Chụp X-quang cho trẻ cần chú ý những điều gì?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Như Tú và Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hồng Vũ - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Câu hỏi cho trẻ sơ sinh chụp X-quang có hại không được rất nhiều phụ huynh quan tâm và lo lắng vì nếu tia X không được sử dụng đúng cách sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của mọi đối tượng từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ đến người lớn.

1. Chụp X-quang là gì?

Tia X hay X – quang là một dạng sóng điện từ. Bước sóng rơi vào khoảng từ 0,01 đến 10 nanomet. Bước sóng của tia này ngắn hơn tia tử ngoại và dài hơn tia gamma. Tia X có khả năng xuyên qua vật chất nên thường được dùng trong chẩn đoán y tế, nghiên cứu tinh thể,...

Máy chụp X-quang phát ra các chùm tia X có bức xạ cao, các tia X này xuyên qua các mô mềm và thành phần dịch trong cơ thể dễ dàng, từ đó tạo hình ảnh, các bác sĩ sẽ dựa vào hình ảnh này để chẩn đoán bệnh.

Các mô đặc như xương sẽ cản trở tia X nhiều. Mô có độ đậm đặc cao thì càng ít tia X xuyên qua. Không khí và nước cho độ đậm thấp hơn vì các phân tử cấu thành liên kết không chặt chẽ, tia X dễ dàng xuyên qua.

Việc thực hiện chụp X-quang là chỉ định cần thiết trong chẩn đoán nhiều bệnh, đặc biệt là các bệnh liên quan đến xương khớp, hô hấp, tim mạch.

chụp x quang viêm phổi
Thực hiện chụp X-quang để chẩn đoán các bệnh về hô hấp

2. Chụp X-quang có hại cho bé không?

Chụp X-quang là một chỉ định cần thiết để chẩn đoán nhiều bệnh lý cho trẻ mà không hề gây hại đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Ngay cả khi bắt buộc phải chụp X-quang 2 lần/ tuần, thì sóng điện từ trong chẩn đoán y khoa cũng rất thấp, mức độ ảnh hưởng rất an toàn.

Điều đáng chú ý là tia X có khả năng gây ion hóa hoặc phản ứng có thể nguy hiểm cho sức khỏe con người. Do đó các thông số như bước sóng, cường độ và thời gian chụp ảnh y tế luôn được điều chỉnh cẩn thận để tránh tác hại của tia X đối với sức khỏe của con người.

Với mức độ phơi nhiễm từ 5 rad (rad đơn vị đo liều lượng bức xạ) trở xuống thì hoàn toàn không ảnh hưởng tới trẻ sơ sinh. Đặc biệt, tia X trong chẩn đoán y khoa liều lượng bức xạ rất thấp, thấp hơn nhiều lần so với mức gây hại cho con người.

tia X
Tia X trong chẩn đoán y khoa hoàn toàn không gây hại cho trẻ

Nhiều phụ huynh lo sợ chụp X-quang có thể ảnh hưởng đến sức khỏe đặc biệt là sức khỏe sinh sản của trẻ sau này, nên đã từ chối chỉ định chụp X-quang của bác sĩ khi con bị bệnh. Đây là những lo lắng vô căn cứ và có thể ảnh hưởng đến quá trình chẩn đoán, điều trị bệnh của bác sĩ cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ.

3. Chụp X-quang cho bé có lưu ý gì?

Khi chụp X – quang cho trẻ sơ sinh tuy không gây nguy hiểm nhưng tia X lại rất độc hại, nếu chụp X - quang không được tiến hành trong điều kiện an toàn, phòng chụp không đúng tiêu chuẩn, thiết bị chụp không an toàn do Bộ Y tế và tổ chức thế giới thẩm định, bác sĩ chụp không có chuyên môn và kiến thức đầy đủ cũng sẽ gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh.

Vì thế, các bậc phụ huynh nên cho con tới những cơ sở y tế uy tín để đảm bảo sức khỏe cho bé.

Chụp X - quang thông thường là không ảnh hưởng tới trẻ sơ sinh, tuy nhiên các bậc phụ huynh cũng cần phải hạn chế cho trẻ chụp X - quang quá nhiều (tần số chụp và thời gian chụp). Chỉ nên chụp khi có chỉ định của bác sĩ, không tự ý cho trẻ đi chụp X – quang.

Có thể hỏi bác sĩ về các đồ bảo hộ như sự cần thiết của áo chì để phủ cho bé, thuốc cản quang nếu có...Khi chụp cho trẻ, phụ huynh cần thông báo rõ ràng về tình trạng của trẻ để bác sĩ có những quyết định đúng đắn cũng như cần nói trước để trẻ hiểu và hợp tác trong quá trình chụp X – quang.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

84.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan