơ thể. Từ trường phát ra của máy rất mạnh, có thể phá hỏng máy khử rung, máy tạo nhịp nhân tạo ở tim; di chuyển các kẹp mạch máu ở não gây xuất huyết não; di chuyển dị vật kim loại ở mắt gây rách võng mạc và mù mắt,... Bên cạnh đó, một số trường hợp cần tiêm thuốc tương phản cũng có thể gặp phải một số triệu chứng dị ứng như chóng mặt, đau đầu, buồn nôn và nôn, tê rần chân tay, nổi mẩn ngứa,... Các tác dụng phụ này thường nhẹ, mất hẳn nếu dùng thuốc chống dị ứng.

Chụp MRI
Tuy không gây hại cho cơ thể nhưng từ trường cao của máy chụp cộng hưởng từ có thể gây hại cho các thiết bị cấy ghép bằng kim loại trong cơ thể

3. Lưu ý để đảm bảo an toàn khi chụp MRI

Người được chỉ định chụp MRI nên chú ý tới một số vấn đề sau để đảm bảo an toàn và thu được kết quả chẩn đoán chính xác:

  • Tháo các vật dụng bằng kim loại trên cơ thể như trang sức, đồng hồ, răng giả, thẻ ATM, chìa khóa từ,...;
  • Phối hợp với nhân viên y tế sử dụng các dụng cụ chuyên dụng để kiểm tra các dị vật, thiết bị kim loại đặt trong cơ thể. Người có dị vật bằng kim trọng trong mắt, tim, não, phổi,... không nên chụp MRI. Nếu có dị vật kim loại ở những vị trí khác thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ để quyết định có nên chụp MRI không;
  • Hình xăm trên cơ thể hoặc mỹ phẩm trang điểm môi, mí mắt,... có ánh kim thường có chứa một ít kim loại bên trong nên da tại vị trí đó có thể bị nóng lên khi chụp cộng hưởng từ. Các dấu hiệu này thường nhẹ và thoáng qua. Tuy nhiên, bệnh nhân cũng chú ý nên hạn chế trang điểm khi chụp MRI;
  • Nhịn đói 4 - 6 tiếng trước khi chụp cộng hưởng từ kiểm tra bệnh lý trên gan, mật;
  • Với trường hợp cần tiêm thuốc tương phản, cần thông báo cho bác sĩ về tiền sử dị ứng thuốc bởi thuốc có thể gây ra một số triệu chứng dị ứng;
  • Các trường hợp tiêm thuốc tương phản vào tĩnh mạch ở vùng cổ tay hoặc cẳng tay, người bệnh có thể cảm thấy hơi đắng ở lưỡi hoặc toàn thân ấm lên. Đây là triệu chứng bình thường và sẽ tự hết sau khoảng 2 - 5 phút;
  • Người có hội chứng sợ không gian hẹp không nên thực hiện phương pháp này để tránh hoảng loạn tinh thần.
  • Nằm yên và không cử động trong khi chụp MRI.

Chụp cộng hưởng từ góp phần chẩn đoán chính xác các bệnh lý về xương khớp, ung thư,... từ đó giúp quá trình điều trị bệnh diễn ra thuận lợi và hiệu quả hơn. Phương pháp này không gây hại cho sức khỏe vì không sử dụng bức xạ ion. Tuy nhiên, nếu không tuân thủ các quy định an toàn trước, trong và sau khi chụp thì có thể gây hại cho sức khỏe bệnh nhân và ảnh hưởng tới thiết bị chụp. Do đó, bệnh nhân cần tuân thủ đúng các lưu ý an toàn đã được đề cập ở trên.

MRI tử cung
Chụp cộng hưởng từ góp phần chẩn đoán chính xác các bệnh lý về xương khớp, ung thư,...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

25.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan