Đã chảy máu chân răng còn hôi miệng là bị bệnh gì?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Chảy máu chân răng có nhiều nguyên nhân xảy ra, có thể là do sử dụng chỉ nha khoa hoặc tăm để loại bỏ thức ăn bên trong kẽ răng. Tuy nhiên, nếu chảy máu chân răng đi kèm với tình trạng hôi miệng thì cần xem xét các nguy cơ có thể xảy ra, bởi trong một số trường hợp để kéo dài, chảy máu chân răng gây hôi miệng có thể diễn tiến theo chiều hướng tiêu cực, khiến chân răng suy yếu và rụng.

1. Đã chảy máu chân răng còn hôi miệng là bị bệnh gì?

Chảy máu chân răng là một dạng bệnh lý về răng miệng thường gặp, nguyên nhân chủ yếu là do chăm sóc răng miệng chưa đúng cách. Tuy không phải bệnh nguy hiểm nhưng nếu chủ quan sẽ gây ra khó chịu trong sinh hoạt hàng ngày. Bệnh hôi miệng là chứng bệnh khi miệng một người phát ra hơi thở có mùi hôi hoặc mùi khó chịu khi nói. Các nguyên nhân dẫn đến hôi miệng như: Viêm lợi, viêm quanh răng, viêm amidan.

Nếu chảy máu chân răng đi kèm với tình trạng hôi miệng thì cần xem xét các nguy cơ có thể xảy ra. Bởi trong một số trường hợp để kéo dài, chảy máu chân răng gây hôi miệng có thể diễn tiến theo chiều hướng tiêu cực, khiến chân răng suy yếu và rụng. Vậy đã chảy máu chân răng còn hôi miệng là bị bệnh gì? Dưới đây là một số bệnh có thể gây ra hiện tượng chảy máu chân răng kèm theo chứng hôi miệng. Cụ thể:

  • Viêm lợi: Hay còn gọi là viêm nướu. Bệnh xuất phát khi nướu răng có các mảng bám, sưng đỏ và chảy máu. Viêm lợi thường là hệ quả do vệ sinh răng miệng kém khiến vi khuẩn tích tụ trong nướu. Các vi khuẩn gây hại thường phân hủy mảng thừa bám ở kẽ răng, đây là nguyên nhân gây ra hôi miệng ở người bệnh. Viêm lợi cũng có thể gây nên tình trạng đau khi nhai, răng lung lay nhẹ do dây chằng quanh răng bị viêm...
  • Tiểu đường: Hôi miệng và chảy máu chân răng là dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Nguyên nhân là do cơ thể sẽ giảm sản xuất insulin (có vai trò chuyển hóa lượng đường trong máu thành năng lượng) nên người bị tiểu đường suy yếu hệ miễn dịch, dễ gặp phải các vấn đề về răng miệng. Tình trạng khó đông máu khiến chân răng chảy máu kéo dài do nồng độ đường trong máu cao.
  • Vệ sinh răng miệng kém: Đây được xem là nguyên nhân phổ biến gây ra chảy máu chân răng kèm hôi miệng. Nếu không vệ sinh răng miệng đúng cách sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, gây tổn thương nướu và làm phát sinh mùi hôi.
  • Sâu răng: Nguyên nhân sâu răng là do vi khuẩn xâm nhập, gây ra quá trình hủy khoáng và làm mất mô cứng của răng. Triệu chứng nhận biết sâu răng là sự xuất hiện các lỗ nhỏ trên răng, đau nhức, chảy máu chân răng, hôi miệng...
  • Viêm quanh răng: Các mô bao quanh cuống răng bị viêm và sưng. Nguyên nhân là do nhiễm vi khuẩn, sang chấn răng. Các dấu hiệu sốt cao, môi khô, chảy máu chân răng, hôi miệng là triệu chứng của viêm quanh răng cấp tính.
  • Viêm nha chu: Đây là dạng nhiễm trùng lợi nặng, các triệu chứng gồm đau khi nhai, răng lung lay, sưng nướu, dễ chảy máu răng, hôi miệng, có mủ. Viêm nha chu nếu để kéo dài, chân răng có thể bị hư hại dẫn đến tình trạng mất răng hoặc viêm khớp dạng thấp, các bệnh hô hấp, đột quỵ,...
  • Thiếu canxi và vitamin: Thiếu hụt canxi dễ gây loãng xương, sâu răng và có nguy cơ bị viêm nha chu. Hôi miệng và chảy máu chân răng còn có thể do cơ thể thiếu hụt vitamin K.
  • Ung thư máu: Khi bị chảy máu chân răng, hôi miệng có thể là dấu hiệu bệnh ung thư máu. Trường hợp này hiếm gặp nhưng người bệnh không nên chủ quan, bởi khi bị ung thư máu, bạch cầu thường có xu hướng ăn hồng cầu khiến hồng cầu bị phá hủy, gây thiếu máu và dẫn đến tử vong.
  • Stress, rối loạn nội tiết tố: Stress kéo dài và rối loạn nội tiết tố là nguyên nhân khiến bạn dễ bị chảy máu chân răng, hôi miệng. Yếu tố này làm tăng nguy cơ vi khuẩn xâm nhập gây hôi miệng và viêm ở nướu.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Sử dụng một số loại thuốc có thể gây hôi miệng kèm chảy máu chân răng. Các loại thuốc gồm: Kháng histamin H1, thuốc chống trầm cảm, thuốc lợi tiểu, thuốc kháng sinh, thuốc chống nôn,..
  • Hút thuốc lá: Hút thuốc gây hại đến hệ hô hấp và các vấn đề về răng miệng. Thành phần trong thuốc lá gây hỏng men răng, gai lưỡi phát triển quá mức khiến vi khuẩn xâm nhập, gây hôi miệng, chảy máu chân răng và mất răng.
Chảy máu chân răng
Khi bị chảy máu chân răng, hôi miệng có thể là dấu hiệu bệnh ung thư máu

2. Hiện tượng chảy máu chân răng kèm hôi miệng có nguy hiểm không?

Bị chảy máu chân răng, hôi miệng có thể khởi phát do nhiều yếu tố và bệnh lý khác nhau. Trong trường hợp do rối loạn nội tiết, vệ sinh răng miệng kém, thiếu vitamin,... thì có thể cải thiện các triệu chứng này bằng việc thay đổi lối sống, bổ sung các chất còn thiếu. Tuy nhiên, chảy máu chân răng kèm hôi miệng do bệnh lý thì người bệnh cần phải điều trị để ngăn ngừa tình trạng hoại tử và mất răng.

Trường hợp bị chảy máu chân răng kèm hôi miệng do ung thư máu và tiểu đường thì bạn phải đối mặt với các biến chứng nguy hiểm hoặc thậm chí là tử vong nếu không có phương pháp điều trị đúng và kịp thời. Vì vậy, nếu bị chảy máu chân răng kèm hôi miệng và các biểu hiện khác như giảm cân bất thường, máu khó đông,... thì bạn cần đến cơ sở y tế để bác sĩ khám, tìm ra nguyên nhân và phương pháp điều trị, tránh các biến chứng nguy hiểm.

3. Cách trị chảy máu chân răng gây hôi miệng

Chảy máu chân răng kèm hôi miệng nếu do tiểu đường và ung thư máu, người bệnh cần đến bệnh viện để được điều trị theo phác đồ riêng. Nếu do những nguyên nhân còn lại, có thể áp dụng một số biện pháp sau đây để điều trị:

Điều trị bằng phương pháp y tế:

  • Thuốc kháng sinh: Sử dụng trong trường hợp nhiễm trùng mô nướu và chân răng.
  • Cạo vôi răng để loại bỏ vi khuẩn.
  • Men răng tái sinh nhằm kích thích răng mọc và khỏe mạnh trở lại.
  • Bào láng gốc răng để ngăn chặn quá trình tích tụ cao răng và hỗ trợ loại bỏ vi khuẩn gây viêm.
  • Ghép mô mềm ở vòm họng vào vùng nướu bị ảnh hưởng để tái tạo mô và ổn định chân răng.

Điều trị tại nhà:

  • Súc miệng bằng nước muối sinh lý 2 lần/ ngày để làm giảm vi khuẩn gây hại, hạn chế nhiễm trùng và khử mùi hôi miệng.
  • Uống trà gừng và mật ong để loại bỏ vi khuẩn gây hại, khử mùi hôi do viêm, làm dịu niêm mạc, giảm sưng đau
  • Trà đinh hương giúp loại bỏ mùi hôi trong khoang miệng, ngăn ngừa chảy máu, giảm tình trạng chảy máu chân răng và hôi miệng.
Thuốc kháng sinh điều trị viêm amidan
Sử dụng thuốc kháng sinh trong trường hợp nhiễm trùng mô nướu và chân răng

4. Phòng ngừa chảy máu chân răng kèm hôi miệng

Để chấm dứt tình trạng chảy chân răng kèm hôi miệng, bạn cần thực hiện các phương pháp phòng ngừa sau:

  • Vệ sinh răng miệng 2 lần/ ngày vào sáng sớm và tối trước khi đi ngủ. Khi dùng bàn chải đánh răng, cần chải nhẹ tay và đều toàn bộ hàm răng để loại bỏ mảng bám. Thay bàn chải 3 – 4 tháng/ lần để tránh tình trạng vi khuẩn tích tụ và gây viêm lợi.
  • Súc miệng bằng nước muối pha loãng.
  • Ăn trái cây và rau xanh chứa vitamin C, K và A hàng ngày. Cung cấp đủ canxi cho cơ thể
  • Nghỉ ngơi, vận động điều độ, điều hòa nội tiết. Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, nước ngọt có gas, cà phê,...
  • Sử dụng chỉ nha khoa để loại bỏ thức ăn thừa trong kẽ răng. Hạn chế dùng tăm để xỉa răng vì tăm có thể gây tổn thương nướu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

56.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan