Cuồng nhĩ là gì? Những yếu tố làm tăng nguy cơ cuồng nhĩ

Cuồng nhĩ là tình trạng rối loạn nhịp tim thường gặp thứ 2 sau rung nhĩ. Bệnh không có những triệu chứng cụ thể và khó nhận biết được cho đến khi trở nên nặng hơn.

1. Cuồng nhĩ là gì?

Bệnh cuồng nhĩ xảy ra khi tim có hiện tượng các tâm nhĩ bắt đầu đập nhanh hơn do có quá nhiều luồng xung điện bất thường. Các tâm nhĩ rung lên khi chúng cố gắng co nhưng sự co thắt này xảy ra với tốc độ quá nhanh. Các tâm nhĩ có thể đập đến 300 lần/ phút, thay vì từ 60 đến 100 lần/phút như bình thường.

2. Yếu tố nguy cơ mắc bệnh cuồng nhĩ

Cuồng nhĩ là bệnh phổ biến ở người lớn tuổi. Thông thường, tỷ lệ nam giới có nguy cơ mắc bệnh cuồng nhĩ cao hơn nữ giới.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ cuồng nhĩ là:

  • Tuổi tác: Người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường;
  • Tiền sử bệnh: Người có tiền sử mắc bệnh tim mạch, các vấn đề về van tim, có tiền căn nhồi máu cơ tim và phẫu thuật tim;
  • Tăng huyết áp: Nếu không được kiểm soát tốt, người bệnh có thể tăng nguy cơ mắc bệnh cuồng nhĩ;
  • Nghiện rượu bia;
  • Tiền sử gia đình có người mắc bệnh cuồng nhĩ.

3. Nguyên nhân gây bệnh cuồng nhĩ

Phân biệt đột quỵ với nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim có thể gây ra bệnh cuồng nhĩ

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh cuồng nhĩ, trong đó nguyên nhân chính là các bệnh lên đến tim như:

  • Tăng huyết áp
  • Nhồi máu cơ tim
  • Bất thường van tim
  • Dị tật tim bẩm sinh
  • Cường giáp
  • Sau phẫu thuật tim hở
  • Sau phẫu thuật lớn ngoài tim
  • Sau phẫu thuật sửa chữa tim bẩm sinh

4. Triệu chứng bệnh cuồng nhĩ

Các dấu hiệu chính của cuồng nhĩđánh trống ngực, chóng mặt, đầu lâng lâng, muốn ngất, đột ngột thay đổi về khả năng nói, ăn uống, đi lại hay cử động chi.

Có thể có các dấu hiệu khác như đau thắt ngực hoặc suy tim. Khi bị đau thắt ngực người bệnh sẽ có cảm giác đau ở tim, nguyên nhân là do lượng máu được cung cấp đến tim bị giảm.

Ngoài ra, với trường hợp có triệu chứng suy tim, người bệnh có thể gặp các vấn đề về hô hấp hoặc ngất xỉu.

5. Chẩn đoán bệnh cuồng nhĩ

Siêu âm tim tại bệnh viện
Siêu âm tim

Chẩn đoán cuồng nhĩ dựa trên bệnh sử, khám thực thể và điện tâm đồ (ECG). ECG cho cái nhìn về hệ thống dẫn truyền của tim và giúp xác nhận chẩn đoán:

  • Dựa vào sóng F trên điện tâm đồ
  • Dạng răng cưa đều
  • Rõ nhất ở II, III, aVF
  • F(+) V1, V2
  • F(-) V5, V6
  • Giống P đơn độc ở các chuyển đạo trước tim
  • Cuồng nhĩ ngược chiều kim đồng hồ F (-) II, III, aVF, V6 F(+) V1
  • Cuồng nhĩ cùng chiều kim đồng hồ F (+) II, III, aVF và thường có khuyết.

Ngoài ra, siêu âm tim cũng có thể được thực hiện. Thủ thuật này sẽ cho thấy sự chuyển động của các tâm nhĩ và phát hiện xem có máu đông trong các tâm nhĩ hay không.

Bác sĩ cũng có thể đề nghị các xét nghiệm để loại trừ các bệnh lý khác. Ngoài ra, bác sĩ có thể tiến hành chụp tia X quang để thấy được tình trạng của phổi và tim.

6. Điều trị bệnh cuồng nhĩ

Mục đích chính của việc điều trị là khắc phục nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim, đồng thời làm chậm số lần tim đập và ngăn ngừa sự hình thành máu đông nhằm giữ cho tim đập bình thường. Phương pháp điều trị phụ thuộc vào triệu chứng và nguyên nhân gây ra bệnh. Một số thuốc sẽ giúp kiểm soát tần số co của các tâm thất để lấy lại nhịp đập bình thường của tim. Phương pháp này còn được gọi là khử rung bằng thuốc.

Nếu thuốc không có tác dụng hoặc người bệnh có các triệu chứng trầm trọng hơn, bác sĩ sẽ tiến hành dùng biện pháp sốc điện cho tim (khử rung bằng điện). Dòng điện ngắn đó sẽ làm ngưng hoạt động điện của tim để lấy lại nhịp đập bình thường của tim.

Nếu các phương pháp này không có hữu ích, bác sĩ sẽ đề xuất sử dụng phương pháp khảo sát điện sinh lý (EPS). Thông qua kết quả phân tích EPS, bác sĩ sẽ quyết định lựa chọn các biện pháp chữa trị khác như: Đốt sóng cao tần, đặt máy tạo nhịp và phẫu thuật.

7. Phương pháp phòng bệnh cuồng nhĩ

Phụ nữ hút thuốc lá
Ngừng hút thuốc giúp phòng bệnh cuồng nhĩ

Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp hạn chế diễn tiến bệnh cuồng nhĩ:

  • Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến bệnh cũng như tình trạng sức khỏe của bạn
  • Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn
  • Ngưng hút thuốc
  • Hạn chế sử dụng các chất có cồn
  • Dùng thực phẩm khỏe cho tim mạch, giảm thiểu lượng chất béo
  • Giảm cân nếu bạn đang bị thừa cân
  • Giảm căng thẳng
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

163 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan